Gác lại đam mê
Ai cũng có đam mê cả, thử hỏi trên đời có mấy ai mà không có đam mê? Chắc tìm mãi cũng không ra. Niềm đam mê đó có thể to lớn, giản dị hay thậm chí là rất nhỏ nhoi. Người thì đam mê khoa học, muốn thành nhà bác học, có người lại đam mê kinh doanh, muốn mở một công ty, đó là những đam mê lớn. Có người thì đam mê ca hát, có người lại đam mê những thứ vô cùng đơn giản như sưu tầm một thứ gì đó, đam mê viết lách hay thậm chí là chỉ thích nghe radio thôi. Đam mê thì có đầy, kể mãi cũng có thể không hết. Nhưng có thể theo đuổi đến hết đam mê đó thì không có mấy ai, họ phải gác lại đam mê đó chỉ vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là vì cơm, áo, gạo, tiền. Và khi có điều kiện để có thể trở lại niềm đam mê đó thì có lẽ đã quá muộn rồi.
Những người thành công với niềm đam mê thường thấy như ca sỹ, có thể nổi tiếng hoặc không. Nhưng họ cũng có thể nuôi sống mình bằng niềm đam mê đó và thậm chí là dư giả. Một số người thành lập được công ty và thành công hoặc không. Dù có thành công hay thất bại, nhưng dù sao thì họ cũng đã theo đuổi được đam mê đó, mặc dù có tới được đích hay không.
Đam mê thì ai cũng có, nhưng không phải ai cũng có thể sống bằng nó được. Người ta phải làm việc, phải kiếm tiền để nuôi sống chính mình và gia đình mình. Rất nhiều người đã phải mê cái này, làm cái kia. Rất dễ để tìm ra vì đa phần chúng ta đều rơi vào hoàn cảnh như thế. Giống tôi đây, tôi có đam mê văn học và viết lách khoảng vài năm trở lại đây, nhưng chắc chắn tôi sẽ không thể sống bằng cái niềm đam mê ấy bởi văn chương của tôi quá là dỡ tệ. Tôi chỉ có thể sống cùng nó mà thôi. Đó là một cách để ta có được một phần hạnh phúc trong cuộc đời này.
Nhiều người đứng tuổi, cụ già xem đá bóng, thức đêm thức hôm xem đá bóng, rồi la hét. Nhiều người trẻ tuổi cũng thế. Nếu không hiểu, ta sẽ hỏi “Sao ông không đi đá bóng đi mà suốt ngày xem đá bóng rồi la om sòm vậy?”. Nhưng bạn có biết họ cũng muốn đá lắm chứ, họ cũng muốn chạy trên sân cỏ lắm chứ. Nhưng họ không thể. Họ đá bóng thì ai kiếm tiền? Ai nuôi họ? Bạn nói “ông có thể đá giỏi và có tiền mà”. Ai cũng thế thì đội bóng nào giàu đến mấy cũng phá sản. Không phải ai cũng thành công. Bạn thích viết văn, bạn thích vẽ, bạn thích ca hát hay bạn thích một cái gì đó. Nhưng bạn biết những nhà văn nào? Những họa sĩ nào? Những ca sĩ nào? Những người mà bạn biết đó là những người thành công đấy, còn lại thì có hàng nghìn người cũng làm những việc đó. Và bảo họ sống bằng nó thì đó là một điều quá xa, quá khó và có một phần mạo hiểm. Họ phải làm việc, phải nuôi sống mình cái đã, rồi mới nuôi niềm đam mê đó sau. Họ, và cả chúng ta, có thể sống cùng đam mê thôi chứ sống bằng đam me thì quá khó.
Bọ cuốn vào cơm áo gạo tiền rồi thì nuôi niềm đam mê và phát triển nó lại càng khó hơn. Đơn giản vì ta không có thời gian để chăm chút cho nó, ta không còn đủ điều kiện để phát triển nó nữa. Ngày làm việc, tối về nhà mệt nhoài, đi ngủ, sáng lại làm việc. Dần rồi có thể ta sẽ quên nó luôn không chừng. Tôi không có thời gian để nghĩ, không có đủ thoải mái để viết, thậm chí đọc những tác phẩm của người khác cũng khó khăn phần nào. Đơn giản vì ta không còn thời gian cho nó nữa. Vòng xoáy ấy cứ thế không có điểm dừng. Đến lúc dừng lại thì có lẽ ta đã nghỉ hưu và già mất rồi. Còn sức đâu mà đá bóng, còn sức đâu nữa mà chạy. Tôi có đam mê lập trình, từng ước mơ làm được một trang web nào đó. Tôi cũng từng làm vài trang wap trên di động hồi năm tôi học lớp 9. Rồi tôi nhận ra niềm đam mê đó phải gác lại, tôi không thể thành công với nó. Tôi bị cuốn vào chuyện học hành. Lên đại học, đọc những dòng mã phức tạp cũng không còn dư giả thời gian để ngẫm nghĩ nó nữa. Tôi bỗng thích đọc văn học, thích viết một cái gì đó, tôi đã từng viết khoảng mười truyện ngắn vào một quyển tập hồi kỳ nghỉ hè năm lớp 11, tôi đã cất nó ở đâu đó và giờ đã mất rồi. Đến khi học đại học, tôi tình cờ lại thích viết một cái gì gì đó vào cuối năm nhất, rồi lại gác nó lại vì vừa học vừa phải làm thêm. Rồi bây giờ lại thích trở lạ, những cũng chỉ đủ thời gian để cuối tuần viết vài truyện ngắn lặt vặt nào đó, viết vài dòng vu vơ nào đó. Đơn giản vì ta không còn đủ thời gian để quan tâm cho nó nữa.
Tôi mới quen biết chị Đường vài tháng trở lại đây và chỉ nhắn tin trao đổi chỉ vài ba lần. Tôi tình cờ đọc được quyển sách của chị ấy và thích văn phong của chị ấy. Tôi có hỏi chị sao dạo này không viết văn thường xuyên nữa. Chị bảo bị việc rượt. Tôi thấy mình cũng gần như vậy. Muốn đọc nhiều tác phẩm kinh điển, muốn học tiếng Anh, muốn tìm hiểu về một loại mã nguồn. Nhưng phải đành gác lại vì không có thời gian cho nó nữa. Tôi cũng thích nghe radio, chắc trên đời có mình tôi là một thằng thanh niên đang trẻ mà lại nghe cái thứ “dành cho ông bà già” đó. Nhưng cũng không còn thời gian để nghe nó nữa. Thậm chí khi tết về quê cũng không nghe được. Đơn giản vì có nhiều thứ khiến ta phải gác lại chúng. Có thể chỉ là tạm thời, khi một ngày nào đó bất chợt ngọn lửa đam mê lại vụt cháy thì nhiệt huyết được trở lại, hoặc là gác lại mãi mãi.
Đam mê thì ai cũng có, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Và nếu bạn phải gác lại nó thì đừng lo, ai chẳng thế. Chỉ cần nhớ đến nó, khi nào có thời gian thì trở lại, đừng gác nó lại vĩnh viễn là được rồi. Có lẽ đến khi ta già đi, ta không còn bị cuốn vào cơm áo gạo tiền thì ta mới dành nhiều thời gian cho nó được. Nhưng cũng có nhiều thứ ta không thể trở lại được vì ta đã già rồi. Lần sau nếu bạn thấy người thân của mình điên cuồng một đội bóng nào đó thì khoan hãy đưa ra những lời đánh giá về họ. Ai cũng có lý do cả. Có nhiều thứ ta không thể thực hiện nó khi ta đã già. Nhưng dù sau thì Ta cũng vui vì ta đã từng nghĩ và từng sống cùng nó. Còn tôi, tôi sẽ cố trở lại những đam mê đã bị gác lại trong một ngày nào đó, nhưng chắc còn xa lắm.