Không ai hay biết – Zadai Osamu

Bên cạnh những tác phẩm tự thuật nổi tiếng như “Thất lạc cõi người”  Nhân  gian  thất cách), “Tám cảnh sắc Tokyo”,… Dazai Osamu còn được biết  đến như một  người  am hiểu sâu sắc tâm lý phụ nữ qua tiểu thuyết “Tà dương”, các truyện ngắn “Nữ học sinh” và “Không ai hay biết”. Truyện ngắn “Không ai hay biết” cho ta thấy cái phần sâu kín trong tâm hồn của một phụ nữ quý tộc Nhật Bản, vốn cư xử đàng hoàng đúng mực lại có những giây phút cuồng điên tuyệt vọng không ngờ. Đó cũng là phần bí ẩn của văn hóa Nhật Bản, khi rất mực kiềm chế, khi buông thả hoang đàng nhưng lúc nào  cũng tinh tế và cao sang.

Tác phẩm được dịch từ nguyên tác “Daremo shiranu” 誰も知らぬ in trong tuyển tập truyện ngắn “Nữ học sinh” Nữ sinh đồ), khổ bỏ túi do Nxb Kadokawa in lần thứ 5 năm 2009, từ trang 109 đến 120.

***

“Chuyện này không ai biết cả đâu”, phu nhân Yasui bốn mươi mốt tuổi mỉm cười kể lại. Có điều gì đó rất kỳ lạ. Chuyện xảy ra vào mùa xuân năm tôi hai mươi ba tuổi nên đã là một câu chuyện xa xưa gần hai mươi năm trước, ngay trước khi trận đại chấn xảy ra. Từ hồi đó đến bây giờ, cái khu Ushigome này cũng hầu như chẳng thay đổi gì. Nếu như nói thay đổi thì chỉ có con đường trước mặt được mở rộng ra, khu vườn  nhà tôi bị lấy đi quá nửa để làm đường sá, cái ao đã bị lấp đi mà thôi. Bây giờ đứng từ hành lang tầng hai nhìn ra, có thể thấy núi Phú Sĩ ở ngay trước mặt, tiếng kèn của quân đội vang vọng tối ngày.

Khi cha tôi còn làm tri sự ở Nagasaki, thì được mời đến đây, làm trưởng khu phố  này. Năm đó tôi mười hai tuổi và mẹ tôi lúc ấy hãy còn. Cha tôi vốn được sinh ra ở khu Ushigome thuộc Tokyo, còn ông nội tôi thì lại là người ở Morioka. Cụ hồi trẻ một mình lang bạt lên Tokyo, làm công việc gì đó nguy hiểm lắm, đại khái là nửa phần chính trị gia, nửa phần thương nhân. Chà, có thể nói là một thương nhân thượng  đẳng đấy. Rồi có vẻ như ông cụ thành đạt nên vào độ tuổi trung niên đã mua lại khu đất ở khu Ushigome này để có thể sống thanh thản. Tôi không  biết là thật hay giả  nữa nhưng từ trước cụ với Hara Takashi[1], người bị gặp tai ách ở ga Tokyo, là đồng hương. Hơn nữa, không biết là vì ông tôi lớn tuổi hơn, hay kinh nghiệm chính trường phong phú hơn, hay vốn là lớp đàn anh từ xưa mà tôi nghe nói ông tôi có thể chỉ đạo Hara Takashi. Còn về phần ông Hara thì cứ vào dịp tết hàng năm, ngay cả sau khi đã đắc cử thủ tướng rồi vẫn ghé thăm căn nhà khu Ushigome này mà chào hỏi. Mặc dù  tôi có nghe vậy nhưng điều này thì chắc là không đúng đâu. Lý do là vì những điều mà tôi nghe ông nói, khi tôi bắt đầu về sống cùng ông vào năm mười hai tuổi ở căn nhà này, là lúc ông cụ đã trở thành một ông già lẩm cẩm ngoài tám mươi tuổi. Trước đó cụ sống một mình. Còn tôi, cho đến lúc đó, theo cha tôi đi các chuyến công vụ liên tục đến Urawa, Kobe, Wagayama, Nagasaki. Tôi được sinh ra ngay ở tòa nhà công vụ Urawa đấy. Còn những lần về chơi ở căn nhà Tokyo này chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi nên tôi với ông nội tình thân cũng nhạt. Rồi cho đến năm mười hai tuổi, khi dọn về an ổn ở căn nhà này, tôi với ông nội cứ như người lạ. Mà những lời lẩm cẩm của ông cụ lại nói bằng giọng địa phương đặc sệt vùng Đông Bắc nên tôi hầu như không hiểu lắm, thành ra chúng tôi lại càng xa cách nhau hơn. Vì tôi không chút nào tỏ ra thân thiết với cụ nên ông cụ tìm đủ cách để lấy lòng tôi. Như cái chuyện về ông Hara Takashi ấy là vào một đêm thu, khi ngồi hóng mát trong vườn, ông cụ vừa phe phẩy quạt vừa cố tình kể cho tôi nghe nhưng tôi ngay lập tức cảm thấy chán ngấy, cố tình ngáp một cái rõ to. Ông nội thấy vậy lập tức đổi giọng, à, vậy là chuyện Hara Takashi không thú vị gì à. Được rồi, vậy để ta kể cháu nghe bảy điều kỳ bí của khu Ushigome này nhé! Và rồi, ông cụ hạ giọng thầm thì kể “ngày xửa ngày xưa…”. Thật là một ông già quỷ quái. Thành ra tôi nghĩ chuyện về ông Hara Takashi là không đúng đâu. Sau đó tôi có đem chuyện này hỏi lại cha tôi. Cha tôi cười cay đắng, có lẽ là lần duy nhất từ sau khi dọn đến đây, rồi xoa đầu tôi mà nhẹ nhàng bảo rằng “ông con không nói dối đâu”.

Ông nội mất vào năm tôi mười sáu tuổi. Tuy tôi chẳng yêu thích gì ông nhưng trong ngày đám tang cụ, tôi cũng khóc dữ lắm. Có lẽ tại đám tang được tổ chức quá sang trọng rình rang nên tôi cũng lây cái hưng  phấn đó mà khóc chăng. Sau  ngày đám  tang, khi tôi đến trường, tất cả thầy cô và các bạn trong lớp đều nói lời chia buồn, tôi nhân dịp đó lại khóc nữa. Được các bạn bè đồng cảm ngoài sức tưởng tượng, tôi thật lo lắng bất an. Ở ngôi trường nữ Ichigaya mà tôi thường đi bộ đến ấy, tôi được đối xử như một công chúa nhỏ, thật hạnh phúc quá chừng. Tôi được sinh ra năm cha tôi bốn mươi tuổi, khi ông đang là bộ trưởng học vụ vùng Urawa và là con một nên được cha mẹ và những người xung quanh rất mực cưng chiều. Tôi tỏ ra mình là một đứa bé tội nghiệp, cô đơn và yếu ớt nhưng giờ nghĩ lại, có vẻ tôi lúc ấy chỉ là một đứa bé kiêu mạn ích kỷ mà thôi.

Khi bước vào trường nữ Ichigaya, tôi đã có một người bạn tên là Serikawa rồi. Lúc đó tôi cứ nghĩ mình đối xử với bạn Serikawa rất mực thân thiết dịu dàng. Nhưng giờ nghĩ lại, quả thật cái thái độ tưởng chừng thân thiết đó có lẽ chỉ là từ ngoài nhìn vào mà thôi. Hơn nữa bạn Serikawa cũng rất ngoan, luôn làm tất cả những gì tôi sai bảo, cứ như đầy tớ với chủ nhân uy quyền vậy. Nhà bạn Serikawa đó cũng ngay gần nhà tôi và chắc anh cũng biết tiệm bánh kẹo tên là Hoa nguyệt đường chứ? Đúng vậy, bây giờ tiệm này vẫn phồn vinh như ngày xưa. Món bánh mứt hạt dẻ là mặt hàng nổi  tiếng của tiệm từ xưa đến giờ đấy. Bây giờ thì đến đời anh của bạn Serikawa làm chủ tiệm, làm việc chăm chỉ từ sáng đến tối. Còn bà chủ thì cũng tất tả như người làm, suốt ngày ngồi ở quầy nhận điện thoại đặt hàng, rồi luôn miệng dặn dò công việc với người làm. Cô bạn Serikawa của tôi thì sau khi tốt nghiệp trường trung học nữ  chừng ba năm đã tìm được một người đàng hoàng và đi làm dâu rồi. Nghe nói bây   giờ đang sống ở kinh thành Triều Tiên. Gần hai mươi năm rồi tôi chưa một lần gặp lại. Tôi có nghe chuyện phu quân của bạn ấy vốn là một trang nam tử xuất thân từ trường nghĩa thục Mita[2] và bây giờ nghe nói đang kinh doanh một tòa soạn báo khá lớn ở kinh thành Triều Tiên.

Bạn Serikawa và tôi sau khi tốt nghiệp trường trung học nữ thì vẫn chơi thân với nhau. Nói là chơi thân nhưng tôi chưa lần nào đến thăm nhà bạn ấy cả  mà  toàn là bạn ấy đến thăm tôi để nói chuyện về tiểu thuyết. Bạn Serikawa ấy từ lúc vào trường đã thích đọc truyện của Soseki[3] với Roka[4] rồi, viết luận văn cũng chững chạc người lớn lắm. Còn tôi về phương diện này thì hoàn toàn không hiểu gì, thậm chí còn không cảm thấy hứng thú một chút gì cả. Tuy vậy, sau khi ra trường, trong khi chán chường đọc những quyển tiểu thuyết mà Serikawa liên tục mang đến cho mượn, tôi đã dần hiểu ra sự hấp dẫn của tiểu thuyết. Tuy nhiên, những quyển mà tôi cho là thú vị thì Serikawa lại bỏ ra, không cho là hấp dẫn, còn những quyển là bạn Serikawa  bảo là hay thì tôi lại không hiểu mấy. Mặc dù tôi rất thích những tiểu thuyết lịch sử của Ogai[5], nhưng Serikawa cười chê tôi là cổ hủ và nói cho tôi biết là truyện của Arishima Takeo[6] mới sâu sắc hơn nhiều, rồi mang đến cho tôi hai ba quyển của tác giả ấy. Nhưng tôi đọc mà không hiểu một chút gì. Bây giờ đọc lại, tuy cảm giác có  khác đi so với ngày xưa nhưng tôi vẫn thấy ông Arishima này, nói sao cho được nhỉ, ông ta nghị luận nhiều quá, làm tôi vẫn chẳng có chút hứng thú nào. Chắc chắn tôi cũng chỉ là người thường thôi mà.

Trong số những tác gia mới hồi đó như Mushano Koji[7], Shiga[8], rồi thì Tanizaki Junichiro, Kikuchi Kan, Akutagawa[9], tôi chỉ thích mỗi truyện ngắn của Shiga Naoya với Kikuchi Kan mà thôi. Mặc dù Serikawa cứ cười chê tôi là tư tưởng thấp kém hay đại loại như vậy nhưng đối với những tác phẩm mà lý luận nhiều quá là tôi không thích thú gì. Serikawa mỗi lần đến chơi mang theo bao nhiêu là tiểu thuyết và các tạp chí mới ấn hành, giải thích cho tôi các chương mục tiểu thuyết và còn cả những tin đồn về các tác gia khiến tôi thấy làm lạ là tại sao bạn ấy lại say mê đến thế. Và rồi  cuối cùng, một ngày kia tôi đã phát hiện ra cái có thể là nguyên nhân của niềm đam mê ấy của Serikawa. Thường thì con gái hễ chơi thân với nhau là hay cho nhau xem các album ảnh của mình và Serikawa cũng mang một tập ảnh lớn cho tôi xem. Tôi  vừa gật gù lắng nghe những lời giải thích có phần ồn ào của Serikawa vừa lật xem từng tấm hình một. Trong số đó có một tấm hình chụp một người học sinh rất đẹp đứng trước một vườn hoa hồng, tay cầm một quyển sách. Tôi buột miệng nói “trời, tuấn tú quá nhỉ” và không hiểu sao lại đỏ bừng mặt. Thấy thế Serikawa lập tức nói “ấy dà” rồi giành lại quyển album từ tay tôi. Mãi sau tôi mới nhận ra điều đó. “Được rồi, dù sao mình cũng đã xem rồi mà”, tôi từ tốn nói. Serikawa lập tức tỏ vẻ vui  mừng, cười chúm chím và hỏi “Biết rồi à, cũng được chứ phải không? Cậu nhìn cái là biết ngay à? Cậu biết chứ? Từ hồi mới vào trường trung học nữ đấy…”. Bạn ấy cứ nói liến thoắng một mình, còn tôi thì tuy chẳng hiểu gì hết nhưng cứ nghe Serikawa kể mọi chuyện. Thực sự đó là một người ngoan hiền và ngây thơ. Cái người học sinh  tuấn tú trong tấm hình ấy với Serikawa có thể là quen biết nhau qua mục những độc giả yêu thích của tạp chí nào đấy thì phải. Rồi hình như qua các bức thư kết bạn, hai người ấy nảy sinh tình cảm chăng? Một kẻ phàm phu như tôi thì không hiểu rõ lắm nhưng hình như sau đó, hai người đã thư từ trực tiếp với nhau. Đến sau khi ra trường thì chuyện tình cảm của Serikawa tiến triển rất nhanh, nghe nói hai người đã đính ước rồi đấy. Serikawa nói cho tôi nghe người ấy là con trai thứ của một chủ hãng đóng tàu ở Yokohama, còn là học sinh ưu tú của trường Keiou, tương lai có thể trở thành một nhà văn lừng lẫy nhưng tôi thì cảm thấy đây là một chuyện rất đáng    sợ và thậm chí có cảm giác xấu xa nữa. Mặt khác, tôi lại cảm thấy ghen tỵ với Serikawa, ngực tôi nghẹn thắt lại. Cố gắng không thể hiện ra nét mặt, tôi vừa nói “Thật là hay đấy, Serikawa phải xúc tiến vào nhé” thì Serikawa thể hiện ngay sự mẫn cảm, bừng bừng nổi giận “Bạn ác lắm nhé, dao bén giấu trong tim, lúc nào bạn cũng khinh thường tôi cả, nữ thần Diana[10] ạ, bạn…”. Đột nhiên bị công kích mạnh mẽ như vậy, tôi cũng phản ứng “Xin lỗi, xin lỗi! Mình hoàn toàn không khinh miệt bạn chút nào đâu. Sự lạnh lùng là bản tính của mình từ xưa mà, cũng đã gây hiểu nhầm cho bao nhiêu người khác rồi đấy. Thật sự cái điều làm mình lo lắng nhất cho chuyện của cậu là anh chàng kia đẹp trai quá và có lẽ cũng do là ghen tỵ với cậu nữa”. Khi tôi nói ra như vậy, Serikawa lập tức đổi giận làm vui “Chuyện đó nhé, mình cũng chỉ kể cho anh mình nghe thôi và anh mình cũng nói y hệt như cậu vậy đấy. Anh ấy kịch liệt phản đối, bảo tớ là tổ chức đám cưới đàng hoàng với người nào nghiêm túc hơn đi. Vì anh tớ là người theo chủ nghĩa hiện thực triệt để hơn ai hết nên những điều anh  ấy nói không phải là vô lý. Tuy nhiên, tớ lại chẳng để tìm đến sự phản đối của anh mình. Vào mùa xuân sang năm, khi người ấy tốt nghiệp, thì chúng tớ sẽ quyết định chính thức, chỉ hai đứa thôi. Serikawa nói hùng hồn. Còn tôi chỉ gượng cười gục đầu mà nghe thôi. Chắc Serikawa cho rằng cái vẻ ngây thơ của người đó thật đẹp và đáng ghen tỵ còn cái khí chất thô lậu cổ hủ của tôi thì quá chừng xấu xí.

Sau khi chuyện này xảy ra, giữa tôi và Serikawa không còn thân thiết như trước nữa. Đúng là con gái thật khó lường. Tự nhiên có một người con trai xen vào giữa là cho  dù trước đó chơi thân thiết với nhau đến mấy đi nữa thì thái độ cũng thay đổi ngay, như người dưng nước lã. Quả là giữa hai chúng tôi không có gì thay đổi gớm ghê nhưng từ đó cả hai bắt đầu giữ kẽ, chào hỏi nhau lịch sự, các lần gặp nói chuyện cũng thưa dần đi, cư xử đúng mực như người trưởng thành. Cả hai đều tránh nói đến chuyện tấm hình kia. Rồi năm hết tết đến, tôi và Serikawa đón mùa xuân năm hai mươi ba tuổi. Và chuyện xảy ra vào cuối tháng ba năm đó.

Vào khoảng chừng mười giờ đêm, tôi và mẹ ngồi trong phòng cùng nhau may áo cho cha thì người hầu kéo cánh cửa giấy, lấy tay ngoắc tôi. “Tôi à?”, tôi dùng mắt dò hỏi, và người hầu gái khẽ gật đầu hai ba cái rất nghiêm trọng. “Có chuyện gì đấy?”, mẹ đưa tay đẩy kính lên trán và hỏi. Người hầu gái khẽ đằng hắng, nói có vẻ rất khó khăn. “Dạ thưa, anh của quý cô Serikawa muốn gặp tiểu thư một chút ạ”, rồi lại húng hắng ho hai ba tiếng. Tôi lập tức đứng dậy, bước ra ngoài hành lang, có cảm giác  như mình đã hiểu chuyện gì xảy ra. Chắc chắn là Serikawa đã gây ra chuyện gì rồi đây. Tôi định bước ra phòng khách nhưng người hầu gái hạ giọng thì thầm, không, ở phía nhà bếp cơ ạ, rồi với dáng vẻ khẩn trương như người đang làm chuyện gì đại sự, cúi người vội vàng chạy lon ton về phía trước. Nơi cạnh cửa nhà bếp sáng hắt hiu mờ nhạt, anh của Serikawa đang mỉm cười đứng đợi. Hồi còn học trường trung học nữ, mỗi ngày đi qua tôi đều chào anh của Serikawa hai bận sáng chiều. Lúc nào  cũng  thấy anh ấy cần cù làm việc cùng với hai ba người giúp việc trong tiệm. Sau khi ra trường rồi thì cứ chừng khoảng một tuần anh ấy lại mang bánh trái mà nhà tôi đặt hàng đến nhà và tôi cũng cứ thân thiện mà gọi “anh ơi, anh à”. Tuy nhiên, chưa lần nào anh ấy đến nhà tôi khuya khoắt như thế này mà lại còn lén gọi tôi ra nữa chứ. Chắc là vấn đề tình cảm của Serikawa có gì rồi đây. Tôi thấy mình hồi hộp.

– Bạn Serikawa dạo này không thấy đến chơi. – Chưa kịp hỏi han chuyện gì tôi đã buột miệng nói.

– Thế tiểu thư đã biết chuyện rồi phải không? – Gương mặt anh thoáng chút nghi ngờ.

– Dạ không ạ.

– Vậy à. Con bé trốn đi mất rồi. Thật ngu ngốc quá! Mấy cái thứ văn học thật đúng là vớ vẩn. Chắc tiểu thư đã biết chuyện này từ trước rồi phải không?

– Dạ, chuyện đó thì… – Thanh âm của tôi cứ nghẹn trong cổ họng và thấy khó xử – Em có biết ạ.

– Con bé bỏ trốn rồi. Nhưng tôi cũng biết đó là một chỗ tốt cho nó. Thế dạo gần đày con bé ấy không nói chuyện gì với tiểu thư hết sao?

– Dạ vâng. Dạo gần đây em với Serikawa cứ như người dưng nước lã ấy. Thế chuyện là sao hả anh? Hay anh vào nhà chơi đã. Em cũng có nhiều chuyện muốn hỏi

– Cám ơn cô nhưng tôi không thể ở lâu được. Giờ tôi phải đi tìm con bé đã. Tôi liếc nhìn thì thấy anh đã mặc quần áo gọn gàng và mang theo hành lý.

– Anh biết chỗ rồi sao?

– Vâng có biết. Tôi sẽ tìm đến tẩn cho hai đứa chúng nó một trận ra trò rồi cho chúng nó sống chung với nhau.

Anh nói thế rồi cười vang. Sau khi anh ra về, tôi cứ đứng thẫn thờ nơi cửa nhà bếp.

Khi quay trở vào phòng, tôi giả vờ như không nhận thấy gương mặt dò xét của mẹ, chỉ lặng lẽ ngồi xuống, khâu cánh tay áo còn đang dang dở. Rồi tôi lại lén đứng lên, bước ra ngoài hành lang, chạy đến trước nhà bếp. Tôi xỏ vội đôi guốc rồi chạy bay biến như ma đuổi. Cái tâm trạng đó, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được. Tôi đuổi theo người anh trai ấy, và nghĩ là mình sẽ không rời xa anh cho đến chết. Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến Serikawa cả. Chỉ là để gặp lại người anh ấy một lần nữa thôi rồi làm bất cứ chuyện gì. Và tôi cứ thầm nghĩ rằng, chỉ hai người chúng tôi đi đến bất cứ nơi nào cũng được, hãy đưa em đi trốn đi, hãy làm em hư hỏng đi. Suốt đêm hôm đó, với nhiệt tình phấn khích, tôi cứ lầm lũi chạy trên con đường nhỏ tăm tối như một con chó hoang. Đôi lần tôi vấp ngã loạng choạng rồi lấy lại thăng bằng tiếp tục chạy trong im lặng, nước mắt cứ ứa ra. Bây giờ nghĩ lại thấy lúc đó cảm giác như đang ở dưới đáy địa ngục vậy. Khi chạy đến trạm xe điện khu Ichigaya thì mắt mũi tôi tối sầm lại, cơ thể rã rời đến mức thở không ra hơi nữa, chỉ một chút xíu nữa là tôi té xỉu ngay. Trạm xe tịnh không một bóng người, chỉ còn dấu vết của chuyến tàu vừa chạy ngang qua đây. Như một lời ước nguyện sau cùng, tôi lấy hết sức mà gào lên “A… anh ơi”. Hoàn toàn im lặng, không một tiếng vang. Tôi khoanh hai tay trước ngực rồi đi về nhà. Dọc đường, tôi chấn chỉnh lại mình và khi về đến nhà, tôi lặng lẽ kéo cánh cửa giấy. Vì mẹ nhìn tôi nghi ngờ hỏi rằng “Có chuyện gì đấy?” nên tôi mới làm ra vẻ bình thường mà trả lời “Dạ, bạn Serikawa ấy không còn ở nhà nữa. Thật là không biết phải làm sao”, rồi lại tiếp tục công việc khâu áo dang dở. Mẹ tôi dường như muốn hỏi thêm nữa nhưng tôi làm bộ như đang suy nghĩ, im lặng tiếp tục khâu áo. Chuyện chỉ có vậy thôi. Bạn Serikawa ấy thì như tôi đã kể, có một đám cưới hạnh phúc với quý ông học trường Mita ấy, bây giờ hình như vẫn đang sống ở Triều Tiên. Tôi thì năm sau đó cũng lấy người chồng bây giờ đây. Còn với người anh của Serikawa thì sau đó có gặp lại nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Bây giờ anh ấy làm chủ tiệm bánh Hoa nguyệt đường, có người vợ nhỏ nhắn xinh xắn và công việc kinh doanh cũng phát đạt lắm. Và cũng như trước kia, cứ mỗi tuần một lần, ông chủ ấy lại mang bánh kẹo mà nhà tôi đặt hàng đến tận nơi. Hầu như chẳng có gì thay đổi. Đêm đó, tôi vừa khâu áo, vừa ngủ chập chờn và mơ mộng. Giấc mơ thật trong suốt rõ ràng. Chắc anh hiểu chứ? Quả như thể là một câu chuyện bịa đặt. Tuy nhiên, xin anh giữ bí mật giùm cho. Anh biết không, con gái tôi năm nay đang học năm thứ ba của trường trung học nữ đấy.

Hoàng Long dịch.


Chú thích:

[1] Hara Takashi (原敬 1856-1921), chính trị gia và thủ tướng Nhật Bản từ 1918 đến 1921, xuất thân từ Morioka, được gọi là “thủ tướng bình dân” 平民宰相 Heimin Saishou), bị ám sát ở ga Tokyo ngày 4 tháng 11 năm  1921.

[2] Tức trường đại học Khánh ứng nghĩa thục (Keiou 慶応義塾) nổi tiếng.

[3] Tức Natsume Soseki 夏目漱石(1867-1916), nhà văn Nhật nổi tiếng thời Minh Trị, sáng tác nhiều tiểu thuyết kinh điển như “Cậu ấm” 坊ちゃん Bocchan), “Từ đó về sau” (それから Sorekara), “Tiếng lòng”  Kokoro こころ)…

[4] Tokutomi Roka 徳富蘆花 (1868-1927), tiểu thuyết gia Nhật Bản, sáng tác “Nhật  ký kỷ niệm” Omoide no ki 思出の記), “Tròng đen và mắt xám”  Kuroime to chairo no  me 黒い眼と茶色の目)…

[5] Mori Ogai 森鴎外(1862-1922) nhà văn, nhà phiên dịch, nhà phê bình nổi  tiếng  thời Minh Trị. Các tác phẩm chính “Vũ nữ”   Maihime 舞姫), “Nhạn”  Gan ), “Gia đình Abe” Abe ichizoku 安部一族); các dịch phẩm chính “Faust” của Goethe, “Ư mẫu ảnh” (Omokage  おも影)…

[6] Arishima Takeo 有島武雄 (1878-1923), tiểu thuyết gia, sáng tác “Tuyên ngôn” 宣 言, “Một người con gái” ある女…, tự sát cùng người tình Hatano Aikiko. 

[7] Mushano Koji Saneatsu 武者小路実篤 (1885-1976), tiểu thuyết gia, sinh tại Tokyo, bỏ dở dang việc học đại học Tokyo danh tiếng, cùng với Shiga Naoya ra tạp chí “Bạch Hoa”,  sáng  tác  “Người  em  gái”  その妹,  “Nhân  gian  vạn  tuế”  人間万歳,  được nhận thưởng huân chương văn hóa.

 [8] Shiga Naoya 志賀直哉(1883-1971), tiểu thuyết gia, bậc thầy về tản văn, tùy bút với văn phong giản dị nhưng cá tính mạnh mẽ, sáng tác nhiều, tiêu biểu có “Hòa giải” 和解 và “Đi trong bóng tối” 暗夜行路, được nhận thưởng huân chương văn hóa.

 [9] Các nhà văn Akutagawa Ryunosuke, Kikuchi Kan và  Tanizaki  Junichiro đã quen  tên với độc giả Việt Nam. Tuy Kikuchi Kan (1888-1948) chưa được dịch và giới thiệu  ra Việt ngữ nhưng là đàn anh của Akutagawa, có ảnh hưởng lớn đến nhà văn này nên trong các bài nghiên cứu về Akutagawa cũng thường hay nhắc đến.

 [10] Tức là Nữ thần săn bắn Artemis, người khước từ tình yêu lứa đôi trần tục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang