Hồ

Thượng tướng Trần Khát Chân được áp giải đến chỗ thái sư. Chân tay ông bị cột chặt bằng những sợi xích to tướng, những sợi xích không dành cho người bình thường, mà dành cho những người như ông. Thái sư vốn là một người lo xa, thế nên ông cũng không bỏ qua tình huống này. Ông đã cho chế tạo không những một mà tới mười bộ gông cùm chuyên dùng cho những người có thân thủ cao cường như thượng tướng. Những sợi xích và những bộ gông to tướng nặng vài chục cân, được rèn bằng loại thép tốt nhất bởi bàn tay của những thợ rèn giỏi nhất đất nước. Nghĩ thì nghĩ xa vậy thôi, chứ trong thâm tâm ông không bao giờ muốn dùng nó. Bởi họ là những con người kiệt xuất, những con người mà đất nước đang cần vào lúc này. Ông chỉ muốn họ hiểu được tâm huyết của mình, hoặc ít nhất nghĩ cho đất nước mà bớt đối đầu ông gay gắt như bây giờ. Nhưng giờ thì chút hy vọng cuối cùng của ông cũng đã bị dập tắt.

– Cứ để ông ta đứng.

Thái sư ra lệnh khi hai tên lực sĩ to lớn phía sau thượng tướng đang sắp sửa bắt ông phải quỳ xuống. Hai kẻ thù lớn nhất gặp nhau, một kẻ đứng, một kẻ ngồi. Hồ Quý Ly đã ngồi ở đây từ nhiều giờ trước, khi ông cho người thế thân ông đến chỗ quan thượng tướng. Ông mong đợi cuộc gặp gỡ ấy chỉ là một cuộc gặp gỡ bình thường, chứ không phải là một cuộc ám sát ông như mật thám đã thám thính được. Nhưng ông vẫn cứ lo xa một bước. Không phải vì ông sợ chết, ông đã già lắm rồi. Thứ ông sợ là khi mình chết đi, bao nhiêu công sức của ông coi như đổ sông đổ bể. Nguyễn Cẩn tuy là cánh tay phải của ông, nhưng chưa đủ sức để thay thế ông gánh vác sự nghiệp, Hán Thương cũng vậy. Nếu như ông chết, bè lũ của ông cũng bị tiêu diệt. Đất nước đã thối nát lắm rồi mà mất thêm hơn một nữa quan đại thần trong triều thì lại càng thối nát hơn nữa, huống hồ giặc phương bắc đang lăm le dòm ngó.

Hai kẻ thù đang đối mặt nhau, một kẻ ngồi, một kẻ đứng. Họ là kẻ thù của nhau mà giữa họ chẳng có mối hiềm khích nào. Thứ đã tạo nên mối thù hận của họ chỉ gói gọn lại ở hai chữ: Non Sông. Thượng tướng Khát Chân đứng trước mặt ông, đầu ngẩng cao. Cả người ông toát lên một khí chất hào hùng, đến cả Quý Ly cũng cảm nhận được luồng khí ấy. Nếu chỉ nhìn nét mặt hai người, sẽ chẳng ai biết rõ ai mới là người thắng, ai mới là người thua. Bởi vì gương mặt của Quý Ly đang toát lên một vẻ buồn bã, một nét mặt hối tiếc như mới vừa mất đi một bảo bối quý giá của đời mình.

– Ngươi đã thắng rồi – Thượng tướng cất cao giọng trước mặt quan thái sư.

Hồ Quý Ly vẫn ngồi đó, một lúc sau ông mới trả lời.

– Thắng ư? Ta chẳng mong mình sẽ thắng như thế này. Ba năm qua ông đã giúp ta xây dựng Tây Đô, sự nhiệt tình của ông đã khiến ta nghĩ rằng ông đã hiểu được lòng ta. Còn những người kia hoặc đã hiểu được lòng ta, hoặc đã sợ ta. Nhưng rồi ông lại làm ta thất vọng quá, ông cũng giống như lũ hủ nho kia thôi. Chỉ ôm khư khư những thứ chân lý hũ bại ấy, chỉ khư khư phò tá những ông vua hỉ mũi còn chưa sạch, chỉ khư khư bảo vệ nhà vua của mình trong khi họ không đáng để làm vua.

Ta cũng như ông, cũng đã từng bảo vệ Nghệ Hoàng, giúp ông ấy thoát khỏi đạo quân của Phạm Sư Ôn rồi giúp ông lên ngôi vua, tận tụy phụng sự ông suốt mấy chục năm nay, cốt cũng chỉ để đất nước này tốt đẹp hơn. Nhưng ông hãy nhìn xem, cả ba đời vua rồi, có ai xứng đáng là một bậc quân vương không? Ngay cả Nghệ Hoàng cũng không, ông ấy quá yếu mềm, ông ấy chỉ biết dùng chữ hiền để cảm hóa thiên hạ. Nhưng làm sao ông có thể cảm hóa được lũ tham quan ô lại lòng lang dạ sói đang ngày đêm đục khoét nhân dân, đang đục khoét đất nước. Ông ấy làm vua mà lòng cũng chẳng muốn làm vua, ông ấy làm vua cũng chỉ vì bất đắc dĩ, ông ấy làm vua cho đến lúc chết cũng chỉ vì không tìm được một bậc quân vương xứng đáng để nối nghiệp nhà Trần. Thượng tướng, ông cứ nhìn đi, trong hoàng tộc nhà Trần, có ai xứng đáng là một bậc quân vương không?

– Nhà người cũng không xứng đáng, ngươi quá độc ác. Một con người độc ác và nham hiểm như ngươi cũng không xứng đáng làm bậc quân vương. Lòng dân chẳng theo ngươi, ngươi chỉ là một tên hôn quân – Khát Chân bình tĩnh nói.

– Ta độc ác? Phải rồi. Ta độc ác.

Thái sư ngồi trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp:

– Nếu ta không độc ác, nếu ta chỉ là một lũ nho hủ bại như các ngươi thì liệu mọi thứ có được như bây giờ không? Dùng lý lẽ để khuyên ngăn lũ tham quan ô lại hãy ngưng tham nhũng, hãy nghĩ cho dân ư? Dùng từ bi để khiến các người thôi chống đối ta chỉ vì những cải cách của ta khác với những gì mà các ngươi đã được học ư? Thật nhảm nhí. Nếu như dùng từ bi, dùng tấm lòng của bậc hiền vương có thể giúp được cho đất nước, thì ta đã chẳng trở nên độc ác như thế này. Ta độc ác, ai mới là người đã khiến ta trở nên độc ác? Những kẻ hủ bại các ngươi chỉ biết giữ khư khư những đạo lý từ hàng nghìn năm trước mà chẳng cần biết nó đúng hay sai. Các ngươi phản đối ta in tiền giấy, nhưng nếu không in tiền giấy thì lấy đâu ra sắt, lấy đâu ra đồng để chế tạo binh khí trong khi nhà Minh đang dòm ngó nước ta? Các ngươi phản đối ta ra chính sách hạn điền, nhưng nếu không làm vậy thì lấy đâu ra lương thực để nuôi binh lính, lấy đâu ra tiền để điều hành đất nước? Hay bọn địa chủ cứ tiếp tục giàu lên trong khi đất nước thì đang ngày một yếu hèn đi? Các ngươi phản đối ta bắt lũ thầy chùa kia hoàn tục, trong khi chúng chẳng phải là bậc tu hành, chúng chỉ là những kẻ lười nhác trước thế sự, muốn trốn tránh thiên hạ để được ấm no, để được no cái bụng từ những thứ mà người dân dâng lên cho nhà chùa. Nếu ta không làm vậy, sẽ có bao nhiêu người nữa phải chết vì sự nhu nhược của các ngươi?

– Thôi được rồi. Ông đã chẳng hiểu lòng ta, có nói thêm nữa cũng vô ích. Ta chỉ muốn hỏi ông một câu thế này. Nếu như ta tha chết cho ông, cho ông làm một thường dân như Sử Văn Hoa thì ông có còn tiếp tục chống đối lại ta không?

Thượng tướng cao giọng trả lời:

– Khi nào ta còn sống trên cõi đời này, dù chỉ là một hơi thở cuối cùng, ta cũng sẽ luôn chống lại ngươi. Ta sẽ gầy dựng lại nghĩa quân, dù chỉ có mười người, hai mươi người ta cũng vẫn sẽ làm. Ta sẽ luôn luôn nghĩ đến việc làm thế nào để giết được ngươi, cho dù đó là điều không thể. Khát Chân ta thề với trời đất, ta và ngươi, phải có một người phải chết.

– Ta hiểu lòng ông rồi. Còn ông thì lại chẳng hiểu lòng ta.

Thái sư ra lệnh cho đem thượng tướng đi. Hai tên lực sĩ chuẩn bị lôi ông đi thì ông đã từ chối, dõng dạc nói với chúng:

– Để ta tự đi.

Bóng thượng tướng khuất dần phía sau cánh cổng. Thái sư vẫn ngồi đấy, lạnh lùng như một pho tượng đá. Nhưng ai nào biết được trong lòng ông lúc này như thế nào. Khi chút hy vọng cuối cùng để ông tin rằng mình vẫn còn có thể hoàn thành được sứ mệnh mà không cần dùng đến hạ sách cuối cùng đã bị dập tắt.

Những ngày sau đó, Tây Đô chìm trong biển máu. Đầu của thượng tướng nằm ở vị trí nổi bậc nhất trong hàng trăm chiếc đầu của những người chống đối quan thái sư đang được bêu riếu hai bên đường. Nhưng lạ thay, đã một tháng trôi qua nhưng chiếc đầu ấy vẫn không bị thối rửa. Tóc tai của thượng tưỡng vẫn gọn gàng, nét mặt ông vẫn điềm tĩnh, không một chút sợ hãi, không một chút oán hận. Có lẽ trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông đã nhận ra điều gì chăng?

Truyện được phóng tác từ chương cuối cùng của tiểu thuyết dã sử Hồ Quý Ly của tác giả Nguyễn Xuân Khánh. Thượng tướng Trần Khát Chân và những người phò Trần đã lập kế hoạch ám sát Quý Ly nhưng bất thành. Tất cả phe cánh chống đối Hồ Quý Ly đều bị bắt, một cuộc càn quét đẫm máu đã diễn ra sau đó. Truyện là câu truyện hư cấu về cuộc gặp gỡ của hai người, ngay khi thượng tướng bị bắt và áp giải đến chỗ quan thái sư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang