Duyên mình lỡ của Hương Tràm
Hôm nay là ngày 30, hôm qua là ngày 29, ngày ra mắt của MV (Music Video) Duyên mình lỡ của ca sỹ Hương Tràm. Cũng lâu rồi mới viết về một bài hát và đây cũng là lần đầu tiên mình viết về một bài hát mới được ra mắt, kiểu giống như câu view vậy đó. Nội dung bài hát thì mình thấy không có gì nổi bật, cũng không hay, mà thấy nhạc VIệt mình dạo này cũng chả có bài nào hay cả. Cái mình bị ấn tượng ở đây chính là MV, nó khác với những tiểu phẩm rẻ tiền trên sóng truyền hình và cách mà nó muốn truyền tải cũng mang đậm tính nghệ thuật, khiến người xem có thể hiểu nó theo nhiều cách hiểu khác nhau.
Người xem có thể thấy có hai nhân vật chính trong MV, nhưng với cách nhìn của tôi, tôi thấy trong đó có 3 nhân vật chính, xin được phép gọi họ là nam chính, nữ chính và đạo diễn.
Sự hy sinh, đó chính là thông điệp được truyền tải trong xuyên suốt MV. Nam chính đã chấp nhận sự hy sinh, đã lựa chọn sự hy sinh để cô gái được bước tiếp. Nhưng anh lại nào ngờ, sự hy sinh của nữ chính lại không hề kém cạnh, thậm chí còn hơn cả anh. Nhưng đó chỉ là một mặt, ít ai thấy được mặt trái phía sau đó, chính là sự vô nghĩa của sự hy sinh ấy. Cái mà họ có được và dành cho nhau chỉ là những đau khổ, những dằn vặt của nội tâm và sự tổn thương.
Anh đã dằn vặt, đã đau khổ khi chấp nhận ra đi, và càng đau khổ hơn khi cô không biết điều đó. Trớ trêu thay, anh lại vô tình trở thành kẻ độc ác và tàn nhận khi không nhận ra cô đã đuổi theo anh ngày ấy, càng không nhận ra vết sẹo trên vai cô. Họ đã hy sinh cho nhau nhưng lại vô tình làm tổn thương nhau mà không ai hay biết. Có một chút ít kỷ. Đúng, có một chút ít kỉ khi anh đã không hiểu và thừa nhận sự hy sinh của cô ngay từ đầu (lúc cô xin đạo diễn cho anh được chọn). Nhưng đó không phải là điều để ta trách móc, đó là bản chất nguyên sơ của con người. Rồi cho đến khi anh được vào vai chính cùng với cô, anh đã trở thành một con người xa lạ. Một phần trong đó là sự hy sinh, anh muốn cô quên anh đi để có thể phát triển tiếp, một phần trong đó là sự ích kỷ và thù hận với sự vô tâm của cô. Nhưng anh nào biết được sự thật lại không hề như vậy.
Còn cô, cô cũng chọn cách hy sinh một cách âm thầm giống như anh, và kết cục mà cô nhận được cũng không khác gì anh cho mấy. Cô chấp nhận để anh nghĩ sai về mình, chấp nhận sống trong sự đau khổ, tủi nhục để anh có cơ hội. Cả hai người đáng buồn hay đáng giận? Không thể trả lời câu hỏi ấy được.
Có một chi tiết cũng có phần bí ẩn và khó hiểu, đó là cảnh cô cũng đã lạnh nhạt với anh không khác gì cách mà cô đã làm. Nhưng đó liệu là sự hy sinh để anh phấn đấu hay là “the most deathless love could wear out”? Có hai thứ động lực để con người ta phấn đấu, đó là tình yêu và lòng thù hận. Cách thứ nhất thì khó mà thực hiện được vì sự hiểu lầm của họ đã đến mức không thể nào giải quyết được, và cô đã chọn cách thứ hai. Nhưng liệu đó thật sự là sự hy sinh tiếp tục mà cô dành cho anh hay thật sự tình yêu của cô dành cho anh đã chấm hết từ khi cô bắt gặp ánh mắt lạnh lùng ấy? Đây cũng là câu hỏi không có câu trả lời vẹn toàn được.
Hồi trước tôi từng đọc một câu truyện thế này. Có hai vợ chồng già rất hạnh phúc bên nhau. Người chồng trồng những luống dưa chuột, còn người vợ thì muối số dưa ấy. Họ cứ hạnh phúc như thế, trồng dưa và muối dưa. Những lọ dưa muối của họ không chỉ thơm ngon mà trong đó còn chứa đựng một biểu tượng của sự hạnh phúc. Người ta biết đến họ và tìm đến mua những hủ dưa muối của họ nhiều hơn và xem họ như là những con người hạnh phúc nhất trên đời. Sau đó người chồng mất, những đứa con muốn làm thay công việc của cha, trồng tiếp những luống dưa ấy để bà mẹ tiếp tục công việc muối dưa yêu thích của mình. Nhưng họ đã bất ngờ khi nhận được lời từ chối của bà mẹ rằng bà không hề yêu thích muối những hủ dưa muối ấy, bà làm điều đó chỉ vì chồng bà thích trồng dưa mà thôi. Càng bất ngờ hơn khi họ đọc được trong nhật ký của người cha rằng, ông không hề yêu thích công việc trồng dưa ấy một chút nào.
Đôi khi sự hy sinh không mang đến điều tốt đẹp mà chỉ mang lại sự đau khổ phía sau những nụ cười. Họ đã lựa chọn cách đã khiến họ dằn vặt đau khổ đến hết cuộc đời. Nhưng còn một người khác cũng hy sinh, cũng bị hiểu lầm, cũng không vui vẻ gì mấy nhưng lại ít ai để ý đến, đó chính là nhân vật đạo diễn. Đối với tôi, đây mới là nhân vật chính quan trọng và mấu chốt trong suốt câu truyện được miêu tả trong MV.
Biến thái và nhẫn tâm có lẽ là hai thứ mà khán giả dành cho nhân vật này. Nhưng có lẽ ít ai lại biết được cũng có một sự hy sinh âm thầm không kém, đó là sự hy sinh cho nghệ thuật, sự hy sinh cho vòng tròn cuộc đời, và cả sự hy sinh cho hai người họ. Đạo diễn không có ý muốn chiếm đoạt nữ chính như những kịch bản mà ta đã từng thấy. Anh đã chấp nhận tiếp bước cho anh dù biết rằng anh không thể nâng đỡ cho cả hai người, đó là một sự hy sinh, là lòng thương cảm của anh dành cho họ chứ không phải sự thèm khát nhục dục từ cô gái. Nhưng anh đã bị hiểu lầm vì điều đó, anh cũng không nói gì mà chấp nhận tiếp tục nâng đỡ cho nam chính lần thứ hai.
Nhiều người sẽ đặt ra một câu hỏi, tại sao anh không nói hết tất cả sự thật cho cả hai người hiểu nhau? Nhưng chắc bạn đã nghe câu nói, mọi sự thành công đều có cái giá của nó. Ba người họ đã phải trả một cái giá rất đắt để cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm của mình. Nếu như mọi người đều hiểu, mọi người đều hạnh phúc thì chưa chắc sẽ tạo ra được tác phẩm Đoạn trường tân thanh đầy đau thương và tâm huyết. Đạo diễn đã hy sinh mình để mọi thứ được vận động đúng như quy luật của nó. Nhưng liệu cái cách mà đạo diễn đã làm có đáng không? câu trả lời ấy cũng không thể xác định đúng hay sai được.
Từ xưa đến nay, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa sự ích kỷ và lòng bao dung đều khó mà xác định được. Sự ích kỷ để hai người họ tiếp tục hiểu lầm về nhau, nhưng nó lại chứa đựng lòng bao dung khi đạo diễn đã nâng đỡ nam chính trong khi nam chính lại nghĩ sai về mình. Trong cái ác vẫn tồn tại cái thiện và trong cái thiện luôn luôn nhen nhóm cái ác. Ác hay thiện, tốt hay xấu, ích kỷ hay vị tha, tất cả đều do cách nhìn nhận của mỗi người.