Đường chỉ tay
Mẹ bảo sau này tôi sẽ lận đận, đó là kết luận của bà sau một hồi lâu nhìn ngắm lòng bàn tay tôi. Bà bảo tôi có đường chỉ tay đứt đoạn, sau này sẽ lận đận giống bà. Tôi không tin, nhưng quả thật là như vậy.
Tôi không nhớ rõ đó là lúc nào, lúc đó tôi còn rất nhỏ. Bà bảo tôi chìa bàn tay ra cho bà xem, tôi ngoan ngoãn và tò mò đưa tay ra cho bà. Bàn tay tôi nhỏ bé và trắng muốt, mềm mại. Bởi khi còn nhỏ, tôi là một con bé lanh chanh trong nhà chỉ biết nô đùa, cho nên bàn tay tôi mềm mại và trắng ngần, ai cũng thích bàn tay nhỏ bé ấy, và tôi thấy hãnh diện về điều đó. Bà nhìn lòng bàn tay tôi rất kỹ, bà lật qua rồi lật lại, đôi lúc lại chau mày. Những lúc ấy, những nếp nhăn trên khuông mặt bà lại hiện lên rõ mồn một trên làn da đã sần sùi, rám nắng, làn da đã in rõ những dấu vết của thời gian và sương gió. Bà nhìn đi nhìn lại, rất lâu, có lẽ trong đầu óc bà đang chứa đựng một mớ hỗn loạn, một cuộc tranh luận diễn ra trong đầu bà mà tôi không thể nào đoán biết được. Lúc bà cau mày, lúc lại hớn hở như có một điều gì đó khích lệ bà. Nhưng tôi thấy bà cau mày nhiều hơn.
Tôi không biết đã bao lâu trôi qua, có thể là một phút, mười phút hoặc thậm chí là hơn thế nữa. Cuối cùng, bà ngước lên nhìn tôi với một vẻ mặt sầu thảm vô cùng tuyệt vọng, như một điều gì đó vô cùng khủng khiếp sắp giáng xuống đầu bà. Bà nhìn thẳng vào mắt tôi, mắt bà long lanh như sắp tuông trào, trong con mắt ấy như chứa đựng một nỗi bi ai đầy đau khổ. Rồi bà chậm rãi bảo tôi. Bà bảo tôi sẽ khổ, sẽ khổ giống như bà vậy.
Tôi hỏi tại sao. Bà bảo tôi có đường chỉ tay đứt đoạn, và tôi sẽ khổ giống hệt bà. Tôi hơi hụt hẫng, nhưng đối với một đứa trẻ, điều đó chẳng nghĩa lý gì cả. Bà chìa bàn tay của bà ra. Tôi nhìn vào lòng bàn tay bà. Lòng bàn tay chai sần vì nặng nhọc. Nó thô ráp, sần sùi và không có sức sống. Nó như một tấm da thuộc từ một loài vật to lớn nào đó, thô ráp, cứng rắn và không có một dầu hiệu nào của sự sống hiện diện trên lòng bàn tay đó, trái ngược hoàn toàn với bàn tay nhỏ bé, trắng hồng của tôi. Tôi nhìn vào lòng bàn tay bà, đó là vô số những đường kẻ chi chít và hỗn loạn. Đó là những dấu vết của những năm tháng cực khổ mà bà đã trải qua, nó nhiều và to đến nỗi tôi khó để phân biệt đâu là đường chỉ tay, đâu là những vết sẹo trên lòng bàn tay bà. Tôi cố tìm và cuối cùng cũng đã nhìn thấy, một đường chỉ tay to lớn, đen nháy và khô khóc. Đó rõ ràng là một đường chỉ tay đứt đoạn, một khoảng cách khá dài giữa hai đường đứt. Nếu không để ý, có thể sẽ tưởng rằng đó là hai đường chỉ tay độc lập. Và cuộc đời tôi quả thật đã khổ như bà. Người có đường chỉ tay đứt đoạn.
Mẹ tôi là con của một gia đình khá giả, nhà đông con, mẹ tôi là con thứ. Ông bà ngoại tôi không giàu nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Mẹ tôi được ông bà ngoại chăm sóc tử tế, không hề thiếu thốn, cực khổ. Một hôm có một người bạn cũ rất lâu của ông bà ngoại đến thăm. Đó là một ông lão đã đứng tuổi, trông khô khốc và thô lỗ. Trước khi từ giã ông bà ngoại tôi ra về, ông có xem chỉ tay của mẹ tôi và ông kết luận rằng mẹ tôi sau này sẽ khổ. Ông bà tôi hoàn toàn không tin điều đó. Ông bà tôi cố cho mẹ tôi mọi thứ, ăn học, vật chất không thiếu một thứ gì. Họ muốn cố chứng mình rằng ông lão lụ khụ ấy nói sai. Mẹ tôi được cho ăn học tới nơi tới chốn. Thời đó, việc một đứa con gái được ăn học đàng hoàng là một điều hiếm hoi, không phải ở đâu cũng thấy. Rồi mẹ tôi lấy chồng, ba tôi là con của một gia đình cũng khá giả, có cơ sở làm ăn phát đạt. Cha tôi được ông bà nội cho ra riêng và một số lớn vốn làm ăn. Không bao lâu sau thì việc làm ăn trở nên khấm khá và phát triển ngày càng rộng. Ông bà ngoại tôi yên tâm và bỏ qua lời ông lão thầy bói ấy nói. Không lâu sau, tôi ra đời. Gia đình nhỏ của tôi ba người vô cùng hạnh phúc.
Nhưng điều đó không được bao lâu. Không lâu sau, bà ngoại tôi lâm bệnh rồi mất, ông tôi buồn bã rồi cũng đi theo bà không lâu sau đó. Các con của ông bà tranh giành gia tài rồi không ai nhìn mặt ai. Mẹ tôi ở nhà chồng, gia cảnh không đến nỗi nên mẹ tôi không màng đến gia tài của ông bà ngoại để lại. Nhưng những cậu dì của tôi cũng không thèm nhìn mặt bà, họ sợ mẹ tôi sẽ tranh giành phần gia tài đó. Vậy là quan hệ của mẹ tôi với bên ngoại coi như chấm dứt. Sau này mẹ tôi nghe nói bọn họ cũng tiêu sài hết phần gia sản đó rồi cũng làm thuê làm mướn, nhưng mẹ tôi cũng không còn được gặp lại họ nữa. Giai đoạn khổ sở của mẹ tôi cũng bắt đầu từ đó.
Không lâu sau đó việc làm ăn của gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Cha tôi bị một người bạn thân lâu năm tặng ông một món nớ rất lớn. Tưởng chừng như sắp phá sản đến nơi. Ông là bạn bè cũ của ba tôi, vốn chơi thân từ nhỏ. Ông được đi học và sinh sống ở nước ngoài. Sau khi trở về nước, ông tìm đến ba tôi rồi đề nghị cùng ba tôi góp vốn làm ăn. Công việc cũng suông sẻ. Không lâu sau đó, ông đề nghị ba tôi góp vốn lớn, ban đầu ba tôi cũng chần chừ, nhưng thấy ông là bạn thân từ nhỏ, lại nhiệt tình, ba tôi đồng ý. Ba tôi dốc hết vốn vào vụ làm ăn đó, ông ta cũng vậy. Nhưng mọi việc không suông sẻ. Vụ làm ăn thất bại và thua lỗ rất nặng. Người bạn của ba tôi phải chạy trốn sang nước ngoài. Còn ba tôi thì sắp sửa phải phá sản.
Rồi ông cũng cố gắng và gầy dựng lại cơ sở, trả hết món nợ mà người bạn cũ đã gây ra. Một thời gian dài sau đó, mọi thứ ổn định trở lại, nhưng không bằng lúc trước. Rồi đùng một cái, chế độ Sài Gòn sụp đổ. Cha mẹ tôi bị coi là tư sản, tài sản bị tịch thu. Cả gia tài mà gia đình gầy dựng phút chốc trở thành con số không. Lúc đó tôi vẫn còn rất nhỏ. Cha mẹ tôi phải đi lao động trong các hợp tác xã, dùng đồ ăn được cấp phát. Mọi người nhìn cha mẹ tôi với một ánh nhìn khó chịu. Họ xa lánh cha mẹ tôi. Từ chối mọi sự giúp đỡ của gia đình tôi và tuyệt đối không hề giao tiếp với gia đình tôi, thậm chí là nói chuyện cũng không. Họ truyền tai nhau, bảo nhau gia đình tôi là tư sản, là bọn bóc lột. Họ liệt cha mẹ tôi vào một danh sách đặc biệt. Đó là cái danh sách mà những người trong đó đều luôn bị dè chừng. Những người trong đó là một cái đinh gỉ sét nhưng cực kỳ nhọn. Nếu không cẩn thận, cái đinh đó có thể đâm thủng cơ thể và làm nhiễm trùng cả cơ thể.
Chúng tôi chỉ tồn tại ở đó. Chúng tôi được họp nông dân, được bầu cử, nhưng đó chỉ là hình thức. Sâu trong mắt họ, chúng tôi là một loài mãnh thú nào đó khác với bọn họ. Và họ phải thanh trừng chúng tôi, không để chúng tôi có cơ hội tiêu diệt hệt đồng loại bọn họ. Lúc nào chúng tôi cũng bị quan sát, cũng bị nghe ngóng. Hàng xóm thấy chúng tôi thì né tránh, bạn bè trong trường không chơi với tôi. Gia đình chúng tôi sống cô độc giữa một rừng người như thế. Ban ngày lặng lẽ lao động theo họ, nhưng không được họ đón nhận, trước mắt họ, chúng tôi hoàn toàn vô hình. Trước mắt họ, chúng tôi là một thứ vô cùng nguy hiểm, có thể làm hại họ, làm hại gia đình và người thân của họ. Chúng tôi là một lũ ác quỷ hút máu người, là thứ tư bản bóc lột sương máu của họ. Chúng tôi cứ sống cô độc như thế cho đến khi ba tôi qua đời.
Ba tôi qua đời vì bệnh phổi. Ông bị bệnh phổi rất nặng, hai lá phổi ông rách nát. Mẹ tôi bảo do ông hút thuốc lá quá nặng. Mẹ bảo ông chỉ hút thuốc lá đầu lọc, nhưng sau đó thì không còn được hút loại thuốc đó nữa. Nhưng ba tôi nghiện thuốc, và ông phải hút loại thuốc vê(1), nó nặng hơn và nguy hiểm hơn nhiều. Rồi ba tôi cứ thế, bệnh dần rồi qua đời. Không có thuốc men, cũng không có thầy thuốc. Những con vật dư thừa thì nên để tự nhiên loại bỏ chúng.
Hợp tác xã tan rã, mẹ tôi hoàn toàn không có việc gì để làm. Vốn liếng trước kia đều bị tịch thu sạch. Bà gom góp số nữ trang còn sót lại mở một cửa tiệm may vá nhỏ. Nhưng không có ai đến may vá, hoặc vạ cũng chỉ là những bộ quần áo được may bằng những loại vải rẻ tiền. Không lâu sau thì tiệm may của mẹ tôi phải đóng cửa. Mẹ tôi cũng kinh doanh nhiều thứ khác Nhưng cũng không khả quan cho lắm. Cuối cùng, ba làm thuê làm mướn, sống lay lắt nuôi tôi cho đến bây giờ. Bà bảo tôi sẽ có cuộc đời lận đận như bà, vì tôi có đường chỉ tay đứt đoạn giống bà. Tôi sợ điều đó, tôi sợ mình sẽ lại phải giống như mẹ mình. Tôi cố không nhắc đến bất cứ thứ gì liên quan đến chỉ tay.
Tôi cố sức học tập, ngoài giờ học tôi cũng phụ giúp bà trong công việc. Nhưng việc học của tôi không được tới nơi tới chốn. Tôi học hết lớp mười hai, tôi thi đỗ vào trường đại học. Nhưng vì chúng tôi không thể có đủ tiền học phí để chi trả, tôi học đại học chỉ được một năm rồi xin bảo lưu kết quả, nói là bảo lưu, nhưng thực chất tôi không thể nào quay lại được nữa. Tôi đi làm phục vụ ở một nhà hàng nhỏ, công việc tương đối ổn định. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn đường chỉ tay của mình, có lẽ nó đã nói đúng một phần nào đó.
Rồi tôi lấy chồng, chồng tôi cũng làm phục vụ ở nhà hàng. Chồng tôi khá điển trai, tôi hơi lo sợ điều đó, nhưng cuối cùng thì điều tôi lo sợ cũng đến. Chúng tôi sống chung với nhau trong một căn trọ nhỏ, đầm ấm và hanh phúc. Mọi việc cứ như thế, tôi sinh con trai, chồng tôi được lên làm quản lý. Khi con trai chúng tôi lớn lên một chút, tôi có để ý bàn tay của nó, và đường chỉ tay của nó cũng đứt đoạn giống tôi. Tôi không nói chuyện này với bất kỳ ai, cũng không nói với mẹ. Cứ thế, tôi nuôi nó lớn lên và cố không nhắc tới điều đó. Tôi cũng tìm mọi cách không cho mẹ tôi nhìn thấy đường chỉ tay của cháu, và cũng không để bà nhắc lại chuyện đó. Tôi muốn đó chỉ là một lời nói vớ vẩn của một lão già đầu óc đã lẩm cẩm. Cứ thế, con trai chúng tôi lớn lên.
Chúng tôi hạnh phúc được sáu năm. Chồng tôi theo một người phụ nữ khác. Nghe nói cô ta là một doanh nhân thành đạt, cũng là khách hàng thường xuyên đến nhà hàng chỗ tôi làm việc. Suốt quảng thời gian đó, tôi không hề cảm thấy có điều gì đó bất thường ở chồng tôi cho đến khi anh bỏ đi cùng người đàn bà đó. Cả những đồng nghiệp của tôi cũng ngạc nhiên trước điều này. Anh để lại cho tôi một số tiền, đó là tiền của người phụ nữ kia, và một tờ đơn ly dị đã có chữ kỹ sẵn. Từ đó về sau, tôi không còn thấy mặt chồng tôi một lần nào nữa. Tôi ký vào đơn ly dị và cứ thế nuôi con.
Hai năm sau, tôi bước thêm bước nữa. Nhưng không lâu sau thì chúng tôi chia tay. Tôi cứ thế nuôi con, không tiến thêm nữa. Tôi được lên làm quản lý, thế chỗ của chồng cũ của tôi. Vậy là cuộc đời lận đận của tôi coi như đã kết thúc, ít ra cũng ít hơn mẹ mình. Nhưng giờ lại đến lượt con trai tôi.
Tôi cố không cho bất kỳ ai biết về điều đó. Nhưng con trai tôi lại vẫn giống mẹ và bà của nó. Tôi cố dành cho nó những gì tốt nhất có thể để chứng mình lời lão già đó nói là sai trái. Đường chỉ tay nó chỉ đứt một đoạn rất ngắn, nếu không nhìn kỹ sẽ không thấy được điều đó. Nhờ vậy mà mẹ tôi không biết được chuyện này, mắt bà lẩm cẩm nên không thể nhìn rõ được. Tôi cũng không muốn bà phải lo lắng về điều này.
Xem ra con trai tôi không lận đận như mẹ và bà của nó. Nó không gặp khó khăn trong cuộc sống, cũng chẳng lận đận gì. Tôi vui mừng vì điều đó. Nhưng rồi điều gì đến rồi cũng sẽ đến, nhưng nó khá đơn giản nên tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng phần nào. Con trai tôi học hành tới nơi tới chốn. Có một công việc ổn định, được thăng quan tiến chức. Được làm trưởng phòng trong một công ty vừa. Rồi nó cưới vợ khi lên hai mươi sáu. Sự việc cứ thế êm trôi.
Một thời gian ngắn sau, vợ nó bỏ theo một người đàn ông khác. Đó lại là cấp trên của con tôi, và ngay lập tức, con tôi bị họ tìm cách để đuổi việc. Nhưng với tài năng của nó, nó vẫn xin được việc ở một nơi khác. Tôi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Con trai tôi khá suông sẻ trong cuộc sống. Nó chỉ lận đận trong chuyện tình cảm. Nó cứ lấy vợ, rồi bị vợ bỏ, vợ không bỏ nó thì nó cũng bỏ vợ, có khi là cả hai cảm thấy không hợp nhau nên cả hai đều tự nguyện chia tay. Thấy con trai lận đận trong chuyện tình cảm như thế nên tôi cũng khuyên nó không cần phải tìm vợ ráo riết như vậy, tôi vẫn còn nhiều thời gian để chờ bế cháu.
Rồi nó cũng lấy được một cô vợ chững trạc khi nó ba mươi lăm. Đó là một cô gái bình thường, không quá thông minh, không quá sắc xảo, một con người bình thường có thể gặp ở một nơi rất bình thường. Có lẽ nhờ vậy mà con tôi không phải ly dị thêm một lần nào nữa. Không lâu sau, tôi có cháu nội để bế. Tôi lại cố không để ý đến đường chỉ tay của cháu. Tuyệt đối không. Tôi luôn luôn trong đầu rằng tuyệt đối không được nhìn vào đường chỉ tay của nó. Tôi sợ nhìn thấy những đường chỉ tay đứt đoạn ấy một lần nữa. Rồi cái ngày đó cuối cùng cũng đến. Tôi không thể kìm chế được sự tò mò của mình. Và tôi đã xem lòng bàn tay nó. Tôi xem thật kỹ, gương mặt tôi lại nhăn nhó, cau mày hệt như mẹ tôi ngày xưa. Tôi nhìn nó thật lâu, cũng không biết bao lâu nữa. Đó là một đường chỉ tay liền mạch, cả hai bàn tay, là một đường chỉ tay liền mạch nối dài, không hề bị đứt đoạn. Tôi vui mừng khôn siết. Tôi đã chạy ngay đến mẹ tôi, báo cho bà biết. Bà cười, một nụ cười mãn nguyện. Tôi chưa từng thấy nụ cười đó bao giờ, và đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà ấy cười.
(1) Thuốc lá vê: Một số nơi còn gọi là thuốc gò. Là loại thuốc lá không có đầu lọc và không được gia công sẵn. Phần thuốc và phần giấy cuộn riêng biệt. Thường phần thuốc được nén thành cây, người hút xé ra rồi quấn giấy bên ngoài để hút. Phần giấy thường được cuộn tròn lại, gồm nhiều mảnh dài được cuộn chung lại, khi hút, người ta sẽ xé ra rồi cuộn phần thuốc vào bên trong. Thuốc gò rất nặng, nặng hơn thuốc lá đầu lọc rất nhiều, do đó rất khó hút và rất hại cho sức khỏe, nhưng giá tiền lại rẻ nên thời gian trước đây được những người có thu nhập thấp sử dụng. Thuốc gò cũng có tác dụng cầm máu trong dân gian.
Truyện rất hay. Mong bạn ra nhiều truyện mới hơn. Cảm ơn bạn
Cám ơn bạn đã nhận xét. Mình sẽ viết đều đặn trong thời gian tới, hy vọng bạn sẽ ghé qua ủng hộ.