Bộc bạch Inh lả ơi
“Inh lả ơi” là một bài hát dân ca dân tộc Thái rất quen thuộc, hầu khắp cả nước đều biết đến. Chỉ với bốn nốt nhạc “son”, “la”, “đô”, “rê” mà nó đã tạo nên giai điệu uyển chuyển trữ tình làm say đắm lòng người. Và cũng chỉ vẻn vẹn hai câu “Khắp núi rừng Tây bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười” mà người người hát đi hát lại không thấy chán. Khi khúc ca được cất lên thì mọi người không kể trẻ già, gái trai đều nhịp nhàng bước vào vòng xoè truyền thống. Nghệ sỹ nhân dân Thanh Huyền đã rất thành công khi hát khúc dân ca này. Hồng Nhung là ca sỹ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự Liên hoan âm nhạc Châu Á cũng nổi tiếng vì ca khúc Inh lả ơi. Khúc nhạc dân gian đó đã xuất hiện trong nhiều cuốn giáo trình dạy nhạc. Câu hát “Inh lả ơi, sao noọng ơi” đã được nhiều nhạc sỹ đưa vào bài hát của mình như “Inh lả ơi tôi nghe câu hát” của Nguyễn Cường, “Chào Sơn La” của Trần Hoàn, “Điệu xoè thương nhau” của Vương Khon… Cũng với khúc dân ca này, nhiều nhạc sỹ cũng đã thể hiện rất thành công với nhiều nhạc cụ khác nhau như Sacxophone (Trần Mạnh Tuấn), sáo trúc (Đinh Thìn)…
Nhưng, lời hát “Khắp núi rừng Tây bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười” cũng mới xuất hiện trong chiến dịch Tây Bắc, còn lời hát truyền thống như thế nào chúng ta còn chưa biết rõ, nghĩa của từ “inh lả” và “xao noọng” là gì cũng ít người thấu hiểu. Xin được bộc bạch cùng bạn đọc đôi chút suy nghĩ của mình về khúc hát dân ca này.
Ngày xưa con gái Thái khi bước vào tuổi thiếu nữ cũng là lúc được bước lên “hạn khuống”, một sàn chơi giành riêng cho giới trẻ chưa lập gia đình. Ở đó họ sống rất hồn nhiên, được tự do giao tiếp, được tâm sự, hát đối đáp với các chàng trai trong cũng như ngoài bản. Và cũng ở đó họ khao khát và nảy nở tình yêu say đắm đến cháy bỏng. Họ coi “hạn khuống” là nơi thân thuộc mà thiêng liêng nhất của đời họ. Cho nên, khi đi lấy chồng họ rất hối tiếc; họ thường khóc, thậm chí còn trốn đi trong ngày “tẳng cẩu” (ngày động phòng). Họ cho rằng “Thóc đã đổ bồ chẳng đem quay lại gặt, gái đã lấy chồng không thể quay lại đùa vui” (Xống chụ xon xao), “Thời con gái quá ngắn ngủi so với cả cuộc đời” (Tản chụ xống xương). Khi đi lấy chồng, họ đều có những lời “giã từ hạn khuống”, dặn các em gái trẻ đừng để “sàn hiu quạnh”, vắng bóng các chàng trai…
Khi sinh hoạt hạn khuống, các cô gái thường chia thành hai lớp. Những cô lớn tuổi, đã có thâm niên hạn khuống gọi là “xao ưởi” nghĩa là lớp chị, còn các cô gái nhỏ tuổi mới bắt đầu làm quen với hạn khuống thì gọi là “xao noọng” nghĩa là lớp em. Và lớp chị gọi lớp em một cách âu yếm là “inh lả” có nghĩa là út thân thương. Cho nên, có thể nói rằng “Inh lả ơi, xao noọng ơi” chính là tiếng của các cô gái lớn tuổi sắp đi lấy chồng gọi lớp cô gái trẻ mới bước vào đời.
Thế họ gọi làm gì? Trong các lời cổ của khúc dân ca Inh lả ơi có đoạn “…Méng căm ởn thuông bó phí phựa. Bửa bin khái hai pú dí duội. Chứa căn má xum xao ơi. Chứa căn ỉn au đới bók ban. Tản au đới xao báo nhăng nọi. Inh lả ơi, xao noọng ơi“. (Nghĩa là: Ve sầu vờn bông hoa sắc thắm. Bướm bay lượn quanh núi rợp rờn. Cùng đến đây, các em gái ơi. Cùng nhau chơi hết đời hoa ban. Chơi cho hết thời con gái trẻ. Inh lả ơi, xao noọng ơi).
Thế đó, các chị sắp đi lấy chồng, sắp phải giã biệt cái thời khắc hồn nhiên và đẹp nhất của cuộc đời, dặn lại các em hãy chơi cho thoả thích, chơi cho hết mình kẻo rồi hối tiếc. Đó cũng chính là nội dung xuyên suốt của làn điệu dân ca Thái Inh lả ơi rất đỗi thân quen.
Nguồn: Cà Chung Blog
Ảnh chụp ở đâu nhỉ?
Ảnh ở Mù Cang Chải 😀