Hột cơm nhà bên – Đường

Tôi có thể nghe thấy tiếng cô ấy đang giận dữ, cô hàng xóm nhà bên của tôi, trong tiếng mưa rơi êm đềm, tôi có thể nghe thấy tiếng cô ấy, thé, đôi chút nghiêm khắc, đôi chút bất bình. “Lại là con em họ” – Tôi nghĩ, xỏ chân vào đôi dép và đi ra cửa. Có tiếng ai đó hỏi tôi đi đâu, có tiếng tôi trả lời rằng ừ thì đi mua chút đường, ừ thì nhà cháu vừa hết ớt. Tôi đưa mắt nhìn nhanh qua ô cửa có vẽ hoa hướng dương, cô ấy đang ngồi đó, trong chiếc áo mỏng, tay đang đập đập cây bút lên trang vở, mái tóc ngang vai xõa xuống, che gần hết khuôn mặt. Bỗng, cô ấy ngước lên, đôi mắt đầy vẻ chán ghét chạm vào mắt tôi, trong khoảnh khắc, rồi lại chuyển sự chú ý về những trang vở.

Tôi bước tiếp.

Có tiếng ai đó bảo rằng trời mưa to lắm, có tiếng ai đó bảo rằng sẽ cho tôi ớt.

Thằng bạn ở chung nhà càu nhàu, trời mưa mà mày đi đâu cho ướt hết, rồi mua ớt làm gì? Tủ lạnh còn cả đống ra đấy.

Tôi cười. Đã không còn nghe thấy tiếng cô ấy nữa.

Cô hàng xóm của tôi rất ít khi ra đường. Chúng tôi sống trên tầng hai của một khu cư xá, đường đi lại bé tẹo, ấy vậy mà số lần tôi gặp cô ấy có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng tôi thường nghe thấy tiếng cô ấy, tôi nghe thấy tiếng cô ấy nói, tôi nghe thấy tiếng cô ấy tranh cãi với mẹ, tôi nghe thấy tiếng cô ấy cười, tôi nghe thấy tiếng cô ấy hát véo von trong phòng tắm. Thỉnh thoảng, tôi nghĩ, mình đã nghe thấy tiếng cô ấy khóc. Thằng bạn ở chung nhà, khi chưa có người yêu đôi lúc vui miệng bắt đầu câu chuyện phiếm với đề tài như  mày nghĩ con bé nhà bên bao nhiêu tuổi. Nghe giọng trẻ đấy, chắc chừng mười lăm thôi nhỉ. Mà không, nếu mười lăm thì sẽ phải thấy nó mặc đồng phục rồi. Không biết con bé có bạn trai chưa nhỉ.Ờ mà tao vẫn chưa thấy rõ mặt nó nữa.

Cô hàng xóm của tôi hai mươi mốt tuổi, lớn hơn chúng tôi hai tuổi. Cái tin đó được thằng bạn đem về sau một hồi ngồi lê đôi mách.

Lần đầu tiên tôi thấy cô ấy là khi cô ấy trèo ra ngoài mái tôn. Cô ấy ngồi trên mái tôn với chiếc váy xanh hoa trắng dài chấm gót, tay cầm một chiếc máy chụp hình. Vẻ mặt trẻ con tươi cười rất thỏa mãn.Tôi giấu mình sau những lá sách của cửa sổ, ánh nắng chiều hắt vào chói cả mắt.

Cô hàng xóm của tôi hay hát, cô ấy hay hát nhạc xưa, giọng nghe não nề. Tôi nghĩ, không biết cô ấy đã từng yêu hay chưa, không biết đã từng đau hay chưa. Hai mươi mốt tuổi, có thể đã bước qua dăm ba mối tình. Thằng bạn tôi bảo, chị nhà bên ấy, đến giờ vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào đâu. Tôi hỏi, sao mày biết? Mẹ chị ấy nói, thằng bạn vênh vênh cái mặt.

Vậy à. Tôi đáp.

Đồng tước xuân thâm tỏa nhị kiều
Ngây ngây thơ thơ
Họ lặng lẽ và ngơ ngác

Tôi bất giác nhớ đến truyện ngắn Tỏa Nhị Kiều của Xuân Diệu. Cô hàng xóm của tôi ấy, cũng là một hột cơm.

Những khi tôi thấy cô ấy trên hành lang, cô ấy đều đi lướt qua, rất lạnh lùng. Tôi nghĩ có khi cô ấy cũng không nhớ tôi cũng nên, nhưng tôi lại nhớ cô ấy rất rõ. Cái mũi trẻ con, đôi môi trẻ con, khuôn mắt trẻ con, chỉ có đôi con ngươi lại vô cùng đáng ghét. Đôi con ngươi của một người đã trưởng thành.

Có lần, tôi thấy cô ấy ngoài phố, cô ấy đang đi mua màu vẽ ở một cái sạp nhỏ bên cạnh một nhà sách. Cô ấy bảo với ông chủ, sao mắc thế, ông chủ bảo, mắc đâu nào, chẳng có ai bán lẻ màu cho cháu như chú thế này đâu, cô ấy cười, cháu là khách quen mà, bớt chút đi. Những người đàn ông ngồi chơi xung quanh sạp hàng góp đôi ba tiếng. Nét cười ẩn ẩn trên môi của tất cả bọn họ. Thế cháu lấy gì, ông chủ hỏi. Như lần trước, à, lấy cho cháu thêm cái màu xanh mà chú giới thiệu ấy. Ừ, màu xanh đó mới đúng là màu xanh gốc. À, cháu đã xem lại rồi, terre verte không phải là màu đỏ đâu, nó trông gần như xanh rêu ấy, cơ mà tươi hơn một chút. Thế à? Cháu có in hình ra đây, chú xem, tuýp màu này đề là terre verte này.

Bỗng nhiên, tôi nhận ra, có một lằn ranh giữa chỗ cô ấy và chỗ tôi. Lúc nào cũng vậy, ở trên hành lang, ở ngoài phố, lằn ranh giữa chúng tôi, là bức tường, là những lá sách, là ô cửa kính có vẽ hoa hướng dương, là những viên gạch và là những viên màu bé tẹo trông như những viên đường, lúc nào cũng hiện hữu.

Một chiều mưa, tôi bị đánh thức dậy bởi một tiếng khóc. Tôi lắng tai nghe, giữa màn mưa ồn ã, vẫn có thể nhận thấy nó, đang xuyên qua tiếng mưa, như một mũi lao. Tôi thở ra, rồi áp sát lưng mình vào bức tường, những bước sóng dội vào tường run rẩy. Tiếng gào khóc. The thé, đau đớn, như thể một con thú bị thương, như thể đã chạm đến nơi tận cùng của nỗi-thống-khổ-không-thể-chấp-nhận.

Như thể thế giới đã hoàn toàn rụi nát.

Mưa và tiếng khóc, đó là lúc bắt đầu mùa hè.

Khi tôi trở lại, đã là ba tháng sau, thằng bạn háo hức báo tin, mày biết gì chưa, chị nhà bên sắp lấy chồng. Lấy ai? Mày nói chị ấy chưa có người yêu cơ mà, tôi hỏi, thấy tim mình dường như hẫng một nhịp. Tao không biết, nhưng thấy mẹ chị ấy đang đi đưa thiệp kia kìa.

Tôi xỏ dép, bước qua ngoài hành lang hút thuốc. Chín giờ sáng, khu cư xá nằm hướng Tây, nắng không quá gay gắt, thoáng thấy dáng cô ấy bước ra, tay cầm túi rác đen. Cô ấy nhìn tôi, gật đầu mỉm cười, đôi môi trẻ con ấy mấp máy tên tôi, rồi nhanh chóng vào nhà, cánh cửa ra vào, cũng có vẽ những bông hoa hướng dương rực rỡ, khẽ khàng đóng lại.

Vài tháng nữa thôi, sẽ không còn thấy bóng váy xanh trên mái tôn, sẽ không còn nghe tiếng cô ấy giận dữ khi dạy học cho con bé em họ, sẽ không còn nghe thấy tiếng hát não nề, và tiếng gào khóc thê lương đó…

Và tôi thì cũng không cần phải đi mua ớt nữa.

Tôi nhả ra một đụm khói, nhìn nó bay lên không trung, dần dần mất hút. Chín giờ sáng, khu cư xá nằm yên ả trong những âm thanh loạn đả của xe cộ, của những tiếng chào hàng, của tiếng mèo kêu, của tiếng chó sủa.

Chim hồng nhạn đã bay rồi. (1)

Vẫn chưa biết tên của cô hàng xóm nhà bên

(1) Nguyên tác là “Thấy chim hồng nhạn bay đi”, một truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu.


Đây là truyện gốc của chị Đường, được in trong tập truyện ngắn Sống của chị ấy, từ trang 16 đến trang 22. Tác phẩm dự thi cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V.

Nguồn trên Internet: Cô hàng xóm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang