Tuổi trẻ phải cố gắng: Liệu bạn đã hiểu đúng chưa?
Nếu bạn là một người có chút tham vọng trong sự nghiệp, chắc hẳn cũng ít nhất một lần bạn được nghe câu nói như thế. Tuổi trẻ là phải cố gắn, phải phấn đấu trong sự nghiệp, phải cày, phải làm trên 8 tiếng một ngày. Đúng, điều này hoàn toàn không sai. Không một người thành công nào đi lên từ hai bàn tay trắng mà không làm việc dưới 8 tiếng một ngày cả. Nhưng liệu bạn có biết rằng, không phải cứ làm việc trên 8 tiếng một ngày là đã thành công. Bởi rất có thể, bạn vẫn chưa hiểu đúng câu nói đó.
Nói đâu xa, chắc cũng hơn 70% tại tất cả các doanh nghiệp, các sếp đều rao giảng cái đạo lý đó. Tốt cho chúng ta, có, thật sự có tốt cho chúng ta. Chúng ta không thể nào tiến bộ nếu cứ ngày làm 8 tiếng rồi về, giao gì làm đó. Nhưng tốt cho mấy sếp thì lại nhiều hơn, để chúng ta làm việc nhiều hơn, mang lại nhiều tiền về cho sếp hơn.
Bở lẽ bạn có thể bạn đang hiểu chưa hoàn toàn hiểu hết về điều đó. Sự cố gắng ở đây vẫn đúng là làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn, nhưng nhiều người bỏ quên một điều, đó là sự chăm chỉ và cố gắng ấy phải mang lại lại giá trị cho chúng ta, chứ không phải là cứ làm nhiều hơn bình thường. Nếu bạn phải làm nhiều hơn thời gian 8 tiếng một ngày, thì nó phải mang lại một cái gì đó cho bạn. Nó phải đem lại cho bạn tiền tăng ca, nếu không có tiền thì mang lại cho bạn kinh nghiệm, nếu không mang lại cho bạn kinh nghiệm thì mang lại cho bạn cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, từ đó đem lại thu nhập cao hơn. Chứ không phải ngày nào cũng lặp đi lặp lại cùng một công việc mà bạn đã thành thạo, không mang đến cho bạn thêm tiền mà cũng không mang đến cho bạn thêm tí kinh nghiệm tích luỹ nào. Nó chỉ nhiều về số lượng chứ không mang đến cho bạn chất lượng. Bạn cứ làm, và người ta cứ giao việc cho bạn, cứ thế và cứ thế. Đến khi bạn nói điều ấy cho cấp trên thì sẽ nhận được câu trả lời tỉnh bơ: “Sao em không nói cho anh/chị biết, anh/chị không biết em phải mang việc về nhà làm như vậy”.
Nếu bạn mang phần việc còn làm ở giờ hành chính về nhà làm tiếp, thì hãy đảm bảo rằng lượng công việc đó mang cho bạn thêm nhiều kinh nghiệm trong công việc, có thể là kiến thức mới, có thể là giúp bạn hiểu hơn về hệ thống đang vận hành, nếu nó đem lại cho bạn những giá trị đó, tôi hoàn toàn ủng hộ bạn mang nó về làm tiếp, thậm chí là thức khuya. Còn nếu bạn vẫn mang công việc có tính lặp đi lặp lại về làm, và cứ lặp đi lặp lại như thế hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, thì hoặc là bạn đang không đủ năng lực, hoặc là bạn đang bị lợi dụng.
Tôi có những người bạn có cả hai biểu hiện trên. Một người làm việc rất giỏi, rất năng suất, nhưng ngày nào cũng phải về trễ, về nhà vẫn còn làm, cuối tuần vẫn phải làm, chỉ vì bạn ấy làm việc tốt quá, nên người ta cứ đưa thêm việc cho bạn ấy làm, mà cứ thêm việc là bạn ấy cứ nhận. Còn người còn lại, khá chậm chạm, chật vật trong công việc, và nó đi đôi với việc bạn ấy tốn nhiều hơn thời gian cho lượng công việc ấy nhưng nó vẫn không mang lại thêm bất kỳ giá trị nào.
Một ngày bạn mất 8 tiếng để đi ngủ, 8 tiếng để làm việc, hơn 2 tiếng cho đi lại và các hoạt động sinh hoạt cá nhân, bạn chẳng còn lại bao nhiêu thời gian dành cho mình cả. Vậy thì đừng lãng phí khoảng thời gian đó cho những thứ không mang lại lợi ích cho mình. Có thể bạn đã nghe qua đâu đó những câu đạo lý kiểu thế này: “Bạn đang lãng phí tuổi trẻ của mình vào những buổi tiệc, vào những cuộc vui chơi, vào video game”. Câu nói này hoàn toàn không sai, nhưng nó không phải là điều đúng đắn hoàn toàn. Đúng là nếu bạn chỉ cắm đầu vào giải trí sau giờ làm việc, ngày nào cũng thế, thì bạn sẽ rất khó thăng tiến bản thân, thậm chí là giậm chân tại chỗ. Nhưng nếu bạn giải trí điều độ, có chừng mực, thì nó giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần hơn, giúp có thêm các mối quan hệ, mà biết đâu chừng, những mối quan hệ đó lại là những cơ hội tương lai sau này.
Khoảng thời gian mà những con người đạo lý khuyên bạn nên bỏ ra ấy, hãy dùng nó để làm thêm một công việc ngoài giờ, hoặc học thêm những kiến thức giúp bạn nâng cao trình độ của mình hơn. Bạn đi chạy xe ôm, đi bán hột vịt lộn, hoặc đi làm đĩ cũng được, ít nhất nó mang lại giá trị cho bạn. Một khi bạn có chuyên môn cao hơn trong công việc của mình, bạn sẽ làm việc với chất lượng cao hơn, làm được những việc mà người khác không làm được, từ đó có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc của bạn. Bạn đi chơi, bạn giao lưu, bạn có nhiều mối quan hệ xung quanh bạn. Những người đó có thể sẽ mang đến cho bạn những công việc tốt hơn, hoặc biết đâu được bạn sẽ tìm được một nửa kia của mình. Chứ cứ ở nhà lù lù với waifu của mình thì đừng bảo sao người đời lại kỳ thị gọi là wibu đáy xã hội :))
Lại có nhiều người hiểu sai về vấn đề học tập. Bạn học đàn, bạn học móc len, bạn học làm một cái gì đó để giải trí, để vui vui, để làm được một cái gì đó, nó hoàn toàn tốt. Nhưng nếu bạn học một kiến thức cần cho một công việc nào đó nhưng lại không sử dụng chúng, thì nó lại ngược lại, lãng phí thời gian và tiền bạc của bạn. Ví dụ dễ dàng thấy nhất chính là ngoại ngữ. Vâng, tôi hoàn toàn khuyến khích bạn nên học ngoại ngữ, ngoại ngữ rất quan trọng, chính tôi đang vô cùng hối hận vì mình đã không học ngoại ngữ, thế thì học ngoại ngữ có gì là không đúng? Nó không đúng khi bạn học mà chẳng bao giờ sử dụng nó.
Bạn học tiếng Anh để xem phim không cần phụ đề, bạn học tiếng Anh để lè các em gái, các anh trai, để chém gió xạo lìn với người khác, trông có vẻ hơi sai sai nhưng nó cũng mang lại giá trị cho bạn. Nhưng nếu bạn học xong mà chẳng làm gì cả, công việc hoàn toàn không dùng đến ngoại ngữ, bạn cũng không hề có ý muốn đổi môi trường làm việc hoặc đổi công việc có ngoại ngữ để mang lại thu nhập cao và nhiều cơ hội hơn, bạn cũng không dùng đến ngoại ngữ để làm bất cứ thứ gì bên ngoài thậm chí là chơi game, thì tôi khuyên thật, hãy dành thời gian và tiền bạc đó để vui chơi còn tốt hơn. Nhiều nguời vẫn đang hiểu sai điều đó, cứ cắm đầu học lấy các chứng chỉ, các bằng cấp, nhưng cuối cùng lại chẳng dùng nó cho việc gì, thậm chí còn không dùng nó để loè thiên hạ, vậy thì những tấm bằng, những chứng chỉ ấy chẳng khác nào một miếng lót chuột rởm.
Ngay cả những chuyên gia lừa đảo, họ cố xây dựng cho mình hình ảnh con người thành công, giàu có, nhiều bằng cấp, họ chịu khó bỏ thời gian ra làm những video dạy “kỹ năng”, mục đích cũng để kiếm tiền từ những hình ảnh đó. Bạn cố gắng cải thiện ngoại hình, nhưng lại không dùng ngoại hình đó để giúp mình có được những cơ hội tốt hơn, như tạo thiện cảm cho khách hàng (tin tôi đi, vẻ bề ngoài quan trọng lắm), hoặc đơn giản là giúp bạn có một người yêu xinh trai đẹp gái hơn. Bạn cố gắn học thật nhiều kiến thức, có nhiều bằng cấp, nhưng những kiến thức và bằng cấp ấy không giúp gì cho sự nghiệp của bạn, thậm chí bạn còn không lấy nó ra để chém gió với chúng sinh. Vậy thì bạn cố gắng những điều đó để làm gì?
Tóm cái váy lại, tuổi trẻ phải cố gắng, cố gắng thật nhiều. Nhưng sự cố gắng đó phải mang lại cho bạn giá trị hữu hình hoặc vô hình. Nó có thể là nguồn thu nhập thêm của bạn, có thể là kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm như Thái Công nói, từ đó mang lại nhiều cơ hội trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống, hay chỉ đơn giản là giúp chữa lành tâm hồn, sức khoẻ thể chất hoặc tinh thần của bạn. Sự cố gắng ấy không phải là thay vì làm 8 đầu việc trong 8 tiếng một ngày, bạn làm 10 đầu việc trong 10 tiếng một ngày với chất lượng công việc y chang như vậy mà không được trả thêm đồng nào. Không, đó không phải là cố gắng, đó là bạn đang bị tư bản lợi dụng mà thôi.
Tôi không phải là một người có quá nhiều tham vọng trong công việc, tôi cũng không phải là một người quá cố gắng như những gì ở trên. Tôi muốn cân bằng cả hai thứ đó, không kiếm quá nhiều tiền như những người thành công, nhưng cũng không biến mình trở thành một cổ máy suốt ngày chỉ có công việc. Bởi vậy, thôi không khuyên bạn bắt buộc phải cố gắng khi còn trẻ, đó là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng tôi khuyên bạn chỉ cố gắng khi nó mang lại một cái gì đó cho chính bạn, chứ không phải mang lại giá trị cho người khác. Đó không phải là điều cần phải làm cho tuổi trẻ, đó là bạn đang lãng phí tuổi trẻ của mình. Đừng để sau này khi nhìn lại, bạn thấy bạn đã làm việc rất nhiều, rất nhiều, nhưng lại tự hỏi: “Mình đã làm gì thế này?”.