Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư
Tình dục và chính trị có lẽ là hai đề tài nhạy cảm nhất tại Việt Nam. Người ta vẫn thường ngại nói về nó, hoặc tìm cách hạn chế tối đa nói về nó. Nguyên do chính là vì những tác phẩm như vậy sẽ khó có cơ hội được xuất bản, và cho dù có được xuất bản đi chăng nữa thì nó sẽ dễ mắc phải những tranh cãi trái chiều giữa những người theo thuần phong mỹ tục và những người theo lối sống hiện đại. Cho nên số đông tác giả sẽ chọn những đề tài an toàn, hoặc phù hợp với đường lối của chế độ mà viết sao cho khéo. Giữa một không khí u ám bởi những quy cũ như vậy, một luồng gió mới đã xuất hiện. Lần đầu tiên có một tác phẩm văn học Việt Nam kết hợp cả tình dục và chính trị vào làm một. Đó chính là Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư của nhà văn Đoàn Ánh Thuận.
Đầu tiên, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư không phải là một tác phẩm dễ đọc. Bởi lẽ bạn sẽ bị ngập tràn trong vô vàn số 4, nhiều đến nỗi đôi khi sẽ khiến bạn trở nên nghẹt thở. Thêm nữa là những câu chữ, những chi tiết được lặp đi lặp lại một cách liên tục như muốn gây khó cho người đọc. Rồi những câu truyện được kể một cách lẻ tẻ, xen kẽ và chẳng ăn khớp gì với nhau. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang đọc một thứ gì đó thật hỗn loạn, như hai câu truyện xảy ra hoàn toàn khác nhau với những con số 4 xuất hiện dày đặc trong từng đoạn văn. Nhưng đến khi đọc hết tất cả chúng, người đọc sẽ nhận ra cái thâm sâu của tác giả. Khi mà những câu truyện riêng lẻ ấy tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng hóa ra lại là những phần không thể thiếu để tạo ra một mạch truyện hoàn chỉnh.
Những câu truyện ấy, những chi tiết ấy được dẫn dắt bởi một người đàn ông, không biết rõ là tên gì, chỉ nghe tác giả gọi là “hắn”. Hắn không phải người tốt, cũng không phải hình mẫu lý tưởng của một người đàn ông, mà trong truyện hầu như cũng không có bất kỳ người tốt nào. Hắn sinh ra như một cỗ máy được lập trình bởi mẹ hắn. Hắn học trường mà mẹ hắn chỉ định, trở thành bác sĩ như mẹ hắn muốn. Nhưng hắn không là một người đàn ông hoàn hảo như mẹ hắn hằng mong ước. Hắn lăng nhăng, hắn ngoại tình, hắn làm con người ta đau khổ. Nhưng rồi những con người mà hắn đã từng ngủ lại là những mảnh ghép của một bức tranh đầy thống khổ về chính trị, tình dục và cả tình yêu.
Những góc khuất còn tồn đọng của một giai đoạn lịch sử quan trọng được khắc họa lại một cách đầy thấu cảm với góc nhìn của những con người trong cuộc. Những kẻ mượn danh công lý để dụ con người ta có bầu. Những kẻ mượn danh chính nghĩa để cướp bóc công khai. Những con người phải vượt biên 9 phần sống 10 phần chết để tìm đến một chân trời mới. Tất cả những góc khuất ấy đã được kể thông qua những nhân vật mà hắn đã từng gặp, từng làm tình với họ. Hắn dường như chẳng có câu truyện quá quan trọng để người ta chú ý đến. Hắn chỉ đơn giản là có một cuộc đời rập khuôn như một đứa con của cán bộ. Nhưng không có hắn, chúng ta lại không thấy được những phần quan trọng của câu truyện. Những lần ngoại tình, những lần gặp gỡ người con gái mà hắn đã rung động trên đất khách quê người. Hóa ra lại là những mắc xích xâu chuỗi hắn, cô, nàng và người chị em của nàng lại với nhau.
Văn của Thuận khó đọc, đó chính là nét đặc trưng của bà. Đối với bà, văn chương không chỉ đơn giản là câu truyện mà tác giả muốn kể, mà đó còn là sự sáng tạo cả về hình thức và cách kể truyện. Bà luôn sáng tạo những cái mới trong những tác phẩm của mình, khiến cho mỗi tác phẩm là một trải nghiệm đọc hoàn toàn mới đối với độc giả. Và trong Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư, đó là những con số 4 xuất hiện và những câu truyện riêng lẻ của hắn, cô, nàng và một người nữa. Đó là những góc khuất phía sau những lý tưởng tưởng chừng như là sự tiến hóa của nhân loại. Đó là những từ ngữ miêu tả về tình dục một cách trần trụi nhất.
Cũng như Đội gạo lên chùa, khi cầm Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư trên tay, tôi khó có thể tin rằng quyển sách này lại được xuất bản. Nhưng cuối cùng nó cũng đã được thành hình và đến với tay những độc giả đang sinh sống tại Việt Nam. Không quá dài để trở thành một tác phẩm đồ sộ. Tác phẩm có độ dài chưa tới 200 trang nhưng lại chứa đựng rất nhiều thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm vào nó. Theo chân những nhân vật, trong công cuộc lục lại những hồi ức của họ cũng chính là một cuộc khám phá của người đọc đến với những góc tối trong lịch sử. Chúng ta sẽ được thấy rõ về những lý tưởng cao đẹp kia hơn, thấy rõ những con người đang lợi dụng chúng, và cả những con người đã trở thành nạn nhân của những lý tưởng ấy. Mọi vấn đề đều có tính hai mặt, nhưng đôi khi chúng ta bị che mờ bởi một mặt mà quên đi mặt kia của nó. Thuận giống như một nhà thám hiểm, bà mà người đọc đến với cuộc thám hiểm trên những trang giấy, đi qua nửa vòng trái đất cùng những nhân vật, và thấy thêm được một mặt khác của vấn đề.
Nếu như bạn quá chán nản với một lối viết truyện rập khuôn của nhiều tác giả hiện nay, thì tiểu thuyết của Thuận chính là một làn gió mới dành cho bạn. Những tác phẩm của bà không những mang đến những cách kể truyện độc đáo, mà nó còn mang đến cho người đọc những góc nhìn mới, những góc nhìn đa chiều hơn về những vấn đề tưởng chừng như chúng ta đã biết quá rõ về chúng. Đó còn là một khám phá dành cho người đọc, để họ hiểu thêm một góc nhìn mới về những quan điểm của chính mình.
Cá tháng 4 à 😛