Muốn hiểu hết Truyện Kiều phải đọc Truyện Kiều Chú Giải
Truyện Kiều đã không còn xa lạ với đại đa số người dân Việt Nam. Câu truyện về cuộc đời của một cô kỹ nữ (đĩ) trong một cuốn tiểu thuyết bên Tàu bí ẩn nào đó được biết đến với tên gọi Thanh Tâm Tài Nhân đã được cụ Nguyễn Du “cover” lại thành 3254 câu thơ lục bát và trở thành một tác phẩm kinh điển trong văn học Việt Nam. Không biết cụ Nguyễn Đình Chiểu có lấy cảm hứng từ việc viết truyện bằng thơ của cụ Nguyễn Du hay không mà vài chục năm sau cụ cũng cho ra mắt một tiểu thuyết bằng thơ tên là Lục Vân Tiên như một quyển bán tự truyện về chính cuộc đời mình.
Vốn được ca ngợi và đưa vào chương trình giáo dục ở nhiều bậc như vậy, thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết những câu chữ mà tác giả đã gửi gắm vào trong đó, đôi khi còn là cách dùng từ sai của tác giả.
Khi kể một câu truyện bằng thơ, khó khăn lớn nhất chính là sự giới hạn của từ ngữ. Bạn bị giới hạn bởi số lượng từ ngữ nhất định trong một câu (trong truyện Kiều là 6 và 8 câu) và âm vầng. Khi bị giới hạn như vậy, tác giả phải sử dụng nhiều ngôn từ mang tính ẩn dụ, từ Hán – Việt, từ cổ và nhiều từ ngữ khó hiểu khác thì mới có thể kể được câu truyện như ý muốn của mình. Khác với thơ thông thường, vốn tự do trong nội dung và cách kể truyện, việc kể một quyển tiểu thuyết bằng thơ là rất khó khăn. Và để hiểu hết được nó lại càng khó khăn hơn.
Nhân sang sứ Tàu, gặp cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân chép truyện Thúy Kiều, tiên sinh liền chép lại bằng thơ Nôm và đặt tên là Đoạn Trường Tân Thanh. tức Truyện Kiều ngày nay.
Truyện Kiều tác giả không tự bịa đặt ra. Cốt truyện lấy ở một quyển tiểu thuyết của Tàu soạn đâu vào cuối thế kỷ thứ 16 đầu thế kỷ thứ 17. Tác giả quyển tiểu thuyết đó không rõ đích danh là ai, chỉ thấy đề là Thanh Tâm Tài Nhân soạn. Tên quyển tiểu thuyết, theo tác giả Truyện Kiều, là Phong Tình Lục. Theo mấy nhà khảo cứu, thì nhan đề quyển đó lại là Kim Vân Kiều Truyện. Truyện tả cuộc đời lênh đênh chìm nổi của một kỹ nữ đa tài đa tình, xét ra chẳng có giá trị gì mấy.
Ngọn bút tài tình của cụ Nguyễn Du đã biến hóa cái cốt truyện tầm thường của Tàu thành một áng văn chương kiệt tác. Và tên người kỹ nữ đời Minh nhờ cụ mà thành ra thiên thu.
Tác giả như muốn mượn Truyện Kiều để chứng minh và truyền bá một tư tưởng triết học tôn giáo. Tư tưởng ấy giá trị cũng tầm thường và chứng minh cũng chưa đúng xác. Nhưng giá trị Truyện Kiều không nằm ở tư tưởng, đạo đức, luân lý hay triết học, cũng không ở cốt truyện, hay cách bố cục, kết cấu tình tiết. Cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiều là ở văn chương, kỹ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm của tác giả.
Người ta tán thưởng Truyện Kiều, người ta học tập Truyện Kiều, là tán thưởng và học tập phần văn chương Truyện Kiều. Chính phần văn chương đó đã làm Truyện Kiều bất hủ.
Lê Văn Hòe – Truyện Kiều Chú Giải xuất bản năm 1953
***
Nếu không đọc phiên bản có chú giải, làm sao mà chúng ta biết được Kim Vân Kiều Truyện lại có tên gốc là Phong Tình Lục chứ không phải như các nhà khảo cứu đưa ra như chúng ta được học trong chương trình ngữ văn. Và chúng ta cũng không biết được hoàn cảnh sáng tác của Truyện Kiều là do một lần sang sứ bên Tàu của cụ Nguyễn Du.
Bằng những kiến thức và nghiên cứu uyên thâm của mình, tác giả đã giải thích cặn kẽ từng từ ngữ đã được tác giả sử dụng trong ngữ cảnh để miêu tả và kể truyện bằng những câu thơ lục bát. Có những từ ngữ cổ đã không còn được sử dụng từ lâu, phải tìm hiểu và tra cứu từ những văn tự cổ mới hiểu được nghĩa. Có những từ bị tác giả dùng sai (do hiểu lầm nghĩa hoặc gì đó), phải tra cứu và tìm hiểu để giải thích lỗi sai của tác giả và chỉ ra ý muốn của tác giả khi dùng từ ngữ đó. Lại có những từ tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng hóa ra nó lại là một điển tích trong một truyện Tàu nào đó và giờ ta mới hiểu rõ hơn về từ ngữ đó.
Có thể thấy, phải mất nhiều công sức nghiên cứu mới có thể hiểu và đưa ra những giải thích gần đúng nhất về những câu chữ trong Truyện Kiều (Chúng tôi sử dụng từ “gần đúng” vì không thể nào giải thích đúng chính xác ý nghĩa của từng câu chữ). Như lời của cụ Lê Văn Hòe, bản thân Truyện Kiều không có gì đặc sắc. Chỉ là truyện về cuộc đời của một cô kỹ nữ mà một người có học vấn một chút (hoặc không cần) cũng có thể nghĩ ra, cũng vì thế mà bản gốc của tác phẩm không được nhiều người biết đến ở bên Tàu. Cái giá trị của Truyện Kiều là nằm ở văn chương, việc sử dụng từ ngữ và kể lại một câu truyện hoàn toàn bằng thơ. Để có thể tạo ra Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã bỏ ra rất nhiều công sức để sử dụng từ ngữ và câu từ hợp lý nhất. Còn để cảm nhận và thấu hiểu, chúng ta cũng phải bỏ ra công sức để nghiên cứu và học hỏi nhiều không hơn không kém.
Vậy ai sẽ cần đến Truyện Kiều Chú Giải?
Nếu bạn muốn thưởng thức toàn bộ Truyện Kiều, chắc chắn bạn sẽ muốn hiểu được những câu chữ trong nó chứ không phải chỉ đọc cho có. Cho nên quyển chú giải này sẽ là thứ không thể thiếu cho những người đam mê văn học, nhất là văn học Việt Nam. Đối với những người làm công việc giáo dục, đây là quyển sách cần phải có để có thể hiểu và truyền đạt lại chính xác nhất trong quá trình giảng dạy. Hay bạn là một người thích khoe mẽ, thích nói chuyện văn chương thì cũng cần phải hiểu từng câu từng chữ trong Truyện Kiều thì mới có thể “nổ” về Truyện Kiều được. Đây cũng là một món quà có giá trị để dành tặng bạn bè. Một món quà nhỏ bé nhưng mang nhiều kiến thức sẽ quý giá hơn nhiều lần những món đồ lưu niệm hay một quyển sách “dạy làm giàu” đắt tiền nào đó. Nói chung vì Truyện Kiều quá phổ biến, nên tác phẩm có chú giải này là thứ mà những ai muốn đọc Truyện Kiều cần phải có để có thể hiểu hết về những tinh hoa văn chương trong tác phẩm.
Hiện Truyện Kiều được bán với giá siêu siêu rẻ 69,000 đồng tại shop của tạp chí INCEP. Bạn có thể đặt mua ngay từ bây giờ để nhận được giá ưu đãi nào. Đùa tí thôi chứ mình không buôn bán và cũng không quảng cáo nào ở đây cả. Mình cũng không tiếp thị hay PR cho đơn vị phát hành hay tác giả của quyển sách. Chỉ đơn giản là giới thiệu một tác phẩm học thuật mà ít người biết đến do bị chôn vùi bởi chiến tranh và những câu chuyện chính trị thôi.
Tác phẩm này ra mắt lần đầu tiên vào năm 1953, thời kỳ cả nước đang ráo riết cho cuộc kháng chiến chống Pháp và miền Bắc dốc toàn lực vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào thời kỳ này, việc tuyên truyền và khơi dậy tinh thần yêu nước cứu quốc mới là thứ được đề cao hơn cả thay vì ngồi phân tích văn học hay nói chuyện văn chương. Cho nên những tác phẩm như Truyện Kiều chú giải không được đón nhận và rơi vào quên lãng là một điều dễ hiểu.
Trong vài năm trở lại đây, với những nỗ lực (và cả sự cạnh tranh) của các đơn vị phát hành sách tư nhân, những tác phẩm có giá trị trong chế độ trước đã được tìm kiếm và cho tái bản trở lại. Đây là một niềm vui cho lĩnh vực học thuật vì rất nhiều kiến thức được tạo ra từ những học giả tài ba từ thời trước đã được phổ biến trở lại (Trước kia bị cấm vì những lý do chính trị). Nhiều tác phẩm của những con người tài năng trong chế độ trước như Ngọc Thứ Lang, Đào Trinh Nhất, Lê Văn Hòe, Trần Trọng Kim,… đã được tái bản trở lại. Đây là một tin vui cho cộng đồng đọc giả trong nước và hải ngoại, nhờ những động thái tích cực này mà chúng ta được tiếp thu những kiến thức bổ ích từ những con người tài năng của thế kỷ trước (điều mà ngành nghiên cứu và học thuật thời nay không làm được). Truyện Kiều chú giải là một trong những tác phẩm được phục hồi như thế. Hy vọng đây là một món quà được những con người tâm huyết dành tặng cho những ai đam mê học hỏi.