Hột cơm nhà bên
Tôi lại cáu giận nữa rồi. Vẫn là con em họ lúc dễ thương, lúc lại dễ ghét của tôi. Đôi lúc nó dễ thương kinh khủng, nó khiến tôi luôn cười tít mắt với nó. Nhưng ngay lúc này đây thì tôi không thể kiềm chế được tâm trạng của mình. Miệng tôi lại thốt ra những âm từ khó nghe, thé, đôi chút nghiêm khắc, đôi chút bất bình. Tôi cảm thấy mình như vậy mỗi khi giận dữ. Mưa đang rơi êm đềm, những hạt mưa rơi tí tách, trong căn phòng nhỏ bé, không khí như cô đặc lại, se lạnh và siết chặt lấy người tôi. Có tiếng ai đó xỏ chân vào đôi dép, có tiếng ai đó mở cửa rất gần, đi rất vội. “Lại là anh chàng nhà bên”, tôi nghĩ vậy. Có tiếng ai đó hỏi đi đâu, rồi có tiếng ai đó trả lời rằng ừ thì đi mua chút đường, ừ thì nhà cháu vừa hết ớt.
Tôi ngồi bên cửa sổ, trong chiếc áo tay mỏng, tay đang đập đập cây bút lên trang vở, mái tóc ngang vai xõa xuống, che gần hết khuôn mặt. Tôi cố kìm nén sự giận dữ của mình, tôi ngước mắt lên nhìn mưa để cơn nóng trong người được phần nào dịu bớt. Tôi thấy cặp mắt ấy đang nhìn tôi, tôi cố mỉm cười với cậu ta nhưng không thể, đôi mắt tôi đầy vẻ chán ghét và giận dữ. Tôi không thể kiềm chế cơn tức giận của mình, nó làm tôi khổ sở. Ánh mắt ấy vẫn nhìn tôi, bất giác, tôi chuyển sự chú ý trở lại những quyển vở.
Có tiếng bước chân bước đi, tiếng bước chân xa dần, nhỏ dần rồi tắt lịm.
Có tiếng ai đó bảo rằng trời mưa to lắm, có tiếng ai đó sẽ bảo rằng sẽ cho ai kia ít ớt.
Tiếng bước chân quen thuộc ấy lại lớn dần rồi dừng hẳn gần phòng tôi. Có tiếng ai đó càu nhàu, trời mưa mà mày đi đâu cho ướt hết, rồi mua ớt làm gì? Tủ lạnh còn cả đống ra đấy.
Có tiếng cười nho nhỏ vang lên từ phòng bên cạnh, trời vẫn mưa tầm tã nhưng tôi có thể nghe rất rõ. Tôi cũng bất giác cười nhẹ. Tâm trạng tôi đã thoải mái hơn, tôi không còn tức giận nữa.
Tôi rất ít khi ra đường, có lẽ vì vậy mà tôi rất ít khi gặp anh chàng hàng xóm bên cạnh. Và có lẽ anh ta cũng ít khi ra đường như tôi. Hai chúng tôi sống trên tầng hai của một khu cư xá, đường đi bé tẹo. Ấy vậy mà những lần chúng tôi gặp mặt nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng tôi luôn có cảm giác cậu ta luôn ở đâu đó rất gần mình. Tôi có cảm giác cậu ta có thể nghe thấy tiếng tôi nói, nghe thấy tiếng tôi tranh cãi với mẹ, nghe thấy tôi cười, nghe thấy tôi hát véo von một mình trong phòng tấm. Tôi có cảm giác cậu ta muốn biết tôi bao nhiêu tuổi. Mày nghĩ con bé nhà bên bao nhiêu tuổi. Nghe giọng trẻ đấy, chắc chừng mười lăm thôi nhỉ. Mà không, nếu mười lăm thì sẽ phải thấy nó mặc đồng phục rồi. Không biết con bé có bạn trai chưa nhỉ. Ờ mà tao vẫn chưa thấy rõ mặt nó nữa. Những câu nói ấy không biết từ đâu xuất hiện bên tai tôi. Không, anh chàng nhà bên không tò mò về tôi vậy đâu. Nhưng không biết từ đâu trong đầu tôi lại hiện ra những câu hỏi đó.
Tôi hai mươi mốt tuổi, lớn hơn anh bạn phòng bên hai tuổi. Tôi cũng không nhớ rõ tôi biết được điều đó từ khi nào, tôi cũng không biết tại sao mình lại muốn biết điều đó. Có vẻ như cậu ấy cũng biết được điều đó. Có vẻ như cậu bạn của anh ta ngồi lê đôi mách ở đâu đó mà biết được. Nhưng cũng chỉ là suy đoán thôi, tôi cũng không biết rõ và tôi cũng không biết tại sao mình lại nghĩ đến những chuyện đó.
Lần đầu tiên cậu ta nhìn thấy tôi là khi tôi đang trèo ra ngoài mái tôn. Tôi ngồi trên mái tôn với chiếc váy xanh hoa trắng dài chấm gót, tay cầm một chiếc máy chụp hình. Vẻ mặt tôi trông thật trẻ con và tôi đang tươi cười rất thỏa mãn trước cảnh vật trước mắt, thật yên bình. Tôi thấy cậu ta đang giấu mình sau những lá sách của cửa sổ, ánh nắng chiều hắt vào chói cả mắt. Tôi bất giác lại thấy buồn cười hơn. Rồi tôi hướng đôi mắt sang chỗ khác, nơi làm tôi thích thú. Trong bầu trời đã úa vàng, ánh sáng vàng đến chói mắt của hoàng hôn rọi vào những ngôi nhà trước mặt, chiếu xuống những cái bóng dài vô tận. Tôi chụp vội một bức ảnh, trông nó tuyệt đẹp làm sao. Tôi quay lại, định khoe với cậu ấy tấm ảnh vừa mới chụp, không hiểu sao tôi lại nghĩ như vậy. Nhưng đã không còn thấy ai bên cửa sổ nữa.
Tôi có cảm giác như anh chàng nhà bên của tôi vẫn thường nghe tôi hát, tôi không biết sao lại có cảm giác như vậy. Tôi hát không được hay. Tôi có thể hát vu vơ bên cửa sổ, trên bàn học của con em họ, trên ban cong buổi sáng, trong phòng tấm. Tôi thích hát nhạc xưa, giọng hát của tôi không được hay và khi hát dòng nhạc ấy thì trông thật não nề. Bất giác tôi lại nghĩ, anh chàng hàng xóm của tôi không biết đã yêu ai hay chưa. Ở cái tuổi mười chín ấy chắc cũng có một vài mối tình thời học trò rồi, ai mà không vậy. Có hôm mẹ tôi bảo bạn cùng phòng của cậu ta có hỏi gì đó về tôi. Tôi hỏi cậu ta hỏi gì. Mẹ bảo hình như là hỏi tôi mấy tuổi, rồi hình như còn hỏi tôi đã từng yêu ai hay chưa.
Vậy à. Tôi đáp lời mẹ.
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị kiều Ngây ngây thơ thơ Họ lặng lẽ và ngơ ngác
Tôi bất giác nhớ đến truyện ngắn Tỏa Nhị Kiều của Xuân Diệu. Có lẽ tôi cũng là một hột cơm, một hột cơm ngoan ngoãn trong căn nhà nhỏ. Và anh chàng hàng xóm gần nhà tôi, cũng là một hột cơm.
Những lần tôi gặp cậu ta trên hành lang, tôi đều đi lướt qua, rất lạnh lùng. Bởi tôi không tìm được lý do gì để có thể đi một cách chậm chạp. Nhà tôi không hết đường, ớt trong tủ lạnh vẫn còn đầy. Và cho dù hết đường, hết ớt thì tôi cũng phải đi thật nhanh để món ăn gì đó mà tôi hay mẹ tôi đang nấu không bị khét đen trên nồi, những lý do đó khiến tôi càng phải đi nhanh hơn nữa, chứ không phải là đi chầm chậm. Tôi nghĩ chắc cậu ta tưởng tôi không nhớ cậu ta cũng nên. Nhưng làm sao tôi không nhớ được. Người đã chạy đi mua ớt trong trời mưa tầm tã trong khi tủ lạnh còn đầy ớt. Nhưng có lẽ cậu ta cũng không nhớ gì đến tôi đâu. Một đứa con gái đã già thật sự, chỉ có cái mũi trẻ con, đôi môi trẻ con, khuôn mắt trẻ con, tất cả chỉ là giả tạo so với cái tuổi thật của tôi, chỉ có đôi con ngươi lại vô cùng đáng ghét. Đôi con ngươi của một người đã trưởng thành.
Có lần, tôi thấy cậu ta ngoài phố, và tôi nghĩ có lẽ cậu ta cũng thấy tôi chăng, nhưng đó chỉ là cảm tính, tôi không thấy cậu ta nhìn tôi, cậu ta luôn nhìn ở một hướng khác. Lúc đó tôi đang đi mua màu vẽ ở một cái sạp nhỏ bên cạnh một nhà sách. Tôi bảo với ông chủ, sao mắc thế, ông chủ bảo, mắc đâu nào, chẳng có ai bán lẻ màu cho cháu như chú thế này đâu, tôi cười, cháu là khách quen mà, bớt chút đi. Những người đàn ông ngồi chơi xung quanh sạp hàng góp đôi ba tiếng. Nét cười ẩn ẩn trên môi của tất cả bọn họ. Thế cháu lấy gì, ông chủ hỏi. Như lần trước, à, lấy cho cháu thêm cái màu xanh mà chú giới thiệu ấy. Ừ, màu xanh đó mới đúng là màu xanh gốc. À, cháu đã xem lại rồi, terre verte không phải là màu đỏ đâu, nó trông gần như xanh rêu ấy, cơ mà tươi hơn một chút. Thế à? Cháu có in hình ra đây, chú xem, tuýp màu này đề là terre verte này.
Bất chợt, tôi cảm thấy xung quanh tôi luôn có một bức tường vô hình nào đó, ngăn cản tôi với một ai đó. Một người nào đó luôn dõi theo tôi, nhưng lúc nào cũng đứng phía sau bức tường đó, không tiến lên được dù chỉ một bước chân. Lúc nào cũng vậy, ở trên hành lang, ở ngoài phố, là bức tường, là những lá sách, là ô cửa kính có vẽ hoa hướng dương, là những viên gạch và là những viên màu bé tẹo trông như những viên đường, lúc nào cũng hiện hữu.
Một chiều mưa nào đó của một ngày nào đó, tôi đã khóc. Tôi khóc rất nhiều, tiếng khóc rất thanh. Tiếng mưa ồn ã, nhưng dường như không lấp được tiếng khóc bé nhỏ này, nó như một mũi lao, xuyên qua những tiếng mưa, xuyên qua cả những bức tường dày. Và trực giác tôi cảm nhận được, có lẽ nó đã xuyên qua tai của một ai đó. Tôi có cảm giác như có ai đó đang lắng nghe tiếng khóc của tôi, có ai đó đang thở ra, đang áp sát lưng vào tường, những bước sóng dội vào tường rung rẫy. Tiếng gào khóc. The thé, đau đớn, như thể một con thú bị thương đang vùng vẫy thoát ra khỏi con người tôi, như thể đã chạm đến nơi tận cùng của nỗi-thống-khổ-không-thể-chấp-nhận.
Như thể thế giới đã hoàn toàn rụi nát.
Mưa và tiếng khóc, đó là lúc bắt đầu mùa hè. Và tôi cũng sắp phải rời khỏi nơi này.
Khi tôi gặp lại cậu ta, đã là ba tháng sau. Cậu ta trở lại sau kỳ nghỉ hè, và lúc đó, tôi cũng sắp phải rời khỏi khu cư xá này, đến với một cuộc sống mới. Mẹ tôi đang đi đưa thiệp.
Chín giờ sáng, khu cư xá nằm hướng Tây, nắng không quá gay gắt, tôi bước ra ngoài, tay cầm túi rác đen. Thoáng thấy cậu ta ngồi ngoài hành lang, đang hút thuốc. Gương mặt cậu ta thoáng chút trầm tư suy nghĩ. Có lẽ cậu bạn của cậu ta nói cho cậu ta biết một tin gì đó buồn lắm. Tôi nhìn cậu ta, gật đầu mỉm cười, đôi môi đôi môi tôi mấp máy gọi tên cậu, rồi nhanh chóng vào nhà, cánh cửa ra vào, cũng có vẽ những bông hoa hướng dương rực rỡ, khẽ khàng đóng lại.
Vài tháng nữa thôi, sẽ không còn bóng váy xanh trên mái tôn, sẽ không còn phải giận dữ khi dạy học cho con bé em họ, sẽ không còn được hát cái giọng hát não nề, và sẽ không còn phải gào khóc thê lương thê lương nữa… Và có lẽ cũng sẽ không còn ai giấu mình sau những lá sách của cửa sổ, ánh nắng chiều hắt vào chói cả mắt nữa.
Và sẽ không còn ai phải chạy đi mua ớt giữa trời mưa tầm tã nữa.
Tôi vào phòng riêng, đóng sầm cửa lại. Bất giác mắt tôi giàn giụa. Chín giờ sáng, khu cư xá nằm yên ả trong những âm thanh loạn đả của xe cộ, của những tiếng chào hàng, của tiếng mèo kêu, của tiếng chó sủa.
Chim hồng nhạn sắp bay rồi. (1)
Cậu ta, dường như chưa từng nói chuyện với tôi lần nào, dù chỉ là hỏi tên.
(1) Nguyên tác là “Thấy chim hồng nhạn bay đi”, một truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu.
Đây là truyện ngắn được bê nguyên si từ truyện ngắn Hột cơm nhà bên của chị Đường. Lúc trước, đã nhiều năm rồi, tôi đọc quyển sách của chị ấy và rất ấn tượng với truyện ngắn này, tôi đã định viết lại bằng ngôi kể của cô gái nhưng mãi cho đến bây giờ điều đó mới được thực hiện. Tôi viết lại y nguyên truyện gốc, chỉ thay đổi ngôi kể từ chàng trai thành ngôi kể của cô hàng xóm, những câu chữ, những từ ngữ được chép lại y nguyên, chỉ thay đổi đôi chút để phù hợp hơn với ngôi kể, còn lại thì không thay đổi một từ ngữ nào. Tôi cảm thấy rất vui khi làm được điều này, và hy vọng chị Đường sẽ không giận tôi khi tôi đạo lại văn của chị ấy và còn làm cho nó thảm bại đến thảm hại. 🙂
À, mà đây là truyện của chị Đường chứ không phải là truyện do mình sáng tác, xin các bạn đừng hiểu lầm nhé.