Cô hàng xóm
Khi tôi viết lại những dòng này, tôi lại chợt nhớ đến truyện ngắn Hột cơm nhà bên của tác giả Đường. Nó bắt đầu từ mùa thi tuyển sinh của hai năm về trước, tôi có mua một quyển sách có tên là Sống của tác giả Đường. Trong đó có truyện ngắn mang tên Hột cơm nhà bên làm tôi chú ý. Bất chợt, nó lại giống với những gì mà mình đã trải qua quá, giống với những câu truyện ấy một phần nào đó, ở đâu đó.
Tuần rồi, không rõ ngày nào, tôi lại thấy cô ấy, cô hàng xóm của tôi, lần này là mặt đối mặt. Nhưng tôi không biết mình phải làm gì, chỉ biết đi ngang qua và môi nở một nụ cười chỉ có mình tôi biết. Đó là cô hàng xóm của tôi, một hột cơm giống như Xuân Diệu và Đường. Có lẽ là không, cô ấy không phải là hột cơm, cũng không phải là gì cả. Bởi vì cô ấy không giống với họ, cô ấy chỉ gần giống mà thôi.
Chuyện bắt đầu từ những ngày thi cử đại học, nhưng liệu có phải là cô ấy hay không, tôi cũng không còn nhớ rõ. Trí não của con người có nhiều lúc là như vậy đấy. Có lẽ là vì người ta không muốn nhớ, hay sợ nhớ đến nó. Tôi thấy cô ấy, một cô gái nhỏ nhắn trong bộ đồng phục tình nguyện, chiếc mũ tai bèo trên đầu. Cô đang đứng giữa đường, không phải điên khùng hay rảnh rỗi mà đứng giữa đường. Cô ấy đang chia làn đường cùng với những người bạn của mình. Tôi nhìn rất rõ nhưng cũng rất nhanh. Bởi lẽ tôi chẳng có cái lý do nào để đứng lại ở đó mà nhìn, mà ngó như một cái cây trong khi gần như cả thế giới mấy chục nghìn con người đang ồ ạt đổ ra ba cái cổng nhỏ xíu. Hai lần, có lẽ là hai lần tôi thấy cô ấy, đó là hai ngày thi vất vả mệt mỏi. Và trong tôi, chẳng còn gì để nhớ, chẳng còn gì để đọng lại.
Cô có một thân hình nhỏ nhắn. Không biết có những đường cong quyến rũ hay một chiếc eo đồng hồ cát như trong những tác phẩm có một chút tình dục trong đó hay không. Bởi lẽ tôi không nhìn cô ấy nhiều. Và tôi cũng không muốn nhìn vào những chi tiết ấy khi thấy một người nào đó lần đầu tiên. Một cách chính xác hơn thì cô ấy không mặc những bộ đồ có thể tôn lên những đường nét ấy. Cô ấy như thế nào, tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết rằng cô ấy là một cô gái nhỏ nhắn, chỉ thế thôi. Kể khuôn mặt của cô ấy, tôi cũng không biết. Tôi không biết khuôn mặt cô ấy như thế nào, ra sao, hình dạng gì. Nhưng tôi có thể chắc chắn, nếu nhìn thấy khuôn mặt ấy một lần nữa, tôi sẽ nhận ra đó là cô ấy cho dù nhìn ở góc độ nào, sau lưng hay trước mặt.
Tôi đậu đại học với số điểm vừa đủ, đứng thứ hạng cao từ dưới đếm lên. Tôi ở ký túc xá, một khu ký túc xá nói cũ cũng không cũ, mà mới thì không hề mới, chỉ được một việc là nó rộng và thoải mái hơn những dãy ký túc xá khác nhiều. Nhưng tại sao tôi lại nhắc đến chuyện này. Là bởi vì tôi và cô ấy cùng ở chung một dãy, nên có thể gọi là hàng xóm. Cô hàng xóm của tôi.
Cô hàng xóm của tôi, xin cho phép tôi gọi như vậy. Có một khuông mặt không cười. Cũng không phải, có lần cô ấy đã phát tờ rơi quảng cáo tại phòng tôi, là hai lần. Và cô ấy đã cười. Nhưng nụ cười như thế nào thì tôi cũng không thể nhớ, không hiểu sao tôi lại có một trí nhớ mơ hồ đến vậy. Cô ấy đã cười, và tôi cũng chỉ biết cười. Cô hỏi tôi phòng bao nhiêu người, có tiếng tôi trả lời rằng phòng có mấy người, cô đưa cho tôi hình như là 6 tờ rơi, và hình như tôi đã nhận. Và hình như mặt tôi như đông cứng lại. Không thay đổi hàng vài chục giây. Nhưng nụ cười của cô ấy và khuôn mặt của cô ấy lúc cười như thế nào thì tôi cũng không thể rõ, chính xác hơn là tôi không thể nhớ. Tôi chỉ nhớ một điều rằng cô có một gương mặt không cười. Nó có vẻ như giận dữ, cũng có vẻ như là chẳng có gì. Mà cũng chẳng có gì, chẳng có gì tôi nhớ, chẳng có gì cả.
Cô hàng xóm của tôi hơn tôi một tuổi, tôi đoán thế. Nhìn vào bộ đồng phục thể dục, tôi đoán rằng cô ấy hơn tôi một tuổi bởi ở trường tôi, mỗi khóa sẽ có đồng phục thể thao khác nhau, nhìn qua đồng phục là có thể đoán được. Nhưng cũng không tránh được những sinh viên thích mình trẻ lại, mua đồng phục của những khóa sau để đội lên đầu cái sừng non nớt trên phần sừng già nua đã bị cắt bớt gần hết. Nhưng tôi có thể khẳng định cô hơn tôi một tuổi vì có hai nguyên nhân. Thứ nhất là vì cô đã tham gia tình nguyện hè, chứng tỏ cô không phải là khóa mới, mua đồng phục trước khi có đồng phục cho khóa mới. Hè năm thứ nhất đại học, tôi lại thấy cô tham gia tình nguyện. Cô rất thích tình nguyện. Tôi cũng thế. Nhưng tôi không thể, bởi tôi còn quá nhiều việc để làm. Một phần trong đó cũng là vì trách nhiệm. Tôi không thể bỏ dở công việc đang tấp nập đến nỗi mọi người có thể thốt ra những lời khó nghe với nhau một cách vô thức, và rồi lại nói cười như lúc đầu. Xin cho phép tôi không nói về việc tôi đang làm là gì, đó là một công việc làm thêm với mức lương cao, nhưng trách nhiệm cũng không ít. Thứ hai, tôi có đi học ké với thằng bạn chung phòng một học phần mà học phần đó chỉ dành cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai.Và giờ thì tôi chắc rằng cô ấy hơn tôi một tuổi rồi.
Nhiều lần tôi thấy cô từ phía sau, trên đoạn đường từ nhà gửi xe vào khu ký túc xá. Một đoạn đường không quá dài nhưng cũng khiến người ta phải ngại đi. Nhiều lần tôi nhìn thấy cô, một cách vô thức có ý thức, như những con người không quen biết cùng đi chung trên một con đường. Và có một lần tôi bảo với thằng bạn ấy là có lẽ chúng tôi có duyên nên tôi thấy cô ấy nhiều lần. Và thế là những ngày cuối của học kỳ, nó bảo rằng nó học chung với cô ấy. Không biết tại sao, tôi lại đi học ké với nó. Xui xẻo thay, ngày tôi đi học hôm đó cũng là ngài cuối cùng của học phần đó. Xui xẻo thêm nữa, góc nhìn của tôi hoàn toàn bị che khuất bởi những thân thể ngọc ngà có phần không khiêm tốn. Cả buổi học, tôi chỉ có thể nhìn thấy được mỗi ông giảng viên già đang tóm tắt lại kiến thức đã được học trong thời gian qua cùng mấy đứa bạn của thằng bạn mà tôi cũng đã quen biết hết bọn chúng. Tôi lại nhớ đến truyện ngắn Hột cơm nhà bên của chị Đường. Cô gái trong truyện cũng hơn nhân vật chính một tuổi. Nhưng tôi khác hơn trong truyện, bởi vì tôi đã gặp lại cô ấy sau kỳ nghỉ hè.
Sau kỳ nghỉ hè, tôi trở lại với cuộc sống bận rộn với bao dự định đặt ra cần phải thực hiện với một lý do hết sức thực dụng: nếu không làm được, sẽ phải trả giá bằng tiền. Căn phòng ngày nào tôi cũng đi ngang giờ đây không còn thấy cô hàng xóm của tôi đâu nữa. Tôi vẫn nghĩ cô vẫn ở đó. Bởi lẽ cô khá kín đáo. Trong khi những đứa chung phòng với cô ngày ngày dắt bạn trai vào phòng, ngày nào đi ngang không muốn nhìn cũng phải thấy những thân hình có phần không khiêm tốn về mặt vóc dáng làm tôi thấy phát tởm. Cô kín đáo và kín đáo hơn nhiều. Muốn thấy được cô, là cả một vẫn đề. Bởi vậy, tôi đoán cô vẫn ở đó. Nhưng tôi đã nhầm. Tuần rồi, không nhớ là ngày nào, tôi lại mặt đối mặt với cô, dù những lần như thế có thể đếm trên một bàn tay. Cô từ phía bên kia, tôi từ phía bên này, cùng rẽ sang hướng ra. Khuông mặt tôi cười không ra cười, rung không ra rung, trên môi có lẽ đã giãn rộng ra. Không nói lời nào, bởi biết nói gì với một người không quen biết bây giờ, đành mỉm cười cho qua. Và có lẽ đôi môi của tôi đã đông cứng lại, trong vòng vài chục giây.
Cuối năm, thầy phụ trách họp. Thầy bảo sẽ phải sắp xếp lại vị trí phòng ở. Thay đổi cách bố trí để không còn hiện tượng mất vệ sinh công cộng nữa. Và tôi phải chạy vạy mệt rã người để xin chuyển phòng, thanh toán tiền nợ cho cả phòng trong khi chúng nó đứa thì đang tung tăng ở nhà, đứa thì đang vui vẻ với mấy thằng nào đó. Lỗi đi cũ không còn đi nữa, và tôi cũng không thể nhìn thấy cô ấy nữa. Cho đến hôm vừa rồi, là ngày thứ mấy, tuần mấy, ngày mấy tôi cũng không thể rõ. Tôi cũng chưa biết tên cô hàng xóm của tôi.
Ôi, thật không ngờ lại có một hình mẫu ở ngoài y như truyện, Cám ơn bạn nhé, cũng không nghĩ đến giờ vẫn có người đọc được mấy truyện lẻ tẻ ấy.
Em rất vui khi được chị Đường bình luận trên blog của em. Cám ơn chị đã nhận xét.