Về Joker
Joker được nhiều người xem là nhân vật phản diện trong điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại. Bởi lẽ cái phản diện của Joker nó khác với cái phản diện của những nhân vật phản diện tầm thường khác. Hầu hết các nhân vật phản diện trong phim và truyện hay những văn hóa phẩm khác đều có cùng một đặc điểm: đó là lợi ích cá nhân. Có những tên phản diện làm ác để được trở nên giàu có, có những tên phản diện làm ác để chiếm lấy quyền lực, có tên lại làm ác để thỏa mãn cái bản ngã của bản thân. Nhưng có lẽ chỉ duy nhất Joker là khác với bọn họ, bởi lẽ mục đích để hắn trở thành hoàng tử tội phạm khác nhiều so với họ, một thứ gì đó thượng đẳng hơn những tên tội phạm khác.
Hắn trở thành Joker như là một sứ mệnh mà số phận đã an bài cho hắn, đó là duy trì sự cân bằng vô hình giữa trật tự và hỗn loạn, giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu. Khi con người ta quá đắm chìm trong sự tốt đẹp, thì Joker sẽ là người đến và cho mọi người biết rằng: “chúng mày chẳng khác nhau gì cả, chúng mày chi là một lũ đạo đức giả, hám tiền, thích giết chóc và ham muốn tình dục mà thôi”. Hắn cho chúng ta thấy được bản ngã sâu thẳm bên trong của mỗi con người, rằng chẳng ai là người tốt cả. Không phải tự dưng mà Tuân Tử lại nói rằng “Nhân chi sơ tính bản ác”, trái ngược hoàn toàn với quan niệm “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử. Bởi vì cái ác không phải được lây nhiễm từ người khác, mà nó tự sinh ra bên trong mỗi con người, chẳng qua là người ta đang cố để kìm nén nó, che giấu nó giỏi như thế nào mà thôi.
Hắn không chỉ là một nhân vật, mà hắn còn là một lý tưởng. Một lý tưởng khởi nguồn, được cài cắm vào nơi sâu thẳm nhất của con người để thức tỉnh nên những ham muốn sâu thẳm và nguyên thủy nhất của mỗi con người.
Người ta yêu thích Joker không phải chỉ vì tạo hình rùng rợn và nụ cười khiến người khác phải gợn tóc gáy của hắn, mà người ta còn thích hắn bởi vì hắn đã dám nói ra những thứ mà chẳng ai dám nói, hắn dám vạch trần ra những bí mật sâu thẳm mà không một người nào muốn tiết lộ. Một ứng cử viên khi vào phỏng vấn sẽ luôn bảo rằng họ muốn được phát triển trong môi trường công ty, họ muốn được cống hiến hết mình, sẽ chẳng ai nói là “tôi vào công ty này vì lương cao” hay “tôi xin vào chỗ này vì tôi chẳng tìm được chỗ nào cho tôi làm cả” và cũng sẽ chẳng ai dám nói rằng “tôi muốn mỗi ngày chỉ làm 8 tiếng nhưng nhàn rỗi và lương thật cao, tối về nhà nhậu nhẹt và thỉnh thoảng bỏ ra một số tiền đi chơi đĩ”. Chẳng ai dám nói rằng “nhìn cô là tôi muốn đè cô ra hiếp rồi”, cũng chẳng ai nói rằng người ta cảm thấy thích thú khi giết chóc. Nhưng với Joker thì khác, nếu gặp hắn, bạn sẽ bị hắn nói rằng: “mày chẳng có gì cao thượng cả, mày cũng xấu xa như bọn ngoài kia cả thôi”.
Nếu như cuộc chiến của Batman đối với Joker chỉ đơn giản chỉ là ngăn một tên tội phạm nguy hiểm lại, thì cuộc chiến của Joker đối với Batman thì lại hoàn toàn khác. Hắn biết bên trong Batman vẫn tồn tại những ý nghĩ giống như hắn, hắn biết Batman vẫn luôn muốn giết phắt hắn đi cho rồi, nhưng Batman luôn luôn kìm chế đề điều đó không bao giờ xảy ra. Và cuộc chiến của hắn đối với Batman chính là muốn Batman bộc lộ ra bản tính xấu xa từ sâu thẳm bên trong con người mà Batman vẫn luôn kìm nén bấy lâu nay. Hắn muốn chỉ rằng “Người hùng của các ngươi cũng chỉ như những tên mà hắn đã đánh bại mà thôi”.
Hắn chẳng bao giờ thua ai. Vì tất cả những kẻ thù của hắn đều đã bộc lộ bản chất xấu xa nhất của mình, chỉ duy nhất Batman vẫn còn kìm chế được nó. Thế nên hắn vẫn cứ dằn co mãi với đối thủ nặng ký nhất và cũng vĩ đại nhất của cuộc đời mình. Batman càng ngăn cản hắn, hắn lại càng làm cho bức tường mỏng manh giữa cái tốt và cái xấu bên trong Batman đang ngày càng yếu đi, để rồi một ngày nào đó, Batman sẽ căm giận mà giết chết hắn, khi đó hắn sẽ là người chiến thắng, nhưng điều đó vẫn chưa hề xảy ra.
Hai người họ như hai mặt của một vấn đề, nếu như Batman là hiện thân của sự thánh thiện bên trong con người, thì Joker là người sẽ chứng minh rằng ai ai cũng tồn tại cái độc ác từ sâu thẳm bên trong con người ấy. Nếu như mặt này không còn, thì mặt kia cũng sẽ tan vỡ. Thế nên có lúc Batman đã biến mất, Joker cũng không còn muốn trở thành tội phạm vì đối thủ duy nhất của hắn đã không còn, hắn lại trở thành một người công dân bình thường. Và khi biết Batman xuất hiện trở lại, người công dân Joseph Kerr lại trở thành Joker.
Trong truyện tranh đã có lần nói rằng, Gotham trở nên đen tối hơn bao giờ hết từ khi Batman xuất hiện. Trước khi Gotham có Batman, mọi thứ chưa bao giờ tồi tệ đến thế, tát cả chỉ trở nên tồi tệ hơn từ khi có sự xuất hiện của người hùng áo đen. Con người trong bí ẩn trong bộ mặt nạ dơi làm những tên tội phạm khiếp sợ, nhưng chính bộ mặt nạ ấy đã khiến Gotham sản sinh ra tội phạm nhiều hơn bao giờ hết. Batman xuất hiện như hiện thân của sự trật tự, còn Joker như một đại diện của sự hỗn loạn. Nhưng hóa ra, càng trật tự thì lại càng hỗn loạn, và càng hỗn loạn thì lại càng trật tự. Như bên trong Thái cực đồ, trong âm sinh dương, trong dương lại sinh âm. Joker xuất hiện như một đối trọng để giữ cán cân ở trạng thái cân bằng giữa trật tự và hỗn loạn, giữa cái thiện và cái ác.
Joker không chỉ là một nhân vật, mà hắn còn là một lý tưởng, một chất xúc tác để bộc lộ những ý nghĩ sâu thẳm nhất bên trong của mỗi con người. Cuộc chiến ấy không chỉ là cuộc chiến giữa người hùng mặc áo choàng đen và một tên hề với gương mặt trắng bệch và nụ cười ghê rợn dài đến tận mang tai, mà đó còn là cuộc chiến bên trong mỗi con người chúng ta, một cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa những ham muốn và sự kìm chế. Bên trong chúng ta luôn luôn tồn tại cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu. Người ta phải luôn chiến đấu, dằn vặt với chính mình đề nhường đường cho cái tốt, che giấu cái xấu đi. Nhưng nếu cái tốt phát triển quá thì bên trong cái tốt lại sản sinh ra cái xấu, như bên trong mỗi cực của Thái cực đồ sẽ sản sinh ra thái cực còn lại, như một Gotham có Batman lại sản sinh ra Joker.
Mọi thứ đều có hai mặt của nó, như hai mặt của một đồng tiền, như cái tốt và cái xấu, như sự sinh sôi và hủy diệt, như hai mặt của một vấn đề. Chúng đối lập nhau nhưng lại bù trừ cho nhau, chúng tạo nên sự cân bằng và phát triển. Chúng luôn đấu tranh với nhau nhưng không bao giờ triệt tiêu nhau, vì nếu một trong hai bên biến mất, sự cân bằng cũng sẽ biến mất. Nếu một hành tinh chỉ có sự sinh sôi mà không có sự chết đi, hành tinh đó sẽ dẫn đến tận diệt. Nếu thuyền không được cân bằng, thuyền sẽ lật. Nếu chỉ có đúng mà không có sai, con người ta sẽ trở nên lạc lối. Joker như một sự tất yếu, là một phần của tạo hóa, là thứ để khẳng định sự xấu xa vẫn luôn tồn tại bên cạnh cái tốt đẹp hào nhoáng. Joker là một tấm gương phản chiếu để tất cả mọi người nhìn thấy chính bản thân mình và thấy rằng: “Ta vẫn chẳng khác nào những tên tội phạm ngoài kia, vẫn có cái xấu và cái tốt tồn tại song hành cùng nhau, chỉ khác nhau ở chỗ cái nào đang thắng thế cái nào mà thôi”.