Thương hay yêu?
Thương hay yêu? Đây là chủ đề có lẽ ai cũng gặp phải ít nhất một lần. Tôi cũng từng nghe nhắc đến chủ đề này trong một chương trình radio vào một buổi tối của nhiều năm trước. Đối với tôi, tôi thích dùng từ thương hơn là từ yêu. Bởi theo tôi, “thương” nó sâu và rộng hơn “yêu” nhiều.
Cũng giống như yêu, thương là một khái niệm khó có thể diễn đạt thành lời được. Nó rộng và sâu hơn yêu nhiều. Người con trai thương người con gái, thương thầm nhớ trộm, tình thương của con người, vâng vâng và vâng vâng. Nhắc đến thương thầm nhớ trộm, tại sao người ta lại không gọi là yêu thầm nhớ trộm mà lại là thương thầm nhớ trộm? Trả lời nó cũng thật khó, nhưng rõ ràng ta thấy người ta thích dùng từ thương nhiều. Và không hiểu tại sao, người ta lại thích dùng từ thương nhiều hơn trong văn thơ và nghệ thuật. Người ta gọi là thương thầm nhiều hơn là yêu thầm. Nó nhẹ nhàng, không quá lỗ lăng, cũng không quá sến súa. Ca sỹ Trung Quân cũng đã từng hát “anh thương em, anh sẽ nói em nghe những điều chưa bao giờ” chứ không hát là “anh yêu em, anh sẽ nói cho em nghe những điều chưa bao giờ”. Cũng vì từ thương nó dễ nghe hơn nhiều và nó sâu hơn nhiều.
Yêu thì chỉ là yêu, người ta thường nói yêu là một chuyện, có sống bên nhau không lại là chuyện khác. Yêu dường như nó vội vàng, bồng bột hơn thương nhiều. Con người ta thường mất đi lý trí khi yêu. Có khi người ta lại ngộ nhận là yêu. Chỉ đơn giản là cảm giác thích thú, yêu thích thôi nhưng người ta lại tưởng rằng mình đang yêu cũng không chừng. Yêu cũng làm cho người ta lạc lối, tôi đã thấy nhiều người thay đổi khi yêu. Từ một con người bình thường hiền lành nhưng khi gọi là “yêu” rồi thì lại bị tha hóa, đánh mất giá trị ban đầu. Nhưng thương lại là một thứ khác. Tôi cũng đã thấy một cặp đôi là bạn tôi, chúng nó đã từ yêu chuyển sang giai đoạn thương.
Thương là thương. Nó cao hơn tình yêu. Khi một người thương một người nào đó thì họ chắc chắn rằng họ đang thương người đó. Nó không bồng bột và có thể là hiểu lầm như là yêu. Khi người ta thương thầm, người ta bị dằn vặt. Người ta cố không thương, nhưng rồi càng cố lại càng thương. Chỉ một ánh mắt, một cử chỉ, một lời nói thôi cũng có thể làm tan chảy con tim lạnh giá nhất. Đó là thương. Khi người ta thương, người ta vẫn là con người ta. Thậm chí người ta còn tốt hơn lúc trước nữa. Người ta làm chủ được chính mình. Hai người thương nhau họ sẽ lo lắng cho nhau, quan tâm đến nhau thay vì chỉ tính toán đến chuyện đi đâu chơi, tặng quà gì. Yêu thì cũng thế, nhưng có lẽ thương thì nhiều hơn.
Tôi cũng từng nghe một bài viết về chủ đề này trên một kênh radio vào buổi tối của vài năm trước, nhưng nói thật, tôi không còn nhớ gì nữa. Có lẽ sau khi viết xong những dòng này, tôi sẽ lên mạng tìm đọc về chủ đề này.
Thương bao gồm cả yêu, và nó còn hơn là yêu. Bởi vậy tôi mới thích nó, tôi thích dùng từ thương hơn là từ yêu. Thương bao gồm yêu, một chút tình thương của con người với nhau, lo lắng, chia sẻ. Và bao gồm cả tình thương của con người với con người, giữa con người với loài vật, đồ vật. Cũng không biết phải nói sao, thương nó cao hơn, nó có gì đó rộng hơn đơn thuần là yêu nhiều.
Tôi có tình cờ đọc được truyện ngắn Người phàm của chị Đường. Đó là một câu truyện ngắn thôi, nhưng lại làm tôi suy nghĩ nhiều. Và tôi gọi đó là thương. Một vị sư thương một người con gái. Nó cao quý và thanh tao hơn là yêu nhiều. Tôi có nhắn tin trao đổi với chị, rồi lại được chị giới thiệu về Thương Ương Gia Thố, vị Đạt lại lạc ma thứ sáu của Tây Tạng. Tôi đã tò mò tìm hiểu. Thật không ngờ, những gì mà ông để lại cho nhân loại quá lớn. Những bài thơ da diết lòng người. Và tôi cũng sẽ gọi đó là thương, không phải tình yêu. Vì ngài thương nàng bằng tình cảm chân chính nhất. Trong cái tình thương mà ngài gửi gắm trong thơ thì nàng chỉ muốn được gặp mặt người, chỉ muốn chạm đến dấu tay của người. Chứ không phải là để được ôm, được hôn, được nắm tay. Nó trần tục lắm. Còn thương, nó thanh khiết hơn rất nhiều. Ngài cố quên, nhưng làm sao quên được. Vì hình bóng của người đã in sâu trong tâm chí ngài, vì con đường ngài đi chỉ có dấu chân của người, vì cả đêm Phạn ca, ngài chỉ nghe thấy hơi thở của người. Nó là thương.
Khi người ta thương, thường thì người ta luôn hạnh phúc. Chỉ cần người vui, ta cũng vui rồi. Chỉ cần người khỏe, ta có bệnh mấy cũng vượt qua. Và chỉ cần người có được một người thương người như ta thương người, ta cũng hạnh phúc lắm rồi. Dù dằng vặt, dù cố quên, nhưng người ta vẫn hạnh phúc khi người ta thương. Bởi thương thì không có đau khổ. Chỉ có hạnh phúc thôi.
Cha mẹ thương nhau bằng rừng cay muối mặn. Câu thơ trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mà ai cũng biết. Nhà thơ cũng dùng từ thương hơn là từ yêu. Khi người ta trở thành tri kỷ của nhau, sống chết cùng nhau thì tình yêu đôi lứa đã chuyển sang thứ gọi là thương rồi. Tình thương đó thì nó chỉ lớn dần lên mà thôi. Cho dù người ta có rời xa nhau, thì tình thương đó vẫn không hề biến mất. Người tạ vẫn thương nhau, vẫn quan tâm hỏi han nhau dù không còn bên nhau nữa. Vì đó là thương. Khi con người ta trở thành một gia đình, tình thương đó lớn dần, nó lan ra tình thương của cha mẹ với con cái, tình thương của con cái dành cho cha mẹ. Tình thương đó, nó có một cái gì đó hơn ở mức gọi là tình yêu nhiều, mà khó từ ngữ nào có thể nói được. Giống như thương là thương thôi.
Thương thì nó rộng lắm, nói chung khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Nếu bạn đã thương một ai đó, không phải yêu một ai đó, thì bạn sẽ hiểu thương là như thế nào. Tôi vẫn thích dùng từ thương hơn. Chắc có lẽ sau này khi tìm thấy một nữa của đời mình, tôi sẽ nói với cô ấy rằng “anh thương em”, như cái cách mà mấy người xưa người ta nói vậy, thời đó chưa có khái niệm gọi là yêu đâu.