Đọc Bố Già không phải để chứng tỏ

Nhiều lần khi nhìn thấy những bình luận có một chút yếu tố nhạy cảm trên internet, tôi lại thấy xuất hiện những phản hồi của người dùng khác với nội dung đại loại như “chắc mới vừa đọc Bố Già đây mà”. Không biết từ bao giờ đã xuất hiện cái lối suy nghĩ thích thể hiện của những thanh niên vừa đọc được một chút gì đó ở Bố Già, hay hiểu biết một chút về cờ đỏ và cờ vàng liền chứng tỏ mình là một người cao siêu hay thượng đẳng gì đó. Tôi cũng không hiểu từ bao giờ những người đưa ra những quan điểm thẳng thắng về thực trạng xã hội hiện nay thì lại bị cho gán cái mác là “vừa mới đọc Bố Già”, bị cho là những thanh niên trẻ trâu thích chứng tỏ. Tất nhiên phải có những thành phần như thế đủ nhiều thì người ta mới gán ghép như vậy.

Bản thân tôi cũng từng đọc Bố Già, và đối với tôi, đây là một trong những tác phẩm đáng đọc nhất trên đời. Khi bạn bè nhờ tôi giới thiệu cho họ đọc quyển sách nào đó, Bố Già là tác phẩm đầu tiên tôi nhắc đến. Nhưng tôi chẳng bao giờ giới thiệu với thái độ “đọc để trở thành thượng đẳng”. Tôi chỉ giới thiệu cho họ với một lý do duy nhất, nó rất hay. Tôi muốn bạn bè mình đọc nó không phải để biến họ thành một cái gì đó, thành một người theo chủ nghĩa gì, hay chống một chế độ gì. Tôi chỉ cho họ đọc chỉ để được thưởng thức thêm một tác phẩm hay và có thêm nhiều kiến thức về xã hội.

Bố Già châm biếm về xã hội rất nhiều, ai cũng phải công nhận điều đó. Đó cũng là nội dung chủ yếu trong tác phẩm. Những cuộc chiến của những băng đảng, những tên cảnh sát ăn hối lộ, tất cả những thứ đó không chỉ đơn giản là tạo thành một tiểu thuyết hành động, mà nó phản ánh xã hội, để chúng ta hiểu rằng bên dưới tảng băng kia có rất nhiều thứ nhơ nhuốc.

Thế nhưng có nhiều người đọc nó với một thái độ khác, họ đọc nó không phải để hiểu thêm về những thứ mà họ chưa biết, họ đọc nó để chứng tỏ. Tôi không biết những thanh niên ấy có đọc hết tiểu thuyết hay không hay chỉ xem tóm tắt rồi cho rằng mình có cả một bầu trời kiến thức.

Lúc tôi ở Cần Thơ, trong khu trọ tôi ở có một người anh lớn hơn tôi nhiều tuổi. Anh ta thường hay dùng lời lẽ theo kiểu dạy đời người khác. Đối với mọi người, anh ta là một người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết nhiều, còn người khác đối với anh chỉ là một đứa trẻ. Và anh ta thích dạy đời người ta theo kiểu như một người bề trên dạy bảo kẻ bề dưới. Có một lần anh ta bảo bạn tôi xem bộ phim Bố Già, tôi chỉ lặng im mà không nói gì. Phòng anh ta dán nhiều hình ảnh và những câu nói của những nhân vật nổi tiếng nào đó. Anh ta học thuộc những câu nói của Trắc Mã, thuộc những câu kiểu như cuộc đời là một hộp sô cô la của Forrest Gump. Cái cách anh ta sống, hệt như những kẻ mới tập tễnh biết chút xíu chuyện đời.

Người thường hay nói vui rằng những kẻ hay nói đạo lý thường sống như lờ. Quả thật anh ta và những người kiểu như thế mà tôi từng gặp cũng không khác câu nói ấy bao nhiêu. Những kẻ tôi từng gặp, những kẻ ấy đã từng là “bạn bè” của tôi, nhưng rồi sau đó tôi mới nhận ra họ chỉ có chứ “bè” chứ không hề có từ “bạn”. Những kẻ suốt ngày hay nói về những đạo lý, xem các clip của Dưa Leo và thường hay nói về chế độ cờ đỏ. Cuối cùng tôi tạch mặt chúng với một số tiền mà tôi không bao giờ thu hồi lại được.

Lúc mới hiểu biết một chút về những thứ như trong Bố Già nhắc tới, tôi cũng từng là một kẻ ảo tưởng và cho rằng mình là hơn người chẳng khác gì họ. Tôi bắt đầu tỏ ra mặt mình ghét những thứ đó, tôi nói với mọi người rằng thế này thế kia. Nhưng cho đến khi tôi biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, tôi mới nhận ra mình chẳng khác nào là một kẻ thích chứng tỏ.

Nếu bạn nói với mọi người rằng những tên cảnh sát là những tên xấu xa, phần lớn họ sẽ phản biện lại bạn. Bạn và họ sẽ cứ tiếp tục phản biện với những dẫn chứng thuyết phục mà bên nào cũng có. Bạn sẽ chẳng thế nào làm họ thay đổi thế giới quan của mình hệt như họ không thể làm bạn thay đổi ý nghĩ của bạn. Bạn biết không có nghĩa rằng người khác cũng muốn biết hoặc cần phải biết, bạn đúng không có nghĩa là người khác sẽ sai. Nếu như bạn đọc những quyển sách như Bố Già chỉ để cho người ta thấy rằng bạn đã được “khai sáng”, thì bạn chỉ đang là một con ếch thích chứng tỏ không hơn không kém.

Nếu như có một người bạn nào đó nhờ tôi giới thiệu cho họ một quyển sách nào đó, tôi sẽ hỏi người bạn ấy rằng đã đọc Bố Già hay chưa. Bởi vì tôi không muốn hời hợt giới thiệu một quyển sách đôi khi không thật sự cần thiết đối với họ, đôi khi lại vì quyển sách ấy mà vô tình biến người bạn đó trở thành thứ người mà tôi không thích. Đọc Bố Già là để hiểu, để thấm, chứ không phải đọc để chứng tỏ rằng ta đây mới vừa độc Bố Già xong, ta đây đọc rất nhiều sách. Nếu như đọc sách để có cái khoe khoang với người khác thì thà xem mấy game show nhảm còn hơn, vì sẽ chẳng ai thích những thứ bạn khoe đâu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang