Cố đô – Trần Đường (Ciapika)

Anh nhìn đồng hồ, đã năm giờ sáng, ngoài trời sương phủ một tầng. Phía đằng xa, sông Hương ẩn hiện trong màn trắng mịt mờ, thấp thoáng ánh đèn của nhà đò. Anh rửa mặt, xúc miệng rồi lần mò đi xuống nhà, ngang qua phòng thờ, thấy mạ đương tụng kinh. Tiếng gõ mõ đều đặn đều đặn vang cùng hương nhang nhè nhẹ cứ thế lan tỏa trong không khí, bao bọc lấy từng ngõ ngách của căn phòng, bao bọc lấy cả anh. Anh nhẹ nhàng đi vào phòng, lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh mạ. Chừng một hồi, mạ ngừng tay, nhìn anh mỉm cười.

“Răng mà dậy sớm rứa con?”

“Dạ, bựa ni là bựa thi, con muốn đến sớm để chuẩn bị một chút”

“Để mạ kêu chị Liên chuẩn bị đồ ăn sáng cho con”

“Thưa mạ, chừ con xin phép vô thăm ba con”

“Con đi đi”

Anh tiến vào phòng trong, nương theo ánh sáng mờ mờ của sớm mai, anh có thể thấy ba anh đang nằm ngủ, lồng ngực ông phập phồng lên xuống. Anh khẽ siết chặt lấy tay ông. Ba anh vốn là cựu thần của triều đình, ông luôn luôn tin vào triều đình, tin vào Hoàng Thượng, tin vào Đức Từ Cung, nên khi nghe tin vua thoái vị, ông đột nhiên ngã lăn ra đất. Sau đó thì ông bị liệt nửa người. Những khi anh vô thăm mà gặp lúc ông thức, ông thường ngước đôi mắt ầng ậc ước nhìn anh như thể ông mang trên mình một nỗi hổ thẹn không cách chi xóa được. Anh vuốt mái tóc bạc của ba, nhớ lại khi anh còn nhỏ, ba thật cao lớn làm sao, có ngờ đâu hiện tại, ông lại nhỏ bé, yếu ớt dường này.

Sau khi dùng bữa sáng, anh chào mạ, lấy cà men cơm, rồi dắt xe đạp ra cửa, từ từ đạp. Sớm mùa thu, kinh đô Huế chầm chậm trườn mình tỉnh giấc. Anh ngước nhìn xung quanh, những truyền đơn, những băng rôn tuyên truyền cho “Tuần Lễ Vàng” (1) trải rộng khắp nơi. Hốt nhiên anh cảm thấy rất rõ rệt, những thành quách kia đã lui vào cái gọi là dĩ vãng. Những cây ngô đồng trong Đại Nội, chim phượng hoàng sẽ không về đậu nữa rồi.

“Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”

Anh khẽ ngâm qua kẽ môi, bất chợt có cảm giác tim mình như nghẹn lại. Một thời quá khứ son vàng, giờ cũng đã theo mùa thu, theo những chiếc lá ngô đồng mà rơi.

Đang thẩn thơ, bỗng nhiên anh nhìn phía trước thấy một dáng người rất quen thuộc, anh vội dừng xe.

“Anh Thanh, anh dậy sớm rứa”

Người phía trước có hơi khựng lại, rồi quay sang nhìn anh, ái ngại cười.

“Ôn Minh, Ôn cũng dậy sớm”

“Tôi với anh cùng tuổi. Anh đừng gọi tôi là Ôn. Sớm ni ở trường có bài thi, tôi đến để chuẩn bị trước. Còn anh?”

“Tôi ra bờ sông bắt vài con cá”

“Anh lên xe đi. Tôi chở anh cho nhanh”

“Răng mà được. Khôn dám phiền ôn. Ôn đi cho nhanh kẻo trễ”

“Vậy … chào anh”

“Dạ, chào ôn”

Anh lại tiếp tục chầm chậm đạp, nhưng tâm trí vốn đã lững thững mênh mang như dòng sông Hương êm đềm. Mãi cho đến lúc thấy cổng trường quen thuộc, anh mới bừng tỉnh lại. Thấy anh đến, bác bảo vệ vội  mở cửa cho anh.

“Thầy Minh, thầy đến sớm rứa”

“Dạ, tôi muốn chuẩn bị sớm một chút”

“Tôi nghe quân Tàu sắp qua mình (2). Tôi chỉ mong đừng chiến tranh nữa. Để cho bọn nhỏ được đi học. Có con chữ thì đời bọn hắn mới khá”

“Dạ, tôi cũng chỉ mong rứa”

Anh chầm chậm thả bộ dọc khuôn viên trường, ngước nhìn lên những hàng cây cao xanh mướt, màu xanh như đang yên lặng nép mình vào nền sáng nhạt của bầu trời. Anh nghĩ, đời những con người sống qua hai thời kỳ như ba anh, cũng tựa những màu xanh này. Rồi anh nhớ đến Thanh. Nhà Thanh nghèo nghèo lắm. Nếu chẳng phải vì chị Liên, chị gái Thanh, đi ở cho nhà anh, anh cũng nghĩ rằng có lẽ anh sẽ không bao giờ biết đến một Thanh tồn tại trên đời này. Anh nhớ Thanh khi xưa gầy, làn da xanh xao như chưa bao giờ được đủ ăn, nhưng “hắn thương mấy đứa em lắm, mấy lần con đem đồ bà cho về, hắn đều khôn ăn hết”, chị Liên bảo vậy trong một lần vui vẻ kể chuyện nhà cho mạ anh nghe. Nhưng dù cho chị Liên đã đi ở cho nhà anh thì nhà Thanh vẫn nghèo, nghèo đến mức một bữa chị Liên khóc sướt mướt bảo “Ba mạ con bán thằng Thanh rồi bà ơi”, mạ anh hỏi “Bán đi mô?”, “Bán vô cung”. Mạ anh chết lặng.

Năm Thanh vào cung, anh vừa tròn mười hai tuổi.

Giờ thi cũng qua, anh đoán chừng bọn học trò lớp mình cũng làm bài tốt lắm. Anh xem, mặt đứa nào đứa nấy cũng tươi phơi phới. Giờ trưa, anh lôi cái cà men ra ăn, trên cái loa phát thanh ở trước cổng trường đang vang lên lời kêu gọi đồng bào chung tay, quyên góp cho Tuần Lễ Vàng. Anh nhớ hôm qua, mạ cũng đã đưa hết vòng xuyến, hoa tai cho chị Liên để đem ra đóng góp. Nhưng mà mạ anh vẫn còn giữ một đôi hoa tai, anh nhớ, mạ từng bảo là đôi hoa tai này để dành cho khi nào anh cưới vợ, mạ sẽ tặng lại nó cho con dâu. Anh đã từng nhìn thấy đôi hoa tai ấy, một đôi hoa tai bằng vàng, được làm rất tinh xảo, nhị hoa được khảm một viên ngọc xanh xanh, trong leo lẻo.

Anh thở dài, nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn cây ngô đồng trong sân trường đang thả những lá vàng.

Buổi chiều về, đi ngang qua chợ, anh thấy Thanh ngồi yên lặng một chỗ, sau hàng rau, Thanh ngồi như thể muốn nương nhờ những bó rau che lấp lấy thân mình. Bỗng nhiên, hàng rau của Thanh có người ghé qua mua. Anh nghe thấy một trong hai người nói. “Con cá hanh khi rồi ngon như rứa, mà cô có mua được khôn?”, tiếp sau lại có người trả lời, “Mụ nớ nói thách thấu trời, ai mua cho nổi. Họa là mua ăn để đẻ ông Bộ (3) cho làng nhờ thì tui cũng mua nớ”. Nói rồi, hai người đều bật cười, chỉ có đôi vai gầy yếu của Thanh thoáng chút run lên. Sau, một trong hai lại bảo “Giờ mà có đẻ được ông Bộ thì ích chi mô”

Anh cứ đứng lẳng lặng nhìn, chờ đến khi chiều xuống, chợ tan, Thanh cũng xếp rau vào trong gánh, gánh về.

Một đêm thứ bảy, anh bỗng nhiên tỉnh giấc, không cách nào ngủ lại được, thế rồi anh bắt đầu ngồi chấm bài, cứ miệt mài giữa những xấp bài thi đã rọc phách, anh nghĩ, năm nay bọn học trò khá quá, lỗi sai cũng ít. Anh chấm cho đến khi tiếng chuông chùa Linh Mụ vang lên từng hồi một. Xong, anh khoác thêm áo, bước ra ngoài. Anh nhích nhích gọng kiếng của mình, ngước lên trời, trầm mình trong màn sương thu lạnh lẽo. Anh khẽ ngâm nga đôi câu thơ mình vừa nghĩ được đêm qua,

“Anh kiếm tìm chi ngọn gió đông
Trên cây ngô đồng Thành Nội
Con chim phượng hoàng không về đậu
Cho hương xuân tàn khi vừa chớm tinh khôi”

Ngâm rồi, anh tự thấy mình thật buồn cười. Bây giờ hẵng còn thu, năm tháng loạn lạc, thế sự thay đổi không lường, ai biết được đâu là đâu đó. Bất chợt, anh thấy từ xa bóng dáng quen thuộc lắm, cái bóng dáng mà anh đã khắc sâu trong đáy mắt từ thuở thiếu thời ấy.

“Anh Thanh, anh đi mô sớm  rứa?”

“Dạ, chào ôn Minh, tôi tính lên chùa Từ Hiếu một chuyến”

“Rứa để tôi lấy xe máy chở anh. Anh đừng ngại. Tôi cũng muốn lên chùa”

Anh không để Thanh từ chối, vội vàng vào nhà đem xe ra. Thanh ngần ngại một hồi rồi cũng lên. Anh bỗng thấy lòng mình rộn ràng, tựa hồ như khi còn trẻ thơ, cái lần mà anh được gặp Đức Bà Từ Cung, tim anh cũng đập thình thịch thế này.

“Anh lên chùa Từ Hiếu lễ phật?”

“Dạ, khôn, tôi lên đó để quét mộ”

Sau đó, Thanh im lặng, anh cũng không hỏi nữa. Anh biết, nếu như anh hỏi tới, sẽ chỉ khiến Thanh thấy khó xử. Anh biết Thanh lên chùa Từ Hiếu để quét mộ các ông Giám. Hai người cứ im lặng mà đi, cho đến khi tới được cổng chùa. Sau khi lễ phật, anh đứng nhìn Thanh lầm lũi dọn dẹp các ngôi mộ rồi thắp nhang. Vẻ tẩn mẩn, cẩn thận hiện trên gương mặt Thanh trong mắt anh hốt nhiên tạo thành nét gầy yếu, mỏng manh.

Tựa như sương, như khói.

Kiếp người rồi cũng tan.

Anh trầm ngâm, có khi nào Thanh cũng có ý nghĩ rằng, một mai già yếu, cũng sẽ nương mình vào cửa chùa. Nhưng, một mai Thanh nằm xuống, sẽ có ai quét mộ của Thanh?

“Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sương sao, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và nhỏ vết thương tâm”

Tâm sự trong lòng bật thành lời. Bỗng nhiên, anh cảm thấy khó thở. Bỗng nhiên, anh cảm thấy bực tức.

Anh cảm thấy bất lực.

Nỗi chua xót tràn đầy sống mũi.

Anh nắm tay Thanh thật chặt. Thanh nhìn anh ngơ ngác. Anh lôi Thanh ra khỏi chùa. Thanh vẫn im lặng, không nói một câu. Họ cứ đi, cứ đi, cho đến khi họ đi sâu vào một cánh rừng bạt ngàn. Anh nghĩ, đủ xa rồi, đủ xa để dứt bỏ quá khứ rồi, đủ xa khỏi lầu son, đủ xa khỏi cung vàng, đủ xa khỏi những hàng cây ngô đồng, đủ xa khỏi một triều đại đã lụi tàn, đủ xa khỏi những tàn tích vẫn còn hiển hiện rõ rệt trên con người này. Anh quay đầu nhìn Thanh. Thanh vẫn đứng đó, dáng gầy guộc, đôi mắt nhìn anh thẳng tắp, rồi bất chợt rũ mi. Anh bật cười to, ngu si, ngu si quá, tại sao anh có thể ngu si đến nhường này. Triều đại đã lụi tàn, nhưng thứ nó để lại hẵng còn đây. Anh hốt nhiên muốn giết Thanh, anh muốn bóp lấy cái cổ ấy, siết thật chặt, cho đến khi đôi mắt đen láy của Thanh trở nên trắng dã. Nhưng anh đã không làm, anh kéo tay thật mạnh, để Thanh ngã vào trong người anh. Thanh vùng ra, trong một khắc, Thanh im lặng nhìn anh, lắc lắc đầu rồi lẳng lặng quay lưng về phía anh, chầm chậm đi. Anh thấy anh đã đánh mất lý trí. Anh thấy anh đã đánh mất sự kiên nhẫn. Anh vật Thanh xuống mặt đất, ôm ghì lấy.

“Đừng đi em, đừng đi”

Anh khóc.

Đêm đó, Thanh ở bên anh, trong ngôi nhà nhỏ ngoài Thành Nội, mà vốn là của người anh thứ hai, nay đã vào Nam của anh. Anh nhẹ nhàng hôn lên làn da màu nâu đồng của Thanh, anh nhẹ nhàng siết chặt lấy những ngón tay đã chai sần. Thanh run rẩy. Thanh run rẩy khi anh chạm vào Thanh, run rẩy khi anh ở bên trong. Anh biết Thanh đã run rẩy vậy, run rẩy từ cái ngày Hoàng Thượng thoái vị, Thanh lặng lẽ rời khỏi nơi cung cấm, ngẩn ngơ nhìn lại Tử Cấm Thành kia, rồi bật khóc. Mười lăm năm. Không ai biết, chỉ có anh. Ngày hôm đó, khi vừa được tin các cung nữ và quan giám xuất cung, anh đã chạy như bay đến trước cổng Đại Nội, anh đã chạy như bay, để rồi thấy một hình dáng mà anh tưởng chừng mình đã quên mất sau mười lăm năm rồi. Anh hôn lên vành môi mỏng của Thanh. Thanh nhìn anh thoáng ngại ngùng. Anh thấy tim anh run lên, hơi thở cũng run lên, những ngón tay bất giác đan chặt lại.Anh nhớ năm anh mười sáu tuổi, lần đầu tiên hôn Duyên, Duyên cũng ngại ngùng, đôi môi cô căng mọng và tràn đầy. Nhưng cái hôn đầu tiên ấy cũng là điểm chấm dứt của mối tình ấy. Duyên bảo Duyên không hiểu anh. Anh biết, anh là người đã chết chìm trong làn sương của Huế, đã ngập ngụa trong đôi mắt to đen anh gặp nơi phố chợ thuở thiếu thời.

Nửa đêm, anh đi đun nước lau mình cho Thanh.

“Đau không em?”

Thanh không nói. Anh khẽ chạm nhẹ vào tấm lưng Thanh, ngân nga đọc.

“Đôi ta yêu nhau không hợp đồng
Không cần biên lai mà thương mong
Tình chúng mình say như rượu mạnh
Chiếc hôn dài như ba mùa đông …”

Thanh ngước mắt nhìn anh, anh mỉm cười, rồi leo lên giường. Anh nghe nhịp thở của Thanh, Thanh nghe nhịp tim của anh. Từng nhịp, từng nhịp, đều đặn, đều đặn.

Thời gian lê mình đi trong đêm mưa âu sầu.

Anh thức dậy khi vầng dương đã ló mình. Thanh đã đi. Anh đốt một điếu thuốc, lặng lẽ phóng tầm mắt ra xa. Tử Cấm Thành vẫn đứng đó, sừng sững, nhưng đã chẳng còn cái vẻ lộng lẫy, quyền uy đến mức khiến người ta kinh ngạc, lo sợ, ở nơi đó, bây giờ đã phủ lên mình tấm áo nặng trĩu của thời gian.

Nhưng, những tàn tích sống của một thời quyền uy đó vẫn còn.

Như Hoàng Thượng.

Như Đức Bà Từ Cung

Như ba anh, với mái tóc đã bạc màu.

Như Thanh, với đôi vai luôn run rẩy.

Như anh, với một tình yêu, bắt đầu từ những đêm mơ. Mộng thấy một đôi mắt đen đăm đắm nhìn khi những cánh cổng cao kia khép lại.

By Đường Ciapika

Chú thích:

(1) Từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945, nhân dân Thừa Thiên Huế hăng hái tham gia “Tuần lễ vàng”, riêng thành phố Huế góp được 945 lượng vàng để củng cố nền độc lập tự do của đất nước trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của đất nước sau CMT8 1945, do giặc ngoại xâm và nội phản gây ra.

(2) Tháng 9 – 1945, năm nghìn quân của Tưởng Giới Thạch đến Huế để giải giáp vũ khí của quân Nhật.

(Nguồn: http://www3.thuathienhue.gov.vn)

(3) Ông Bộ: tức chỉ những người bẩm sinh ái nam ái nữ.

Thời xưa, có triều đại đã dùng biện pháp cắt bỏ bộ phận sinh dục nam như một nhục hình dành cho trọng tội. Vậy nên số người vì miếng cơm manh áo mà tự nguyện làm giám hẳn là rất hiếm hoi, trong khi đó nhu cầu cung cấm đòi hỏi phải có đầy đủ nhân lực kế thừa liên tục. Thế nên chỉ còn trông cậy vào hạng giám . . . trời cho (bẩm sinh).

Đã gọi rằng của trời cho thì hẳn không phải dễ kiếm. Vua biết rõ sự chênh lệch về cung cầu này nên đã ban hành một qui chế đặc biệt cho giám bẩm sinh. Theo đó, hễ làng xã nào trong nước có gia đình sinh con ái nam ái nữ thì phải báo ngay lên huyện để huyện khám xét. Sau khi xác minh được tình trạng đặc biệt của hài nhi, huyện sẽ theo hệ thống hành chánh để báo lên phủ, rồi lên tỉnh. Tỉnh sẽ báo về Bộ Lễ, là cơ quan trung ương đặc trách về giáo dục và nghi lễ của triều đình. Lý lịch đứa bé như thế đã được “đăng ký” và từ đó nhà nước sẽ chu cấp để nuôi dưỡng.

Cha mẹ đứa bé, vì có công sinh con hữu ích cho vua, nên được miễn sưu dịch và thuế đinh, lại còn được cấp công điền công thổ để cày cấy nuôi con. Làng sở tại, nơi có đứa bé sinh ra, cũng được hưởng chút thơm lây, ấy là làng được miễn sưu thuế trong một số năm nào đó, chưa kể có thể có những đặc ân bất thường khác, tùy dịp và tùy lòng tốt của vua. Có đứa bé mang khuyết tật bẩm sinh nào lại có thể mang vinh dự và lợi lộc về cho cha mẹ và làng nước như vậy chăng? Có đứa bé nào mới sinh ra mà đã trở thành người của vua như vậy chăng? Quả là hiếm hoi quí báu!

Vậy thì để tỏ lòng biết ơn (người đã mang lại ân huệ) và kính trọng (người của vua), làng không gọi đứa bé kia là thằng này thằng nọ nữa, mà gọi là ông Bộ. Rõ ràng là đẻ ông Bộ thì làng được nhờ. Tôi chưa được xem tài liệu hay nghe người nào khác giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của chữ “Bộ” này.

(Trích từ tác phẩm “Huế Của Một Thời” của Võ Hương An)

Đường


Tác phẩm Cố Đô của chị Đường được in trong tập truyện ngắn Sống, nhà xuất bản Trẻ, từ trang 113 đến trang 126. Tác phẩm tham dự cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V.

Mình đến với sách rất muộn, và đây là quyển sách đầu tiên mà mình được đọc. Trong đó có hai tác phẩm ấn tượng nhất với mình là Hột cơm nhà bên mà mình đã nhắc đến và Cố đô ở đây. Đến bây giờ mình vẫn cám ơn cái duyên đã đưa mình đến với quyển sách này, và được quen biết với chị Đường. Tuy bây giờ chị ấy chuyển sang thêu ruy băng và ít viết nữa (hầu như là ngừng hẳn, hy vọng một ngày nào đó chị ấy sẽ viết trở lại), nhưng giọng văn của chị ấy rất trơn tru và đậm chất thơ bên trong đó. Đến bây giờ mình vẫn cám ơn duyên số đã đưa mình đến tác phẩm này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang