Chuyện cái đèn đỏ
Chỗ tôi ở gần một ngã tư đường khá lớn, Mỗi lần dừng đèn đỏ ở đây là phải chờ đến tận 70 giây, có hôm còn không thấy được thời gian đếm ngược trên đèn giao thông. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi bộ từ trong hẻm ra rồi sang bên kia đường ăn hủ tiếu gõ. Cũng như mọi người, cách an toàn để qua đường tại đây là chịu khó chờ cho đến khi đèn đỏ sáng lên rồi mới băng qua đường. Nhưng chuyện khôi hài lại bắt đầu từ đó, mỗi lần đèn đỏ kéo dài đến tận hơn 70 giây thì lúc đèn đỏ đếm ngược chỉ còn lại 30 giây nhưng dòng xe ở phía đối diện vẫn lao tới tấp nập.
Ai chê tôi quê mùa thì tôi xin nhận, dù sống ở môi trường thành phố đã nhiều năm nay rồi, nhưng mỗi lần qua đường đều là một thử thách khó khăn đối với tôi. Có lần dòng xe đông đến nổi tôi không thể bước thêm được nửa bước, tôi đã đứng yên một chỗ hơn 20 giây nhưng vẫn bị tông. Một lần khác, tôi lái xe máy từ trong hẻm ra, xe sắp sang được bên kia đường rồi, nhưng tôi vẫn bị một nữ ninja tông thẳng vào ngay trên làn đường dành cho xe ô tô, cũng may cô ấy còn phanh lại kịp, nếu không, chắc tôi cũng phải nhập viện mất rồi.
Lúc trước tôi có xem một video của một anh tây nói về kinh nghiệm sống ở Việt Nam dưới góc nhìn hài hước. Trong đó có đoạn anh ấy nói đại loại là:
Khoảnh khắc từ khi đèn đỏ chỉ còn lại 10 giây cho đến khi đèn vàng đã chuyển sang đèn đỏ được 5 giây chính là khoảnh khắc bạn gần tử thần nhất.
Thế nên nếu bạn là một người muốn sang bên kia đường, nếu thấy đèn đỏ đã sáng, đừng vội sang, vì rất có thể bạn sẽ không sang được đường mà sang thẳng bên Tây Thiên đấy. Và khi đã đến thời điểm có thể sang đường được rồi thì vẫn phải tranh thủ trước khi đèn đỏ đếm lùi đến con số 10. Trong khoảng thời gian an toàn còn lại, bạn cũng phải vận dụng hết công suất các giác quan của mình để không bị tông bởi một chiếc xe thình lình không biết từ đâu tới.
Câu chuyện về ý thức giao thông của người Việt Nam mình đã là câu chuyện từ muôn thuở rồi. Nó diễn ra nhiều và phổ biến đến nỗi khi tôi tôn trọng đầy đủ luật lệ giao thông, tôi thấy mình chẳng khác nào một thằng dở hơi.
Con cái chúng ta được dạy về an toàn giao thông ngay từ khi học tiểu học, thế nhưng chúng ta lại vi phạm giao thông khi chở chúng đi học hàng ngày. Chúng ta vượt đèn đỏ, chúng ta lấn làn, chúng ta chạy trên vỉa hè. Vậy thì bạn nghĩ bao nhiêu phần trăm con cái của bạn sẽ tôn trọng luật lệ giao thông? Hay nó vẫn sẽ hành xử như bao con người “bình thường” khác?
Trẻ em là lứa tuổi rất dễ học hỏi, chúng học hỏi từ tất cả những gì diễn ra xung quanh chúng. Cách mọi người hành xử, nói chuyện với nhau như thế nào, chúng đều học theo và sẽ biểu hiện y hệt như vậy. Những gì mà trường lớp dạy không đáng là bao nhiêu so với những gì mà gia đình và mọi người xung quanh dạy cho trẻ, mà đôi khi chúng ta vô tình không nhận ra. Chúng ta chở con chúng ta đi học hàng ngày, chúng ta vi phạm ý thức giao thông cũng chính là chúng ta đang dạy cho chúng trở thành những người giống như chúng ta bây giờ.
Người Việt mình khôn lắm, nếu thấy cả đường đông nghẹt trong khi làn đường dành cho xe ô tô đang trống trơn thì sẽ nhanh chân lao sang làn đường bên ấy mà đi ngay. Còn nếu cả lòng đường đều đông nghẹt mà trên vỉa hè có thể đi được thì cũng không ngại gian lao mà lùi số nhấn ga bay lên vỉa hè để đi tiếp. Chúng ta đã có những cha ông tải hàng hàng trăm cây số trên những con đường rừng núi, chúng ta có những đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho miền Nam, thì dăm ba cái vỉa hè có nhằm nhò gì.
Mỗi khi đèn đỏ sắp hết hay đèn xanh đang đếm những giây cuối cùng, ta lại thấy cảnh tượng những anh tài, chị gái lao xe về phía trước không khác nào giải đua xe F1. Tiếp theo sau đó là những tiếng bóp còi inh ỏi từ phía sau. Mỗi lúc như thế tôi đều nghĩ trong đầu: “nhanh hơn một chút thì có được gì không?”.
Cái lý do dễ thấy nhất cho những hành động trên là “vì ai cũng làm thế cả”. “Ai cũng làm thế cả nên tôi cũng sẽ làm như thế”, và cuối cùng là tất cả mọi người đều làm như thế. Kết quả là một tình trạng ý thức giao thông của toàn dân mà chúng ta thấy ngày hôm nay.
Chúng ta thường đổ lỗi cho chính quyền mà quên rằng cái lỗi thuộc về chúng ta là nhiều hơn cả. Chúng ta hàng ngày chửi cảnh sát giao thông tham nhũng, bắt bớ moi tiền dân. Chúng ta đổ lỗi cho chính quyền làm đường xá như lờ. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự nhìn nhận lại bản thân mình chưa? Bạn có dừng đèn đỏ đúng thời điểm, bạn có chạy đúng làn đường và tốc độ quy định chưa? Bạn chạy xe đúng làn đường, đúng tốc độ quy định, có giấy phép lái xe đầy đủ thì ai kiếm chuyện được với bạn.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có hơn 22 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, một con số thật đáng sợ. Ở Việt Nam, thật không khó để bắt gặp một thanh niên nào đó chạy xe với tốc độ cao trên đường. Hầu như tháng nào chúng ta cũng thấy vài vụ va quẹt trên đường đi làm. Còn trên môi trường internet, hầu như ngày nào cũng có thông tin về những vụ tai nạn giao thông đáng thương được chia sẻ.
Thật tội nghiệp cho những người tham gia giao thông nghiêm túc nhưng lại bị tai nạn được gây ra bởi những kẻ phóng nhanh vượt ẩu. Thật tội cho những anh tài xế lái xe tải đang yên đang lành lại có người tự dưng đường bên ngoài không đi mà lại chui vào gầm xe tải. Thật tội nghiệp cho những người đang dừng đèn đỏ hoặc đang đi trên vỉa hè thì bỗng nhiên bị một chiếc xe ô tô điên từ xa tông vào.
Chúng ta lên án những người không có ý thức khi tham gia giao thông, chúng ta thấy những vụ tai nạn giao thông thương tâm được lan truyền trên các kênh tinh tức và trên mạng xã hội, nhưng chúng ta vẫn không có ý thức thì bao giờ xã hội mới tốt lên được? Phải đợi cho đến khi chính bạn và người thân của bạn trở thành nạn nhân tiếp theo thì đã quá muộn rồi.
Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai không xa, chỗ con hẻm tôi ở sẽ mọc lên một cây cầu vượt, chứ sang được kiểu này hãi quá. 😀