Bkav nên dừng dự án Bphone là vừa
Đầu tiên, đây không phải là một bài viết chỉ trích Bphone hay công ty Bkav của CEO Nguyễn Tử Quảng. Đây là một bài viết với mục đích thiện ý về dự án Bphone của Bkav nhằm giúp người đọc hiểu hơn về dự án “bom nổ” này và công ty có những định hướng thiết thực hơn trong tương lai.
Điều đầu tiên mà những người dù biết nhiều hay chỉ nghe nói về Bphone nên biết, đó là những chiếc điện thoại Bphone được làm ra không phải vì mục đích thương mại. Rõ ràng rằng Bphone không thể cạnh tranh với các thương hiệu điện thoại Trung Quốc giá rẻ và cả những thương hiệu điện thoại đã chiếm được thị phần lớn tại Việt Nam là Samsung và Oppo (đa phần là vậy). Mặc dù ông Nguyễn Tử Quảng ra sức rêu rao kêu gọi người Việt ủng hộ hàng Việt hay làm những chiêu trò marketing bẩn nhằm giúp thương hiệu đến tai người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng là Bphone chẳng bán được bao nhiêu, công ty cũng không thể giảm giá bán vì những chi phí phải bỏ ra khi sản xuất với số lượng ít sẽ cao hơn rất nhiều so với việc sản xuất hàng trăm triệu máy như những hãng điện thoại khác. Dù cố gắng để thương mại chiếc điện thoại này, nhưng đó không phải là mục đích chính khi ông Quảng khởi động dự án Bphone. Cũng không phải để chứng tỏ rằng người Việt cũng làm được những thứ công nghệ cao như nước ngoài.
Mục đích chính khi ông triển khai dự án này chính là nghiên cứu. Ông có một kế hoạch vô cùng chi tiết để thu hút những con người tài giỏi nhất trong lĩnh vực trên tụ lại một chỗ, cùng nghiên cứu và làm chủ được những công nghệ hiện đại ấy. Thử hỏi nếu bạn là một người tài giỏi và được Bkav mời về làm ra thứ có thể khiến bạn tự hào với thế giới, có cơ hội phát triển bản thân và đặc biệt là được trả công xứng đáng (theo lý thuyết là vậy), sao bạn lại từ chối chứ. Dù đi sau các hãng khác, nhưng Bkav đã chứng tỏ một điều rằng họ đã làm được. Họ làm được một chiếc điện thoại hiện đại nhất với những công nghệ tối tân nhất (dù đôi khi trễ hơn sự phát triển của thế giới vài tháng). Ông Quảng cũng đã từng nói, ông muốn làm ra thứ khó nhất, khi đã làm được rồi thì những thứ dễ hơn không còn là vấn đề. Và giờ họ đã làm được.
Đã làm được điều mình muốn
Điều mà ông Quảng và cả Bkav muốn khi triển khai dự án Bphone này chính là giúp công ty có một sự phát triển về kiến thức và khả năng để có thể làm chủ được những công nghệ tiên tiến nhất, và giờ họ đã làm được điều đó. Hãy nhìn sang người hàng xóm kế bên là thương hiệu VinSmart. Tập đoàn Vingroup có quá nhiều tiền để có thể mua (hoặc thuê) những công nghệ mới nhất và thuê những con người giỏi nhất từ nước ngoài về làm việc cho họ. Điều này khiến họ có thể làm được những chiếc điện thoại hiện đại nhất mà không phải bỏ công nghiên cứu từ đầu. Nhưng nhược điểm lớn nhất của mô hình này chính là Vingroup không hiểu hết hoàn toàn những thứ mà mình làm. Nó giống như việc bạn có tiền và bạn mở công ty phần mềm, thuê những kỹ sư giỏi nhất về làm việc cho mình trong khi bạn hoàn toàn không biết một thứ gì về phần mềm. Nếu có những sự cố nào đó (như bảo mật, nhân viên nghỉ việc) thì bạn sẽ chẳng thể xoay sở nổi.
Còn với mô hình của Bkav, mục đích chính của họ là nghiên cứu và nắm vững những thứ mà mình đang làm. Khi họ hiểu hết về chúng, lúc đó họ có thể làm bất cứ thứ gì mà mình muốn. Giống như việc bạn tự thiết kế một căn nhà thì bạn sẽ hiểu rõ từng ngóc ngách của nó, bạn sẽ biết phải thi công nó như thế nào. Còn khi bạn mua bản vẽ của người khác về thì khó mà hiểu hết về nó. Nhưng mô hình này cũng có một nhược điểm rất lớn, đó là họ luôn bị tụt hậu so với thế giới và rất khó triển khai thương mại được.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy rõ việc này qua ba đời Bphone. Ở thế hệ đầu tiên, nó có một thiết kế tuyệt đẹp, nhưng khi nó ra mắt thì thiết kế ấy đã lỗi thời, người ta đang chuộng cảm biến vân tay có ở mặt trước như những chiếc điện thoại Samsung còn Bphone thì hoàn toàn không có cảm biến vân tay. Sang đời thứ hai, họ chạy theo kiểu thiết kế đang thịnh hành lúc đó (lúc họ đang nghiên cứu), bầu bầu tròn tròn như một đứa con lai giữa Apple iPhone và Samsung Galaxy. Nhưng khi ra mắt rồi thì thế giới đã chuyển sang tai thỏ với mặt lưng bằng kính, lúc này Bphone vừa chuyển từ mặt lưng kính sang vỏ nhôm nguyên khối như những hãng khác. Đến khi Bphone 3 ra mắt, họ đưa cảm biến vân tay ra mặt lưng như những chiếc điện thoại khác đang làm và làm màn hình tràn viền (dù còn cái trán vồ), nhưng lúc này thế giới đã chuyển sang nhận diện khuôn mặt (dù lởm hơn Apple nhiều) và camera đặt dọc. Không chỉ đi theo sau về mặt công nghệ mà họ còn chậm hơn thế giới một bước về các xu hướng trong thiết kế (cá nhân tôi đánh giá các mẫu điện thoại càng về sau càng xấu).
Bkav nên dừng cuộc rượt đuổi công nghệ này vì họ đã có được những gì mình muốn. Họ làm chủ được nhiều công nghệ có thể giúp họ tạo ra rất nhiều sản phẩm khác tốt hơn, thiết thực hơn. Còn những thứ như Truedepth camera, AI camera, multi camera, cảm ứng vân tay dưới màn hình,… nó thật sự không cần thiết.
Sử dụng những công nghệ ấy để phát triển nhà thông minh
Bkav đã có hệ sinh thái nhà thông minh của họ từ lâu. Và giờ đây, khi đã làm chủ được những công nghệ tiên tiến (hoặc cần thiết) nhất, họ nên sử dụng nó để phát triển các sản phẩm trong môi trường nhà thông minh của họ thay vì chỉ chế ra một chiếc điện thoại bán ra chẳng ai mua.
Ngày nay bạn có thể hoàn toàn sở hữu những món đồ mang cái mác “thông minh” với giá cả rât phải chăng đến từ Xiaomi. Từ nồi cơm điện đến cây đèn, đôi giày, chiếc khẩu trang. Nói chung bạn có thể dễ dàng sở hữu một món đồ “IOT” và xây dựng hệ sinh thái cho ngôi nhà của mình theo ý bạn mà không cần phải mua trọn gói nhà thông minh như Bkav đã từng làm. Rõ ràng khi truyền thông đang tuyên truyền “4.0” thì người ta đang quan tâm những món đồ gia dụng mang cái nhãn “thông minh” không kém gì đua nhau mua điện thoại đắt tiền. Và thị trường điện thoại hiện giờ cũng đã bão hòa.
Bkav chưa có nhiều thiết bị gia dụng thông minh như Xiaomi, nếu họ sử dụng những gì mà họ đã nghiên cứu được vào việc sản xuất những món đồ như vậy, ước mơ thương mại hóa những gì họ đã nghiên cứu sẽ dễ trở thành hiện thực hơn, và những nghiên cứu của họ cũng được sử dụng nhiều hơn thay vì chỉ làm ra một chiếc điện thoại và mải chạy theo những trào lưu vớ vẩn trong sản xuất điện thoại.
Tất nhiên việc chuyển từ việc chỉ sản xuất một chiếc điện thoại thành “cửa hàng tạp hóa” là rất khó vì nó không chỉ là vấn đề về tiền bạc mà còn là vấn đề về nguồn lực. Nhất là trong khi Việt Nam chẳng có thương hiệu đồ gia dụng nào mà họ tự làm cả, toàn đặt hàng từ Trung Quốc về rồi dán nhãn (dù chưa bị phanh phui hết nhưng chắc chắn là vậy). Nếu như vẫn còn tồn tại những thương hiệu điện tử tiêu dùng tự họ làm ra tất cả thì Bkav có thể hợp tác với họ để “nâng cấp” những sản phẩm ấy thành những món đồ “thông minh” mang dòng chữ “Made in Vietnam” và có một logo Bkav nằm chễm chệ bên cạnh logo của thương hiệu chính.
Hay cách khác, ông Quảng có thể gọi thêm vốn từ những nhà đầu tư có tinh thần dân tộc cao, muốn Việt Nam làm được những thứ mà thế giới làm được. Hiện ông Quảng đang nắm 95% cổ phần công ty, với lượng cổ phần khổng lồ và những thành tựu của Bkav đã có (Bkav là công ty phần mềm có tên tuổi trong nước, không giống như những công ty khác toàn gia công phần mềm từ nước ngoài hoặc làm những phần mềm gov), ông hoàn toàn có thể gọi được rất nhiều tiền để đầu tư cho việc sản xuất những món đồ điện tử gia dụng thông minh.
Kết luận
Mặc dù gây nhiều ác cảm khi sử dụng chiêu trò truyền thông khi ra mắt chiếc Bphone đầu tiên (và đến giờ vẫn còn nhiều người ghét Bphone), nhưng chúng ta không thể phủ nhận lý tưởng mà ông Nguyễn Tử Quảng đã đề ra khi khởi động dự án Bphone. Và giờ thì ông ấy đã đi được nửa chặng đường, đã kiểm soát được công nghệ (vì những công nghệ ấy chẳng phải do Bkav tạo ra) và có thể làm được gần như là “bất cứ thứ gì” mà họ muốn. Giờ đã đến lúc chuyển sang giai đoạn 2, sử dụng những thành tựu ấy để làm ra những sản phẩm “do người Việt và cho người Việt” như mọi người vẫn hay nói. Những chiếc điện thoại Bphone đã hoàn thành nhiệm vụ của nó đó là giúp Bkav trưởng thành trong lĩnh vực mới và chứng minh được khả năng của Bkav. Giờ đã đến lúc chúng về hưu, nằm trong lồng kính với một niềm tự hào khi nó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một hệ sinh thái thông minh sau này.
Tôi sẽ không mua điện thoại Bphone dù có bao nhiêu thế hệ sau ra mắt đi nữa (vì chẳng có quá nhiều tiền để ủng hộ và tôi cũng không cần dùng chúng). Nhưng tôi vẫn hy vọng Bkav có thể khiến Việt Nam trở thành một đất nước hiện đại và thật sự phát triển về công nghệ chứ không phải chỉ mua sản phẩm từ nước ngoài về sử dụng rồi tự thủ dâm tinh thần rằng nước ta là một nước đang phát triển công nghệ và hô hào bốn chấm này nọ.
Hy vọng Bkav sẽ đọc được bài này và biết đâu họ làm theo thật thì sao. 🙂
Còn nổ còn xịt :v
Tất nhiên dồi. Lúc nào cũng đi sau người ta một bước mà. Giờ lấy công nghệ đó làm đồ gia dụng thì tốt hơn.