Có nên học đến cùng?

Người Việt ta vẫn thường quan niệm rằng học thật cao thì sẽ có tương lai tốt hơn. Nhưng liệu quan niệm này có còn đúng trong thời buổi hiện nay?

Trong xã hội thời phong kiến, tài sản và của cải phần lớn đều bị tập trung vào tay các địa chủ. Lực lượng còn lại chỉ là bần nông, phải thuê ruộng của địa chủ để canh tác hoặc làm thuê cho các nhà giàu. Chỉ một số ít thuộc giai cấp tiểu thương và người dân ở thành thị mới có cuộc sống no đủ, không bị lệ thuộc vào các địa chủ. Những người địa chủ này nhờ vào các mối quan hệ với quan chức và chi tiền ra để thao túng bộ máy nhà nước mà càng trở nên giàu có. Các quan chức nhận hối lộ hoặc bị làm khó nếu như không nhận nên làm ngơ trước sự vơ vét bóc lột của địa chủ. Thậm chí thời đó có thể dùng tiền để mua được chức quan.

Muốn thoát khỏi cảnh bần nông, chỉ có một cách đó là đỗ đạt vào một chức quan nào đó đủ lớn để không phải chịu sự chi phối của những tên địa chủ. Thời đó việc học chỉ thiên về văn chương, cũng không có sự phân chia ngành nghề nên con đường học vấn chỉ có một hướng đi duy nhất là làm quan. Khi đã làm quan rồi thì có thể hưởng được bổng lộc của triều đình, có quyền lực nên dễ dàng dùng quyền lực để trục lợi cho mình. Đó chính là thực tế của việc thay đổi số phận nhờ vào con đường học vấn ở thời phong kiến.

Đến giai đoạn nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và Mỹ xâm lược, các ngành nghề trong xã hội được phân hóa rõ ràng hơn. Văn không còn là ngành độc tôn được trong dụng duy nhất như thời phong kiến. Với nền văn minh của Pháp và Mỹ, các ngành nghề trình độ cao đều có chỗ đứng, như báo chí, y học, kiến trúc,… Khái niệm học thật cao để làm quan đã không còn đúng nữa, thay vào đó là học thật cao để thoát khỏi cảnh bần nông, có được một cái nghề cao quý và đổi đời. Lực lượng tri thức thời đó rất thiếu thốn và thực dân Pháp cũng không thể đưa nhiều nguồn nhân lực từ mẫu quốc sang để quản lý thuộc địa, lại càng không thể sử dụng đám địa chủ và quan lại cũ vì họ thiếu những kiến thức mà họ cần. Cho nên việc học thời đó rất được trọng dụng. Khi đỗ đạt làm kỹ sư, bác sĩ, cuộc đời như rẽ sang một trang mới.

Ở giai đoạn thứ nhất, chúng ta có thể thấy rằng xã hội chỉ có hai giai cấp, giai cấp thống trị gồm quan lại và địa chủ, giai cấp bị trị là lực lượng bần nông, lực lượng tiểu thương chiếm số ít và gần như không dính dáng nhiều đến xã hội. Khi có quyền lực của quan lại, họ sẽ dùng quyền lực đó để trở nên giàu có. Còn đối với lực lượng địa chủ nhiều tiền lắm của, họ sẽ dùng tiền để mua quyền lực cho mình. Lực lượng bần nông chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi số phận nghèo khó đó là học hành đỗ đạt ra làm quan, rồi từ đó có thể dùng quyền lực để đổi lấy tiền của. Đến giai đoạn thứ hai, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở việc thiếu nhân lực của thực dân đô hộ khiến họ phải sử dụng người bản địa. Ở giai đoạn này, mặc dù việc học hành đỗ đạt không khiến con người ta trở thành một người có quyền lực rồi dùng quyền lực đó để đổi lấy tiền bạc, nhưng mức lương mà họ nhận được khi làm việc đủ để khiến họ đổi đời, họ cũng được tôn trọng hơn trong xã hội.

Đất nước chúng ta đã trải qua hai giai đoạn ấy trong hàng nghìn năm nên quan niệm học cao để đổi đời đã thấm sâu vào tư tưởng của đại đa số người Việt. Nhưng liệu tư tưởng ấy còn phù hợp trong thời buổi hiện nay?

Câu trả lời là không.

Học cao có thể khiến bạn trở nên giàu có, có một công việc mơ ước với mức lương vượt xa phần còn lại của xã hội. Nhưng con số đó là quá ít so với phần còn lại.

Thực trạng về nghề nghiệp hiện nay cho thấy, có rất ít ngành nghề có thể đem lại một mức lương cao đến mức có thể khiến bạn đổi đời. Số đông còn lại sẽ có mức lương không đủ sống, một số khác không có việc làm với ngành nghề ấy.

Những ngành nghề như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, quảng cáo,… đem lại một mức lương cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Nhưng số người có thể kiếm được mức lương như thế vẫn còn quá ít so với số lượng nhân lực được đào tạo tốt nghiệp ra trường trong cùng ngành nghề đó. Lấy ví dụ ở ngành quản trị kinh doanh, đây là một ngành nghề có mức lương cao nhưng lại vô cùng khó xin việc, bởi lẽ công việc của ngành nghề này là giám đốc, trưởng phòng, những vị trí rất hiếm và kén người. Sẽ không dễ để có thể kiếm được một chiếc ghế như thế đối với một người không có kinh nghiệm. Còn làm sao để có kinh nghiệm thì đó là một bài toán khó.

Phần đông còn lại sẽ bị rơi vào các công việc văn phòng, ngày làm 8 tiếng và công việc nhẹ nhàng nhưng lương lại thấp. Thực tế cho thấy phần lớn những công việc văn phòng sẽ có mức lương thấp hơn so với công nhân, tài xế hoặc nhân viên môi trường. Giấc mộng mặc áo sơ mi sang trọng làm việc văn phòng giờ không khó nhưng thực tế thì lại không kiếm đủ tiền để nuôi sống mình. Đặc biệt hơn, đối với những công việc trong biên chế nhà nước, mức lương lại thấp hơn cả những công việc văn phòng ở các công ty tư nhân. Rất ít ngành nghề và vị trí công việc có hệ số lương cao, phần còn lại chỉ dừng lại ở hệ số lương dưới 3.0. Có rất ít ngành nghề và vị trí công việc đem lại một mức lương cao hơn so với mặt bằng chung của đất nước, nên việc học cao phần lớn sẽ không đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn so với một người công nhân vất vả.

Nhiều người vì cái giấc mộng đại học mà sẵn sàng học những ngành nghề vớ vẩn hoặc chọn những trường tư thục không có chất lượng. Đến khi học xong thì không biết phải làm gì, bởi vì không có (hoặc vô cùng ít) một công việc nào dành cho ngành nghề đó. Có thể lấy một vài ngành ra làm ví dụ như tiếng Pháp, lâm sinh, triết học, phát triển nông thôn,… Những ngành nghề này thực chất vẫn có cơ hội việc làm, nhưng nó thấp đến nỗi gần như là con số 0. Ngay tại quê tôi cũng có một người từng chọn học ngành lâm sinh chỉ vì cố chen chân vào ngôi trường đại học và giờ đang làm cán bộ giữ rừng với mức lương chưa tới 2 triệu/tháng và vẫn làm vì cái danh dự của một người học đại học.

Đó là còn chưa kể đến tình trạng thất nghiệp tràn lan hiện nay. Thực trạng là các nhà tuyển dụng thì luôn luôn thiếu nhân lực, còn nguồn nhân lực thì lúc nào cũng dồi dào nhưng không đáp ứng được nhu cầu công việc. Nguyên nhân sâu sa của thực trạng này nằm ở hai thứ:

Thứ nhất, chương trình giáo dục của nước ta vô cùng lạc hậu và không bám sát thực tế. Phân nửa chương trình đào tạo bị nhồi nhét bởi những tư tưởng chính trị yêu Đảng yêu nước và những môn đại cương vô nghĩa, không hề được sử dụng cho các môn chuyên ngành và cả công việc sau này. Phần còn lại là những kiến thức lý thuyết sáo rỗng, lỗi thời và không sát với thực tế. Hầu hết toàn bộ chương trình được đào tạo trong môi trường đại học không giúp được gì cho công việc của nhà tuyển dụng. Nhà nước không có những chính sách giáo dục hợp lý, còn nhà trường thì không liên kết với các doanh nghiệp để sửa đổi chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu công việc, cũng không có những chương trình thực tế để sinh viên hiểu về công việc khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, đó là ở lối tư duy học tập của sinh viên. Suốt mười hai năm học tập bằng phương pháp đọc chép thụ động, tư tưởng học tập thụ động ai dạy gì thì học đó đã khiến sinh viên ngại tìm tòi học hỏi từ bên ngoài trong khi chương trình đại học phần lớn là tự học. Một chương trình đào tạo sáo rỗng cộng với việc sinh viên không hề chủ động để tự trao dồi kiến thức cho mình đã dẫn đến những ứng cử viên có tấm bằng hạng giỏi nhưng lại không đáp ứng được công việc của những nhà tuyển dụng. Số khác chịu tìm tỏi học hỏi thì lại không có được nhiều tài liệu, lượng tài liệu còn lại cũng lỗi thời và mang nặng tính lý thuyết hơn là thực tiễn. Các doanh nghiệp cũng không có các chương trình nhằm mang những kiến thức của doanh nghiệp đến với sinh viên. Rốt cuộc sinh viên không hề có một kiến thức gì giúp ích cho công việc của họ trong tương lai.

Chốt lại, việc có một tấm bằng đại học hay cao hơn nữa chưa chắc sẽ giúp bạn có một cuộc sống khả giả hơn vì rất nhiều lý do: Không có công việc phù hợp với ngành nghề hoặc có việc làm nhưng lương rất thấp, thất nghiệp do không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Nhiều năm về trước tôi có đọc một bài báo viết về câu chuyện cảm động của hai cha con mùa thi đại học. Cô con gái sau đó cũng thi đỗ vào ngành mà mình mong muốn là ngành tài chính ngân hàng. Hai năm sau lại có một bài báo viết về họ. Nhưng bài báo viết rằng người con đã bỏ học vì không đủ chi phí trang trải cho việc học, hiện cô đã tìm được công việc và chưa có dự định trở lại học tiếp.

Khi tương lai của giấc mộng đại học vẫn còn là một thứ mơ hồ thì việc theo đuổi nó đến cùng là một điều mù quáng. Rất nhiều người chỉ vì cái giấc mộng học để đổi đời mà sẵn sàng đánh đổi tất cả, làm thuê làm mướn để kiếm tiền nuôi con ăn học, thậm chí còn bán đi nhà cửa, đất đai để tiếp tục nuôi giấc mộng. Nhưng rồi nhiều người phải bỏ cuộc giữa chừng vì sức cùng lực kiệt, một số khác nhận ra sự thật phũ phàng khi cầm tấm bằng trong tay.

Vậy khi nào thì nên học đến cùng?

Trong khi nước ta vẫn chưa có nền giáo dục hoàn toàn miễn phí, thì việc học tập vẫn phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Nếu gia cảnh dư giả, gia đình có thể trang trải cho con học đến cùng mà không phải lo lắng về điều kiện kinh tế thì nên học theo ý mình muốn. Còn khi gia đình không thể trang trải cho việc học đại học thì nên dừng lại với tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông rồi đi học nghề hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Vì suy cho đến cùng, mục đích chính của mọi thứ vẫn là cuộc sống, khi cuộc sống chưa được tốt thi hãy làm cho nó đủ tốt trước đã, chuyện học hành chỉ là chuyện thứ yếu. Còn khi gia đình không đủ để học hết phổ thông, hãy dừng lại ở khả năng của mình và gia đình. Trang trải cho cuộc sống vẫn là thứ quan trọng hơn việc có bao nhiêu kiến thức trong đầu. Nếu như chỉ vì việc học mà đánh đổi nhiều thứ thì điều đó không xứng đáng. Nhưng tốt nhất vẫn nên học hết phổ thông vì đó là điều kiện ở nhiều công ty khi ứng tuyển vào vị trí công nhân.

Người ta vẫn thường nói vui rằng khi chẳng biết phải làm gì thì nên đi học. Điều này đúng khi người đó sống trong một gia đình có kinh tế dư giả để nuôi họ ăn học dù họ đã lớn và họ cũng không định hướng được mình sẽ làm gì. Khi mọi thứ nằm ở quyết định của người đó mà không bị chi phối bởi kinh tế hay những nguyên nhân khác thì việc có học tiếp hay không tùy thuộc vào sở thích của người đó. Nếu thích học thì học tiếp, còn nếu không thích thì cũng không nên vì học thứ mình không thích cũng không đem lại lợi ích gì.

Đôi khi người ta đứng trước quyết định có nên dừng việc học lại hay không vì nhiều nguyên nhân: hoàn cảnh gia đình, chán nản việc học, có những hướng đi cho tương lai,.. thì việc nghỉ học là điều nên làm. Một khi việc học không còn là sở thích của người đang học hoặc bị chi phối bởi điều kiện kinh tế thì việc học đến cùng chỉ khiến họ càng thêm khó khăn hơn trong cuộc sống. Chưa kể đến tương lai chưa chắc sẽ sáng lạng phía trước. Lúc này nên dừng việc học lại.

Học không phải là con đường duy nhất để tiến đến thành công, nó cũng không phải là con đường tốt nhất. Thời thế đã thay đổi và con người cũng nên thay đổi một vài suy nghĩ đã không còn phù hợp. Mọi việc ta làm đều dẫn đến một mục đích cuối cùng duy nhất, là ta có cảm thấy hạnh phúc hay không. Nếu chỉ vì những định kiến, hay những suy nghĩ đã lỗi thời mà miễn cưỡng với việc học thì không nên. Chỉ nên học khi nào ta có thể hanh phúc với nó, không phải chật vật từng đồng bạc để trang trải cho việc học hoặc không phải vất vả vì khả năng bản thân có giới hạn. Đã đến lúc gạt bỏ những suy nghĩ cổ hủ và sống cho chính mình rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang