Bán thứ mình không làm ra không phải là chuyện mới
Vụ việc Asanzo bị bại lộ không phải là điều bất ngờ đối với tôi. Bởi đối với tôi, việc lấy hàng từ Trung Quốc rồi bán ra với cái tem “Made in Viet Nam” không phải là chuyện gì đó quá đỗi ngạc nhiên. Trước giờ những thương hiệu đồ Trung Quốc gắn mác Made in Viet Nam không phải ít, nhất là mặt hàng điện tử, lĩnh vực mà công nghệ hiện tại của Việt Nam gần như là con số không.
Chúng ta vẫn đang tự hào rằng đất nước chúng ta đang là một nước đang phát triển, đặc biệt càng tự hào hơn ở lĩnh vực công nghệ. Rất nhiều người tự hào rằng nước ta là một nước phát triển về công nghệ, rồi hô hào thứ gọi là “4.0”. Nhưng thực chất, cái “phát triển công nghệ” mà chúng ta vẫn đang ngộ nhận bấy lâu nay chỉ là tiêu thụ sản phẩm công nghệ mà thôi. Kỳ thực Việt Nam chúng ta không có bất kỳ một công nghệ nào. Cho nên, việc đặt hàng của các công ty từ Trung Quốc rồi đem về bán không phải là chuyện lạ, vì chúng ta có sản xuất được đâu.
Với trình độ công nghệ hiện tại, nếu chúng ta đầu tư tiền bạc và chất xám để nghiên cứu, có thể phải mất hàng chục năm nữa chúng ta mới đuổi theo được công nghệ của thế kỷ 20. Còn nếu mua công nghệ từ nước ngoài, như Vin Group chẳng hạn, thì chỉ những tập đoàn mạnh mới có thể làm điều đó. Và số tiền bỏ ra để có thể sử dụng được trí tuệ của người khác không phải là ít.
Nếu làm như vậy, sẽ rất khó để có thể tạo ra được sản phẩm với giá cả cạnh tranh, huống chi trên thị trường hiện tại đã có rất nhiều ông lớn với các công nghệ tốt hơn, hiện đại hơn. Với sự khôn lỏi và mưu mẹo của người Việt ta từ trước đến nay, việc lấy hàng từ Trung Quốc về để bán không phải là trường hợp hy hữu.
Tôi không nói đến những thương nhân, vì công việc của thương nhân vốn dĩ là mua đi bán lại, họ có vai trò điều phối việc cung ứng sản phẩm đến thị trường. Điều đáng để nói ở đây là việc lừa dối người tiêu dùng, lấy hàng từ Trung Quốc rồi hô hào rằng mình tự sản xuất ra chúng. Đây mới là lý do khiến dư luận lên án mạnh mẽ trong thời gian qua. Mặc dù lên án hành động trên, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực trạng hiện tại. Rằng những con người, những doanh nghiệp làm ăn như thế không hề ít, thậm chí chiếm một tỷ lệ rất lớn trong thị trường.
Cái thói làm ăn lừa lọc như vậy không chỉ xuất hiện ở các ông lớn, mà ngay cả đối với những cá nhân nhỏ lẻ cũng đã và đang kinh doanh như vậy. Đến nỗi dường như cái khái niệm ấy trở thành một điều mặc định trong đầu họ, và hiển nhiên nó trở nên hợp lý.
Tôi có một người bạn thuộc bậc tiền bối, là giáo viên của một trường trung học phổ thông. Chị có bằng thạc sĩ, gia đình cũng khá giả. Với đồng lương giáo viên ít ỏi và cửa hàng kinh doanh đang thua lỗ, chị đã chọ phương án bán hàng online trên Facebook. Các sản phẩm chị bán chủ yếu là thực phẩm như mật ong, bánh da lợn, gà rút xương, hủ tiếu, chao,… Ngoại trừ bánh da lợn ra, tất cả những thứ còn lại đều không phải do chị làm ra. Nhưng nó được rao bán với cái mác khiến người mua vô cùng an tâm: “sản phẩm nhà làm”.
Mật ong thì không biết chị lấy hàng từ đâu về, rau bán với khẳng định chắc nịch rằng đó là mật ong rừng nguyên chất. Thực tế, bạn sẽ không bao giờ mua được mật ong nguyên chất, trừ khi nào đó là ong do bạn tự nuôi. Chị lấy chao từ một nơi nào đó cũng không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác. Chao trong hũ được đổ ra rồi cho vào những hộp đựng thực phẩm, sau đó in nhãn “chao nhà làm” cùng với thương hiệu của chị. Có trời mới biết những thứ đó có nguồn gốc từ đâu.
Với việc những hàng hóa từ Trung Quốc cứ xuất hiện tràn lan với giá rẻ không tưởng như thế, cộng với tư tưởng mua gian bán lận đã có từ trước đến giờ, không dại gì người ta phải tự sản xuất ra sản phẩm trong khi những sản phẩm ấy đã có sẵn. Người ta có thể nhập về với giá rất rẻ, vừa tiết kiệm được thời gian và công sức, lại vừa bán được nhiều sản phẩm hơn so với việc tự sản xuất.
Chính những con người như thế đã khiến cho nền kinh tế của đất nước vẫn đang giậm chân tại chỗ, khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm nội địa. Những doanh nghiệp đang làm ăn chân chính thì bị cái vạ lây ấy. Từ đó cũng hướng cho con người ta cái tư tưởng chuộng đồ ngoại, rồi xấu hơn là tư tưởng sính ngoại. Thật khó để có thể kêu gọi người tiêu dùng sử dụng đồ trong nước để giúp đất nước phát triển trong khi đâu đâu cũng là đồ Trung Quốc gắn mác Việt Nam, lại còn đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao. Vậy thì người tiêu dùng biết đâu là đồ thật, đâu là đồ giả để mà mua.
Tôi và gia đình tôi hàng ngày vẫn đang sử dụng các sản phẩm của Việt Nam sản xuất, dù nó là sản xuất thật hoặc chỉ được hô hào bằng miệng. Chúng ta không thể hoàn toàn bài trừ chúng, bởi lẽ không phải ai cũng đủ điều kiện để sử dụng những sản phẩm có chất lượng được sản xuất từ những công ty uy tín của nước ngoài. Họ vẫn phải sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng để phục vụ cho cuộc sống hàng này. Thứ chúng ta cần làm là bày trừ những doanh nghiệp làm ăn gian dối, lừa gạt khách hàng, trốn thuế. Phải làm vậy thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển, các doanh nghiệp Việt mới có động lực và tài chính để tạo ra những sản phẩm tốt hơn với giá rẻ hơn.
Những năm trước, chúng ta thấy chiếc điện thoại Bphone ra mắt với giá gần chục triệu đồng một chiếc. Nhưng hiện nay, chiếc Bphone 3 đã rẻ hơn nhưng lại có được những công nghệ tiên tiến hơn. Chúng ta được chứng kiến những chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Vsmart với giá cạnh tranh trực tiếp với Xiaomi. Chúng ta vẫn hay gặp những chiếc loa mang nhãn hiệu Nikochi ở đâu đó, những chiếc loa dù công nghệ không phải hoàn toàn của Việt Nam, nhưng nó được sản xuất với những nguyên liệu và con người Việt Nam hoàn toàn. Dù không có những dây chuyền tự động như những thương hiệu danh tiếng nước ngoài, dù chất lượng âm thanh không được bằng những sản phẩm cao cấp.
Thứ chúng ta cần làm ở đây không phải chỉ có lên án những hành động như trên, mà chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của chính chúng ta và mọi người xung quanh. Như thế mới có thể tiêu diệt hoàn toàn những kẻ đang gian lận trong kinh doanh và những con người sắp trở thành những kẻ như vậy.