Làm thế nào để việc học lịch sử trở nên thú vị?
Không phải tự nhiên mà những tiết học lịch sử trở thành một trong những tiết học nhàm chán nhất ở bậc phổ thông. Số lượng học sinh bị liệt điểm lịch sử vẫn còn rất cao và không hề giảm, phần lớn các em học sinh cũng đều có lượng kiến thức về lịch sử dưới mức trung bình. Câu “Dân ta phải biết sử ta” lúc trước thì không biết như thế nào, chứ hiện tại bây giờ e khó có thể thực hiện được.
Không chỉ riêng lịch sử mà còn nhiều môn khác cũng trở nên nhàm chán không kém. Nguyên nhân một phần nằm ở cách thiết kế chương trình trong sách giáo khoa và một phần khác nằm ở phương pháp giảng dạy của giáo viên hiện nay. Người ta vẫn luôn tuyên truyền ra rả việc thay thế phương pháp đọc chép thụ động bằng những phương pháp khác, nhưng đến giờ vẫn không có phương pháp nào được áp dụng, mặc dù đây là một việc không khó. Dẫn tới cho đến tận bây giờ, mọi thứ vẫn đâu vào đấy, vẫn không có một thành tựu nào. Học sinh vẫn không biết gì về sử ta nhưng lại biết đến lịch sử của nước bạn. Tôi không phải là một chuyên gia, tôi chỉ đưa ra bằng góc nhìn của một người bình thường về phương pháp dạy và học lịch sử hiện nay để nó trở nên thú vị hơn, giúp các em học sinh yêu thích môn lịch sử và khiến lịch sử khắc sâu trong trí nhớ các em chứ không phải chữ thầy trả hết cho thầy.
Bỏ đi việc tuyên truyền chiến tranh
Khi nói đến chương trình lịch sử, hầu như ai cũng chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: những cuộc chiến. Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng, ba lần đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên,… Hầu như người ta chỉ nhớ đến những mốc thời gian gắn liền với những cuộc chiến nào đó hay sự thay đổi triều đại nào đó. Ít ai biết được rằng nhà Hồ đã phát minh ra tiền giấy, hay Lý Công Uẩn là con của Thiền Sư Vạn Hạnh (trong quyển Chuyện tình các danh nhân Việt Nam tập 1, tác giả Bùi Minh Quốc). Có vẻ như người ta thích tuyên truyền cho thế hệ trẻ một niềm đam mê với chiến tranh, sự căm thù người ngoại quốc dù bây giờ chẳng còn hợp thời. Rốt cuộc, cũng chẳng có học sinh nào đam mê với những thứ ấy cả, bởi vì cách kể của nó thật sự rất nhàm chán.
Lịch sử là những gì diễn ra trong quá khứ. Chiến tranh là một phần của lịch sử, nhưng lịch sử không phải chỉ có chiến tranh. Lịch sử nên được duy trì và giảng dạy theo như đúng tính chất của nó, là những sự kiện có thật trong quá khứ để con cháu đời sau biết được đất nước ta đã xảy ra những gì, chứ không phải để con cháu cứ mãi ảo tưởng dân tộc mình là một dân tộc anh hùng và luôn luôn sẵn sàng nghênh chiến với bất cứ nước nào có ý định xâm lược dù thực tế chỉ như châu chấu chọi với xe bò.
Trong quá khứ có rất nhiều sự kiện rất thú vị để người ta thích thú và được ghi chép lại rất nhiều, nếu giảng dạy những thứ ấy, chắc chắn phần đông mọi người sẽ hứng thú với nó. Đại Việt sử ký toàn thư là một quyển sách ghi chép rất nhiều câu chuyện đã xảy ra trong nhiều triều đại, chỉ cần lấy ra một phần kiến thức trong đó thôi cũng đã thú vị lắm rồi. Lấy một ví dụ điển hình như thế này. Hầu như ai cũng biết đến câu “Hào khí Đông A”, nhưng không phải ai cũng biết được từ “Đông A” có nghĩa là gì. Chữ Trần 陳 (của thời đại nhà Trần) trong tiếng Hán được ghép từ chữ “Đông” 東 và bộ “A” 阝 trong tiếng Hán. Hay chuyện Huyền Trân công chúa đã tư thông với Trần Khăc Chung khi trên đường trở về nước (trong Đại Việt sử ký toàn thư có đề cập). Chỉ bấy nhiêu thôi là người ta thấy được sự thú vị của “Hào Khí Đông A” rồi.
Sẽ có nhiều người cho rằng dạy những câu chuyện như thế sẽ biến môn học lịch sử không còn là môn học lịch sử nữa. Vậy thì hãy xem xét lại, lịch sử là gì? Là những gì diễn ra trong quá khữ, hay là một quyển kinh tuyên truyền về chiến tranh? Chiến tranh là một phần tất yếu trong lịch sử, nhưng thay vì dành toàn bộ chương trình giảng dạy của 9 năm học chỉ toàn nói về những cuộc chiến, hãy dành cho nó một phần thôi, còn phần khác hãy dành cho những sự kiện khác thú vị hơn, bổ ích hơn. Người ta cần biết hơn về những gì đã làm được ở một triều đại nào đó, những thành tựu, những nét văn hóa riêng mà triều đại đó đã xây dựng thay vì những cuộc chiến.
Thay đổi cách giảng dạy và đánh giá kết quả
Cách đánh giá kết quả bằng những bài kiểm tra và những bài thi đã bộc lộ điểm yếu của nó từ rất nhiều năm nay. Một học sinh có điểm cao chưa chắc là một học sinh giỏi thật sự. Những bài kiểm tra, những con điểm có thể dễ dàng kiếm được chỉ bằng cách học thuộc lòng, nhất là những môn chỉ có lý thuyết mà không tư duy như môn lịch sử (theo cách giảng dạy hiện giờ). Thật khó để người ta có thể học hết tất cả kiến thức một cách thuộc lòng của cả học kỳ để làm bài thi, và nếu học thuộc hết rồi thì cũng sẽ dễ quên đi sau đó. Cách giảng dạy và đánh giá kết quả như vậy rõ ràng đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu. Không những không mang lại hiệu quả trong việc dạy và học, nó còn làm cho học sinh thiếu đi lối tư duy khi giải quyết vấn đề, một thứ rất cần thiết sau này.
Thay vì cho học sinh thụ động đọc chép về những cuộc chiến nào đó, có rất nhiều cách để học sinh chủ động hơn và cảm thấy hứng thú hơn trong việc học lịch sử. Một sự kiện lịch sử nào đó được kể dưới dạng một câu truyện, hay như dạng một bài báo khoa học. Một buổi học có những đoạn phim với nhiều hình ảnh hấp dẫn. Hình ảnh chính là cách kể chuyện hấp dẫn giúp người ta nhớ lâu hơn là những câu chữ thô cứng. Thay vì chỉ nói suông về việc Phật giáo thời Lý phát triển, hãy giải thích lý do vì sao nó như thế. Người ta sẽ nhớ đến nó nhiều hơn khi biết rằng Lý Công Uẩn từ nhỏ đã học tập trong chùa. Hay sẽ nhớ đến rồng thời Lý không có vảy nếu như được thấy nhiều hình ảnh về nó. Có một câu chuyện rất thành công trong việc giảng dạy lịch sử bằng hình ảnh đó chính là bức chân dung của Thiên Hoàng Minh Trị. Chẳng ai mà không biết ông khi nhìn thấy tấm ảnh ấy cả.
Một chương trình giảng dạy với những câu chuyện hấp dẫn được trình bày một cách khoa học sẽ cuốn hút hơn là những bài học khô cứng về chiến tranh. Không tin bạn cứ đọc thử series Lịch sử Việt Nam trên Wikipedia thử xem, bạn sẽ thích khi đọc chi tiết từng bài cho mà xem. Bạn sẽ thích thú khi Xích Quỷ là tên đầu tiên của nước ta chứ không phải là Văn Lang mà trong sách giáo khoa chỉ nói mơ hồ rằng người đứng đầu là các Vua Hùng.
Phương pháp đánh giá bằng các bài kiểm tra cũng cần được bỏ đi, thay vào đó là phương pháp đánh giá bằng những thành quả mà các em nghiên cứu được. Thay vì bắt các em học thuộc lòng rồi lên bảng trả bài hay viết vào giấy kiểm tra những gì mình học thuộc, hãy để các em tự tìm hiểu chúng và nói ra thành quả của mình. Gợi ý các em những đề tài hoặc để các em tự chọn, sau đó để các em nghiên cứu và thuyết trình. Với phương pháp đánh giá này, các em sẽ chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Có thể các em chép nó trên mạng, nhưng chắc chắn phần lớn các em sẽ đọc và hiểu chúng thì mới có thể làm tốt đề tài được. Những ai gian lận chắc chắn giáo viên sẽ biết được chỉ bằng vài câu hỏi khi các em thuyết trình. Cách giảng dạy này đã phổ biến ở các nước tiên tiến từ rất lâu, tại sao chúng ta không sử dụng nó ngay trong chương trình phổ thông? Đừng ngụy biện rằng nó chưa phù hợp cho các em, chúng ta chỉ đang tự biện hộ cho mình thôi. Hãy mua thật nhiều sách bổ ích trong thư viện, hãy gợi ý cho các em tự đọc chúng. Chẳng có gì thấm sâu trong đầu người ta bằng việc người ta tự tìm hiểu chúng cả.
Cũng phải bỏ luôn cách đánh giá học lực ở các mức kém, yếu, trung bình, khá, giỏi, xuất sắc. Các em học để hiểu biết, các em học để có kiến thức chứ không phải học để phụ huynh tự hào về điểm hay để phân biệt kỳ thị người này với người khác. Không ít những câu chuyện dở khóc dở cười về những áp lực điểm số của học sinh mà người ta đã đặt cho nó một cái tên thật sang chảnh là “con nhà người ta”. Những con điểm đó đâu giúp các em kiếm được nhiều tiền hơn sau này, những con điểm đó cũng đâu khiến các em trở nên thượng đẳng hơn so với người khác. Chỉ cần cho các em vượt qua, hay phải học lại, thế là đủ. Chương trình lịch sử cũng không nên kéo dài từ lớp 4 cho đến lớp 12 làm gì, nó quá lê thê rồi.
Đưa lịch sử vào văn hóa đại chúng
Người ta vẫn thường châm biếm rằng nhiều người không biết sử ta nhưng lại biết rất nhiều về sử Trung Quốc. Tại sao vậy? Đơn giản là vì ở nước bạn, người ta đã đưa nó vào rất nhiều tác phẩm văn hóa đại chúng. Người ta biết đến giai đoạn loạn lạc của Trung Quốc qua tác phẩm văn học kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa. Người ta đưa nó vào lối sinh hoạt hằng ngày trong câu nói “vòng vo tam quốc” hay “bị Tàu Tháo rượt”. Lịch sử Trung Quốc phổ biến như vậy chính là vì người ta đã đưa nó vào văn hóa đại chúng với một góc nhìn rất khách quan.
Còn so với nước ta, không ai dám làm phim về lịch sử cả. Họ sợ bị đụng cái này, dính cái kia. Họ sợ làm như vậy sẽ bị ai đó nói là xuyên tạc lịch sử, họ sợ tác phẩm họ làm ra sẽ bị kiểm duyệt và không cho phát hành. Ai đó muốn vẽ nên một câu truyện chỉ toàn lời hay ý đẹp, nên cái gì mà thẳng và thật quá thì ai đó lại không thích. Nên người ta sợ, người ta sợ không thu hồi vốn, người ta sợ phải ở tù, người ta sợ phải trở thành kẻ phản quốc. Võ Tắc Thiên dâm loàn, Lý Thế Dân giết anh em ruột, chỉ khi nào dám nói thật như nước người ta thì mới cơ may lịch sử mới hấp dẫn.
Sách viết về lịch sử có rất nhiều, nhưng hầu như rất ít người đọc nó. Một phần vì ở độ tuổi học sinh không có điều kiện để sở hữu, một phần vì chẳng có ai giới thiệu cho họ biết. Trợ giá cho sách lịch sử, kể các câu chuyện lịch sử trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thiếu gì cách để lịch sử đến với học sinh một cách đầy thú vị. Nếu như nhà nước không “kiểm duyệt theo ý của họ” các bộ phim về lịch sử, cho phép và hỗ trợ các đoàn làm phim làm các bộ phim lịch sử, thì việc đưa lịch sử phổ biến đến với mọi người không hề khó khăn.
Lịch sử luôn luôn thú vị chứ không hề khô khan như chúng ta đang thấy. Chỉ là do chúng ta được dạy và cách chúng ta tiếp thu chúng còn chưa đúng. Chỉ cần thay đổi phương pháp hợp lý, câu nói “Dân ta phải biết sử ta” không quá khó để trở thành hiện thực.