Đống rơm
Tôi còn nhớ, hầu như phần lớn các em thiếu nhi khi vẽ tranh đề tài làng quê đều luôn vẽ cùng một motif. Đó là một quang cảnh rộng lớn gồm bầu trời và những đám mây trên cao, phía dưới là một ngôi nhà tranh với đống rơm bên cạnh, một ao cá, một vườn rau và một đang gà đang nhặt thóc. Có thể nhiều em nhỏ thuộc thế hệ bây giờ không biết đống rơm là gì, hoặc không được tận mắt nhìn thấy chúng mà chỉ được kể lại bằng những tranh ảnh và lời kể. Nhưng đối với tôi, đống rơm là cả một tuổi thơ, là những buổi chiều của những đứa trẻ.
Trước khi có máy cắt lúa như bây giờ, công việc làm nông còn vất vả lắm. Sự nặng nhọc, vất vả đeo bám người nông dân đến tận lúc thu hoạch. Lúa sau khi được cắt sẽ được bó lại thành từ bó, chất thành đống. Nếu là mùa mưa, ruộng đồng ngập nước, người nông dân phải dùng xuồng chở lúa về nơi khô ráo. Nếu mùa hạn thì khá hơn, họ có thể chất lúa thành đống ngay ngoài đồng. Hồi xưa nữa, khi chưa có máy tuốt lúa, người ta phải đập lúa bằng tay, công việc tốn nhiều thời gian và công sức lắm. Rơm thời đó cũng khác hơn bây giờ, cọng rơm cứng và thẳng hơn, có thể dùng làm chổi và nhiều thức khác.
Nhưng trong ký ức của tôi, không có những đống rơm được tạo ra bằng tay như vậy. Khi tôi bắt đầu có ý thức về những thứ xung quanh, máy móc đã bắt đầu thay thế nhiều công việc của con người. Đã có máy cày thay thế cho những con trâu tội nghiệp, những chiếc máy tuốt lúa đã thay thế cho những bàn tay phải đập lúa vất vả. Những đống rơm từ đó cũng mềm mại hơn, cao hơn. Có những đống rơm rất to do nhiều gia đình cùng tuốt lúa một chỗ. Và thế là những đứa trẻ thế hệ chúng tôi và cả thế hệ của anh tôi nữa, quây quần chơi đùa trên đó.
Cái vui lớn nhất của đống rơm chính là độ mềm mại, chúng như một tấm nệm. Mà những đứa trẻ nông thôn chúng tôi thời đó làm gì biết nệm là gì, chỉ có thể nhìn thấy chúng qua phim ảnh trên tivi. Chúng tôi tha hồ nhún nhảy, vật nhau, đủ các trò mà nếu không có tấm nệm bằng rơm ấy, chắc chúng tôi gãy xương mất. Trò chơi thích nhất của chúng tôi thời đó chính là leo lên đỉnh của đống rơm rồi nhảy xuống. Mỗi đứa môt kiểu, nào là lộn nhào, nào là giả vờ như phim chưởng, chưởng nhau bay “xuống núi”.
Khi cuộc vui vẫn còn chưa hạ nhiệt, chúng tôi lại bị gọi về ăn cơm. Đứa nào cũng vậy, vì ham chơi nên cố gắng ăn thật nhanh để còn tiếp tục cuộc vui. Tuổi thơ hồn nhiên ấy, chúng tôi chỉ biết ăn và chơi, không cần phải làm gì. Những đứa trẻ cứ chơi đùa không biết mệt cho đến khi ánh sáng chiều tắt hẳn, đó là lúc cuộc vui đã tàn. Không ai hẹn ai, nhưng ngày hôm sau những đứa trẻ sẽ lại tiếp tục tụ tập nơi ấy.
Khi trở về, “sự trả giá” cho những cuộc vui ấy bắt đầu bộc phát. Những sinh vật bé li ti sống trên cây lúa giờ là trong những cọng rơm bắt đầu khiến chúng tôi ngứa ngáy chân tay, là ngứa theo nghĩa đen thật sự. Đến giờ tôi vẫn không chắc đó là gì, chỉ nghe lời cha mẹ bảo đó là những con mạt, có thể đó là những sinh vật nhỏ bé, cũng có thể đó là những hạt phấn của cây lúa. Nhưng những cơn ngứa ấy không khó để trị, chỉ cần tắm rửa bằng xà phòng sạch sẽ là hết.
Càng chơi đùa lâu, đống rơm càng mất dần sức hấp dẫn với những đứa trẻ. Chúng bị xẹp dần xuống do bị những đứa trẻ thay nhau nhún nhảy, có khi là do những cơn mưa. Đến một lúc nào đó, những đống rơm không còn độ mềm mại và sạch sẽ nữa, chúng tôi tạm biệt nó và hẹn mùa gặt sau.
Nhưng cuộc đời của một đống rơm không kết thúc sớm như thế. Đống rơm bắt đầu nhận những cơn mưa, những cọng rơm bắt đầu mềm nhũn ra. Từ sự lụi tàn ấy, một sự sống đẹp đẽ được hình thành. Chỉ cách bề mặt đống rơm thật mỏng thôi, những chiếc nấm rơm bắt đầu hình thành và lớn dần, chui lên khỏi mặt rơm. Nấm rơm, một món quà mà thiên nhiên ban tặng mỗi năm chỉ có một lần.
Chúng tôi lần tìm những chiếc nấm rơm đang ẩn nấp phía dưới lớp rơm mỏng, có chiếc chồi hẳn ra khỏi mặt rơm. Nhưng nấm rơm ngon nhất là lúc vẫn còn trong búp. Nếu hái không kịp, hôm sau chúng sẽ già và cứng, không thể ăn được. Những chiếc nấm rơm tròn tròn với lớp vỏ bên ngoài như một chiếc áo che chở cho cơ thể nhỏ bé bên trong. Có chiếc đã nở thành một cây nấm hoàn chỉnh. Chế biến nấm rơm cũng kỳ công lắm chứ không đùa. Phải cạo bỏ lớp bụi bẩn bên ngoài mới có thể ăn được, nhưng công sức ấy sẽ ngay lập tức được đền đáp bởi món nấm rơm tuyệt vời. Món ngon nhất của nấm rơm là món canh, bát canh có một vị ngọt đặt biệt từ những cây nấm. Hồi đó chúng tôi còn có cả món kho, tuy không ngon bằng những bát canh, nhưng chúng cũng khiến cho bữa ăn đạm bạc thêm phần hấp dẫn.
Vào mùa hạn thì không còn những đống rơm to lớn nữa, cũng không có món nấm rơm vì trời thiếu mưa. Cánh đồng khi cứng, máy tuốt lúa có thể ra tận đồng. Các bác nông dân gom lúa lại thành những đống nhỏ, không phải vất vả chở lúa về một chỗ như mùa mưa. Những chiếc máy tuốt lúa cứ đi qua từng đống rơm nhỏ như thế, những đống rơm lúc này cũng nhỏ hơn, không còn đồ sộ như trước. Thú vui chơi đùa ngoài đống rơm mùa này cũng vẫn còn, nhưng không còn hấp dẫn bằng mùa mưa. Bởi thay vào đó, mùa hạn lại có những trò khác thú vị hơn nhiều. Một thời gian ngắn sau đó, những đống rơm này sẽ bị đốt ra thành tro, vì nếu để nguyên như vậy, chúng sẽ trở thành rác của đồng ruộng, phần tro này lại như một lớp phân bón hữu cơ ít ỏi cho đồng ruộng.
Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế lớn lên, với những trò chơi dân gian, với những lần chơi đùa bên đống rơm, dưới khoảng sân rộng, những lần tắm sông cùng nhau. Bây giờ ai cũng lớn, ai cũng phải tất bật với cuộc sống mưu sinh. Máy móc đã thay thế rất nhiều những công việc nặng nhọc của người nông dân. Cuộc sống đã tốt hơn ngày trước rất nhiều. Nhưng dường như sự phát triển ấy đã khiến chúng ta mất đi một thứ gì đó. Người ta bị thu hút bởi những sản phẩm công nghệ, còn người lớn thì bận tới nỗi quên luôn những kỷ niệm của mình.
Đống rơm đã không còn, nét mộc mạc của làng quê cũng phai dần. Những đống rơm đang ngày càng ít đi do sự thay thế của máy gặt. Nhưng những ký ức về chúng sẽ còn đọng mãi, qua những bức tranh của các em thiếu nhi, với ngôi nhà tranh, đống rơm, lu nước, ao cá và một đà gà.
Bác Thân ơi. Check mail hay chấp nhận kết bạn em với!