Góc khuất của số hóa truyền hình mặt đất
Dự án số hóa truyền hình mặt đất đã hoàn thành được 2/3 lộ trình và sắp sửa hoàn thành vào cuối năm 2020. Việc số hóa mặt đất đã mang đến rất nhiều tiện ích cho người dân, trong đó lợi ích lớn nhất chính là người dân có thể xem được nhiều kênh hơn so với trước kia, chỉ xem được một vài kênh ở khu vực lân cận. Người dân cũng được xem rất nhiều kênh với chất lượng HD và đặc biệt là không bao giờ bị hiện tượng nhiễu sóng (sóng yếu thì đứng hình luôn chứ chất lượng hình ảnh lúc nào cũng tốt). Đặc biệt hơn, người dân được xem đầy đủ các kênh của đài truyền hình Việt Nam VTV và các game show trên VTV, HTV, THVL cũng đều được xem miễn phí.
Mặc dù lợi ích của việc số hóa truyền hình mặt đất là rất lớn, nhưng cũng vẫn có một vài hạt sạn nhỏ trong đề án này. Dù điều này không ảnh hưởng nhiều đến người xem là chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần được biết để dự án này được thực hiện một cách hoàn chỉnh hơn, minh bạch hơn, tránh những kẻ lấy việc công làm lợi riêng. Bài viết này sẽ nói đến vấn đề ở góc nhìn của việc số hóa mặt đất ở khu vực miền Nam. Các khu vực khác có thể giống hoặc không.
Có thể nhiều người còn chưa biết, sau khi triển khai số hóa truyền hình mặt đất, việc phát sóng truyền hình không còn được thực hiện ở các đài địa phương nữa. Công việc phát sóng tính hiệu truyền hình mặt đất được quy định rõ ràng bằng chuẩn DVB-T2 và việc phát sóng này chỉ được thực hiện bởi một công ty duy nhất, công ty TNHH Truyền Hình Kỹ Thuật Số Miền Nam (SDTV). Tất cả các đài truyền hình bắt buộc phải thuê tần số của công ty này nếu muốn phủ sóng bằng chuẩn này.
Việc thuê kênh để phát sóng chương trình không phải là điều mới hay có vấn đề gì bất cập ở Việt Nam hiện nay. Hiện tại Việt Nam có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình như VTVcab, SCTV, HanoiCab, K+, MobiTV, MyTV, Viettel TV, FPT play, Vinasat, VTC… Các dịch trên đa dạng gồm cả trả phí và miễn phí với nhiều kênh truyền hình khác nhau. Tùy theo đặc thù mà đài truyền hình phải trả tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình để thuê tần số phát sóng hay đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình phải trả tiền bản quyền cho đài truyền hình để được phát sóng trên hạ tầng của mình. Ví dụ như một vài đài truyền hình tỉnh phải thuê tần số để phát sóng trên hệ thống của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình, còn đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình lại trả tiền bản quyền cho các kênh như HBO, Fox Movie, AXN, Fashion TV,… nếu muốn phát sóng các kênh này. Kênh Yeah1 TV từng phải ngừng sóng một thời gian vì giá thuê kênh họ phải trả đột ngột tăng ngất ngưởng. Còn VTVcab thì bỏ rất nhiều kênh như HBO, AXN, Cartoon Network,… vì tiền bản quyền tăng cao.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập ở đây chính là ở đơn vị được chỉ định phát sóng chuẩn DVB-T2. Chỉ có một công ty duy nhất được phép phát sóng chuẩn trên theo quy định của chính phủ. Đây chính là nền tảng truyền hình được nhiều người sử dụng nhất nên các đài truyền hình địa phương bắt buộc phải trả tiền để được phát sóng trên nền tảng này. Các đài nhỏ không có nhiều ảnh hưởng nên hầu như đều phải thuê kênh trên các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Truyền hình số mặt đất đang là nền tảng được nhiều người sử dụng nhất, nếu họ không thuê kênh trên hệ thống này thì đài của họ sẽ ít được tiếp cận hơn, có thể họ sẽ phải dừng hoạt động.
Giá để thuê tầng số phát sóng cho công ty SDTV khá “rẻ”, chỉ khoảng 600 triệu đồng/năm cho một điểm phát và 1,4 tỷ đồng/năm nếu sử dụng 2 điểm phát (tính hay nhỉ). Đối với kênh HD thì chi phí thuê kênh sẽ gấp 2,5 hoặc 3 lần giá cho kênh SD (Nguồn: mic.gov.vn). Các đài truyền hình sẽ bắt buộc phải thuê kênh để được phát sóng trên mặt đất, họ không được tự ý phát sóng đài của mình. Vậy là một năm họ cũng phải bỏ ít nhất 600 triệu đồng, tương đương 50 triệu đồng/tháng cho chi phí phát sóng. Khoảng tiền này không phải là nhiều đối với các đài truyền hình lớn, nhưng đối với các đài truyền hình nhỏ (thậm chí chẳng ai thuê quảng cáo) thì đây là một khoảng tiền lớn đối với họ. Nếu chi phí đài tự chi trả không đủ, họ bắt buộc phải cần đến ngân sách của nhà nước. Đây chính là vấn đề bất cập cần bàn luận.
Công ty TNHH Truyền Hình Kỹ Thuật Số Miền Nam (SDTV) là công ty liên doanh giữa TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật Truyền thông HTV (Công ty HTV – TMS) trực thuộc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Vĩnh Long trực thuộc đài PTTH Vĩnh Long. (Nguồn: sdtv.vn) Cả hai công ty này mặc dù trực thuộc đài truyền hình nhưng chúng có bản chất là công ty tư nhân. Hay nói cách khác, đội ngũ lãnh đạo này đã mở các công ty trên nhằm tự làm tự ăn riêng, không dính dáng và chịu sự chi phối của nhà nước. Một công ty được thành lập dựa trên cổ phần của hai công ty tư nhân cũng sẽ mang bản chất của một công ty tư nhân, làm riêng ăn riêng.
Thế nhưng giờ đây chính phủ lại quy định bắt buộc các đài truyền hình phải dừng phát sóng tính hiệu analog và chuyển qua thuê kênh của SDTV để phát sóng tính hiệu digital. Việc này chẳng khác nào sử dụng việc công để thu lợi cho cá nhân. Một lượng tiền không hề nhỏ sẽ đổ vào SDTV mỗi năm, các cổ đông của công ty sẽ hưởng lợi tức như một công ty tư nhân bình thường. Nếu như nhà đài không đủ tiền để chi trả, họ bắt buộc phải cần sự giúp đỡ từ ngân sách nhà nước, thế là tiền công sẽ biến thành tiền tư một cách đường đường chính chính. Điều này khá tương tự như việc các cơ quan hành chính nhà nước phải bắt buộc sử dụng hệ thống chính phủ điện tử theo chủ trương của nhà nước, một số tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu một tháng được trả cho VNPT để thuê các phần mềm này. Đây chính là một hình thức hợp thức hóa việc biến tiền công thành tiền tư bằng cách sử dụng các chính sách từ nhà nước.
Rõ ràng đây là hành vi tham nhũng một cách trắng trợn vì nhà nước hoàn toàn có thể giao việc phát sóng cho một đơn vị do Bộ thông tin và truyền thông lập ra và các nhà đài chỉ phải trả một lượng tiền vừa đủ cho chi phí phát sóng. Hoặc việc phát sóng này cũng có thể được giao lại hoàn toàn cho các đài truyền hình. Đằng này họ lại tạo ra một công ty tư nhân độc quyền được phép phát sóng và bắt buộc các nhà đài phải trả tiền cho công ty trên để được phát sóng đài của mình. Số tiền này sẽ được chia theo cổ phần của các cổ đông mà những người này không ai khác chính là các cán bộ trong lĩnh vực trên.
Còn một vấn đề nhỏ nữa nhưng không lớn bằng vấn đề trên. Đó là một số địa phương được trang bị đầu thu DVB-T2 miễn phí cho người dân, thế nhưng một số cán bộ địa phương lại không thực hiện mà bán chúng để đút túi riêng. Vậy nên người dân vẫn phải bỏ tiền ra để mua đầu thu nếu như dùng các loại ti vi đời cũ không hỗ trợ tín hiệu số. Công ty SDTV cũng là một đơn vị sản xuất và phân phối đầu thu. Có thể nói, việc bắt buộc chuyển từ phát sóng tín hiệu tương tự sang tín hiệu số ngoài việc đem lại lợi ích cho người xem đài, đây còn là một cách để một nhóm nhỏ thu lợi cá nhân.
Việc chuyển đổi từ phát sóng truyền hình analog sang digital là xu hướng phát tiển tất yếu của toàn thế giới. Điều này mang đến rất nhiều lợi ích cho người xem đài và sự phát triển của ngành truyền hình trong nước. Thế nhưng một nhóm nhỏ cá nhân đang vẫn lợi dụng việc này để tư lợi cá nhân. Không chỉ trong truyền hình mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác đang được nhà nước bắt buộc chuyển đổi (đúng đắn) nhưng lại bị một số cá nhân lợi dụng để trục lợi bằng cách lập ra các công ty tư nhân và bắt buộc các đơn vị phải sử dụng dịch vụ của công ty đó. Người dân cần minh mẫn hơn trong việc tiếp nhận thông tin, cần nhìn nhận những mặt tốt và xấu của vấn đề để những cá nhân như trên không còn cơ hội làm giàu từ chính những đồng tiền mà nhân dân đang đóng góp để xây dựng đất nước.