Kinh nghiệm xin việc cho người mới ra trường
Tốt nghiệp đại học là một sự kiện lớn trong đời. Nó đánh dấu bước ngoặc bạn không còn phải đến trường nghe giảng, không còn phải ôn thi, hay không còn phải cày ngày cày đêm làm đồ án nữa. Nhưng đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời. Vì bạn phải vào đời, phải bương chải. Với sự khởi đầu chỉ vỏn vẹn hai bàn tay trắng, hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm thực tế nào.
Nếu đặt mình hoàn cảnh là các nhà tuyển dụng, bạn cũng không muốn tuyển những người không có một chút kinh nghiệm nào phải không nào? Đó cũng chính là vấn đề khó giải quyết nhất hiện của các trường đại học và doanh nghiệp. Trong khi các nhà tuyển dụng và trường đại học tìm cách để giải quyết vấn đề trên, hãy cùng mình chia sẻ những kinh nghiệm xin việc cho người mới ra trường nhé.
Nếu bạn muốn nhà tuyển dụng nhận bạn vào làm việc, vấn đề quan trọng nhất ở bạn là phải thật sự có năng lực trước đã. Mình đã từng là sinh viên, nên mình không lạ gì với việc rất nhiều sinh viên ra trường mà không có một chút kiến thức nào. Bạn cần phải chắc chắn và thẳng thắn thừa nhận với bản thân mình rằng năng lực của bạn đang ở mức nào. Vì nếu xác định sai năng lực của mình, rất có thể bạn sẽ không xin được việc. Hoặc bạn được trả lương không tương ứng với năng lực và công việc bạn làm. Nên trước tiên, cần phải xác định năng lực của mình tới đâu cái đã.
Nếu bạn là một người có năng lực thật sự, bạn hãy tìm những công ty xứng với năng lực của mình. Để chứng minh năng lực của mình không phải là chuyện khó. Còn nếu bạn chỉ là một người bình bình, không quá nổi trội so với số đông còn lại, năng lực cũng ở mức bình bình hoặc thấp, thì bạn nên tìm những công ty đang có những chương trình fresher hoặc training, họ sẽ đào tạo để bạn có thể làm việc.
Còn nếu bạn xác định được rằng năng lực của mình còn thấp hơn nữa và bạn nghĩ rằng mình sẽ rất khó khăn để làm việc dù có được nhận, mình nghĩ bạn nên tìm một công việc ở một lĩnh vực khác.
Mình xin dành một vài đoạn để đề cập đến giai đoạn tìm công ty, tuy không liên quan nhiều đến nội dung bài viết này nhưng mình cảm thấy nó rất hữu ích vì chính mình cũng từng trải qua như thế.
Ở thời buổi vàng thau lẫn lộn như thế này, ngay cả các công ty cũng như thế, cũng có công ty tốt và công ty không tốt. Với các công ty tốt thì khỏi phải nói rồi, môi trường làm việc tuyệt vời, lãnh đạo tốt và đồng nghiệp nhiệt tình. Nhưng những công ty không tốt thì lại là một chuyện khác.
Đầu tiên là công ty nhỏ. Nếu bạn mới ra trường, xin vào một công ty nhỏ là sự lựa chọn khá tốt. Ở đó bạn sẽ được tôn trọng hơn, làm được nhiều việc hơn. Từ đó có cơ hội phát triển bản thân hơn so với làm việc ở một công ty to lớn, chỉ được làm một khâu rất nhỏ trong toàn bộ bộ máy khổng lồ của công ty.
Nhưng thực tế thì không phải bao giờ cũng vậy, trường hợp trên chỉ đúng với những công ty nhỏ có những người lãnh đạo tuyệt vời. Thực tế ở nước ta cho thấy, phần lớn các công ty nhỏ được lập ra với cơ cấu và cách thức hoạt động khiến bạn sẽ phải vỡ mộng khi bước vào.
Người đứng đầu công ty thì hoàn toàn không biết gì về lĩnh vực kinh doanh của công ty. Công ty thi chỉ lẹt tẹt vài người và họ cũng không biết gì nốt. Bạn sẽ phải làm nhiều công việc hơn nhưng lại được trả lương ít hơn. Thêm vào đó, bạn cũng không có cơ hội được học hỏi bất kỳ điều gì vì chẳng có ai để học hỏi cả. Và cái người lãnh đạo kia sẽ là một thứ gì đó khiến bạn phát ngán đến nỗi khó chịu.
Xui xẻo hơn, bạn còn có thể sẽ bị quỵt luôn công sức lao động của mình. Những công ty này thường có những đặc điểm như sau: không có danh tiếng, đôi khi tên công ty nghe còn hơi “chuối” nữa, văn phòng công ty thường đặt trong hẻm và nó thường là một căn nhà để ở được thuê lại, hoàn toàn không được thiết kế không gian để làm một văn phòng thực thụ, không có website rõ ràng, nếu có thì trang web cũng chẳng ra hồn gì.
Đặc biệt là người phỏng vấn bạn sẽ hỏi những câu hỏi thật sự rất ngớ ngẩn, vì thật sự họ không biết gì về công việc mà bạn làm cả. Đặc biệt hơn, nếu gặp phải combo câu hỏi sau thì bạn hãy chạy ngay và luôn: “em hãy giới thiệu về bản thân mình”, “em biết gì về công ty abcxyz?”, “em đã từng làm qua những công việc nào trước đây? Vì sao em lại nghỉ công việc ấy?”, “em có định hướng gì về công việc trong vòng 5/10 năm tới”, “em muốn mức lương là bao nhiêu?”.
Khi tìm kiếm thông tin tuyển dụng, bạn cũng phải biết chọn lọc ra những tin tuyển dụng nào thật sự tốt. Thông tin tuyển dụng của công ty được đăng tải cũng sẽ cho bạn thấy được phần nào về công ty và công việc mà bạn sẽ làm. Bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:
Về mức lương: Bạn nên bỏ qua những công ty để mức lương là “thỏa thuận” vì nó không rõ ràng. Chỉ những vị trí quan trọng như trưởng phòng, trưởng nhóm dự án, quản lý, giám đốc thì mức lương “thỏa thuận mới” hợp lý. Còn các vị trí “bình dân” khác nhưng để mức lương như thế này thì bạn bỏ qua nó lẹ đi.
Điều quan trọng nhất khi bạn ứng tuyển và cả khi làm việc sau này là mọi thứ phải rõ ràng, không chỉ ở lương bổng mà tất cả mọi thứ trong hoạt động của công ty đều phải rõ ràng, những gì không rõ ràng đều là lừa đảo cả. Đừng để mình bị mắc lừa rồi làm không công cho họ.
Với mức lương không rõ ràng, điều đó tương đương với việc bạn sẽ được họ trả lương với mức lương thấp nhất có thể. Sẽ thật lãng phí thời gian và công sức khi bạn phỏng vấn gần xong rồi, đến lúc thỏa thuận về lương thì bạn nhận được con số là 3 triệu đồng một tháng.
Một công ty đàng hoàng họ sẽ luôn để mức lương cụ thể khi tuyển dụng, bao gồm lương thử việc là bao nhiêu, thời gian thử việc bao lâu, lương chính thức khi làm việc là bao nhiêu. Nên điều đầu tiên khi xem thông tin tuyển dụng là hãy nhìn vào mức lương trước tiên.
Thời gian thử việc cũng là điều rất quan trọng. Thông thường, thời gian thử việc tối đa là 2 tháng. Nhưng những công ty lừa lọc thì họ sẽ kéo dài thời gian thử việc của bạn ra để không phải trả nhiều tiền lương cho bạn. Thời gian thử việc tối đa phải được nêu rõ ràng trong thông tin tuyển dụng. Nếu không thấy thông tin đó, rất có thể bạn sẽ bị lợi dụng sức lực của mình đấy.
Khi phỏng vấn, họ sẽ phải nói rõ cho bạn thời gian thử việc tối đa là bao nhiêu. Nếu họ “quên” điều này, bạn phải hỏi cụ thể với họ, vì nếu không, bạn rất có thể sẽ phải làm việc với mức lương thử việc từ sáu tháng đến tận một năm đấy. Nếu mọi thứ đều có vẻ ổn thỏa hết rồi, vẫn còn một thứ cũng rất quan trọng trong thời gian thử việc này mà bạn cần phải lưu ý, đó là hợp đồng thử việc. Đây là căn cứ pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh nếu có sau này. Nếu không có hợp đồng thử việc rõ ràng, bạn sẽ không có căn cứ nào để đòi lại quyền lợi của mình. Một công ty uy tín và chuyên nghiệp sẽ luôn luôn có hợp đồng thử việc để bạn ký trong ngày đầu tiên, hoặc trễ nhất là 1 – 2 ngày sau đó.
Điều thứ hai khi bạn nhìn vào thông tin tuyển dụng đó là mô tả công việc và các yêu cầu của công việc. Cũng giống như lương, mô tả công việc và các yêu cầu cũng phải rõ ràng và chi tiết. Bạn phải biết cụ thể mình làm công việc gì và phải đáp ứng được những yêu cầu gì.
Những yêu cầu chung chung kiểu như mô tả công việc thì thiết kế website, yêu cầu có thể làm được một trang web hoàn chỉnh. Những yêu cầu như vậy thì không nên tham gia vào. Hoặc là bạn sẽ phải làm gần như tất cả mọi thứ, hoặc là do họ không biết phải ghi yêu cầu như thế nào vì công ty đó là một công ty rởm.
Trong ví dụ trên, có thể ví dụ ra yêu cầu cụ thể như thế này: Thiết kế website trên nền tảng WordPress, Laravel. Yêu cầu nắm vứng kiến thức về php, css, javascript, biết sử dụng framework Laravel, biết lập trình giao diện WordPress, biết sử dụng các thư viện Bootstrap, Jquery, Angular,… Những yêu cầu càng cụ thể càng đáng tin cậy, nó giúp bạn xác định được khả năng của mình, nó còn cho thấy được sự chuyên nghiệp của công ty ở mức độ nào. Tránh tình trạng vào phải ngay công ty lừa đảo chỉ có mỗi một mình bạn.
Đặc biệt nên tránh xa vị trí nhân viên bán hàng (sales). Công việc này còn được các nhà tuyển dụng cường điệu nó lên bằng cụm từ “nhân viên kinh doanh”. Tuy đây là một công việc đàng hoàng, nhưng bạn nên tránh xa nó vì mức lương rất thấp. Bạn sẽ chẳng bao giờ có được mức lương như những lời nhà tuyển dụng hứa hẹn.
Công việc cụ thể của vị trí này thường là gọi điện thoại tới khách hàng và chào hàng với họ. Bạn sẽ được vẽ ra một viển cảnh tươi đẹp lúc phỏng vấn kiểu như “một ngày em có thể kiếm được 10 cái hợp đồng là chuyện bình thường”. Thật sự thì không phải vậy đâu, một tháng chưa chắc bạn tìm được một hợp đồng nữa.
Vị trí này sẽ được trả lương rất thấp, thậm chí có nơi còn không có cả lương cứng. Cứ mỗi tháng, hoặc mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày, bạn sẽ ăn chửi như ăn cơm bữa vậy. Bạn chỉ có thể đủ sống với nghề này nếu như tìm được nhiều khách hàng, nhưng điều này gần như là không thể.
Đặc biệt hơn là trong lĩnh vực bất động sản, bạn sẽ vô cùng khó khăn để tìm được người cần mua một căn nhà hay một khu đất trị giá hàng tỷ đồng. Bạn được hứa hẹn rằng chỉ cần bán được một căn nhà là đủ ăn cả năm, điều đó đúng và có thật, nhưng không biết bao giờ bạn mới có thể bán được một căn nhà.
Thực tế vấn có nhiều người sống được, thậm chí là dư giả với nghề sales. Họ là những người có quan hệ rất rộng, giỏi thuyết phục người khác và đôi khi là giỏi lừa lọc. Nhưng con số đó là rất ít so với những nhân viên sales đang lãng phí thời gian và công sức của mình. Bạn nên tránh xa công việc này, nói thật tình, đi làm công nhân còn có lương cao hơn làm việc này nữa, tuy vất vả hơn.
Phần cuối cùng trong bản tin tuyển dụng là yêu cầu hồ sơ và thông tin liên hệ. Tuy chỉ đơn giản vậy nhưng cũng quan trọng không kém các phần khác. Nếu bạn thấy họ yêu cầu đầy đủ hồ sơ như giấy chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu, bla bla… và đến nộp tại văn phòng thì té nhẹ đi. Hồ sơ chỉ là căn cứ pháp lý khi làm việc, còn chưa phỏng vấn mà yêu cầu hồ sơ đầy đủ thì đây không phải là một nơi để bạn có thể làm việc được đâu.
Nếu lỡ như bạn có vào làm việc ở những công ty như vậy, sẽ có những chuyện rất buồn cười xảy ra như phải nộp đơn trước ba ngày nếu như xin nghỉ phép. Nếu trường hợp khẩn cấp thì phải có giấy tờ bổ sung sau khi đi làm trở lại. Hay là chiếc bàn trong văn phòng bị hỏng, phải làm đơn đề xuất chờ ban lãnh đạo duyệt. Và tầm một năm sau thì mới được thay chiếc bàn mới.
Những công ty chuyên nghiệp họ chỉ yêu cầu CV và bảng điểm để đánh giá năng lực của bạn trước khi phỏng vấn. Chẳng có lý do gì họ phải xem cả lý lịch gia đình bạn để phỏng vấn cả. Với những công ty kỹ tính hơn, họ còn yêu cầu bạn gửi kèm theo những dự án mà bạn đã từng làm để họ đánh giá rõ hơn về năng lực của bạn. Ví dụ bạn ứng tuyển vào vị trí biên tập, họ sẽ yêu cầu bạn gửi cho họ khoảng 5 bài viết mà bạn ưng ý nhất. Những công ty như thế này rất đáng để bạn ứng tuyển vào.
Địa chỉ email cũng nói lên một phần quy mô và sự chuyên nghiệp của công ty. Một công ty chuyên nghiệp luôn có email với tên miền riêng của mình, chứ không hải @gmail.com hay @yahoo.com. Một số công ty còn kỹ tính hơn, quy trình tuyển dụng của họ gồm nhiều bước để kiểm tra năng lực của bạn. Với những công ty này, nếu cảm thấy năng lực không đủ thì bạn không nên tham gia, nhưng mình vẫn khuyến khích bạn tham gia để có kinh nghiệm dù không trúng tuyển. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều thứ sau khi tham gia đấy.
Vẫn còn loay hoay ở cái tin tuyển dụng thôi. Nảy giờ xem chi tiết các mục trong cái bản tin tuyển dụng rồi, nhưng còn một điều nữa bạn cần phải để ý, đó là tổng thể cái bản tin tuyển dụng đó nó như thế nào.
Một công ty đáng để làm việc họ luôn chau chuốt cho bản tin tuyển dụng của mình. Tất cả nội dung phải được sắp xếp hài hòa, thậm chí còn rất đẹp mắt nữa. Một số doanh nghiệp họ gửi thông tin tuyển dụng về các trường đại học, thông thường họ sẽ kèm theo một vài file đính kèm. Bạn phải nhìn xem thông file đính kèm đó được trình bày như thế nào. Một file đính kèm chất lượng, cho thấy sự chuyên nghiệp của một công ty luôn được trình bày gọn gàng, sạch sẽ, nhìn rất bắt mắt. Nếu như file đính kèm chỉ là bản scan của một tờ giấy A4 được trình bày theo phong cách gov truyền thống hoặc chỉ là ảnh chụp của tờ giấy đó thì mình nghĩ bạn không nên tuyển dụng vào những công ty như vậy.
Còn một điều quan trọng nữa khi chọn nơi làm việc là tính chất của công ty. Đôi khi có những công ty trông thật lớn nhưng bên trong lại hoạt động vô cùng tệ hại, điển hình là các công ty gov. Mình đã từng vào làm việc trong một công ty gov được 2 tuần. Khá bất ngờ khi mà mình chẳng có nỗi chỗ ngồi khi làm việc. Cũng chẳng thấy sếp đâu. Sếp thì cũng chẳng có một kiến thức hay kinh nghiệm gì. Mình đã bỏ việc chỉ sau 2 tuần làm việc.
Có một số công ty tuy không phải là gov nhưng cách vận hành của họ cũng không khác gì là mấy. Nếu như bạn được yêu cầu hồ sơ đầy đủ trước khi phỏng vấn thì rất có thể đó là một công ty như thế. Nói về những công ty như thế này thì thật khó, nên mình sẽ hẹn một dịp khác nói rõ hơn về nó.
Okay, xong phần tìm công ty rồi. Bây giờ hãy cùng chuẩn bị những thứ để đi phỏng vấn nào.
Điều đầu tiên bạn cần phải làm là ngoại hình phải chỉnh chu cái đã. Tuy rằng năng lực mới là thứ cần được đánh giá, nhưng thứ đập vào mắt người ta trước tiên là ngoại hình. Ấn tượng trong lần gặp đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của người khác trong một khoảng thời gian rất dài.
Nếu như ngoại hình của bạn trông giống như một tên lưu manh thì phải mất rất lâu để khiến người ta chấp nhận bạn không phải là con người như thế, có khi là chẳng bao giờ. Cho nên, phải tút lại bản thân để thật đẹp khi phỏng vấn nào. Dù bạn là nam hay nữ thì cũng phải đi làm tóc cho gọn gàng sạch sẽ. Nam thì cắt tóc, nữ thì tỉa lại cho đẹp hơn, hoặc tạo một kiểu tóc nào đó trông đẹp và lôi cuốn. Cái răng cái tóc phải thật đẹp trước đã nhé.
Việc bạn chỉnh chu trong ngoại hình của mình không chỉ đơn giản ở việc đẹp cho bạn và đẹp mắt người đối diện, mà nó còn cho thấy được đạo đức và tính cách của bạn. Việc bạn có một ngoai hình chỉnh chu và lịch sự cho thấy bạn đang tôn trọng người phỏng vấn và công ty của họ, cho thấy bạn đang xem đây là một công việc nghiêm túc và bạn mong muốn được làm việc ở đó.
Tốt nhất bạn nên mặc áo sơ mi trắng khi đến phỏng vấn, nó đẹp nhất, lịch sự nhất và cũng dễ mặc nhất. Bạn nên chú ý là quần áo cho tươm tất, đánh giày sáng bóng. Tránh việc khiến người phỏng vấn bạn phải ngứa mắt khi trước mặt họ là một bộ quần áo nhăn nheo đến chướng mắt.
Cách bạn ngồi trả lời phỏng vấn cũng cần được lưu ý. Dáng ngồi phải nghiêm túc, thường xuyên nhìn vào mắt người đối diện và nên cười nếu có thể. Việc bạn có giữ được bình tĩnh khi phỏng vấn hay không cũng phần nào giúp họ đánh giá được năng lực của bạn. Vì một người có năng lực và kinh nghiệm thì chẳng việc gì họ phải run hay mẩ bình tĩnh cả.
Vậy thì phải làm sao để có thể thoải mái nhất khi phỏng vấn? Đầu tiên là bạn phải có năng lực trước đã nhé. Vì nếu bạn không có năng lực thì dù có thoải mái tự tin thế nào thì bạn cũng không trả lời được câu hỏi của nhà tuyển dụng đâu. Cách làm của mình rất đơn giản nhưng cũng không dễ dàng tập cho lắm đâu. Đó là đừng đặt nặng buổi phỏng vấn ấy. Hãy hạ thấp người đang phỏng vấn mình, rằng họ cũng chỉ là một người bình thường như mình thôi, chẳng việc gì mà mình phải sợ hay kính nể họ cả. Hãy xem họ là một người bình và coi buổi phỏng vấn như đang nói chuyện bình thường, không được thì thôi, chả sao cả. Đó là bí quyết giúp mình chẳng bao giờ lo lắng khi phỏng vấn. Thậm chỉ lúc bảo vệ luận văn trước hội đồng, mình cũng không mất bình tĩnh mặc dù lúc đó cũng khá áp lực.
Nhưng lưu ý ở đây, việc bạn hạ thấp người đang phỏng vấn mình không phải là bạn xem thường họ và không tôn trọng họ, mà là hạ thấp về tầm quan trọng của họ đối với mình, rằng họ cũng chỉ là một người bình thường như mình mà thôi. Ngay cả khi bạn đi làm rồi, mọi người đều như nhau, không có gì phải nể sợ một ai cả, dù họ có là giám đốc đi chăng nữa. Cấp trên mắng bạn do bạn làm sai thì bạn tiếp thu và khắc phục, còn mắng sai thì bạn cứ bật lại, họ chẳng là gì để bạn phải nể sợ cả. Vì bạn và họ chỉ là hai người ngang hàng nhau mà thôi. Bạn bán sức lao động cho họ, họ mua sức lao động của bạn, chẳng ai cao sang hơn ai cả.
Bạn cũng cần phải chuẩn bị kiến thức cho buổi phỏng vấn của mình. Tất nhiên không phải học thuộc lòng trong sách vở, giáo trình rồi, tuy nhiên cũng vẫn là một vài lý thuyết cơ bản cần có. Tuy lý thuyết không áp dụng nhiều trong công việc, nhưng việc nắm vững lý thuyết cho thấy bạn là một người tài giỏi trong việc giải quyết công việc.
Ví dụ, bạn ứng tuyển vào vị trí marketing, nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn một câu hỏi đại loại như làm sao để một trang Fanpage phát triển. Nó không có một đáp án cụ thể, nhưng việc bạn trả lời câu hỏi đó đến đâu sẽ cho thấy năng lực của bạn. Vì vậy, nếu bạn nắm vững kiến thức thì bạn sẽ có thể trả lời được rất nhiều câu hỏi.
Bạn cần phải soạn ra những câu hỏi có thể sẽ gặp phải khi phỏng vấn. Để soạn câu hỏi này thì dễ thôi, bạn cứ xem các yêu cầu ở bản tin tuyển dụng và soạn ra các câu hỏi có thể có từ các yêu cầu đó. Nếu bạn có năng lực thật sự, bạn chắc chắn sẽ soạn ra được những câu hỏi trên.
Đến giai đoạn cuối cùng của buổi phỏng vấn là thỏa thuận (deal) lương. Mặc dù trên bảng tin tuyển dụng có ghi cụ thể về mức lương, nhưng vẫn sẽ có phần thỏa thuận về lương ở đây. Bởi lẽ đôi khi có những ứng viên có năng lực cao hơn mức lương ấy, thì họ cần phải được thỏa thuận lương để được trả xứng đáng với năng lực và công việc của mình.
Trường hợp bạn có kinh nghiệm thì khỏi phải nói rồi, bạn đã biết mức lương mình cần có là bao nhiêu. Còn khi bạn là người mới ra trường, đây mới là điều cần lưu ý. Có một thực tế rằng thường bạn sẽ được trả lương với mức lương thấp hơn lương mình đề xuất một chút. Nên hãy khôn ngoan trong việc đưa ra mức lương để sau khi họ đưa ra mức lương của họ, nó đúng với mức lương mà bạn kỳ vọng.
Khi bạn chỉ mới ra trường thì đừng vội đưa ra mức lương cao hơn mức lương được nêu trong bản tin tuyển dụng. Bạn đang ảo tưởng đấy, hoặc họ đang nghĩ bạn như vậy. Tốt nhất bạn nên đưa ra mức lương trùng với mức lương được đăng tải. Sau khi thỏa thuận, có thể bạn sẽ được mức lương thấp hơn một chút, hãy chấp nhận nó vì bạn chưa có kinh nghiệm. Sau này khi vào làm rồi, tùy vào năng suất làm việc mà bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tăng lương cho mình. Bạn có thể trả lời bằng một câu hỏi khiến người ta dễ chịu như “em chưa có kinh nghiệm thực tế, em cũng chưa làm việc ở nơi nào, em thấy công ty mình để mức lương là x nên em nghĩ mức lương của em tầm x là được”. Tất nhiên có thể bạn sẽ không có được con số ấy, nhưng việc trả lời như thế sẽ dễ tạo cảm tình cho người phỏng vấn bạn.
Kết luận
Chọn công ty: Mọi thứ phải rõ ràng, gồm tiền lương, mô tả công việc, yêu cầu công việc. Email, nội dung tuyển dụng, văn phòng công ty nói lên quy mô và trình độ của công ty.
Khi đi phỏng vấn: Mặc áo sơ mi trắng, lịch sự. Trả lời tự tin bằng cách xem đó như một buổi nói chuyện bình thường. Thỏa thuận lương không ngoan nhưng vẫn chiếm được cảm tình của người phỏng vấn.
Còn bạn thì sao? Bạn có kinh nghiệm nào khi đi phỏng vấn? Hãy chia sẻ cùng mọi người trong phần bình luận nhé.