Bốn chấm không
Hiện nay, thật không khó để nghe được cụm từ “bốn chấm không” ở đâu đó. Trên ti vi thì luôn nghe nhan nhản cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” trên các chương trình truyền hình, đến quảng cáo trên radio cũng nghe thấy. Ra ngoài đường, tại các buổi nói chuyện, thỉnh thoảng tôi cũng được nghe cụm từ “bốn chấm không” trong các câu nói của các bạn trẻ. Kiểu như “thời buổi bốn chấm không rồi mà mày còn …”, “giờ thời đại bốn chấm không rồi, không nhanh …. đi ông ơi”.
Cụm từ “4.0” được các phương tiện truyền thông và cả những công ty nhắc đến đầy tự hào với ý nghĩa “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ai cũng được nghe và cũng tự hào với cái sự “phát triển” của nước ta trước cuộc “cách mạng” ấy. Đến nổi đâu đó tôi còn nghe thấy khẩu hiệu “thay đổi hay là chết”. Và mọi thứ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu và những sự tự hào mang tính thủ dâm tinh thần đó.
Chắc hẳn bạn cũng đang cảm thấy sự “thay đổi” ấy đang diễn ra từng ngày, nhưng có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi rằng “bạn có thấy thứ gì đang thay đổi” không? Riêng tôi thì không. Tôi thấy mọi thứ vẫn thế, chẳng hề có sự thay đổi nào ngoài việc hô hào của các ông các bà về thứ gọi là bốn chấm ngày càng nhiều hơn.
Ở các văn phòng, người ta vẫn sử dụng máy tính trong các công việc từ trước đến giờ. Tại các cửa hàng, siêu thị, nhà sách, người ta vẫn tính tiền tự động bằng máy đã hơn chục năm nay. Còn tại bệnh viện huyện quê tôi đang sống, người ta cũng sử dụng hệ thống phần mềm để phục vụ cho việc khám chữa bệnh gần chục năm nay rồi, trước khi cái gọi là “bốn chấm không” ra đời rất nhiều năm.
Lúc trước tôi có đọc một bài viết của một chuyên gia từng làm việc ở nước ngoài. Khi anh ấy nhắc đến cụm từ “4.0” với người nước ngoài, họ rất ngạc nhiên vì ở nơi họ sống, họ không hề dùng từ đó mặc dù công nghệ của họ luôn cải tiến và phát triển từng ngày. Đối với họ, họ chỉ biết làm tốt nhất có thể, họ chưa bao giờ thần thánh hóa những gì mình đạt được và cũng chưa bao giờ gọi nó là một sự tiến bộ vượt bậc gì cả.
Tôi không phải là chuyên gia, nhưng cũng biết chút ít kiến thức về công nghệ thông tin. Với các công nghệ mà nước ta đang sử dụng, nó không có gì tiến bộ hay phát triển vượt bậc để có thể gọi đó là một cuộc cách mạng. World Wide Web ra đời vào năm 1989. Ngôn ngữ Java ra đời vào năm 1991 và ra mắt vào năm 1995. Nền tảng .NET ra đời vào năm 2002, tiền thân của .NET là Visual Basic ra đời vào năm 1991. Hệ cơ sở dữ liệu Oracle ra đời năm 1978, MySql ra đời năm 1995. Nhân Linux ra đời vào năm 1994…. Đó là những công nghệ tiêu biểu đang được sử dụng để tạo nên rất nhiều phần mềm hiện nay. Những phần mềm từ trước tới giờ đều được tạo ra và vận hành trên những công nghệ ấy. Những con người làm phần mềm và những người tạo ra các công nghệ ấy họ đều cố gắng để làm ra những thứ tốt nhất, họ chưa bao giờ coi đó là một cuộc cách mạng khiến họ nở mặt nở mài.
Thứ có thể được coi là đáng để nhắc đến trong cái cuộc “cách mạng” này chỉ vỏn vẹn ở công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo. Nhưng xin thưa, Blockchain cũng đã xuất hiện vào năm 2008 còn trí tuệ nhân tạo cũng đã được tạo ra từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước rồi. Chắc tại vì một số lý do mà hồi đó không ăn mừng cuộc cách mạng được nên phải đợi đến bây giờ mới ăn mừng chăng?
Tôi còn nhớ lúc trước, khi một sàn giao dịch bitcoin có hạng trên thế giới tuyên bố phá sản, chúng ta được tuyên truyền rằng bitcoin không được chấp nhận tại Việt Nam vì thiếu an toàn. Thế mà cái thứ tạo nên bitcoin đó giờ đây được tuyên truyền là thứ an toàn nhất trên thế giới (Nó thật sự rất an toàn, nhưng trái ngược với phát biểu bitcoin không an toàn). Và cái blockchain đó hiện giờ cũng không ai biết hình hài nó ra sao ngoài vài dòng lý thuyết về nguyên lý hoạt động của nó, còn nó được xây dựng như thế nào thì ít ai biết được. Hiện tại các công ty đang nghiên cứu về blockchain cũng đang nghiên cứu để phục vụ cho thứ mà người ta cần phục vụ chứ cũng không phải phục vụ cho cuộc cách mạng không khói nào đó.
Lượn một vòng ở thực tế, những gì tôi thấy chúng ta đã làm được chỉ quanh đi quẩn lại ở những phần mềm khai báo thuế, sổ liên lạc điện tử, phần mềm bán hàng được viết trên nền tảng web bởi những công ty có liên quan ít nhiều đến nhà nước như VNPT, Viettel, xịn sò hơn một chút thì có thêm app trên thiết bị di động nhưng nhìn chung cũng vẫn chưa tới nơi tới chốn.
Thứ tôi hy vọng duy nhất trong cái cuộc “cách mạng” này là cơ sở dữ liệu quốc gia. Tất cả dữ liệu của công dân được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chỉ việc quét vân tay hay móng mắt là có được đầy đủ thông tin của công dân bao gồm lý lịch, các bằng cấp, giấy phép lái xe, tiền án tiền sự và mọi thông tin khác. Khi có hệ thống dữ liệu này rồi, công dân sẽ không còn phải mang theo những loại giấy tờ cồng kềnh nữa, các thủ tục hành chính cũng được tự động hóa vì mọi thông tin của công dân đều có sẵn, công dân không cần phải chứng minh những tờ giấy bằng những con dấu màu đỏ.
Thế nhưng mọi thứ chỉ tiến được đến mức độ là những dự định trên bàn giấy và những tuyên bố trên báo đài. Với việc tự xây dựng cơ sở dữ liệu này, tôi biết chắc nó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cơ bản là vì chúng ta không có đủ nhân lực và công nghệ để thực hiện điều đó. Những kiến thức mà nguồn nhân lực của chúng ta có được chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng công nghệ, còn những con người làm được nhiều hơn thế thì đã ra nước ngoài hết. Còn công nghệ thì chúng ta chưa từng có. Chiếc điện thoại Bphone của Bkav có thể được coi là công nghệ hiện đại nhất cũng chỉ ở mức ứng dụng công nghệ, chưa phải là tạo ra công nghệ. Tôi nhắc đến Bkav ở đây không phải để chê họ, tôi đang khen họ. Họ đã rất tài năng mới có thể tạo ra được một chiếc điện thoại với những công nghệ hiện đại nhất. Đó là kết quả nghiên cứu và sáng tạo rất nhiều năm trời của họ. Còn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kia, mãi mãi chỉ là một ý tưởng. Trong khi ta có thể dễ dàng có được thứ đó bằng việc bỏ tiền ra thuê một công ty lớn ở nước ngoài như Microsoft, Oracle, họ sẽ làm điều đó vô cùng hoàn hảo. Ôm vào làm làm chi trong khi chất xám và công nghệ đều không có, đến khi làm được thì chắc người ta di chuyển bằng đĩa bay hết rồi.
Ngoài cụm từ “4.0” ra, tôi cũng khá dị ứng với cụm từ “công nghệ”. Một phần rất lớn người Việt Nam đều cho rằng Việt Nam là một nước phát triển công nghệ, khá là buồn cười. Chúng ta đang bị lầm tưởng giữa cụm từ “phát triển công nghệ” và “phát triển lượng người tiêu thụ thiết bị công nghệ”. Có mấy thanh niên trên mấy diễn đàn và mấy kênh Youtube mua các món đồ điện tử như điện thoại, laptop, đồng hồ thông minh và tự cho mình là “dân công nghệ”. Trong khi các thanh niên ấy chỉ quanh quẩn ở mức độ là người sử dụng sản phẩm, những kiến thức mà các thanh niên ấy có được cũng chỉ quanh đi quẩn lại ở những thông số kỹ thuật mà các nhà sản xuất quảng cáo, chẳng có ai chứng minh mà cũng chẳng ai biết những “công nghệ” đó thật sự là như thế nào.
Có một anh tài xế taxi, ngoài việc đón khách trên đường, anh còn có một nguồn khách khác từ công ty. Khi khách có nhu cầu đi taxi, họ gọi điện đến số tổng đài đẹp đẹp của công ty taxi. Công ty nhận được điện thoại liền tìm xem có anh tài xế nào đang ở gần đó, sau đó gọi cho anh tài xế đến đón khách. Thời gian dần trôi qua, người ta bắt đầu thấy chán với việc gọi điện, người ta chuyển qua dùng một ứng dụng trên điện thoại để goi xe. Vậy là cái tổng đài kia được thay thế bằng một phần mềm truyền thông tin về cuốc xe được tự động và nhanh hơn. Cảm thấy có nhiều tiềm năng hơn, cái công ty tạo ra phần mềm ấy muốn áp dụng nó cho cả xe ôm và giao hàng. Đến giờ người ta vẫn tranh cải cái công ty ấy là công ty vận tải hay là một công ty cò mòi. Còn những người khác thì vẫn luôn tự hào gọi đó là những anh tài xế xe ôm công nghệ, taxi công nghệ.
Công nghệ thông tin đã ra đời và phát triển mấy chục năm nay. Nhìn lại so với những năm trước, nó đã có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ trong vòng chưa đầy mười năm trở lại đây, công nghệ thông tin đã phát triển rất nhanh và đạt được những thành tựu đáng kể. Từ những chiếc điện thoại cồng kềnh được kết nối với nhau bằng những dây cắm tại tổng đài, giờ đây ta có thể thấy được hình ảnh của người đang trò chuyện với mình. Từ việc phải dùng chiếc máy tính cộng từng giá trị món hàng lại với nhau, giờ đây mọi thứ được rút ngắn bằng việc quét mã vạch hàng hóa. Những thứ ấy được tạo ra để giúp cho công việc và cuộc sống của chúng ta được tốt hơn. Nó được tạo ra từ rất lâu, được cập nhật thường xuyên để ngày càng hoàn thiện và bổ sung thêm những tính năng mới.
Còn ở Việt Nam, chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng chúng để tạo ra những phần mềm phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Nó không khiến cho sản lượng sản phẩm tăng vượt bậc như hồi con người chuyển từ thủ công sang máy móc, cũng chưa giúp cho người dân không phải mang theo các loại giấy tờ tùy thân khi đi ra đường. Vậy thì dùng từ “cách mạng công nghiệp 4.0” cho việc ta đã và đang sử dụng các phần mềm phục vụ cho công việc từ hàng chục năm trời nay có lố quá không?