“Nhà tiên tri vũ trụ” Trần Dần và câu chuyện về lý tưởng của mỗi con người

“Nhà tiên tri vũ trụ” Trần Dần đã trở thành cái tên mà ít người dùng internet nào lại không biết đến. Ông tự xưng mình là quốc sư ba đời của tổng thống Hoa Kỳ, tôi không giỏi tiếng Anh nên không biết cách viết thư lên tòa Bạch Ốc để hỏi xem có thật hay không. Mà người ta cũng chẳng quan tâm những thứ đó có thật hay không vì ai nấy cũng xem ông như một danh hài hải ngoại có triển vọng trong những năm trở lại đây. Người đời cười chê với lý tưởng của ông, còn ông thì vẫn cứ giữ nguyên lý tưởng ấy dù nó không phù hợp và trở thành trò cười cho mọi người. Hãy cùng bàn luận về câu chuyện lý tưởng của quốc sư Trần Dần và của chính mỗi người chúng ta để có một cái nhìn đa chiều hơn về ông cũng như những người đang bị thiên hạ cười chê nhưng vẫn giữ lý tưởng của mình chắc nịch như kiềng ba chân ấy.

Lý tưởng và quan điểm của mỗi con người

Mỗi người đều có một quan điểm sống của riêng mình, và hầu như không ai giống ai cả. Trong một vấn đề nào đó, sẽ luôn có những người có thái độ và suy nghĩ khác nhau. Thế nên mới có nhiều thứ gây tranh cãi trong dư luận. Có người cho rằng như thế kia, có người lại bảo như thế là không tốt và họ có một quan điểm khác.

Lấy một ví dụ đơn giản về câu chuyện giữa đạo đức và thực tiễn để chúng ta được rõ. Có một gia đình không khá giả cho lắm, mẹ già bệnh tật và các con chạy chữa thuốc men đủ thứ. Người mẹ chắc chắn không qua khỏi bệnh, còn việc chạy chữa chỉ kéo dài thời gian sống cho người mẹ chứ không thể khiến bà khỏe thêm được một tí nào, bà vẫn nằm liệt giường và chịu sự đau đớn của bệnh tật. Lúc này sẽ có hai luồng quan điểm cho vấn tình huống trên. Một bên cho rằng không nên chạy chữa cho bà nữa vì việc kéo dài thời gian cho bà chỉ khiến bà thêm đau đớn chứ chẳng hưởng thụ cuộc sống thêm một chút nào, còn các con thì đang lâm vào túng quẫn và hết dần tài sản, bà cũng sẽ không đồng ý việc bán đi gia sản để tiếp tục chạy chữa cho bà. Một bên lại cho rằng như thế là bất hiếu, trái với đạo đức của con người. Phải ra sức chạy chữa cho bà khi còn có thể, khi nào bà chết mới thôi và sẵn sàng bán đi tất cả gia sản, thậm chí lâm nợ để chữa trị cho bà. Vậy thì theo bạn, ý kiến của bạn như thế nào?

Tôi đưa ra ví dụ trên không phải để hỏi về ý kiến của bạn cho tình huống ấy, vì cho dù như thế nào, bạn cũng không thể thay đổi quan điểm của người khác, và người khác cũng không thể thay đổi quan điểm của bạn. Mỗi chúng ta đều có lý do cho quan điểm và lý tưởng của mình. Cho dù nó là đúng đắn hay sai trái, quan điểm ấy vẫn có những luận cứ để khiến cho người khác tin vào đó và theo đuổi nó đến cùng. Con người, nhất là người Việt Nam, sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ quan điểm của mình và chịu thay đổi suy nghĩ theo quan điểm của người khác. Nó không đơn giả là vì sự cố chấp của con người, mà vì người ta có lý do để họ tin theo quan điểm đó.

Thế nên đừng bao giờ cố gắng thay đổi suy nghĩ của người khác và bắt người ta phải thừa nhận rằng suy nghĩ ấy là sai trái. Đối với bạn đó là sai, nhưng đối với họ lại là điều đúng đắn. Người ta có câu: Im lặng là vàng (silence is golden) cũng để nói rằng, đừng tranh cãi khi có người suy nghĩ khác với bạn. Tất nhiên vẫn có người chấp nhận thay đổi suy nghĩ khi được người khác đưa ra những lý lẽ thuyết phục, nhưng số đó vẫn rất ít và nó thường xảy ra trong những cuộc tranh luận mà kết quả là đúng hoặc sai, chứ rất khó xảy ra với những lý tưởng.

Lý tưởng khởi nguồn

Chắc hẳn nhiều người đã xem qua siêu phẩm Inception (Tựa tiếng Việt: Kẻ đánh cắp giấc mơ). Nhân vật chính của bộ phim đã nhận một nhiệm vụ gần như bất khả thi, đó là cài cắm một lý tưởng khởi nguồn vào trong giấc mơ của một cậu quý tử sắp thừa kế tài sản của người cha sắp mất của mình. Người con trai không muốn làm theo cách mà cha anh ta đã thực hiện trong nhiều năm nay, nhưng anh vẫn không thực hiện điều đó và sẽ nghe theo lời mà cha anh ta đã mong muốn. Và những nhân vật trong phim đã thực hiện một điều gần như là không thể, đó là cấy vào đó một lý tưởng khởi nguồn vào trong giấc mơ, khiến cho anh ta thay đổi quan điểm của mình và cho rằng điều mình làm là đúng đắn. Phim không chỉ đưa ra những bài học sâu sắc, mà nó còn cho chúng ta thấy một điều, đó là đôi khi một khoảnh khắc nào đó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi.

Trên thực tế, vẫn có những tình huống mà người ta thay đổi cả quan điểm và suy nghĩ của mình khi xảy ra một sự kiện nào đó. Một chàng trai theo đuổi cô gái nhưng cô gái thì lại ghét cay ghét đắng cậu ta, nhưng rồi cô ta lại yêu chàng trai này chỉ vì thấy cậu ta đội mưa đến đón nàng. Bạn thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về một người nào đó khi nhận ra trước giờ mình hiểu lầm về họ, hoặc mình đã bị họ lừa dối. Người ta không thể thay đổi quan điểm của bạn (ép bạn suy nghĩ giống họ), nhưng đôi khi có những khoảnh khắc sẽ khiến bạn thay đổi hoàn toàn nó. Thậm chí là thay đổi cả lý tưởng của mình, hoặc trong đầu bạn đã nảy sinh một lý tưởng mới.

Có những nhà sư giành cả đời của mình để tu hành, nhưng rồi hai chữ tình ái đã khiến họ trở lại cõi trần ai. Ở một góc độ nào đó, người ta cho rằng nhà sư đáng bị chê trách. Nhưng ở một góc độ khác, thì đó lại là một biến cố khiến nhà sư ấy thay đổi lý tưởng sống của mình. Có những người lính đào ngũ vì họ sợ hãi trước trận chiến, nhưng có những người đào ngũ vì họ nhận ra sự vô nghĩa của trận chiến ấy. Đó là những khoảnh khắc có thể làm người ta thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về một điều gì đó, hoặc tạo ra một lý tưởng khởi nguồn mới trong đầu họ.

Còn đối với Trần Dần, lý tưởng của ông đã xuất hiện khi ông nhìn thấy Chúa mặc dù ông theo đạo Phật. Khoảnh khắc ông nhìn thấy Chúa xuất hiện và nói tiếng Việt với ông dù chỉ là giấc mơ hay là sự thật như ông kể lại đã khiến ông từ bỏ mọi thứ mà mình đang có để đi theo lý tưởng mới vừa được hình thành trong đầu ông. Có thể nhiều người còn chưa biết, trước khi trở thành một người như bây giờ, Trần Dần là một doanh nhân thành đạt, ông là tổng giám đốc của hãng bột Hai Con Voi, thương hiệu bột nổi tiếng khắp vùng Little Sài Gòn. Ông đã từ bỏ sự nghiệp của mình, trở thành một người như bây giờ sau khi ông đã nhìn thấy Chúa (dù là mơ hay thật). Có thể bạn chê cười sự kiện ấy, nhưng hãy nhìn nhận nó ở góc độ là một lý tưởng được hình thành trong ông.

Hồi tôi học đại học, trường tôi có một nhân vật nổi tiếng khắp trường. Cả ngôi trường mấy chục nghìn người nhưng ai nấy cũng đều biết đến danh tính của anh ta hoặc gặp anh ta ít nhất một lần trong đời. Anh ta nổi tiếng không phải vì tài năng, mà anh ta nổi tiếng vì lý tưởng và niềm đam mê của mình. Anh ta gầy gò, mặt mài tóc tai cũng không đẹp, mặc quần tây ống rộng kéo tới rốn, áo sơ mi màu da bò rộng phùng phình. Tóm lại, anh ta có một ngoại hình xấu hết chỗ nói. Anh ta đam mê điên cuồng với âm nhạc, nhất là nhạc rap. Anh ta biết chơi đàn, dù cũng chỉ đánh vài bài hát quen thuộc thành dạng hòa tấu (tôi ước gì anh ta đánh những bản nhạc dành riêng cho piano). Còn giọng hát của anh ta khi đọc rap thì ai nhe nấy cũng cười. Thế nhưng anh ta vẫn theo đuổi đam mê ấy và sống hết mình với nó mặc kệ người đời có chê cười như thế nào. Đó chính là quan điểm, lý tưởng của anh ta. Ở một góc độ nào đó, tôi chê cười tài năng của anh ấy, nhưng ở một góc độ khác, tôi lại thán phục khi anh ta đã sống hết mình cho lý tưởng của mình.

Mỗi một người đều có lý tưởng và quan điểm sống của riêng mình. Chúng ta không thể ép người khác phải giống với mình khi họ có quan điểm và lý tưởng của riêng họ. Có thể bạn đúng, nhưng chưa chắc người khác đã sai. Mỗi khi sắp xảy ra một đợt tranh luận gì đó, chúng ta nên hiểu một chút về quan điểm của người đối diện để tránh một cuộc tranh luận không có ý nghĩa xảy ra. Còn đối với nhà tiên tri Trần Dần, chúng ta có thể tiếp tục giải trí với những phát ngôn của ông, nhưng chúng ta cũng nên mừng vì ông ấy đã tìm được lẽ sống trong những năm cuối đời của mình, dù đó chỉ là sự ảo tưởng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang