Chọn mua máy tính cho sinh viên
Như đã viết ở bài trước, thật không khó để trở thành sinh viên. Hầu như mọi người đều mặc định rằng sinh viên nào cũng cần có một chiếc laptop để phục vụ cho việc học. Các bạn tân sinh viên cũng thường nghĩ rằng mình sẽ cần một chiếc laptop khi học đại học/cao đẳng, hoặc một số bạn sẽ lấy đó là cơ hội để mình có thể chơi game thỏa thích. Vậy nên hôm nay mình sẽ làm rõ điều đó và sẽ tư vấn cho các bạn tân sinh viên cách chọn mua laptop phù hợp nhất. Thông tin sẽ dựa trên các tiêu chí: nhu cầu sử dụng, giá tiền, giá trị sử dụng lâu dài.
Không mua laptop
Thật sự quan niệm sinh viên cần có một chiếc laptop chỉ đúng một phần thôi, sự thật là hơn 50% sinh viên sẽ không thật sự cần đến một chiếc máy vi tính. Ngoài những chuyên ngành cần sử dụng một số phần mềm đặc thù như công nghệ thông tin, kế toán, xây dựng, điện tử thì mới cần đến máy tính cá nhân, phần đông các ngành còn lại chỉ sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản và tra cứu thông tin trên internet. Nếu gia đình bạn không mấy dư giả để sở hữu một chiếc laptop, không mua nó là một lựa chọn đúng đắn. Mình cũng có nhiều bạn bè đến khi ra trường vẫn không hề mua một chiếc máy tính nào. Bản thân mình cũng rất hối hận khi trước kia đòi ba mẹ gom tiền mua một chiếc laptop để rồi nó bị mất vào năm 3 đại học.
Hiện nay tại tất cả các trường đại học đều có hệ thống máy tính công cộng phục vụ cho sinh viên hoàn toàn miễn phí. Nếu như bạn chỉ sử dụng chúng vào mục đích viết đồ án, tra cứu tài liệu trên mạng thì những máy tính công này hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của bạn. Thường thì các máy tính được đặt cùng chỗ với thư viện trung tâm của trường, bạn vừa sử dụng chúng lại vừa có thể đọc sách tại thư viện.
Việc bạn xách mông vào ra thư viện mỗi ngày cũng sẽ khiến bạn siêng năng hơn thay vì ngồi lì ở nhà lướt facebook. Tài liệu bạn có thể lưu vào Google Drive, One Drive hoặc Dropbox, vừa an toàn lại có thể truy cập được trên mọi thiết bị. Hiện nay các dịch vụ này cũng tích hợp các trình soạn thảo giúp bạn soạn thảo tài liệu ngay trên đó mà không cần phải tải về máy, rất tiện lợi.
Tuy nhiên, việc sử dụng máy tính công cũng có một vài vấn đề như chỉ sử dụng trong giờ hành chính, cấu hình máy rất yếu, bị vô hiệu hóa nhiều tính năng và bị chặn truy cập vào một số trang web. Nếu bạn cần sử dụng thêm các phần mềm chuyên ngành thì khó mà dùng máy tính công được, còn nếu kinh tế gia đình bạn hạn hẹp và bạn cũng chỉ viết đồ án thì đây là một sự lựa chọn cần được cân nhắc.
Sử dụng máy tính công và cách dịch vụ lưu trữ đám mây thay vì mua laptop
Chọn cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng
Một chiếc máy tính có cấu hình cao luôn tốt hơn những chiếc máy có cấu hình thấp hơn. Nhưng đôi khi bạn không sử dụng hết hiệu năng của chúng thì lại thật lãng phí. Nếu bạn mua một chiếc máy với tầm giá trên dưới 20 triệu nhưng lại chỉ lướt web, gõ văn bản thì thật không hay tí nào, mặc dù nó sẽ đem lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn rất nhiều so với những chiếc máy có cấu hình và giá tiền thấp hơn. Nếu bạn không sử dụng chúng vào mục đích chơi game, các tác vụ đồ họa như dựng phim, chỉnh sửa ảnh, vẽ các loại bản vẽ như vẽ hình, bản vẽ xây dựng, mạch điện thì chỉ nên dừng lại ở cấu hình tầm trung hoặc cấu hình bình dân là được. Một lưu ý nhỏ, nếu bạn học lập trình và quyết định theo Java, Android hoặc .NET thì nên chọn cấu hình mạnh vì những công cụ để lập trình chúng đòi hỏi cấu hình rất cao
Cấu hình khuyến nghị dành cho các bạn là vi xử lý Intel Core i5/i3 và Ram 4Gb. Hệ điều hành sử dụng thì dừng lại ở Windows 7 là được rồi, bạn không cần phải sử dụng Windows 10 đâu vì thật sự phần lớn chúng ta đều chẳng sử dụng những tính năng mà Windows 10 đem lại. Đa phần đều sử dụng phần mềm lậu nên cũng đừng nhắc đến chuyện bảo mật làm gì, mà sinh viên thì cũng chẳng có tài liệu gì quan trọng đề bảo mật. Tuy nhiên, đôi khi bạn sử dụng một phần mềm nào đó hoặc một thiết bị nào đó mà driver của nó yêu cầu hệ điều hành Windows 10 trở đi thì buộc lòng bạn phải sử dụng Windows 10. Với Windows 10 thì cấu hình mình khuyến nghị cũng khá là đuối. Nếu sử dụng Windows 10, cấu hình của bạn nên từ Core i5 trở lên và Ram nên từ 8Gb, phải có ổ cứng SSD.
Với cấu hình Core i5/i3 Ram 4Gb thì chỉ giá chỉ tầm 15 triệu trở xuống cho một chiếc máy mới chính hãng. Nếu bạn chọn Core i3 thì một số dòng máy giá có thể dưới 10 triệu. Hiện giờ thương hiệu có giá bán rẻ nhất là Acer, tiếp đến là Asus, giá rẻ thứ 3 là Dell. Với tầm giá này bạn chỉ có được ổ cứng HDD (loại ổ cứng cơ thông thường), sau khi sử dụng một thời gian khoảng 1 đến 2 năm máy sẽ chậm lại, đây là đặc trưng của loại ổ cứng này. Muốn máy nhanh, bạn có thể thay thế ổ cứng SSD và gắn thêm Ram, chỉ phí cho việc nâng cấp này sẽ thấp hơn số tiền chênh lệch khi bạn mua một chiếc máy có cấu hình tương tự. Còn CPU thì không cần phải nâng cấp vì hầu như chúng ta chưa bao giờ sử dụng một nửa công suất của CPU.
Hầu hết các laptop đều có thể một khe Ram trống để chúng ta nâng cấp thêm, gợi ý của mình là gắn thêm một thanh Ram 4Gb và ổ cứng SSD 120Gb, chi phí chỉ tầm 1 triệu rưỡi trở xuống. Ổ cứng cũ bạn có thể mua thiết bị gọi là Caddy Bay, bạn gắn ổ cứng cũ vào thiết bị này và gắn thiết bị này thay thế ổ đĩa quang. Bạn vừa có ổ cứng SSD tốc độ cao để máy hoạt động vừa tận dụng được ổ cứng cũ để lưu trữ tài liệu. Còn nếu không có ổ đĩa quang hoặc bạn muốn biến nó thành ổ cứng di động thì trên thị trường cũng có bán thiết bị này.
Cấu hình khuyến nghị
CPU Intel Core i3/i5 4Gb RAM
Nâng cấp thêm 4Gb RAM và ổ cứng SSD
Mua laptop cũ
Nếu bạn mua một chiếc laptop khi mới vào đại học, sau khi ra trường nó đã trở thành một chiếc laptop có 4 năm tuổi thọ. Các bộ phận đều đã bị hao mòn dần. Cấu hình máy đã lỗi thời, bàn phím bị liệt, màn hình không còn đẹp, thậm chí là bị sọc hoặc bị điểm chết trên màn hình. Sau 4 năm đại học, chiếc máy tính mới toanh ngày nào giờ chẳng khác nào một cỗ máy cũ kỹ lỗi thời. Cho nên việc mua một chiếc máy tính mới và mua sớm không phải là một sự lựa chọn tốt.
Lời khuyên của mình là bạn nên mua laptop khi bước vào năm 3 và mua một chiếc máy cũ là được. Sau khi kết thúc đại học, bạn có thể chia tay với nó và tậu về một chiếc máy mới phục vụ tốt hơn cho công việc của mình, lúc đó bạn cũng đã có tiền để mua những chiếc máy tốt nhất rồi. Thông thường phải đến năm 3 thì bạn mới bước vào các môn chuyên ngành và niên luận, trước đó hầu như chỉ học lý thuyết và các môn đại cương nên cũng không phải soạn báo cáo gì nhiều.
Khác với các thiết bị khác, máy tính thường có độ bền rất cao nên tỷ lệ hư hỏng của một chiếc laptop cũ cũng khá thấp. Thông thường những chiếc máy cũ thường gặp phải những hư hỏng như màn hình, bàn phím, wifi. Đối với bàn phím, bạn nên mua một chiếc bàn phím rời, giá chỉ hơn 100 nghìn đồng thay vì thay bàn phím với giá hơn 400 nghìn. Nếu bị hỏng wifi thì bạn có thể mua thiết bị wifi rời chỉ tầm 200 nghìn. Còn về khoảng pin thì không cần phải thay, ngay cả những chiếc máy mới thì vòng đời của pin chỉ trong khoảng 2 năm đổ lại, sau 2 năm thì hầu như tất cả chúng đều đã chai. Dùng laptop tầm trung trở xuống thì luôn luôn phải cắm sạc khi sử dụng. Bạn cũng đừng lo lắng, các máy hiện nay đều sẽ tự động ngắt sạc khi đầy pin nên không ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin đâu.
Mua máy cũ và nên mua vào năm 3
Mua máy tính dành cho game thủ
Nếu bạn là một người hay chơi game thì những lời khuyên bên trên không hoàn toàn phù hợp với bạn rồi. Cấu hình cao luôn là tiêu chí hàng đầu khi quyết định mua máy để chơi game. Hiện nay các hãng máy tính cũng cho ra mắt nhiều dòng máy chuyên cho gaming. Đặc điểm của các dòng máy này là cấu hình khủng tối ưu cho chơi game, màn hình lớn và kích thước khá cồng kềnh.
Lời khuyên của mình là nên ráp một dàn máy bàn thay vì mua laptop gaming. Những thứ cần thiết đối với một game thủ là một chỗ ngồi thoải mái, màn hình rộng, tai nghe, chuột, phím chất lượng. Những thứ đó không thể có được khi bạn chơi game trên laptop. Và mình cũng cá với bạn luôn, bạn chỉ tập trung làm đồ án, bài tập ở nhà thôi, bạn sẽ không hoàn thành được bao nhiêu công việc khi thực hiện ở quán cà phê cùng bạn bè đâu.
Khi tự ráp một dàn máy, bạn có thể lựa chọn được cấu hình mà mình muốn, bạn cũng dễ dàng nâng cấp sau này, một điều khó làm được so với laptop. Chi phí bỏ ra cũng thấp hơn so với mua một chiếc laptop có cấu hình tương tự. CPU và main dành cho máy bàn cũng có hiệu năng cao hơn so với laptop.
Có hai thứ bạn cần phải quan tâm và đầu tư kỹ từ ban đầu đó là bo mạch (main board) và nguồn. Bạn nên đầu tư nhiều tiền vào hai thứ này để sau này khi nâng cấp các chi tiết khác được dễ dàng hơn. Nếu không chọn đúng main và nguồn, khi có nhu cầu nâng cấp sau này, rất có thể main hiện tại không thể gắn CPU hoặc card đồ họa mới, nguồn cũng không đủ để nuôi cách thiết bị mới. Nên đầu tư kỹ vào hai thứ đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền khi nâng cấp sau này. Công việc chính của một chiếc máy chơi game chủ yếu ở card đồ họa, bạn chỉ cần một chiếc CPU đủ để chạy được con card đó là được. Số tiền còn lại bạn có thể mua một chiếc laptop rẻ tiền dùng khi ra ngoài học nhóm hoặc trình chiếu cho các buổi thuyết trình.
Dành cho game thủ
Ráp máy bàn, đầu tư kỹ vào main board và nguồn
Có thể dùng số tiền còn lại mua một chiếc laptop rẻ tiền cho mục đích di động
Đó là những kinh nghiệm mà mình có được từ thực tế sau khi trải qua quãng đời sinh viên như các bạn. Tư vấn của mình dựa trên tiêu chí ưu tiên về nhu cầu sử dụng, giá tiền và giá trị sử dụng lâu dài. Các tiêu chí này dành cho những bạn có mức tài chính vừa phải hoặc dư giả tài chính nhưng không muốn lãng phí tiền bạc. Không ai dạy người giàu cách tiêu tiền, nên nếu bạn không quan tâm về tiền bạc thì hoàn toàn có thể mua những gì mà các bạn muốn. Hy vọng những tư vấn trên có thể giúp bạn chọn mua một chiếc máy tính phù hợp cho quãng đời sinh viên của mình. Nếu bạn có thêm các lời khuyên khác thì hãy đóng góp trong phần bình luận để các bạn sinh viên mới có thêm quyết định phù hợp khi chọn mua máy tính nhé.