Khi trải qua cái ác con người mới hiểu được giá trị của cái thiện
Vào những năm 400 trước công nguyên, có một người đàn ông đã đưa ra một câu nói có giá trị đến hàng nghìn năm sau này. Nhân chi sơ tính bổn thiện. Câu nói này được đưa vào bộ sách giáo dục được sử dụng qua hàng nghìn năm của Trung Hoa, được gọi là Tam Tự Kinh. Người đời suy tôn ông ta là một trong những người sáng lập ra nho giáo, là một triết gia lỗi lạc bậc nhất của cõi Á Đông. Người ta gọi ông là Khổng Tử.
Gần 200 năm sau, có một người đàn ông sinh ra ở nước Triệu, đi học ở nước Tề, làm quan ở nước Sở, tên là Tuân Khanh. Người đàn ông này ghét chính trị sự đời dơ đục, nước mất, vua hỏng nối tiếp nhau. Người này xem xét lại những hành vi đạo đức của nhà Nho, đạo Mặc, xét nguồn gốc của việc hưng – thịnh, bại – vong, liệt thành thứ tự, viết ra một cuốn sách dài vạn chữ rồi chết. Người đàn ông này xem nhẹ Ngiêu Thuấn (được xem là hiện thân của Khổng Tử). Người đàn ông này cho rằng bản chất của con người là ác độc, đã cho ra câu nói trái ngược với Khổng Tử nhưng vẫn có hàng vạn người nghe theo. Nhân chi sơ tính bản ác. Người đời gọi người đàn ông này là Tuân Tử.
Vậy thì bản chất của con người khi mới được sinh ra là lượng thiện (như Khổng Tử nói) hay độc ác (như lời Tuân Tử)?
Ta có thể suy ra được bản chất của con người dựa theo nguồn gốc “nhân chi sơ” của nó, chính là lúc con người mới được sinh ra. Người ta thường ví von trẻ con như những tờ giấy trắng, người ta nói rằng bản chất của những đứa trẻ là trong sáng, là lương thiện. Người ta cho rằng một con người chỉ xấu xa khi người đó lớn lên trong một môi trường dơ bẩn. Không. Hoàn toàn không. Bản chất của con người là xấu xa, là ích kỷ. Chẳng qua con người ta cố để kìm nén và triệt tiêu bản tính xấu xa đó đi mà thôi.
Lại trở về với vấn đề của một đứa trẻ, những đứa trẻ sinh ra không hề lương thiện. Mọi đứa trẻ được sinh ra với bản chất là xấu xa, là độc ác. Tất nhiên, cái ác đó không thể so sánh với cái ác của một người trưởng thành như giết chóc và trộm cướp được, nhưng nó chính là nguồn cội của những cái ác khi những đứa trẻ này lớn lên, nếu không được kìm hãm cái ác ấy, nó sẽ lớn thành cái ác như mọi chúng ta định nghĩa. Tôi dám cá rằng hầu như mọi đứa trẻ nào cũng từng một lần hành hạ những con vật nhỏ bé, nó có thể đơn giản như việc đập vỡ một quả trứng thằng lằn, chặt đứt đuôi một con thằng lằn, đập vỡ vỏ ốc, hay nhét vật gì đó vào miệng của những con vật. Đó chính là hiện thân nguyên sơ nhất của cái ác. Khi làm những việc đó, những đứa trẻ ấy cảm thấy thú vị và thích thú, nó đem lại cho chúng cảm giác vu vẻ và sảng khoái. Cái ác đem lại cho con người ta cảm giác hạnh phúc.
Nhưng cái ác không chỉ đến từ căn nguyên là niềm vui của con người, cái ác còn đến với người ta từ sự sợ hãi. Mọi đứa trẻ đều ít nhất một lần nói dối. Và lời nói dối nguyên sơ nhất lại đến từ cảm giác lo sợ. Những đứa trẻ ấy lo sợ bị trừng phạt nên chúng đã nói dối với bố mẹ mình. Cái ác sản sinh từ sự sợ hãi, chúng lo sợ bị trừng phạt, chúng lo sợ đến sự tồn tại của mình.
Những cái xấu xa đó là thú tính của con người. Thú tính của con người không phải là sự độc ác. Thú tính của con người chính là bản tính nguyên sơ nhất của loài người, là tính chất nguyên sơ nhất của con vật mà chúng không cần phải học hỏi, cũng không cần phải truyền dạy. Những thú tính ấy chính là “Tồn tại” và “Duy trì nòi giống”. Để tồn tại, chúng buộc phải kiếm ăn, nhưng bản chất của sự tồn tại của động vật lại chính là tiêu diệt sự tồn tại của một giống loài khác. Một con nai ăn cỏ, con nai đó đã chấm dứt sự sống cho cọng cỏ đó. Từ bản chất ấy đã dẫn đến sự chiếm hữu, rồi dẫn đến lòng tham và cái ác được sinh ra. Cho nên mọi loài vật kể cả con người đều chiến đấu, lừa lọc, thậm chí giết chết nhau để chiếm lấy cái ăn và tình dục.
Mọi đứa trẻ đều có xu hướng giành phần nhiều về mình. Nếu không ai dạy cho chúng sự công bằng, chúng sẽ luôn tìm cách để giành phần lợi nghiêng về mình. Mọi cái ác đều đến từ sự sợ hãi hoặc nhu cầu muốn thoả mãn.
Tôi có xem một bộ phim, trong đó, một chú tiều khoảng 5 – 6 tuổi đã làm một trò rất độc ác. Cậu ta buộc đá vào cá, vào rắn, nhét đá vào miệng cá, và cậu ta cảm thấy phấn khích, vui vẻ khi làm điều đó. Những đứa trẻ đều cảm thấy vui vẻ khi làm chuyện ác. Một câu truyện khác tôi đã được đọc trên báo cách đây mấy năm nhưng không nhớ rõ. Truyện nói rằng có một cô bé đã nói đùa rằng vị cha sứ đã sàm sỡ cô. Mọi người đều cho rằng lời nói của những đứa trẻ là những lời nói thật lòng nhất nên đã kết tội vị cha sứ.
Lời nói của những đứa trẻ không phải là lời nói thật lòng nhất. Chính những đứa trẻ mới là những kẻ nói dối vĩ đại nhất. Bởi hầu như trong đầu chúng chưa có cảm giác tội lỗi đủ mạnh để chúng biểu hiện ra bên ngoài cho thấy đó là một lời nói dối. Cho nên bản chất nguyên thuỷ của chúng chính là những lời nói dối ít có cảm giác tội lỗi nhất. Mọi đứa trẻ đều được sinh ra với bản chất là độc ác, chúng chỉ có thể kìm hãm sự độc ác đó đi, phấn đấu để trở thành một con người lương thiện mà thôi.
Vậy thì tại sao con người ta lại hướng đến sự lương thiện?
Bởi con người ta không thể tồn tại nếu tất cả mọi người đều độc ác. Và chính như tiêu đề đã nói, trải qua cái ác người ta mới hiểu được giá trị của cái thiện. Khi con người ta sống và lớn lên với sự độc ác, trải qua hàng nghìn năm, con người ta nhận ra nếu cứ sống như vậy, nếu ta không làm hại đến kẻ khác thì kẻ khác cũng sẽ hại ta. Khi số đông trong loài người đều có ý nghĩ đó, cái thiện được hình thành.
Bạn có biết lý do vì sao những kẻ được coi là “giang hồ máu mặt” nhưng khi “rửa tay gác kiếm” lại vô cùng “hiền” đến kinh ngạc? Vì họ đã trải qua cái ác nên họ đã ngộ ra được giá trị của cái thiện và đi đúng hướng. Một người nếu chỉ tiếp thu cái thiện một cách đơn thuần mà chưa bao giờ hiểu về cái ác thì chắc chắn người đó sẽ không hiểu được bản chất và giá trị của cái thiện, người này chắc chắn sẽ dễ bị sa ngã. Nhưng nếu một người trở về với cái thiện từ cõi ác, người này chắc chắn sẽ hiểu được giá trị của cái thiện và cái thiện sẽ được vững bền.
Mấy tuần trước tôi có tình cờ xem được vài bức tranh của Phật giáo Tây Tạng. Khá ngạc nhiên khi thấy tạo hình của những vị phật này đều hung hăng chẳng khác nào quỷ dữ, thế nhưng vẫn có hàng triệu người tôn thờ và đi theo. Có thể trích ra hai câu truyện ngắn như thế này.
Một người đàn ông được một vị thánh cho biết rằng nếu ông ta nhập định 50 năm ở trong 1 hang động, ông ta có thể đạt được giác ngộ.
Thời gian cứ thế trôi đi, đúng vào đêm ngày thứ 29 của tháng thứ 11 của năm thứ 49. Hai tên trộm đã chạy trốn vào hang động của ông. Trong tay bọn chúng là cái đầu của con trâu mà bọn chúng giết trộm. Sau đó chúng mới phát hiện ra rằng người đàn ông đã biết được việc làm mờ ám của bọn chúng, bọn chúng quyết định giết ông để bịt đầu mối.
Ông ta van xin bọn chúng tha mạng cho ông, bởi vì chỉ còn vài phút nữa là ông có thể đạt tới giác ngộ. Nếu bị giết chết trước thời hạn 50 năm thì mọi công sức của ông bị đổ sông đổ bể.Bọn cướp phớt lờ trước lời van xin của ông ta, và cắt đứt đầu của ông ta.
Ngay lúc đó, ông ta lập tức biến thành yama và đội cái đầu trâu vào cái xác ko đầu của mình. Yama giết chết hai tên cướp và uống cạn máu của chúng bởi cái chén được làm bằng sọ của bọn chúng.Trong cơn điên cuồng báo thù, Yama đe doạ tiêu diệt hết tất cả dân Tây Tạng.
Và mẫu truyện thứ 2:
Ngài dạy rằng sức mạnh đặc biệt cũng như năng lực kì diệu của Mahakala là do nguyện lực của đức Avalokiteshvara ( Quan Thế Âm ). Ngài nguyện còn sinh tử và quyết không thành Phật nếu còn chúng sanh chưa được giác ngộ. Sau khi giúp hàng trăm ngàn người, trong vô số đời đạt tới giác ngộ . Ngài thấy rằng sự đau khổ không hề giảm sút mà hơn thế nữa sự ô nhiễm trong tâm thức chúng sanh ngày một tăng trưởng. Ngài thấy thất vọng, nhụt chí. Lúc đó lập tức đầu ngài vỡ tan thành trăm ngàn mảnh vụn.
Hai mẫu truyện trên là nguồn gốc của hai trong Bát đại hộ pháp trong Phật giáo Tây Tạng. Tôi thích cái cách người Tây Tạng dạy về cái thiện. Cái thiện của họ hiện hình từ trong lòng cái ác, người ta đạt được giác ngộ sau khi trải qua cái ác, đó chính là cách để cái thiện thẩm thấu vào con người một cách bền vững nhất.
Mỗi người chúng ta ai cũng muốn biểu hiện của mình là một người tốt. Con người ta luôn muốn kìm chế và che giấu những bản tính xấu của mình. Khi họ không thể kiểm soát được chúng, lúc đó cái xấu sẽ được biểu hiện và họ trở thành con người xấu. Sự thật trên đời không có người tốt, chỉ có những con người kìm hãm được bản tính xấu của mình. Người ta không thể tiêu diệt được bản tính xấu xa ấy mà chỉ kìm hãm chúng một cách tốt nhất có thể. Những bản tính ấy sẽ biểu hiện khi người ta chợt thấy một số tiền lớn trước mắt, khi người ta nhìn thấy một cô gái vô cùng khiêu gợi. Nếu kìm hãm được cái ác trong người, lúc đó người ta lại là một người tốt, còn không, người ta sẽ trở thành kẻ phạm tội.
Khi nhắc đến Hàn Quốc, mọi người thường nghĩ đến những ban nhạc K-pop chỉ nhảy chứ không hát hay những bộ phim tình cảm lâm ly sướt mướt. Nhưng không phải chỉ có vậy, Hàn Quốc còn có một ông đạo diễn tài hoa với những bộ phim không phải ai xem cũng hiểu, tên ông ta là Kim Ki Duk. Phim của ông ấy không đẹp, phim của ông ấy không có những con người hoàn hảo và thánh thiện. Phim của ông là sự thật tàn nhẫn về xã hội, về bản tính nguyên sơ của con người. Như trong Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, đó là hình ảnh chủ tiểu tinh ranh làm hại các con vật khác như tôi đã nói ở trên. Khi lớn lên, chú quan hệ với một cô gái ngay trong ngôi chùa mà chú đã sống và lớn lên. Rồi sau đó từ bỏ Phật gia. Đó không phải là xúc phạm, cũng không phải là bôi bác xã hội như kiểu Đường Tam Tạng phải hối lộ chiếc bình bát bằng vàng mới lấy được kinh. Đó là sự thật về bản tính của con người, là độc ác, là ích kỷ và lại không tránh khỏi nhục dục. Rồi khi con người ta trả qua hết tất cả những khổ hạnh của cuộc đời, khi con người ta chứng kiến hoặc trở thành một phần của cái ác, cuối cùng con người ta lại hiểu thấu được cái thiện. Cậu trai năm xưa giờ trở thành một người đàn ông thâm niên, tự đày đọa mình để chuộc lại lỗi lầm rồi trở thành người chủ trì duy nhất của ngôi chùa.
Một bộ phim khác của ông, một cô nữ sinh đã không giấu nổi sự thèm muốn tình dục của mình, cô đã xé một trang trong một cuốn sách về tình dục. Cô thấy một chiếc ví của ai đánh rơi, đã vội vàng lấy nó. Có thể chúng ta sẽ nói không phải ai cũng tham lam như cô gái ấy, đúng. Nhưng sâu thẩm trong con người, sâu trong những bản chất nguyên thủy nhất, tất cả chúng ta đều không khỏi đọng lòng tham trước những cám dỗ quá lớn, chúng ta có thể kìm chế mình, để mình trở thành một con người thánh thiện, nhưng sâu thẩm bên trong, chúng ta vẫn không thể tiêu diệt được những bản tính nguyên sơ đó. Tên của bộ phim tôi vừa nói ở trên là Bad guys. Không liên quan một chút, Hàn Quốc có những bộ phim về tâm lý xã hội rất hay, nếu rảnh, các bạn hãy xem thử bộ phim Vua bánh mì.
Chốt vấn đề lại, bản tính nguyên sơ của con người chính là cái ác. Con người ta phấn đấu cả đời để kìm hãm nó lại, để hòa nhập với cộng đồng, giống như bóng tối mới là thứ bao trùm vũ trụ, nhưng con người ta đều luôn hướng về ánh sáng bởi ánh sáng mới là thứ tốt cho mọi người, cái thiện cũng vậy. Có những người bị sa ngã trên con đường tìm ra cái thiện, đó là vì những người ấy chưa hiểu thấu được giá trị của cái thiện, và chưa biết rõ được sự nguy hiểm của cái ác, cho nên khi gặp phải cái ác, thú tính của con người lại trổi dậy, người đó thua cuộc. Chỉ khi hiểu thấu được cái ác, lúc đó người ta mới nhận ra được giá trị thật sự của cái thiện, lúc đó cái thiện mới tồn tại vĩnh cửu. Chỉ vài dòng ý kiến cá nhân vậy thôi, đọc giả tin hay không tin thì tùy.