Đùn đẩy trách nhiệm
Một đứa trẻ làm hỏng một món đồ nào đó, khi bị người lớn quở trách, đứa trẻ ấy liền tìm cách đẩy cái sai về phía người khác, tìm cách biện minh để biến mình thành người vô can. Một cán bộ đưa ra những quyết định sai lầm gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, khi bị phát giác liền tìm cách đùn đẩy phần sai cho những cá nhân hoặc tập thể khác. Đó chính là cái thói đùn đẩy trách nhiệm, một thứ tật xấu đã hình thành trong máu mủ ngay từ nhỏ của đại đa số nhân dân ta. Không chỉ đùn đẩy những phần thiệt ra khỏi mình, người ta còn đẩy những cái vạ mà mình gây ra cho những kẻ khác, nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc bỏ trốn.
Tôi còn nhớ một năm trước, khi vụ nâng điểm thi kỳ thi THPT Quốc Gia bị điều tra, chỉ vài ngày sau đã có kết quả điều tra ban đầu. Kết quả ấy đã một phần đúng như tôi dự đoán, đó chính là họ đã đùn đẩy sai phạm cho một người khác. Chỉ có điều, kết quả bất ngờ nhiều hơn tôi tưởng khi mà người nhọ nhất trong đường dây gian lận trên lại là người ở cuối chuỗi thức ăn: nhân viên nhập liệu. Nó khiến tôi bất ngờ là bởi vì họ lại quá “ngây thơ” trong việc đùn đẩy trách nhiệm này. Ai mà không biết đây là một hành vi phạm tội có tổ chức chặt chẽ, làm sao mà một nhân viên nhập liệu bình thường có thể thao túng kết quả của hàng trăm thí sinh như vậy. Cuối cùng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, có trách chỉ trách sao họ không biết đẩy cho khéo.
Đôi khi đùn đẩy lại đùn đẩy không được khéo, ruốt cuộc con giun xéo lắm cũng quằn, người bị đùn đẩy phanh phui sự thật, cái vạ lại tự gây ra cho chính mình. Dư luận gần đây đang sục sôi việc một em học sinh ở trường “quốc tế” Gateway tử vong ngay trong xe đưa rước học sinh của trường. Ngay từ những hình ảnh đầu tiên người xem cũng thấy được những điều bất thường khi chiếc áo mà em học sinh lên xe và chiếc áo em đang mặc khi được đưa ra ngoài là khác nhau. Đây có thể xem là một vụ án thuộc dạng khó điều tra nhất từ trước tới giờ, nhiều người còn nói vui rằng có lẽ tác giả viết truyện Conan phải sang ngay Việt Nam để lấy ý tưởng từ vụ án này.
Tất nhiên, việc đùn đẩy trách nhiệm lại càng không thể tránh khỏi. Lại một lần nữa, họ lại đùn đẩy không được khéo cho lắm, khiến bà Quy phải khai báo mọi thứ mà mình biết để tự bảo vệ chính mình. Thật hư vụ án như thế nào thì chưa ai biết, nhưng người ta biết chắc rằng sẽ chẳng có việc từ tài xế, nhân viên trên xe cho đến giáo viên đều không biết rằng đã có một bé trai “bị bỏ quên” lại trong xe như thế. Khi mà giáo viên không thấy bàn học sinh thiếu một chỗ ngồi, bạn ngồi cùng bàn không thấy bạn mình vào lớp, mọi thứ thật vô lý. Không biết có hay không việc mua chuộc bà Quy và tài xế Phiến để khiến họ nhận hết trách nhiệm về phần mình, chỉ biết rằng việc đùn đẩy trách nhiệm không được “khéo” của những ai đó trong vụ án này đã khiến bà ấy phải làm mọi cách để tự bảo vệ chính mình.
Vụ án này như thế nào tôi xin phép không đề cập đến, đây là trách nhiệm của các cơ quan điều tra và các cơ quan báo chí chính thống, tôi chỉ đề cập đến nó ở góc độ về sự đùn đẩy trách nhiệm để bạn đọc có được một cái nhìn khác về vụ việc này và cả ở vụ việc nâng điểm thi ở Hà Giang mà thôi.
Tuy nhiên, không phải vụ đùn đẩy trách nhiệm nào cũng bị phanh phui dù nó diễn ra hệt như trò hề dành cho kẻ con. Khi mà những kẻ phạm tội lại có quá nhiều quyền lực, việc đùn đẩy trách nhiệm diễn ra khéo hơn và tinh vi hơn. Người ta biết cách đưa cái tội cho những người “xứng đáng” để nhận cái tội đó, và thế là những kỳ họp diễn ra và kết quả được đưa ra vẫn thường là “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Những vụ “vô tình” gây ra những thất thoát trị giá hàng nghìn tỷ đồng cũng chỉ được xử lý bằng cách “rút kinh nghiệm lần sau”. Mà đúng là như vậy, rút kinh nghiệm để những lần sau được “khéo” hơn, không còn lồ lộ cho bàng dân thiên hạ thấy nữa.
Nhưng như vậy cũng chưa là gì. Trên thiên hạ luôn luôn có những con người kiệt xuất, cho dù là ở lĩnh vực nào. Và việc đùn đẩy trách nhiệm để trốn tránh tội lỗi cũng trở nên đỉnh cao hơn khi nó được thực hiện bởi bàn tay của những “nhân tài kiệt xuất” ấy. Khi mà mọi thứ không thể để nó diễn ra như một trò hề dành cho trẻ con nữa, người ta biến nó thành một “bom tấn hollywood” tỷ đô. Không còn là những “tép riu” phải đứng ra chịu trận, không còn là những lần “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Người ta làm mạnh hơn, bạo hơn và “uy tính” hơn bằng cách đưa ra một kẻ “máu mặt” thật sự trong hàng ngũ ấy lộ diện.
Thế là bùng một phát, “ông trùm” của đường dây được “phanh phui”. Một án tử cùng quyết định truy nã được ban hành. Tất nhiên vì được thực hiện bởi những con người chuyên nghiệp nên lúc nào lệnh truy nã cũng được ban hành sau khi nhân vật này cao chạy xa bay ở một đất nước xa xôi nào đó cùng mớ gia tài đã được tẩu tán từ trước. Những người đồng minh thì thoát hoàn toàn khỏi “cái rủi” mà mình đã “không may” vướng phải. Còn dư luận thì được một phen trầm trồ như vừa được Sherlock Holmes điều tra ra giáo sư Moriarty là người đứng đằng sau nhiều sự việc.
Từ những suy nghĩ ban đầu của những đứa trẻ, thói đùn đẩy trách nhiệm hình thành rồi lớn lên cùng với con người suốt quá trình trưởng thành. Nhẹ nhàng thì là những trận đòn roi, đến nặng nề là những vụ án ảnh hưởng lớn đến đất nước và xã hội. Cái thói quen này khiến cho đạo đức con người ta trở nên xuống cấp, bất công tràn lan. Một người dân bình thường cũng có thể trở thành bị can của một vụ án nghiêm trọng nào đó.
Giống như một dịch bệnh, khó có thể đẩy lùi ngay lập tức thói quen này. Chúng ta chỉ còn biết tiêu diệt nó một cách dần dần, bằng việc phanh phui ra công lý những sự thật, khiến cho việc đùn đẩy trách nhiệm không còn chỗ đứng. Chỉ như vậy mới có thể khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp, khiến những kẻ đang và sẽ tìm cách đùn đẩy trách nhiệm không còn cơ hội để thực hiện việc đó nữa. Nhưng một vài cá nhân thì không thể thay đổi thế giới được, điều này chỉ có thể được thực hiện bởi mỗi người chúng ta, những tế bào của một cơ thể khỏe mạnh.