Tâm lý sợ đói
Những ngày giữa tháng 7 năm 2021, chính phủ ban hành lệnh giãn cách xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh thành lân cận do diễn biến dịch ngày càng phức tạp, sẽ thật khó để đẩy lùi dịch nếu như không thực hiện lệnh giãn cách này. Lúc này, một câu chuyện bi hài đã xảy ra giữa lòng thành phố hiện đại. Người dân đổ xô đến các chợ, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi gom mua tất cả các nhu yếu phẩm cần thiết bao gồm thực phẩm tươi sống, mì gói và các thực phẩm bảo quản khác. Dù mục đích mỗi người có đôi lúc khác nhau, nhưng phần đông họ đều có chung một nguyên nhân, đó là tâm lý sợ đói.
Trong quá khứ, người dân Việt Nam đã không ít lần lâm vào nạn đói. Bài học thấm thía về cái đói ấy vẫn còn dai dẳng trong tâm thức của người dân Việt Nam cho đến tận bây giờ. Với tâm lý an cư lạc nghiệp của người dân Á Đông, cái tâm lý này lại càng biểu hiện rõ rệt hơn nữa. Chúng ta đã nhiều lần phải trả giá cho những cuộc chiến tranh bằng những nạn đói với quy mô lớn. Đất đai bị tàn phá hoặc trồng những loại cây trồng mục phục vụ cho mục đích chiến tranh. Rốt cuộc, cái giá phải trả cho những cuộc chiến ấy là nạn đói dai dẳng trong một khoảng thời gian không phải là ngắn. Không bàn đến chuyện ai đúng, ai sai, dù ở quốc gia nào, chiến tranh vẫn luôn gắn liền với đói khát. Nếu không có nguồn viện trợ thực phẩm từ nước khác, ít nhất phải chờ một mùa vụ thì mới có thể giải quyết được chữ đói.
Cách lúc dịch covid 19 bùng phát hơn nửa năm trước, người dân miền Trung đã phải lâm vào cảnh đói do lũ. Lũ đến khiến hệ thống giao thông tê liệt. Chính quyền và địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp thực phẩm và nước uống cho người dân. Minh chứng sống gần nhất đó đã đẩy cái tâm lý sợ đói của người dân thành thị trở nên cao trào hơn bao giờ hết. Trước đó, vào những ngày đầu năm 2020, cả nước cũng ban hành lệnh cách ly toàn xã hội, nhưng đã không xảy ra chuyện đổ xô mua nhu yếu phẩm như năm nay.
Khi ban hành lệnh giãn cách, nhà nước đã đảm bảo nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, thế nhưng, bảo là bảo vậy, nhưng người dân nghe theo hay không thì đã là chuyện khác. Nếu như họ chịu nghe lời, thì ai nấy cũng đều ở nhà và tình hình dịch covid đã không trầm trọng như thế. Một số khác lại lợi dụng tình trạng tiêu thụ nhu yếu phầm mạnh này để đầu cơ tích trữ và bán ra thị trường chợ đen với giá cao. Tuy rằng nguồn cung thực phẩm vẫn được đảm bảo, nhưng vẫn có không ít người vì tâm lý sợ đói mà đành chấp nhận mua thực phẩm từ những kẻ đầu cơ này để tích trữ.
Cùng nhìn lại nạn đói và chiến tranh, chúng ta rút ra được một điều, có hai nguyên nhân lớn dẫn đến nạn đói: thiếu nguồn cung hoặc hệ thống giao thông gặp sự cố. Trong các nạn đói trong quá khứ, phần lớn đến từ việc nguồn cung bị thiếu. Còn trong những trận lũ miền Trung, nguyên nhân lại đến từ giao thông. Trong khi đó, nguồn cung và giao thông đều được đảm bảo trong bối cảnh giãn cách hiện tại. Nông sản vẫn được sản xuất đều đặn tại các trang trại và các vùng nông thôn. Hệ thống phân phối thực phẩm tuy bị hạn chế nhưng vẫn được đảm bảo và quản lý tốt. Đường sá vẫn bình thường, không có chuyện hư đường, cầu sập hay thiên tai nào khiến giao thông bế tắc. Nhưng cái nỗi sợ không có đủ thực phẩm vẫn còn đó, và người ta cứ đổ xô thu mua càng nhiều thực phẩm càng tốt. Rốt cuộc lại tự tạo ra sự thiếu hụt cho những người đến sau. Xảy ra tình trạng trâu chậm ngậm nước đục.
Sự lo sợ này đã in sâu trong đầu của nhiều thế hệ, kể cả thế hệ trẻ bây giờ. Bởi những kinh nghiệm họ đã trả qua trong quá khứ, và bởi cả sự không tin tưởng vì không gì là mãi mãi. Rất có thể đùng một cái, thực phẩm khan hiếm thật, cũng có thể bỗng dưng hệ thống giao thông bị cắt đứt khiến thực phẩm không thể vận chuyển đến các thành phố lớn. Nhưng chuyện đó rất khó để xảy ra trong thời đại này. Có lẽ phải nhiều thế hệ về sau nữa, người ta mới bỏ được những nỗi sợ ấy ra khỏi tiềm thức. Còn bây giờ, người ta vẫn sợ mình bị chết đói, và vẫn bị lừa bằng những lời mời dụ không làm mà vẫn có ăn.
Đã nhiều ngày trôi qua, tình trạng thu gom hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Rồi tình hình covid sẽ được kiểm soát trong tương lai dù có thể sẽ phải chờ rất lâu nữa. Nhưng sau đợt giãn cách này, có lẽ một phần lớn người dân cũng rút ra được thêm kinh nghiệm cho những đợt dịch tiếp theo. Còn bây giờ, ai đến sau đành không mua được hàng thôi.