Có khi nào – giới thiệu
Tôi bị ám ảnh bởi những mối tình đơn phương, không phải những câu truyện tình kiểu như “tôi yêu cô ấy nhưng chẳng dám nói”, hay “tôi chỉ cần nhìn thấy cô ấy thôi cũng vui rồi”. Những mối tình mà tôi thích nó không phải như vậy, nó có chút gì đó khô khan nhưng lãng mạn, bí ẩn hơn nhiều. Tôi thích những mối tình đến một cách tự nhiên và cũng ra đi theo tự nhiên, không ai biết rằng mình đang yêu người kia cả, và cho đến khi không còn gặp lại nhau nữa thì cũng vẫn không chắc rằng mình có yêu đơn phương hay là không? Hay là một thứ tình cảm đặc biệt khác? Có lần tôi đã giới thiệu truyện ngắn Đỏ của chị Nguyễn Dương Quỳnh, nó không phải là một câu truyện tình, nó chỉ là một câu truyện tự sự về nỗi cô đơn của con người. Nhưng chỉ một chi tiết nhỏ trong đó thôi, một chi tiết thật nhỏ bên trong đó nhưng lại gây ra bao nhiêu suy nghĩ cho người ta, đó là chi tiết cô người mẫu, cũng là người nhập cư trái phép như ông hàng xóm của nhân vật chính. Anh không biết mình có yêu cô ấy không. Anh chỉ ngồi gần bàn với cô ấy có một lần. Cô ta chỉ là một người mẫu cho lớp học vẽ của anh. Và cứ thế, cho tới lúc không còn gặp nhau nữa thì anh cũng không nói gì về suy nghĩ của mình. Nhưng cũng chỉ cần nhắc về cô gái đó thôi là ta sẽ biết được đó là gì. Hay trong truyện ngắn Hột cơm nhà bên của chị Đường, đó chỉ là lời kể về cô hàng xóm của chàng trai, nhưng nó lại gợi bao suy nghĩ cho người đọc.
Và tôi sẽ viết một câu truyện như thế.
Tên truyện: Có khi nào
Thể loại: Hồi ức
Nó sẽ hơi khác với những câu truyện dài khác một chút. Có thể gọi nó là truyện dài, cũng có thể gọi nó là một tập truyện ngắn cũng được. Vì mình sẽ viết nó theo một kiểu rất lộn xộn. Nó sẽ là những câu truyện ngắn hoàn toàn độc lập, và bạn có thể đọc bất kỳ phần nào, bất kỳ thứ tự nào như những truyện ngắn độc lập không liên quan gì với nhau. Nhưng nếu bạn muốn đọc chúng theo kiểu một truyện dài thì cũng hoàn toàn được. Tôi sẽ viết chúng thành những truyện ngắn độc lập với nhau, nhưng tất cả chúng đều xoay quanh một nhân vật và khi đọc xong tất cả và kết hợp lại với nhau, người đọc sẽ có được một câu truyện hoàn chỉnh.
Đây không phải là một dự án đã được định trước, tôi sẽ chỉ viết nó khi nào có cảm hứng mà thôi. Vì vậy sẽ không có một lịch viết nào cho nó cả. Bạn đọc cũng đừng chờ đợi phần mới, xin thứ lỗi vì điều đó. Có thể phải mất vài năm để hoàn thành hay lâu hơn nữa cũng không thể biết được. Mình chỉ viết khi nào có hứng thú mà thôi.
Cũng không biết viết gì thêm cho bài giới thiệu này nữa, hy vọng mọi người sẽ được đọc Có khi nào trong thời gian sớm nhất có thể. Mình cũng không mong nó lâu ra đâu.
À, cuối cùng xin phép được đưa vào một đoạn trong truyện của chị ấy.
Than chì, màu, giá vẽ, băng dán…
Và một cô người mẫu Trung Hoa trên ghế. Giờ nghỉ trưa. Nắng mùa đông nhợt nhạt rọi xuống gương mặt cô trong giấc ngủ. Cô đã mặc vào chiếc áo tắm màu trắng. Nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc ghế bành phủ bụi đặt sâu một góc trong phòng vẽ, đầu hơi gục xuống, cô mê mệt ngủ.
Phải, đó chính là cô người mẫu Trung Hoa của tôi.
3.
Cô là người mẫu mới của chúng tôi. Cô đến vào buổi sáng, không giống những người mẫu đã quen việc khác, cô đứng nép bên cánh cửa lớn. Áo và váy cũ, nhưng sạch sẽ. Giày đen đã sờn. Tóc búi cao, có vẻ do nhuộm không đúng cách, nên trông xác xơ, thô cứng. Cô có vẻ không biết mình phải làm gì. Ai đó đã chỉ cô đến đây và bỏ cô lại một mình.
Chúng tôi biết rằng cô không biết tiếng Anh. Và cũng yên lặng ngầm hiểu với nhau rằng cô là một người Trung Hoa nhập cư trái phép. Không ai làm ầm ĩ gì. Cô hiểu điều đó và vững dạ. Một sinh viên gốc Hoa làm thông ngôn. Ngoại trừ vài phút bối rối ban đầu, mọi chuyện đều ổn cả. Cũng chẳng có gì khác biệt với những buổi vẽ khác. Cô có thân hình khá đẹp, và vẽ cô cũng khá thú vị.
Điều khác biệt duy nhất, chính là khi cúi xuống đánh dấu vị trí của khung tranh, tôi đã thấy cô cười.
Nụ cười ấy, những sinh viên khác, người đang gọt bút chì, người đang căng khung tranh, người đang ngắm nhìn chọn vị trí có thấy hay không, tôi chẳng thể nào biết được. Nhưng sự thật là cô đã cười. Cái nụ cười chẳng ai thấy, chẳng gửi cho ai, nụ cười tôi đã vụng trộm mà thấy ấy, lại khiến tôi nhớ, dù chẳng biết vì lẽ gì.
Những ngày học đại học tôi thường không đi ăn trưa. Cũng chẳng vì muốn cô độc gì, mà vì tôi thường hay lâm vào cảnh rỗng túi. Có khi vì mua sách, có khi vì màu vẽ, có khi vì mất ví, những ngày ấy tôi thường thấy mình ngồi một mình trong phòng vẽ, hoặc đi vào phòng vệ sinh táp nước lên mặt cho đỡ đói. Nhưng vừa lạnh vừa đói, như mùa đông nằm ấy, thì chẳng dễ chịu chút nào. Rửa mặt xong, tôi lại vào phòng vẽ. Và thấy cô ngồi gục trên chiếc ghế bành ấy, cạnh một bộ xương và vài cái tượng đầu người.
Phòng vẽ chỉ còn chúng tôi. Tôi và cô. Căn phòng rộng được chiếu sáng bởi những khung cửa kiếng lớn, và đứng sừng sững đây đó là những giá đỡ cao. Những bức tượng bên cửa sổ như chằm chằm nhìn tôi qua đôi mắt trắng đục. Nhưng chúng cũng như cô, như những khung tranh vẽ dở, như vệt băng keo làm dấu dưới sàn, cũng chỉ là câm lặng đấy thôi.
Tôi nhớ mình đã ngồi xuống một cái bục gỗ phía bên kia căn phòng mà nhìn sang cô. Lòng hơi e ngại sẽ làm cô tỉnh dậy mất.Và nếu cô thức dậy thấy tôi nhìn cô chăm chú, lại trong phòng vẽ vắng lặng yên ả thế này, cô sẽ nghĩ gì? Tốt nhất là đứng dậy rời đi, nhưng tôi không làm được.Tôi cứ ngồi nhìn cô như thế, đến giữa trưa thì mọi người lục tục kéo vào. Cô gái thức giấc. Mấy cô sinh viên gốc Hoa nói gì đó và cô mỉm cười đáp lại. Tôi vội đứng dậy và trở lại vị trí của mình. Có lẽ họ đang hỏi thăm cô gì đó, và tôi chẳng thể hiểu được.
Cầm bút vẽ cô chiều hôm ấy, lòng tôi lạ lắm, tự dưng thấy không thoải mái tự nhiên. Cứ như một người đột ngột nhận ra rằng mình đang làm một việc không tốt.
4.
Lần thứ ba chúng tôi gặp nhau cũng là lần cuối cùng. Tôi nhìn thấy cô ở căng tin vào giờ trưa. Như đã nói ở trên, tôi thường không ăn trưa khi còn ở trường đại học. Vì chẳng biết chi tiêu thôi, chứ không phải vì muốn tránh mặt người khác đâu.
Vậy mà hôm ấy nhìn thấy cô như thế, không biết làm thế nào, tôi lại ngồi xuống bàn trước mặt cô, ngơ ngác nhìn xuống tay thì thấy mình đã mua cơm rồi.
Cô ngước mặt lên, mỉm cười, ý chừng đã nhận ra tôi. Cô bắt đầu nói gì đó, có lẽ cô tưởng tôi cũng là người Hoa. Tôi lắc đầu, cố cười và vội nhìn xuống đĩa cơm. Mình đang làm cái gì ở đây nhỉ? Mình đang muốn gì vậy nhỉ? Tôi cảm thấy lúng túng và không thoải mái, tự cảm thấy từng cử chỉ của mình đều hoá vụng về tựa một chú chó con. Nhưng chính là tôi đẩy mình vào cái tình thế này chứ còn ai khác nữa.
Tôi ăn từ từ, thật chậm rãi. Thật tình chỉ muốn ngồi bên cô chút nữa. Mà cũng chẳng để làm gì, thế mới thật là ngớ ngẩn. Chỉ tự ngượng ngập đến muốn chui xuống đất mà biến đi, nhưng đó cũng chỉ là suy nghĩ của mình, nào có can hệ gì đến cô gái người Hoa bên cạnh.
Gía như tôi nói chuyện được với cô thì tốt. Chỉ là không chịu được cái cảm giác đã nhìn vụng trộm thấy cô cười, đã ngắm cô vụng trộm khi cô ngủ, đã nhìn thật kỹ thật lâu màu da thịt cô, từng đường cong uốn lượn trên cơ thể cô, mà rốt cuộc chẳng lưu dấu gì nhiều hơn những bức tranh hay phác thảo cái vẻ ngoài cụ thể của cô, biết về cô nhiều đến thế, mà hoá ra chỉ là người lạ thôi.
Cô gái người Hoa ấy đứng dậy sau khi tôi ăn được nửa đĩa cơm. Cũng có trao cho tôi một nụ cười cuối cùng trước khi bước đi.
Từ độ ấy đến nay tôi không còn gặp cô. Và cũng không nghe gì về cô nữa. Nhưng từ đầu đến cuối, tôi vốn có biết gì về cô đâu.
Chúng tôi có lẽ chỉ là khách đi tàu đột ngột ngồi lại bên cạnh nhau. Chuyến tàu trôi đi trong ánh sáng mùa đông nhợt nhạt, cũng như ánh sáng trong phòng vẽ, và sàn tàu rung chuyển gầm gừ những thanh âm của chuyến du hành bất tận. Cô thiếp ngủ vì mệt mỏi bên cửa sổ, còn tôi là kẻ nhàn rỗi ngồi ngắm cô một mình, và tự dưng thấy bất an, lo lắng những chuyện dớ dẩn rất không lành. Tôi nhìn thấy mái tóc cứng và khô của cô, thấy từng nếp nhăn trên áo sơ mi, từng vết bẩn trên ống tay áo khoác, mà lại chẳng thể nói gì cùng cô, chẳng thể chạm đến cô, dù chỉ là để bảo: Này cô ơi, áo khoác bị lệch rồi…