Blockchain, Big data, AI: Công nghệ tương lai hay trò chơi tự sát?
Công nghệ có lẽ là thứ có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Đối với công nghệ, mọi thứ thay đổi từng ngày. Có thể ngày hôm nay công nghệ này ra mắt, ngày hôm sau lại có một công nghệ khác ưu việt hơn. Chỉ cần chậm một bước thôi, rất có thể doanh nghiệp của bạn bị bỏ lại phía sau rất xa. Cũng bởi vậy mà nhiều người Việt mình thần thánh hóa nó lên quá mức, biết một chút kiến thức lý thuyết về công nghệ đã đem ra chém gió và tự cho rằng mình là người giỏi công nghệ.
Chương trình Shark Tank với rất nhiều startup về công nghệ bỗng mùa 3 này trở nên hài hước hơn hẳn khi có không ít người chỉ biết một chút lý thuyết về blockchain, big data, AI đã vội chém gió với các shark. Không may cho các ông chủ bà chủ trẻ là mùa này có một shark chuyên về công nghệ nên vừa múa rìu qua mắt thợ đã bị thợ quật ngay cho cái mác “ngáo thuật ngữ công nghệ”. Nhưng hôm nay tôi sẽ không nói đến vấn đề “ngáo thuật ngữ” ở đây, tôi sẽ nói nó trong một bài viết khác, còn trong bài viết này, tôi sẽ nói đến những công ty đang theo đuổi các công nghệ trên một cách nghiêm túc. Để đưa ra quan điểm khách quan xem cuộc chạy đua này có thật sự cần thiết không, hay chỉ là một cuộc đua vô nghĩa dẫn đến tự sát.
Tôi không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, cụ là công nghệ thông tin, cũng không phải người làm trong ngành đó. Nhưng tôi cũng có tìm hiểu một chút và cũng có một vài người bạn đang làm việc cho các công ty về phần mềm, nên những hiểu biết của tôi ở một phần nào đó cũng chính xác, dù là không phải tuyệt đối.
Hiện tại tại Việt Nam có rất nhiều công ty công nghệ đang theo đuổi các công nghệ của tương lai như blockchain, big data, AI. Số lượng các công ty đang nghiên cứu và theo đuổi các công nghệ này có thể kể đến cả trăm. Những công nghệ trên như thế nào thì chả ai biết, người ta chỉ biết chúng qua những lý thuyết và những bức tranh được vẽ nên có thể dễ dàng tra tra cứu trên Google với các từ khóa này. Hãy cùng xem xét xem cuộc đua này có xứng đáng để chúng ta chạy theo không nhé.
Tính ứng dụng chưa cao
Chúng ta được vẽ ra rất nhiều thứ hay ho từ các công nghệ trên, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến tính ứng dụng thực tế của chúng, cụ thể là ở Việt Nam chưa? Câu trả lời là không. Tính ứng dụng của các công nghệ trên thật sự rất ít.
Lấy ví dụ đầu tiên là blockchain nhé. Công nghệ blockchain được sử dụng để làm gì? Tôi cũng chả biết nó để làm gì ngoài tiền ảo bitcoin mà ở Việt Nam chúng ta không công nhận nó. Người ta vẫn thường quảng cáo trên các phương tiện truyền thông rằng nó sẽ được ứng dụng cho lĩnh vực tài chính và ngân hàng để bảo mật. Nhưng thật sự là không cần thiết, nếu không nói là không thể ứng dụng. Tiền trong ngân hàng khác với tiền bitcoin. Nếu như ngân hàng quản lý tiền của khách hàng theo cái cách mà công nghệ blockchain hoạt động, thì ngân hàng cũng không thể kiểm soát được chúng. Còn nếu ngân hàng quản lý tất cả các node thì nó cũng chả khác gì cách lưu trữ dữ liệu truyền thống cả, ngân hàng vẫn có thể thay đổi dữ liệu vì họ quản lý tất cả các node đó, thật dư thừa. Bao nhiêu doanh nghiệp ở Việt Nam thật sự cần đến công nghệ này? Tôi nghĩ con số đó chắc đếm trên đầu ngón tay. Bản chất và tính ứng dụng của công nghệ blockchain và công nghệ lưu trữ bằng cơ sở dữ liệu là hoàn toàn khác nhau. Phần lớn các hệ thống hiện nay cần một hệ cơ sở dữ liệu tốt chứ không phải công nghệ blockchain.
Tiếp đến là big data. Tôi vẫn thường hay nghe những người quen của tôi nói rằng họ sẽ theo đuổi big data, cả những người nhỏ tôi hơn tôi cũng đã có lần hỏi ý kiến tư vấn từ người khác rằng cậu ta có nên theo đuổi công nghệ đó không. Thật ra trả lời cho câu hỏi này rất dễ dàng.
Bạn hãy thử làm một thống kê nho nhỏ xem bạn thường xuyên duyệt web ở những trang nào nhất. Chắc chắn phần lớn mọi người sẽ thường xuyên truy cập Google, Youtube, Facebook, các trang thương mại điện tử và các trang báo điện tử. Vậy thì hãy trả lời thêm một câu hỏi nữa, đó là những công ty trên sử dụng big data để làm gì? Google dùng dữ liệu phân tích người dùng để tối ưu hóa quảng cáo và kết quả tim kiếm. Youtube dùng để đề xuất nội dung. Facebook dùng để tối ưu trải nghiệm (đề xuất các nội dung liên quan) và tối ưu quảng cáo. Các trang thương mại điện tử phân tích nhu cầu mua sắm của người dùng để đề xuất sản phẩm phù hợp. Các trang báo điện tử sử dụng dữ liệu để đề xuất các tin tức và bài viết mà người đọc có thể sẽ quan tâm.
Vậy hãy trả lời thêm câu hỏi thứ ba, đó là ai sẽ sử dụng big data của bạn? Chắc chẳng có ai cả. Những trang web mà tôi vừa kể ở trên họ đã có hệ thống big data của họ rồi. Ngay cả các trang thương mại điện tử họ cũng mua dữ liệu từ Google, chả ai thèm mua dữ liệu của bạn đâu. Rồi bạn sẽ thu thập dữ liệu từ đâu? Bạn lập ra một trang web nào đó rồi theo dõi người dùng. Ồ, sẽ chẳng có mấy người truy cập vào web của bạn đâu, họ chỉ thường xuyên vào Facebook và Google, dữ liệu của bạn cũng chẳng đủ lớn (big) để bán cho người khác. Mà cũng chẳng ai cần mua công nghệ của bạn để sử dụng, vì những danh nghiệp họ cần big data từ Google và Facebook chứ họ không cần dữ liệu họ tự thu thập, vì nó không chất lượng bằng.
Cuối cùng là trí tuệ nhân tạo (AI). Thật ra trí tuệ nhân tạo có hai ứng dụng, trong phần mềm và trong phần cứng. Trong phần cứng, người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các con robot, thường thấy nhất là các robot trong sản xuất, và một vài robot gia dụng như nồi cơm điện thông minh, robot hút bụi. Mảng gia dụng đã có từ lâu rồi, thậm chí chỉ cần bỏ ra khoảng 30 triệu là bạn đã có thể sở hữu được nhà thông minh với BKAV. Còn trong các robot sản xuất thì rất ít doanh nghiệp cần những cánh tay robot thông minh như vậy. Trong phần mềm thì khỏi phải nói, như đoạn bên trên thôi, ai dùng sản phẩm của bạn chứ?
Các công nghệ này có thể được sử dụng rất nhiều trên thế giới, nhưng hiện tại ở Việt Nam thì tính ứng dụng của nó vẫn chưa cao. Phần lớn nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc trong sản xuất, rất ít ngành sản xuất cần đến những cỗ máy có trí thông minh.
Tính cạnh tranh rất cao
Tất nhiên các doanh nghiệp theo đuổi các công nghệ trên phần lớn họ sẽ ứng dụng chúng ở nước ngoài chứ không phải trong nước. Đây cũng là câu mà người ta chắc chắn sẽ dùng nó để phản biện cho ý kiến bên trên. Thật sự thì các công ty đang theo đuổi lĩnh vực này họ có khát vọng vươn ra tầm thế giới chứ không hề muốn ứng dụng nó trong nước. Đến đây, chúng ta sẽ thấy một chướng ngại thứ hai, đó là tính cạnh tranh của chúng.
Chỉ riêng tại Việt Nam thôi đã có đến hàng trăm công ty theo đuổi các công nghệ trên rồi, nếu so với thế giới, chúng ta chẳng khác nào hạt cát trên sa mạc. Trên thế giới có rất nhiều công ty mạnh về công nghệ, họ có mấy chục năm kinh nghiệm cùng những kỹ sư tài giỏi thuộc hạng bậc nhất trên thế giới. Những công ty của nước ta chẳng thể nào tiến xa và nhanh hơn họ được, nói chi đến việc đem sản phẩm ra cạnh tranh với người ta. Tự hào dân tộc là tốt, nhưng không có nghĩa là ảo tưởng cho rằng mình là nhất. Thực tế vẫn là thực tế, chúng ta vẫn không thể nào cạnh tranh được với họ.
Chưa đủ nguồn lực
Vậy thì hãy trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta lại không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trên thế giới? Chẳng phải Việt Nam là một nước có công nghệ thông tin rất phát triển sao?
Chúng ta không có nhân lực trình độ cao. Những người giỏi họ đã ra nước ngoài hết rồi. Đơn giản là vì nước ngoài trả lương cao hơn trong nước, thứ hai là ở nước ngoài cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng cao hơn trong nước rất nhiều. Nguồn nhân lực trong nước chỉ dừng lại ở mức bình thường. Các công ty phần mềm trong nước phần lớn cũng chỉ là gia công phần mềm. Các công ty tự sản xuất sản phẩm thì rất ít, phần lớn họ cũng phá sản sau từ một đến hai năm theo đuổi. Quan điểm rằng đất nước chúng ta là một nước phát triển về công nghệ thông tin chỉ là một sự ảo tưởng. Chúng ta chỉ dừng lại ở mức gia công sản phẩm do người ta thiết kế sẵn. Người ta thuê chúng ta gia công chỉ vì để trả lương thấp hơn, và người ta sử dụng nguồn nhân lực để làm những việc quan trọng hơn thay vì phải gia công sản phẩm.
Cả thế giới chỉ có vài hệ cơ sở dữ liệu có hiệu suất thật sự tốt như Oracle, Microsoft SQL Server. Người ta mất mấy chục năm trời để hoàn thiện được sản phẩm như hiện nay, còn chúng ta chỉ là công ty vài chục người nhưng muốn làm blockchain, làm big data cao siêu hơn những thứ đó gấp nhiêu lần. Sự ảo tưởng hơi bị cao đấy.
Có một vài công nghệ đã được các công ty lớn xây dựng sẵn, chỉ cần bỏ tiền ra để sử dụng chúng. Thay vì bỏ ra một đống tiền để tự xây dựng và phát triển nhưng chưa chắc có kết quả, tại sao lại không sử dụng những thứ mà người ta đã làm tốt sẵn ngay từ đầu? Tự nghiên cứu và phát triển là tốt, nhưng không phải thứ gì có thể mù quáng làm theo được. Đôi khi không làm không phải vì sợ thất bại, mà không làm vì đó là một công việc vô nghĩa. Nhưng thôi, đời mà, biết đâu sau này có một công ty nào đó từ Việt Nam xứng tầm thế giới thì sao.