Trượt đại học thì làm gì?
Vậy là kỳ THPT quốc gia đã kết thúc, vui có buồn có. Tất nhiên, sẽ luôn có người trúng tuyển vào trường mà mình mong muốn, và sẽ có người không được như kỳ vọng. Nếu như bạn có lỡ không may trúng tuyển vào ngành mà mình mong muốn. Bạn buồn bã khi nhận được điểm thi mà không có một giấy báo trúng tuyển nào kèm theo. Bạn lên mạng gõ cụm từ “trượt đại học thì làm gì?”. Hay “làm gì khi trượt đại học?”. Và bạn được chị Google đưa đẩy đến bài viết này, thì đây chính là nơi có thể giải đáp thắc mắc cho bạn.
Nếu như bạn trượt đại học, đừng vội buồn bã mà nghĩ rằng cuộc đời của bạn coi như đã chấm dứt. Như ai đó đã từng nói rằng:
Khi cánh cửa này khép lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra
Nên luôn luôn có con đường cho bạn đi cho dù bạn có trượt đại học. Đừng lo lắng quá bạn nhé.
Trước tiên, bạn phải xác định tầm quan trọng của việc học đại học đối với bạn là gì. Bạn đam mê học ngành đó ở trường đó? Bạn muốn mình được học đại học ở trường đó? Bạn muốn mình được học đại học? Cha mẹ bạn muốn bạn phải học được ngành đó ở trường đó? Cha mẹ bạn muốn bạn phải học đại học ở trường đó? Cha mẹ bạn muốn bạn học đại học?
Các câu hỏi trên trông tương tự nhau phải không nào? Nhưng thực ra nó lại rất khác nhau, dẫn đến câu trả lời cũng rất khác nhau. Phần đầu tiên, mình sẽ đưa ra cách giải quyết trong các trường hợp trên.
Nếu như bạn đam mê và rất thiết tha được học ở ngành đó, bạn hãy xem xét kỹ lưỡng mục đích của mình. Bạn đam mê ngành đó và bạn muốn học ở trường đó vì trường đó là ngôi trường có chất lượng. Bạn có thể học được những thứ tốt nhất về ngành mà mình yêu thích. Hay bạn chỉ đơn thuần là cuồng say cái ngành và cái trường đó. Nếu như mục đích chính của bạn là muốn theo đuổi cái ngành chứ không phải cái trường, bạn muốn có kiến thức về ngành đó, bạn hoàn toàn có thể đăng ký vào nguyện vọng 2 ở một ngôi trường khác cũng tuyển sinh vào ngành đó.
Tất nhiên ngôi trường kia sẽ không thể nào tốt bằng ngôi trường ở nguyện vọng 1. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, việc học là ở bạn, không phải ở người dạy bạn. Học đại học khác rất nhiều so với học phổ thông. Khi học đại học, bạn phải chủ động mọi thứ. Giảng viên chỉ đóng vai trò là người cố vấn cho bạn, còn lại mọi thứ bạn phải tự học.
Khi học đại học, bạn không thể đổ lỗi rằng giảng viên không dạy cái này, không dạy cái kia cho bạn. Bạn cũng không thể yêu cầu họ dạy cái này hay cái kia. Mà mọi thứ bạn phải tự tìm hiểu và học hỏi, họ chỉ đóng vai trò là người cố vấn, giải đáp những vướng mắc mà bạn mắc phải. Đôi khi thậm chí họ còn không giải quyết được vì không có thời gian. Nói dài dòng như vậy để bạn hiểu rằng, khi học đại học, mọi đều phải từ sự nỗ lực tự học của bạn. Bạn hoàn toàn có thể trở thành một con người tài giỏi dù bước ra từ một ngôi trường kém chất lượng.
Còn nếu bạn vẫn khăng khăng muốn thì vào ngôi trường đó, thì Okay, năm sau thi lại thôi. Mình khuyên bạn không nên dành ra cả một năm trời chỉ để ôn thi cho kỳ thi lần sau. Bởi vì thời gian một năm không phải là ngắn, bạn sẽ rất dễ quên đi những kiến thức mà bạn đã ôn từ đầu năm. Cho nên tốt nhất bạn chỉ ôn trong vòng 6 đến 4 tháng trước khi kỳ thi diễn ra.
Khoảng thời gian đầu bạn có thể làm thêm việc gì đó để kiếm thêm thu nhập, hoặc đi chơi đâu đó, thăm người thân, họ hàng để thư giãn đầu óc. Số tiền bạn kiếm được trong khoảng thời gian làm thêm này có thể giúp bạn ổn định được phần nào về tài chính khi bước vào năm học mới.
Đến với câu hỏi thứ 2, đó là bạn chỉ muốn được học ở trường đó, không quan trọng nhiều về ngành học. Vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn danh dự, sĩ diện, hay chỉ đơn giản là đú cho bằng bạn bằng bè. Mình tôn trọng lý do và quyết định của bạn. Với trường hợp này, bạn có thể chọn vào một ngành khác mà trường này đang xét tuyển nguyện vọng 2, hoặc năm sau thi lại với ngành khác dễ thở hơn.
Tuy nhiên, với quyết định này, bạn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề khi bạn bắt đầu vào học. Bạn sẽ học ngành mà mình chẳng hề thích thú, đôi khi là nhàm chán. Bạn sẽ phải cố chịu đựng trong vòng 4 năm trời để cầm được tấm bằng khi ra trường.
Những trường đại học hiện nay đa phần đều có chương trình học cùng lúc 2 chương trình đào tạo, bạn hoàn toàn có thể chọn học ngành 2 cho ngành mà mình yêu thích. Thông thường, bạn sẽ được đăng ký học ngành 2 sau khi hết năm 2 đại học. Mình khuyên bạn không nên lựa chọn quyết định này. Vì với quyết định này, bạn sẽ phải gặp rất nhiều áp lực, đặc biệt khi mà bạn đang ở lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, tuổi 20. Bạn sẽ trải qua tuổi trẻ vô cùng khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, đôi khi bạn sẽ phải hối hận sau này.
Nếu bạn chỉ đơn giản là muốn được học đại học, lý do như mình đã nói ở trên, thì thật là đơn giản, tìm trường nào có xét tuyển nguyện vọng 2 mà vào thôi. Tất nhiên, sự lựa chọn này cũng đem lại rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Đa số các trường như thế đều là các trường tư thục, mức học phí rất cao.
Quan niệm của số đông vẫn đánh giá thấp các sinh viên tốt nghiệp từ trường này. Cho nên bạn phải cân nhắc đến vấn đề tài chính của gia đình, đừng để vì ước mơ học đại học mà làm gia đình bạn phải lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí là nợ nần. Đến lúc bạn tốt nghiệp, phần đông người ta vẫn đánh giá thấp tấm bằng của bạn. Cho nên cơ hội có việc làm của bạn hầu như là rất thấp so với việc tốt nghiệp ở các ngôi trường danh tiếng hơn.
Như mình đã nói ở trên, việc học đại học chủ yếu là tự học, cho nên không phải không có cách để bạn có được kiến thức và được trọng dụng cho dù tốt nghiệp ở một ngôi trường không có chất lượng. Đôi khi bạn còn được làm việc ngay khi ra trường nữa. Vậy thì làm cách nào? Đơn giản thôi, hãy làm thứ gì đó thực tế liên quan đến ngành bạn đang học ngay khi bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng biết cái làm gì cho nó thực tế được trong khi vẫn liên quan đến ngành học chứ? Nếu bạn thật sự muốn, bạn sẽ tìm được câu trả lời ấy. Bạn học về kinh tế, marketing, quảng cáo, quản trị kinh doanh, bạn có thể bán một cái gì đó. Bán online hoặc thậm chí là mở một cửa hàng nho nhỏ ngay tại phòng trọ. Bạn áp dụng tất cả kiến thức mà mình học được để áp dụng vào đó, marketing sản phẩm của mình đến với mọi người. Dùng kiên thức của mình để nghiên cứu thị trường, quản lý hoạt động kinh doanh của bạn.
Bạn sẽ có được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm khi làm việc thực tế như vậy. Khi ra trường, CV của bạn sẽ dài hơn, đẹp hơn, cơ hội việc làm của bạn cũng cao hơn người khác. Thậm chí, bạn chẳng cần phải đi xin việc nữa, bạn có thể tiếp tục kiếm tiền và làm giàu với công việc hiện tại.
Bạn học về công nghệ thông tin, bạn có thể bắt đầu phát triển một phần mềm nào đó. Nó giúp bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm khi triển khai thực tế, sau này có cái để mà khoe với nhà tuyển dụng. Và đôi khi bạn có thể biến nó thành công việc thật sự.
Bạn học về hướng dẫn viên du lịch, bạn có thể làm video giới thiệu về du lịch, hoặc viết bài về nó. Bạn học về báo chí, bạn có thể làm cộng tác viên cho vài tờ báo nào đó, hoặc tự tạo ra một blog cho riêng mình.
Bạn hoàn toàn có thể tìm được những việc có thể giúp bạn trao dồi kiến thức và kinh nghiệm về ngành học của bạn. Nhưng đôi khi, nó chỉ đem lại cho bạn kiến thức và kinh nghiệm chứ không giúp bạn kiếm được số tiền nhiều như bạn mong muốn. Việc này bạn cần phải suy nghĩ cẩn thận. Vì nếu bạn không dư giả về điều kiện tài chính, bạn có thể không làm được những việc ấy.
Nếu như việc phải học đại học của bạn là mệnh lệnh của phụ huynh, thì bạn có 2 cách giải quyết như sau: Cách thứ nhất, dùng hết sức lực và sự trợ giúp từ tất cả mọi người mà bạn quen biết được, làm thay đổi tư tưởng của cha mẹ bạn. Mình xin kèm theo vài bài báo về vấn đề trên, bạn có thể đưa cho họ đọc. Tại đây, đây, đây, và đây nữa. Cách thứ 2 là tiếp tục làm con ngoan nghe theo lời họ thôi. Tùy vào mức độ mà chọn lựa chọn phù hợp như mình đã tư vấn ở phía trên.
Đã xong vấn đề đối với những người vẫn muốn quyết tâm học đại học cho đến cùng. Bây giờ sẽ là những lời tư vấn dành cho những ai không muốn học đại học nữa.
Không phải ai cũng đủ sức, đủ lực để học đại học. Cũng không phải gia đình nào cũng có đủ tài chính để nuôi con mình ăn học. Cho nên việc bạn dừng lại ở tấm bằng cấp 3 là chuyện rất bình thường. Chúng ta vẫn thường đùa vui với nhau rằng trượt đại học chỉ có đường đi phụ hồ hoặc đi nghĩa vụ thôi. Cũng đúng đấy.
Trước tiên, ta hãy xét đến trường hợp bạn không muốn học đại học nhưng vẫn có thể làm những công việc khá sang chảnh như những người học đại học. Ngồi trong văn phòng, làm việc với giấy tờ, thậm chí là gõ máy tính cọc cọc nữa. Chuyện này hoàn toàn có thể.
Bạn có thể xin vào các vị trí bán hàng tại các trung tâm mua sắm, làm bảo vệ đôi khi cũng khá nhàn rỗi, làm nhân viên kinh doanh (sales)… Có rất nhiều công việc văn phòng, hoặc nhẹ nhàng mà họ chẳng yêu cầu đến bằng đại học hay cao đẳng, trung cấp gì đâu.
Nếu như bạn có ngoai hình một chút, bạn có thể làm phục vụ trong các quán cà phê, nhà hàng sang trọng, ngày nào cũng được ăn mặc đẹp cả. Có một người bạn của một người bạn của mình dù chỉ học hết phổ thông thôi, cũng nhỏ hơn mình vài tuổi nhưng giờ người đó đang làm cho một công ty truyền thông, chuyên chụp ảnh những người nổi tiếng và sản xuất ra các video chất lượng. Tuy nhiên, con đường này cũng khá gian nan, không phải ai cũng làm được.
Đi nghĩa vụ cũng là một cách giết thời gian hiệu quả. Đôi khi khoảng thời gian từ 18 đến 20 tuổi bạn chẳng biết phải làm gì. Thay vào đó chúng ta có thể tự hoàn thiện bản thân mình trong môi trường quân đội khắc nghiệt. Bạn sẽ học được cách để trưởng thành hơn, sống lành mạnh hơn, đôi khi còn có được một cái nghề sau khi xuất ngũ nữa.
Vẫn có cách để bạn thăng tiến trở thành công an hoặc sĩ quan khi đi nghĩa vụ, tuy nhiên cơ hội này cực kỳ thấp. Khi đi nghĩa vụ, bạn vẫn được trả lương, nếu chịu khó dành dụm tiết kiệm, bạn sẽ được một khoảng tiền nho nhỏ.
Các anh bộ đội sau khi xuất ngũ cũng sẽ được đặc cách một khóa học nghề miễn phí. Bạn có thể học bất kỳ nghề gì có trong chương trình dạy nghề được quy định. Thông thường, đa số sẽ học làm tài xế lái xe tải. Tổng chi phí để có bằng tài xế xe tải khoảng 10 triệu, tuy nhiên, với đặc cách này, bạn sẽ có được tấm bằng tài xế mà không phải tốn một xu nào.
Lựa chọn tốt nhất, ổn định nhất vẫn là đi làm công nhân thôi. Với công nhân lao động phổ thông, các doanh nghiệp chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT là đủ. Sự lựa chọn tốt nhất cho nghề công nhân là bạn hãy tìm những công ty của Nhật, môi trường làm việc của các công ty Nhật là rất tốt.
Lương của công nhân hiện tại cũng khá cao, nếu bạn làm việc chăm chỉ và tăng ca thường xuyên, bạn hoàn toàn có thể dư giả về tài chính. Xung quanh mình cũng có rất nhiều người làm công nhân và họ đang dư giả rất nhiều, nhiều hơn mình rất nhiều lần.
Đã nhắc đến trượt đại học thì không thể không nhắc đến phụ hồ phải không nào? Tuy đây là công việc nặng nhọc, làm việc với môi trường khắc nghiệt, nhưng phụ hồ là một công việc đem đến thu nhập khá cao đấy. Nếu bạn làm phụ hồ cho những công ty đàng hoàng, bạn sẽ được bảo hộ lao động đầy đủ, được làm 8 tiếng một ngày và được đóng đầy đủ bảo hiểm như những ngành nghề khác. Làm phụ hồ cho tư nhân nhỏ lẻ cũng được nghỉ ngơi đàng hoàng, không còn chuyện phải làm quần quật như lúc xưa nữa. Lương phụ hồ hiện tại cũng khá cao, dao động từ 150 nghìn cho đến 300 nghìn một ngày. Nếu bạn chăm chỉ và siêng học hỏi, bạn có thể trở thành thợ chính sau này, mức lương cũng cao hơn.
Vì bản chất công việc phụ hồ là nặng nhọc và khắc nghiệt nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn sau này. Bạn sẽ rất dễ mắc các bệnh thường gặp của người lao động chân tay nếu như bạn làm phụ hồ trong một thời gian dài liên tục. Nếu làm phụ hồ, bạn phải biết tiết kiệm, sau khi làm khoảng 5 đến 10 năm thì nên nghỉ, dùng số tiền ấy để làm việc khác.
Còn nếu bạn muốn một cái gì đó bền vững hơn, ổn định hơn, học nghề cũng là một sự lựa chọn rất tốt. Bạn chỉ cần bỏ ra vài tháng cho tới một năm thôi, bạn sẽ có được cái nghề trong tay. Có tay nghề rồi, bạn có thể đi xin việc ở những nơi họ đang tuyển. Rất nhiều công ty, xí nghiệp tuyển dụng các vị trí cần có tay nghề như đứng máy CNC, lái xe nâng, lái máy xúc,… Những vị trí này được trả lương rất cao. Sau một thời gian, bạn có thể về tự mở cửa hiệu cho riêng mình.
Trường hợp cuối cùng, là những bạn trẻ gia đình có đầy đủ điều kiện. “Con ơi, con học làm gì, về nhà bố mẹ nuôi”. Cộng với việc chẳng muốn học đại học làm gì. Thì cứ việc về gánh vác sự nghiệp của gia đình thôi. Đâu cần phải đổ xô đi làm công nhân, đi học nghề làm gì trong khi tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, mình vẫn khuyên bạn nên bước ra đời với các công việc trên trong vòng vài năm để có kinh nghiệm sống. Có nhiều kinh nghiệm trong thực tế sẽ giúp bạn tiếp quản công việc của gia đình được tốt hơn, giúp cho sự nghiệp ngày càng phát triển.
Hayzo. Có quá nhiều con đường để bạn lựa chọn nếu như trượt đại học rồi phải không nào? Đâu nhất thiết phải có tấm bằng đại học cho bằng được đâu. Chỉ cần bạn có đủ tiền nuôi sống mình và gia đình, chỉ cần bạn cảm thấy vui với cuộc sống hiện tại là đủ. Quan tâm chi xã hội thị phi.