Chúng ta có đang hoang tưởng theo trào lưu?
Tôi không phải là một người hâm mộ ca sĩ Sơn Tùng M-TP, nhưng không biết bằng một cách thần thánh nào đó, buổi họp báo về kế hoạch trong tương lai của anh ta lại lọt vào mắt tôi. Lần này thì thật bất ngờ, nhưng không phải bất ngờ vì những công bố của anh chàng ca sĩ nhiều tài lắm thị phi này sẽ làm, mà bất ngờ vì anh chàng ca sĩ này cũng bị rơi vào cái trào lưu hoang tưởng trong thời gian gần đây. Ít nhất là trong khoản mở nhiều công ty rồi tạo thành một “tập đoàn” và việc sẽ ra mắt mạng xã hội dành riêng cho fan hâm mộ.
Khi nói đến chứ “tập đoàn”, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới những tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai hay tập đoàn Vin Group cũng đã xuất hiện lâu đời nhưng gần đây mới bắt đầu có tiếng tăm. Nhưng thật sự từ “tập đoàn” trở nên hot và được nhiều người để ý đến sau câu chuyện về công ty Alibaba. Cũng vì vậy mà tôi lại thấy buồn cười về khái niệm “tập đoàn” đang bị lạm dụng quá bừa bãi trong thời gian gần đây.
Tập đoàn có thể hiểu đơn giản là một công ty rất lớn, họ có hàng chục thậm chí hàng trăm công ty con trực thuộc, hoạt động trên nhiều ngành nghề. Nhưng tập đoàn của ca sĩ Sơn Tùng thì chỉ có 3 công ty với ngành nghề kinh doanh giống hệt nhau. Lại câu chuyện về tập đoàn, vài hôm trước có ghé qua website của “tập đoàn” Yeah1, họ cũng tự xưng là tập đoàn với “nhiều” ngành nghề. Nhưng những gì mà mọi người thấy cũng chỉ là những kênh truyền hình tẻ nhạt, còn network của họ thì cũng đang thất thế trước sự tấn công của công ty Metub.
Có lẽ họ đã quá vội vàng khi tự xưng mình là một tập đoàn hoặc định hướng phát triển sẽ trở thành một. Ông bà mình có câu “nói trước bước không qua” hoặc “thùng rỗng kêu to. Cho dù tôi đang chúc họ sẽ thành công trên con đường sắp tới và Việt Nam sẽ có nhiều tập đoàn và còn xuyên quốc gia nữa, nhưng quả thật với những “tập đoàn” hiện tại thì đó đang là một điều hoang tưởng. Ít nhất là cho đến thời điểm bây giờ.
Sang đến câu chuyện về những mạng xã hội. Hiện giờ khó ai có thể liệt kê được Việt Nam có tất cả bao nhiêu mạng xã hội. Cứ vài tháng lại xuất hiện một mạng xã hội. Các công ty ảo tưởng về big data, blockchain các kiểu thì không nói rồi, đến những công ty lớn như VC Corp cũng bị ảo tưởng về cái mạng xã hội Hoa Sen của mình, rồi đến chính phủ cũng bị rơi vào cái trào lưu mạng xã hội này với mạng xã hội tuyên giáo VCNET hay mạng xã hội giáo dục Dạy Học. Không biết còn bao nhiêu mạng xã hội của chính phủ đã được tạo ra trong thời gian gần đây nữa vì tôi không quan tâm, cũng không rõ mạng xã hội của ban tuyên giáo đã đăng nhập được chưa.
Họ cứ nhìn theo sự thành công của Facebook rồi tự ảo tưởng về cái mạng xã hội dành cho một nhóm đối tượng nào đó. Nhưng họ lại quên một thứ rất quan trọng trong kinh doanh, đó là khi làm một thứ gì đó giống người khác, bạn chỉ có thể thành công khi thứ bạn làm ra tốt vượt trội hẳn so với thứ đang tồn tại. Facebook đã từng đánh bại MySpace với những tính năng vượt bậc mà mạng xã hội cũ kỹ này không chịu thay đổi. Còn các mạng xã hội mà Việt Nam chúng ta đang làm thì sao? Chúng chẳng khác nào phiên bản hàng rởm của Facebook. Tính năng y hệt nhưng ít hơn, giao diện giống hệt nhưng xấu hơn. Vậy thì tại sao người dùng lại phải bỏ một mạng xã hội đang “tốt” để sử dụng một mạng xã hội rởm hơn?
Khi xảy ra vụ án của trường “quốc tế” Gateway, người ta lại nháo nhào lên về khái niệm “quốc tế”. Trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, công ty quốc tế, tập đoàn quốc tế,… Tất cả đều mang cái mác “quốc tế” để lấy le với khách hàng. Khách hàng nghĩ rằng nó là một tổ chức quốc tế thật sự, tưởng rằng tổ chức ấy có những con người nước ngoài tiến bộ bên trong, nhưng hóa ra lại toàn là người Việt, lại còn đồ rởm nhiều hơn đồ tốt.
Nhìn lại thì hầu hết những doanh nghiệp mang cái nhãn “quốc tế” đều chẳng phải quốc tế gì cả, chỉ gắn cái nhãn để oai hoặc dụ khách hàng tin vào họ. Sự thật thì từ “quốc tế” ấy là tên của công ty chứ không phải mà một tính từ để chi rằng công ty ấy có tính chất quốc tế. Thế nhưng khách hàng vẫn cứ ào ào tin vào những công ty “quốc tế”, còn các công ty cũng thi nhau gắn cái nhãn “quốc tế” vào tên công ty.
Chuyện về trường Gateway là một câu chuyện đau thương và gây phẫn nộ dư luận. Nhưng chuyện “quốc tế” cũng không thiếu những câu chuyện cười không nhặt được mồm. Có thể điển hình là chuyện một nhân vật nổi tiếng lên gọi vốn cho một công ty tự xưng là “quốc tế”. Cô còn tự xưng mình là một chuyên gia tư vấn hạnh phúc trong khi hôn nhân của mình thì chẳng đâu tới đâu.
Có thể chương trình đã được quay trước khi vụ án về trường Gateway xảy ra, cho nên Phi Thanh Vân vẫn còn tự hào về khái niệm “quốc tế” trong khi dư luận đang xôn xao về vấn đề này.
Còn rất nhiều khái niệm mỹ miều khác đang được sử dụng một cách tràn lan đầy hoang tưởng. Những doanh nghiệp muốn dùng chúng để đánh bóng tên tuổi của mình. Một số thì bắt chước theo trào lưu, thấy người ta làm thì làm theo mặc dù chẳng người nào thành công, điển hình là mạng xã hội. Một số khác lại ảo tưởng sức mạnh về khả năng và thực lực của mình, ảo tưởng về những thứ viễn vông như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,… Nghĩ là một chuyện, nhưng làm thì lại là một chuyện khác. Vì phải xem nó có hợp lý không, có đem lại kết quả không. Nhưng người ta có tiền thì làm gì chả được, đâu ai dạy người giàu cách tiêu tiền.