Khu phố của cô, đàn cừu của cô – Murakami Haruki

Trên đường phố Sapporo, tuyết đã bắt đầu rơi lần đầu tiên trong năm. Mưa chuyển sang tuyết, tuyết lại chuyển sang mưa. Với phố xá Sapporo thì tuyết chẳng là thứ tình tứ gì bao nhiêu. Còn bị xem như người bà con không mấy ai ưa nữa là khác.

Ngày 23 tháng Mười. Thứ Sáu.
Lúc rời Tokyo, tôi đã mặc có một chiếc áo sơ-mi. Từ phi trường Haneda lên chiếc 747, nghe chưa hết cuốn băng 90 phút trong máy quay băng Walkman, là đã lọt vào vùng chung quanh tuyết phủ.
-“Thì vậy chứ sao”. Bạn tôi bảo. -“Năm nào đến cỡ này thì tuyết cũng bắt đầu rơi. Và thế là mùa đông đến”.
-“Lạnh quá nhỉ”.
-“Đúng mùa đông thì còn lạnh kinh hồn nữa kia”.

Chúng tôi sinh trưởng ở một thành phố nhỏ gần Kobe, khí hậu ôn hoà. Nhà hai đứa chỉ cách nhau khoảng năm mươi thước, và học chung với nhau suốt các năm trung học cấp hai lẫn cấp ba. Đã đi du lịch chung, mà cả bạn gái cũng đã hẹn hò đi chơi chung với nhau rồi. Có lần cả hai đứa cùng say mèm đến mở cửa xe taxi ra là ngã sóng soài ra đất. Xong trung học, tôi lên đại học ở Tokyo, còn hắn đi đại học ở Hokkaido. Rồi tôi kết hôn với bạn cùng lớp là người gốc Tokyo, còn hắn kết hôn với bạn đồng học xuất thân Otaru thuộc đảo Hokkaido. Đời người là thế. Như những hạt giống của cây cỏ cuốn theo ngọn gió trêu cợt tai quái mà phiêu dạt trên những vùng đất bất ngờ.
Giả thử hắn lên đại học ở Tokyo, còn tôi đi đại học ở Hokkaido, thì hiển nhiên là cuộc đời của hắn và của tôi hẳn đã khác đi hoàn toàn. Có khi tôi lại trở thành người làm việc trong hãng đại lý du lịch rong ruổi khắp nơi trên thế giới, còn hắn lại trở thành tiểu thuyết gia đóng chốt ở Tokyo, không chừng. Tuy nhiên, do bàn tay sắp đặt của người mẹ là ngẫu nhiên ấy, tôi đã trở thành người viết tiểu thuyết, còn hắn mới là người làm việc trong hãng đại lý du lịch. Và chùm sao Orion ngày nay còn chiếu sáng trên bầu trời đêm.
Hắn có đứa con trai sáu tuổi, và lúc nào trong ví cũng có ba tấm ảnh con hắn. Cậu bé Hokuto (Bắc Đẩu) chơi đùa với cừu ở Sở thú Maruyama. Cậu bé Hokuto mặc áo quần Lễ Mừng Trẻ Con Lên 3, 5, 7. Cậu bé Hokuto ngồi trong tên-lửa ở vườn chơi trẻ con. Tôi xem đi xem lại ba tấm ảnh ấy, mỗi tấm ba lần, rồi trao lại cho hắn. Xong, uống bia hơi, nhắm món cá Ruibe[1]
-“Này cậu, P lúc này ra sao nhỉ?”. Hắn hỏi.
-“Nó làm ăn khấm khá lắm đấy”. Tôi đáp.

-“Trước đây, tình cờ mình gặp nó trên đường. Nó bảo đã ly dị vợ, và đang sống chung với một cô gái trẻ”.
-“Còn Q thì sao?”
-“Nghe nói nó làm cho một hãng đại lý quảng cáo, viết những bảng quảng cáo thật nhảm nhí”.
-“Cũng dễ hiểu thôi”.
Vân vân.
Chúng tôi trả tiền và bước ra khỏi quán. Ngoài trời tuyết vẫn rơi không ngớt.
-“Thế gần đây có về lại Kobe không?”. Tôi hỏi.
-“Không”. Hắn lắc đầu. -“Sao mà thấy xa quá. Cậu thì sao?”
-“Mình cũng không. Vả lại, cũng chẳng nảy ra ý muốn về lại”.
-“Ừm”.
-“Thành phố hẳn là đã thay đổi lắm rồi nhỉ”.
-“Ừm”.
Rảo bước vòng vòng trên phố xá Sapporo khoảng mười phút, chúng tôi cạn mất đề tài nói chuyện với nhau. Tôi quay lại khách sạn, còn hắn trở về căn chung cư ba phòng.
-“Thôi, giữ gìn sức khoẻ nhé”.
-“Ừ, cậu cũng thế”.
Thế là cỗ máy hoán chuyển đã tiến bước đánh xạch một tiếng. Và vài ngày sau thì chúng tôi lại ai đi đường nấy. Ngày mai đây, hai đứa tôi lại ở hai thành phố cách xa nhau đến năm trăm cây số, có lẽ lại tiếp tục cuộc tranh đấu vô vọng chống lại nỗi nhàm chán riêng của mỗi đứa.
Ti vi trong khách sạn đang chiếu chương trình quảng bá thông tin địa phương. Tôi mang nguyên giày, nằm dài trên khăn phủ giường, chuốc bia lạnh cho trôi miếng bánh mì kẹp cá hồi xông khói bồi phòng mang đến, vừa lơ đãng ngắm màn hình.
Đứng sừng sững ngay giữa màn hình là một cô gái trẻ mặc áo đầm màu xanh biển. Ống kính truyền hình bất động quét tia nhìn đăm đăm từ hông cô trở lên, như một loài thú ăn thịt sống. Góc nhìn đã không dời đổi, mà cũng không tiến gần hay lùi xa tí chút nào. Có cảm giác cứ như là một phim Đợt Sóng Mới ngày xưa vậy.
-“Tôi là nhân viên Ban Thông tin của Ủy ban Hành chánh Khu phố R”. Cô gái giới thiệu. Giọng nói của cô có chút hơi hướm thổ âm địa phương, run lên vì thần kinh căng thẳng. -“R là một khu phố nhỏ chỉ có bảy ngàn năm trăm người. Không nổi tiếng gì mấy nên có thể quý vị chưa hề biết đến”.
Đáng tiếc, tôi nói.
-“Ngành sản xuất chính của khu phố là nghề nông và nghề nuôi bò sữa. Nguyên trọng tâm sản xuất đã là lúa gạo, nhưng gần đây, theo chính sách chuyển canh, cũng đang nhanh chóng chuyển sang việc trồng lúa mì và các thứ rau đậu ven thành phố. Thêm vào đấy, ở ngoại vi khu phố lại có đồng cỏ chăn nuôi do khu phố điều hành, nuôi khoảng hai trăm bò, một trăm ngựa và một trăm cừu lấy lông. Hiện nay, khu phố đang thúc tiến việc khuếch trương về chăn nuôi, trong vòng ba năm tới, số gia súc này hẳn sẽ tăng lên rất nhiều”.
Cô không phải là một người đẹp. Khoảng tuổi trên dưới đôi mươi, đeo kính nhiều độ, vành kim loại, khoé miệng đóng băng nét cười mỉm cứng ngắc như tủ lạnh bị hỏng. Thế mà trên màn hình, trông cô vẫn tuyệt vời. Ống kính truyền hình theo kiểu phim Đợt Sóng Mới ấy chiếu lên được hình ảnh tuyệt vời nhất của nét tuyệt vời nhất của cô. Tôi có cảm tưởng là nếu tất cả mọi người, ai cũng được đứng trước ống kính truyền hình mà nói trong mười phút, thì hẳn là thế giới sẽ trở thành tuyệt vời lắm.
-“Khoảng giữa thời Minh Trị, vàng cát đã được tìm thấy trong sông R chảy qua khu phố R này, do đó đã có phong trào tìm vàng cát sôi nổi. Thế nhưng khi đã cạn nguồn vàng cát rồi thì phong trào ấy cũng tiêu tan, chỉ còn dấu vết của vài túp lều nhỏ và con đường hẹp qua núi là chút hình tích còn sót lại của một thời vang bóng ấy”.
Tôi nhấm nháp mẩu bánh mì kẹp cá hồi xông khói cuối cùng, rồi uống một hơi cạn chỗ bia còn lại.
-“Khu phố … (đằng hắng) … khu phố cho đến vài năm trước đây đã có trên mười ngàn người, nhưng gần đây, do xu hướng rời bỏ nghề nông, tình trạng dân số giảm nhanh, lớp người trẻ dời ra đô thị, trở thành vấn đề khó giải quyết. Quá nửa số bạn bè cùng lớp của chính tôi cũng đã rời khỏi khu phố này rồi. Tuy thế, tất nhiên là vẫn còn có nhiều người chọn ở lại cùng phấn đấu với khu phố”.
Cứ như là đang nhìn vào tấm gương soi rọi tương lai, cô nhìn đăm đăm vào ngay giữa ống kính truyền hình mà tiếp tục nói. Xuyên qua màn hình, đôi mắt cô nhìn tôi đăm đăm. Tôi lấy hai lon bia từ trong tủ lạnh ra, mở khoen, uống một hơi.
Khu phố của cô.

Tôi tưởng tượng ra được hình ảnh khu phố của cô. Nhà ga mỗi ngày chỉ có tám chuyến xe lửa dừng lại, phòng đợi có lò sưởi, bùng binh nhỏ lạnh lẽo, bản đồ hướng dẫn khu phố chữ đã mờ đi đến không đọc được phân nửa, khóm hoa vạn thọ và hàng cây nanakamado[2] , con chó trắng lông bẩn những vết mệt mỏi cùng tận của đời, con đường chính rộng một cách vô lối, áp phích tuyển mộ lính Tự Vệ Đội[3], tiệm bách hoá ba tầng, bảng hiệu tiệm bán đồng phục học sinh và thuốc đau đầu, một quán trọ nhỏ, toà nhà hợp tác xã nông nghiệp cùng trung tâm lâm nghiệp cùng hội chấn hưng chăn nuôi, một ống khói nhà tắm công cộng đơn độc sừng sững chĩa lên khung trời màu tro xám. Đi thẳng trên con đường chính, quẹo trái, qua khỏi ngả tư là có Ủy ban Hành chánh Khu phố, trong Ban Thông tin có cô ấy ngồi đấy. Một khu phố nhỏ bé, buồn tẻ. Hết nửa năm bị bao phủ trong tuyết. Và cô tiếp tục viết những bản thảo quảng bá cho khu phố ấy.<Ngày mấy tháng mấy sắp đến đây, chúng tôi sẽ phân phát thuốc tẩy độc cho cừu. Quý vị nào muốn nhận được thuốc, xin hãy điền vào đơn xin có mẫu sẵn, trước ngày mấy tháng mấy, rồi …>.
Trong căn phòng nhỏ của khách sạn ở Sapporo, đời tôi và đời cô ấy tình cờ đã giao tiếp với nhau. Nhưng vẫn cảm thấy thiêu thiếu chút gì đấy. Trên chiếc giường khách sạn này, ngày sống cứ như là bộ áo mượn, không ôm khít khao quen thuộc với thân mình được. Lưỡi dao cùn không ngừng chặt xuống sợi thừng buộc cổ chân tôi. Sợi thừng mà đứt mất đi thì tôi không còn nơi nào để trở về nữa. Điều đó khiến tôi bất an.
Nhưng không, tất nhiên là sợi thừng không đứt mất đi đâu. Chỉ vì tôi uống bia có hơi quá chén nên có cảm giác như thế thôi. Vả lại, có lẽ cũng tại vì tuyết đang múa lượn bên ngoài khung cửa sổ kia nữa. Tôi lần theo sợi thừng buộc cổ chân mình mà trở về dưới đôi cánh u ám của thực tại. Khu phố của tôi, và đàn cừu của cô ấy.

Đến khi đàn cừu của cô ấy có được thuốc tẩy độc tuyệt vời kia thì hẳn là ở khu phố của tôi, tôi cũng đang chuẩn bị cho mùa đông cho đàn cừu của mình. Gom góp cỏ khô, trử dầu vào thùng chứa, sửa chữa các khung cửa sổ phòng bão tuyết. Mùa đông đã tiến đến kia rồi.
-“Khu phố của tôi đấy”. Cô ấy nói tiếp. -“Một khu phố nhỏ, chẳng có đặc điểm gì đáng kể, nhưng vẫn là khu phố của tôi. Nếu có dịp, xin quý vị đến xem. Có thể có chút gì đấy chúng tôi làm được cho quý vị”.
Rồi hình ảnh cô biến mất trên màn hình.
Tôi bấm nút sát bên chiếc gối, tắt ti vi, uống cạn chỗ bia còn lại. Và thử nghĩ chuyện đến thăm khu phố của cô ấy. Có lẽ cô sẽ làm được chút gì đấy cho tôi. Nhưng có lẽ kết cuộc, tôi sẽ không đến thăm khu phố của cô ấy. Tôi đã vất bỏ đi quá nhiều thứ mất rồi.
Bên ngoài tuyết vẫn không ngừng rơi. Và đàn cừu một trăm con đang nhắm nghiền mắt trong bóng tối mịt mùng.

Chú thích:
[1] Ruibe: món cá sống của đảo Hokkaido, là những lát cá hồi xắt thật mỏng, đông lạnh.
[2] Nanakamado: Sorbus commixta, cao đến 7 – 10 thước, thân trơn, màu tím đậm, mọc ở vùng núi, gỗ khó cháy, tên tiếng Nhật có nghĩa là “đốt trong lò bảy lần” (vẫn chưa cháy hết)
[3] Tự Vệ Đội: Theo Hiến pháp hiện hành được lập nên từ chiến bại trong Thế chiến thứ Hai, Nhật Bản chỉ có Tự Vệ Đội thay vì Quân đội chính quy.
Phạm Vũ Thịnh dịch, nguồn chimviet.free.fr
Ghi chú của người dịch:
Truyện ngắn “Khu phố của cô, đàn cừu của cô” đã ra mắt độc giả Nhật Bản trong tạp chí “Torefuru – Trefle” khoảng năm 1981 – 1983, là truyện thừ 05 trong tập truyện ngắn “Kangaruu Biyori – Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo” xuất bản tại Việt Nam tháng 01 năm 2006 từ nhà xuất bản Ðà Nẵng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang