Nghe radio
Giữa thời buổi ngập tràn internet bây giờ, thật khó tin, tôi lại nghe ngồi nghe radio trên chiếc bàn bên khung cửa sổ. Chợt nhớ lại, cũng đã 10 năm kể từ lần cuối cùng tôi nghe radio. Và thật khó tin, tôi tự dưng ngồi nghe radio giữa một thế giới bộn bề và ngập tràn internet như bây giờ, khi mà chỉ cần quẹt quẹt ngón tay là chúng ta đã có thể có đủ thứ giải trí trên đời. Và tôi lại được nhẹ lòng, tạm quên đi bao bộn bề của của cuộc sống.
Ngày trước tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu tại sao bố tôi lại mở chiếc đài dù ông ấy hầu như không nghe gì từ đó, và bây giờ, tôi lại giống ông ấy, tôi lại mở radio để đó, giờ tôi đã hiểu, người ta nghe radio không phải vì nội dung của nó, mà chỉ đơn giản đó là những âm thanh, như một người bạn ngồi bên cạnh mình, không cần nhìn thấy nhau, không cần nói với nhau câu nào, chỉ cần ngồi cạnh nhau là đủ rồi.
Ngày tôi còn nhỏ xíu, nhà tôi nghèo lắm, mặc dù bây giờ nhà tôi vẫn còn nghèo. Ngày ấy những chiếc tivi trắng đen cũng là một thứ xa xỉ. Nhà tôi thậm chí còn không có nỗi một chiếc đồng hồ để bàn. Cả nhà chỉ có mỗi chiếc radio, cứ mỗi đầu giờ, kênh radio lại nhắc giờ, đó là cách duy nhất gia đình tôi biết giờ giấc ngày ấy. Chiếc radio ngày ấy vừa là chiếc đồng hồ, vừa là phương tiện giải trí, vừa là người bạn đưa tin cho bố tôi.
Nhiều người thường nghĩ radio chỉ toàn những chương trình khô khan, những chương trình chỉ dành cho người già. Nhưng thật ra radio cũng không thiếu những chương trình âm nhạc dành cho giới trẻ. Hồi đó, hồi tôi còn chưa đi học, tôi vẫn nhớ chị tôi chờ đến chương trình ca nhạc vào buổi tối, vừa nghe, chị vừa chép lời bài hát vào một quyển sổ. Chị tôi cứ nghe và cứ chép, hôm nào chép không kịp thì hôm khác nghe được lại chép. Thời đó làm gì có internet, làm gì có tiền nghe băng cassette, ấy vậy mà chị tôi đã làm được một quyển lời bài hát rất là xịn thời đó. Tiếc là sau nay tôi là người đã làm hỏng quyển sổ ấy.
Khi lên cấp hai thì tôi vô tình nghe được XoneFM, một chương trình radio dành cho giới trẻ được VOV đặt hàng từ công ty Sóng Xuân. Vì được thực hiện bởi một đơn vị tư nhân với nhân con người trẻ trung nên nội dung rất cuốn, âm nhạc rất hay. Lúc đấy tôi không nghe được trực tiếp trên VOV 3 mà chỉ được nghe kênh VOV 4 tiếp sóng vài giờ thôi vì ngày ấy VOV 3 chưa phát sóng khu vực miền Tây. Mãi đến hè năm học lớp 11 thì tôi mới tình cờ phát hiện VOV đã phát sóng kênh VOV 3 ở miền Tây và tôi đã nghe lại chương trình quen thuộc ấy.
Năm học lớp 12, tôi làm rơi mất chiếc điện thoại có màn hình màu nên dùng chiếc Nokia trắng đen mãi cho đến năm 2 đại học. Những năm ấy, radio là người bạn đồng hành của tôi. Ngoài nghe nhạc, tôi còn cày cả bộ truyện Mật mã Tây Tạng trên chương trình đọc truyện đêm khuya hơn 2 năm trời. Thật hài hước khi không chỉ tôi, mà cả những người bạn trong phòng trọ cũng bị cuốn theo nội dung truyện mà tham gia nghe cùng tôi luôn.
Còn mỗi khi về nhà, những bài ca cổ giữa giờ trưa là không thể thiếu. Nằm trên võng, nghe ca cổ vang lên từ chiếc radio và chìm dần vào giấc ngủ. Rồi những chương trình trò truyện với các chuyên gia, cả những quảng cáo được đóng bởi những diễn viên hài miền Bắc thật dễ thương nữa. Ôi những ký ức đẹp!
Rồi thời gian dần trôi, chúng ta bước vào thời kỳ bùng nổ của smartphone, chúng ta ngập tràn trong những nội dung bổ ích cũng có, độc hại cũng có đầy rẫy trên internet. Tôi cũng không còn nghe radio nữa. Cả XoneFM và chương trình One Radio có nội dung gần giống cũng không còn phát sóng. Tôi cũng quên đi từ khi nào.
Rồi bỗng một hôm, tự dưng nhìn thấy chức năng nghe radio trên chiếc máy nghe nhạc, tôi bất giác cắm vào loa và bật lên. Không còn XoneFM, không còn One Radio, nhưng rất may vẫn còn VOV Giao Thông 91Mhz. Tôi bật lên, để đó, lắng nghe những câu chuyện vui có, buồn có từ những thính giả gọi đến chương trình. Có những hôm làm không hết việc phải mang về nhà làm, tôi bật radio để đó còn đầu óc tập trung vào công việc, tôi chợt nhận ra tại sao bố tôi lại bật radio dù ông ấy chẳng nghe.
Không có những khách mời là những ngôi sao, không có những chương trình kịch tính như game show trong truyền hình, chỉ đơn giản là những cuộc trò chuyện, những tâm sự của thính giả gọi đến chương trình, và xen giữa là những bài hát đầy lắng đọng. Tôi chợt quên đi mọi muộn phiền, quên đi những áp lực về cơm áo gạo tiền, về tương lai, sự nghiệp. Chỉ đơn giản là để con người tôi thả lỏng, và trôi theo những giai điệu, những lời tâm sự.
Tôi biết rằng tôi sẽ không nghe radio mãi, và hiện tại vẫn thế, từ lúc nghe lại radio đến giờ, thỉnh thoảng tôi mới bật lên để nghe. Rồi thời gian sau này tôi cũng sẽ quên đi nó, sẽ đắm chìm vào những thứ khác, nhưng tôi biết ở đâu đó, vẫn có những con người làm bạn với chiếc radio vào mỗi tối, trên mỗi nẻo đường, và những con người làm ra những chương trình đó luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình.