Nhật Bản duy tân 30 năm và bài học lịch sử thấm thía
Nếu đã từng học qua lịch sử, chắc chắn sẽ không ai không biết đến Nguyễn Trường Tộ. Ông được biết đến nhiều nhất như người đầu tiên đã đề ra những ý tưởng canh tân đất nước, giúp đất nước phát triển và thoát khỏi sự đô hộ của Pháp. Ông đã dồn nhiều công sức và tâm huyết để giúp đất nước thay đổi và phát triển, học hỏi những cái hay cái tốt của người nước ngoài nhằm đưa đất nước đi lên và tránh khỏi cuộc đô hộ của người Pháp trong tương lai. Tuy nhiên, những tâm huyết của ông đã bị dập tắt bởi vua và những quần thần trong triều đình.
Thậm chí, có thời điểm lính Pháp tại Việt Nam không tới một nghìn người nhưng triều đình không bao giờ có một cuộc chiến nào nhằm đánh đuổi quân xâm lược. Sư nhu nhược và bảo thủ của những người đứng đầu đã khiến đất nước trải qua hơn 100 năm đô hộ của người phương Tây và những hậu quả của chiến tranh vẫn còn tồn đọng cho đến tận ngày nay. Nguyên nhân cốt lõi của tất cả những hậu quả đó chính là đất nước không chịu thay đổi mình, khiến cho đến ngày nay, dù đã hòa bình được hơn 40 năm nhưng nước ta vẫn tụt hậu rất xa so với các nước còn lại. Còn những quốc gia cũng có cùng cảnh ngộ với ta thời đó như Nhật Bản, Hàn Quốc, chính nhờ họ đã kịp duy tân thay đổi mình mà đã phát triển như ngày nay.
Ngay khi được nhìn thấy những đoàn tàu thép của Mỹ và những phát bắn đại bác đầu tiên của họ, những người lãnh đạo của đất nước Phù Tang đã nhận thức được bản thân mình như thế nào. Và thế là một cuộc duy tân toàn diện và lớn nhất lịch sử đã diễn ra tại đất nước Nhật Bản nhỏ bé với sự đồng lòng của tất cả người dân trong cả nước. Tướng quân của chế độ mạc phủ tự phế chức vị của mình và giao toàn bộ quyền hành lại cho nhà vua. Tuy vấp phải sự phản đối của những người trung thành với chế độ mạc phủ, tuy nhiên cuộc cải cách đã diễn ra và đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. Thậm chí trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, phát xít Nhật đã trở thành một nỗi khiếp sợ của các quốc gia châu Á. Còn quân đội Mỹ thì nếm được mùi cay đắng với trận Trân Trâu cảng vào năm 1941 khiến Mỹ phải thả hai quả bom nguyên tử vào hai thành phố lớn của Nhật là Hiroshima và Nagasaki để trả đũa. Mặc dù có nhiều thuyết âm mưu nói rằng trận Trân Trâu cảng là một sự làm ngơ của tổng thống Mỹ để viện cớ cho hàng loạt cuộc chiến về sau, nhưng sự lớn mạnh của Nhật Bản sau cuộc duy tân là một điều không thể bàn cãi.
Học giả Đào Trinh Nhất đã dành nhiều năm trời nghiên cứu về sự kỳ diệu mà cuộc duy tân ấy tạo ra, ông viết thành nhiều bài đăng tải trên các tờ báo thời bấy giờ và sau này tổng hợp lại thành quyển sách mang tên Nhật Bản duy tân 30 năm (hay Nước Nhật Bản 30 năm duy tân) mà thiên hạ phải trầm trồ thán phục khi đọc nó.
Trong quyển sách này, ông đã nghiên cứu và đưa ra những chi tiết nhất của cuộc duy tân kéo dài 30 năm của Nhật Bản từ nhiều lĩnh vực. Cuộc duy tân này bao gồm những lý do khiến nước Nhật phải duy tân để tránh hiểm họa ngoại xâm, những nội dung trong cuộc duy tân từ giáo dục, chính trị, pháp luật, quân sự, văn hóa, văn học, khoa học – kỹ thuật,… Mở ra một bức tranh chi tiết nhất của công cuộc duy tân của nước Nhật, trở thành một tài liệu quý báo để đất nước chúng ta học hỏi để giúp đất nước pháp triển, thoát khỏi dần sự đô hộ của người Pháp.
Tuy nhiên, lịch sử lại lặp lại. Mặc dù tác phẩm ra đời và nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới học giả trong cả nước, nhưng triều đình vẫn chưa bao giờ có ý định duy tân đất nước (năm 1937). Mãi đến năm 1945, nhờ chiến thắng của cuộc cách mạng tháng 8 nhờ vào thời thế mà nước ta mới giành lại được độc lập. Và hậu quả của sự bảo thủ ấy chính là một đất nước đói và dốt dù đã giành lại được độc lập. Chính vì không thể thay đổi từ bên trong nên miền nam nước ta lại trở thành thuộc địa của Pháp ít năm sau đó. Cả một thời gian dài đất nước phải chịu ách đô hộ và chiến tranh liên miên cũng bắt nguồn từ sự bảo thủ không chịu thay đổi mình, không chịu học hỏi những cái hay cái tốt từ những nước phát triển.
Những lần chối bỏ cuộc duy tân ấy không chỉ đơn thuần là sự bảo thủ, mà nó còn là một kiểu phản xạ của những quan lại trong triều nhằm giữ vững vị trí của mình. Bởi lẽ, một khi đất nước tiến hành duy tân, những vị quan ấy sẽ khó lòng đứng vững vì những kiến thức và tài năng của phần lớn họ không còn đủ để phục vụ đất nước. Cuối cùng, những sự ích kỷ của con người đã đưa đất nước trải qua hơn 100 năm dưới sự đô hộ của thực dân phương tây và những cuộc chiến vô nghĩa kéo dài hàng thập kỷ. Còn Nguyễn Trường Tộ hay Đào Trinh Nhất chỉ còn là những cái tên trong sử sách.
Trải qua thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và nội chiến liên miên, tác phẩm Nhật Bản duy tân 30 năm của cụ Đào Trinh Nhất cũng bị chôn vùi trong khói và đạn. Hơn 30 năm cải cách và xây dựng đất nước, nó lại tiếp tục bị chôn vùi bởi những hệ tư tưởng về sự phân biệt chế độ. Những nhân tài trong chế độ trước hoặc là bị quên lãng, hoặc bị đưa vào các “trại cải tạo” rồi cũng trở thành quên lãng. Mãi đến khi trải qua con số 40, những giá trị của thời đại trước mới được nhìn nhận trở lại. Đó không chỉ đơn thuần là cuộc phục hồi tri thức, mà nó còn là sự trưởng thành của những tư tưởng, một sự thay đổi trong nhận thức của một thế hệ đương thời. Sự thay đổi ấy chính là việc tiếp thu những kiến thức một cách khách quan nhất, gạt bỏ những sự phân biệt về chế độ, chính quyền hay hệ tư tưởng.
Giá như ngày xưa triều đình nhà Nguyễn chịu chấp nhận những sáng kiến duy tân đất nước của những nhân tài đương thời, thì đất nước ta đã không phải trải qua một thời kỳ đau thương như vậy. Mà thay vào đó là trở thành một đất nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từ lâu. Sẽ không còn một Sài Gòn quận Cam hay những người chửi người khác là thằng vô văn hóa nữa. Có thể màu cờ sẽ khác, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc đất nước phát triển và nhân dân hạnh phúc. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Chúng ta không thể thay đổi được nó, mà chúng ta chỉ có thể chứng kiến chúng rồi rút ra những bài học xương máu để không vấp phải vết xe đổ của thế hệ đi trước.
Nhật Bản duy tân 30 năm không chỉ là một quyển bách khoa tri thức về công cuộc duy tân của người Nhật, mà nó còn là một bài học lịch sử thấm thía dành cho người dân Việt Nam. Về sự lãnh đạo, về sự thay đổi và những sai lầm mà ông cha ta đã vấp phải. Chúng ta không thể oán trách họ vì rất có thể chúng ta cũng sẽ bảo thủ giống như họ. Thứ chúng ta có thể và cần làm chính là rút ra được những kinh nghiệm từ những sai lầm ấy, để rồi thay đổi chính mình. Bởi lẽ muốn thay đổi xã hội, trước tiên phải thay đổi chính mình trước đã.