30 tháng 4 là một ngày buồn
Đây không phải là một bài viết về chính trị, cũng không phải bài viết kiểu “hồi tưởng lại quá khứ vàng son” gì cả. Đây đơn thuần chỉ là một bài viết về những thứ đã mất đi hoặc đã bị thay đuổi theo chiều hướng không còn được tốt nữa, để mọi người được biết thêm những gì mà mình chưa từng được biết, rằng ngày 30/4 năm 1975 là một ngày buồn dành của dân tộc Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết và hiểu được nó.
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh Độc Lập thất thủ, kết thúc hoàn toàn chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, chấm dứt tình trạng đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc. Trước khi chế độ VNCH hoàn toàn sụp đổ, trong nội bộ của họ đã có nhiều mâu thuẫn, đảo chính, xâu xé nhau diễn ra liên tục và công khai, cho thấy sự sụp đổ là điều chắc chắn, cũng vì lý do đó mà nước Mỹ đã ký kết hiệp định Paris, bỏ lại chính quyền VNCH vốn bị lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ lại một mình. Mỹ rút khỏi Việt Nam không phải vì sự thất bại của các cuộc tiến công vào lãnh thổ phía Bắc, mà bởi vì chính người Việt đã khiến họ không muốn tiếp tục làm điều vô nghĩa là bảo trợ cho chính quyền VNCH nữa. Trong khi nước Mỹ chu cấp cho VNCH mọi thứ, thì họ lại không lo đánh giặt phía bắc mà cứ xâu xé, tranh giành quyền lực với nhau, Việt Nam chẳng còn gì để họ phải vương vấn.
Ngay từ ngày 29 tháng 4, Mỹ đã tổ chức một cuộc di tản lớn nhất bằng trực thăng để đưa toàn bộ người Mỹ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và những người cán bộ cấp cao của người Việt, kế hoạch được thông qua một cách khẩn cấp do sự tấn công của quân đội Cộng sản phía Bắc diễn ra quá nhanh. Đáng lẽ ra Mỹ chỉ đưa những người của họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng vì giữ lời hứa với những con người kia, họ đã phải đưa những người Việt thất trận bởi chính họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, gánh thêm một gánh nặng về người nhập cư sau đó mà bây giờ có cái gọi là little Saigon ngay giữa đất Mỹ.
Cuộc di tản này đã gặp phải một bất ngờ vô cùng lớn, ai cũng biết đến cuộc di tản này. Vậy là một cuộc chen lấn chết chóc diễn ra để những người Việt được tháo chạy khỏi Sài Gòn. Hàng trăm ngàn con người chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để được lên trực thăng, một cảnh tượng không bao giờ xảy ra lần thứ 2 trong đời. Cảnh quay những người trên tàu xô đổ chiếc trực thăng xuống biển để nhường chỗ cho người đứng sau này được chính quyền cộng sản mô tả đó là cảnh những người Việt xô đổ trực thăng vì họ bất mãn với chính quyền. Hàng trăm ngàn người được đưa ra tàu lớn để sang Mỹ, một chuỗi ngày dài của đói khát, bệnh tật dành cho họ đã bắt đầu. Những người còn lại, họ cướp máy bay, trực thăng của chính quyền (lúc này đã không còn ai) để lao ra các hạm đội đang ở ngoài khơi với hy vọng sẽ được lên tàu. Nhưng không phải ai cũng may mắn, xăng dầu cũng cạn và họ đã bị chôn vùi dưới đáy biển sâu mãi mãi cùng với số vàng bạc, nữ trang mà họ mang theo bên mình.
Ngay sau đó, những cuộc đào tẩu bằng đường biển diễn ra hàng loạt. Hàng triệu người Việt với những chiếc tàu gỗ được đóng qua loa, lênh đênh trên biển mà không chắc chắn được số phận của mình sẽ đi về đâu, họ có gặp được nước Mỹ tự do hay sẽ làm mồi cho cá ngoài biển. Chỉ một phần nhỏ trong đó còn sống sót cặp bến nước Mỹ, trở thành công dân Mỹ. Vài chục năm về sau, khi họ đã có những thành công nhất định, thì người ta lại lấy cái gốc người Việt của họ để tự hào về đất nước mình.
Từ khi chính quyền cộng sản chiếm được Sài Gòn, cả miền nam Việt Nam bước vào thời kỳ đầy khủng hoảng và đen tối. Những người lính VNCH bị bắt đem vào các trại cải tạo mà họ gọi là trải cải huấn, vùng kinh tế mới. Họ bị đối xử tàn nhẫn, lao động đến cạn kiệt nhưng chẳng có tài liệu nào ghi chép lại về điều đó. Khoảng thời gian sau đó, kéo dài cho đến tận bây giờ, họ bị chính quyền cộng sản kỳ thị, luôn dành những điều xấu xa nhất để áp đặt vào họ. Họ bị nghi ngờ, kỳ thị, bị coi là những kẻ ác ôn. Con cái họ không được tham gia vào những việc có liên quan đến hành chính, nhà nước. Không ai muốn kết hôn với họ, bạn bè kỳ thị, không quan hệ với họ. Thế hệ trẻ bị nhồi nhét vào não cái hình ảnh những tên lính nguỵ vô nhân tính. Ngay thời điểm bây giờ, đã hơn 40 năm trôi qua, cái quá khứ là người lính VNCH vẫn là một thứ gì đó đen tối giữa xã hội này mặc dù họ cũng chỉ là những người lính phục vụ cho tổ quốc của mình.
Đã từng có một cuộc chiến trên đảo Hoàng Sa giữa những người lính VNCH với quân đội Trung Quốc. Toàn bộ quân VNCH đã bị tiêu diệt không còn một người. Nhưng chẳng ai biết được điều đó, và cũng không có một ngôi mộ nào dành cho người lính của VNCH. Sau khi cuộc nội chiến nước Mỹ kết thúc, tướng Lee – người lãnh đạo quân đội liên bang miền nam – được ca ngợi như một vị anh hùng dân tộc mặc dù liên bang miền nam đã thất bại. Ông được ca ngợi cho đời sau, tượng của ông được xây ở nhiều nơi, những người lính thua cuộc được chôn cất tại những nghĩa trang với danh nghĩa là những anh hùng của dân tộc. Còn ở Việt Nam, kẻ thua cuộc chính là kẻ xấu.
Điều đầu tiên mà chính quyền cộng sản làm sau khi chiếm lĩnh chính quyền là triển khai kế hoạch “đánh tư sản”. Toàn bộ tài sản, nhà cửa đều bị tịch thu đem ra bắc, phục vụ cho việc xây dựng thủ đô. Nhà cửa bị tịch thu giao cho thân nhân của cán bộ vào ở, những người trong nhà bị đem vào các vùng kinh tế mới, các hợp tác xã mà sự đói khát chắc chắn sẽ đến. Chỉ cần có tài sản, bất kể đó là tài sản do bóc lột hay tài sản do làm ăn chân chính mà có đều bị tịch thu. Hàng triệu chiếc xe hai bánh, bốn bánh được đưa lên những chuyến tàu hoả đem ra bắc. Có thể nhìn thấy trong những bức ảnh về Sài Gòn trước năm 1975 chỉ toàn xe Vespa. Tiền bạc bị đổi với tỷ giá thực chất là xóa bỏ hoàn toàn tiền cũ. Họ xông vào nhà tịch thu tài sản, lục lọi những của cải được cất giấu, bắt bớ thanh niên vào các trại cải tạo để phục vụ cho công cuộc tái thiết của họ. Những con người vượt biên đã may mắn thoát khỏi sự tịch thu trắng trợn ấy, nhưng chưa chắc họ đã may mắn trên mặt nước biển. Trong khi đó, những kẻ nắm chính quyền lại được cơ hội vơ vét những tài sản ấy mà trở nên giàu có sau này.
Toàn bộ nền kinh tế bị xoá bỏ hoàn toàn và thay vào đó là chế độ bao cấp. Mọi hoạt động buôn bán, tích trữ hàng hoá đều là phạm pháp và có thể bị bắt đem vào các trại cải tạo bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ người dân miền Nam đói khát như lúc này. Ruộng đất bị tịch thu, thay vào đó là mô hình hợp tác xã, kẻ không làm gì và kẻ làm như trâu như bò vẫn được phân phát thành quả như nhau, chẳng ai làm việc cho một mảnh đất không phải của mình để được trả công ít ỏi ngang bằng nhau cả. Tiền bạc không còn giá trị, chợ búa biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, lương thực thực phẩm được phân phát bằng tem phiếu, nạn đói lại một lần nữa xảy ra, không phải do chiến tranh tàn phá các cánh đồng, mà do không ai được làm việc cho chính cánh đồng của mình. Tất cả mọi cơ sở sản xuất đều thuộc độc quyền của nhà nước, không cần thay đổi công nghệ mà cũng chẳng cần cạnh tranh với ai, hàng hoá không có chất lượng, người tiêu dùng chỉ còn cách dùng chúng để tồn tại hoặc là không dùng.
Nền giáo dục tiên tiến bị xoá bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một nền giáo dục nhồi sọ, tẩy não. Con em bị bắt đóng hàng chục thậm chí hàng trăm khoản phí vô nghĩa, bị học ngày học đêm những thứ chẳng đâu ra đâu. Nói về giáo dục, có lẽ phải có cả một bài viết khác để nói về điều này. Những con người có học vấn trước năm 1975 đều không được trọng dụng, hoặc được sử dụng một cách e dè. Mọi tài năng đều bị xoá bỏ. Sẽ chẳng có điều gì lạ nếu như bây giờ bạn gặp một ông lão nghèo khó nào đó ngoài đường nhưng lại có kiến thức của một vị tiến sĩ. Tóm lại, toàn bộ nền tri thức đều bị xoá bỏ hoàn toàn và thay vào đó là một nền giáo dục tẩy não đầy thảm hại.
Toàn bộ những giá trị văn hoá, tinh thần đều bị xoá bỏ chỉ vì nó được tạo ra trong chế độ chính quyền cũ. Những bản nhạc đi vào lòng người bị cấm đoán, bị xem như là một thứ văn hoá phẩm tuyên truyền phản động. Những quyển sách cũng bị cấm, nếu không cấm thì cũng không bao giờ được tái bản một lần nào nữa. Toàn bộ những sản phẩm tinh thần như phim ảnh, truyện, thơ ca,… đều bị xoá bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những sản phẩm ca ngơi “Đảng và Bác Hồ”. Bạn sẽ vô cùng khó khăn khi tìm ra một đĩa cải lương được tạo ra trước năm 1975, chuyện đó hầu như không thể. Thay vào đó là những văn hoá phẩm thảm bại, những tác phẩm chẳng mang lại một giá trị nào ngoài sự nhồi sọ về tư tưởng.
Các cơ sở vật chất bị phá huỷ hoặc “để đó cho có”. Dần dần cũng bị phá huỷ và thay vào đó bằng những dự án mà chẳng ai có thể tưởng tượng ra nổi. Sài Gòn bị đổi tên thành tên của người được tôn thờ là vị lãnh đạo của dân tộc. Dù vậy, cho tới tận bây giờ, người ta vẫn gọi nó với cái tên thân thuộc là Sài Gòn hoặc chỉ gọi là Thành Phố. Cách nói chuyện của người miền nam cũng bị bắt buộc thay đổi, những thế hệ sau này đã quên đi luôn tiếng mẹ đẻ của mình. Sẽ chẳng còn “Bịnh viện”, “bùng binh”, “Nhật Bổn”, “sanh hoạt”, “hạng nhứt”, “chủ nhựt”, “qua – bậu”,… nữa.
Xã hội trở nên thối nát. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, con người phải làm việc cực nhọc mà không được trả công tương xứng. Tham nhũng dày đặt, người ta đã quen với việc chạy chọt để có được một chân trong cơ quan nhà nước và xem đó như một chuyện bình thường. Người dân không được phát biểu ý kiến, nói lên quan điểm của mình, mọi lời nói cho dù là tích cực nhưng chỉ cần liên quan đến “chuyện chính trị” đều bị quy chụp là phản động và bị bắt bớ, đánh đập bất kỳ lúc nào. Người dân không được chọn ra người lãnh đạo cho đất nước, cũng chẳng được ứng cử để tham gia vào quản lý đất nước (thực chất bạn có quyền tự ứng cử và tự ứng cử được, nhưng chắc chắn bạn sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe). Giờ đây, còn người ta bị cám dỗ bởi những thứ vô bổ, nhảm nhí, lý tưởng sống không có, tri thức nghèo nàn. Xã hội Việt Nam không khác nào thời kỳ trước khi bị thực dân Pháp xâm chiếm.
Và còn rất nhiều điều nữa, tất cả đều là những câu chuyện buồn được bắt đầu từ khi đất nước Việt Nam bị thay đổi. Trên đây chỉ là tóm tắt một vài thứ đơn giản nhất để mọi người tham khảo. Nếu bạn hiểu, bạn sẽ còn thấy những điều mà tôi đã nói ra còn rất ít so với thực tế. Tôi kể ra không phải để thay đổi một điều gì, cũng không phải để đả kích, hay hồi tưởng này nọ. Tôi viết để những ai chưa biết gì sẽ biết được chúng ta đã từng có gì và đã và đang mất đi những gì. Cuộc sống luôn phát triển, những thứ lạc hậu, tồi tàn sẽ dần bị đào thải một cách tự nhiên, ta phải nhìn nhận mọi thứ từ cái nhìn đa chiều thì mới có thể phát triển để không phải tự huỷ diệt mình như các quốc gia đã từng biến mất khỏi bản đồ.
Ngày 30 tháng 4, tôi đã từng tự hào về ngày đó, nhưng nay đã không còn nữa. Nhưng những người khác thì vẫn mang trong mình một niềm tự hào vô bờ bến và lòng họ đang vui mừng để đón nhận một ngày lễ kỷ niệm lớn nhất của đất nước.
Vui buồn lẫn lộn
Vui hay buồn tùy vào định nghĩa của mỗi người. Do em dạo này cũng bận quá xá nên không viết kỹ được
Chú viết nhiều bài nhạy cảm quá!
Cẩn thận đó chú :stick:
Nhạy cảm hay không là do người đọc tự suy nghĩ thôi, miệng lưỡi thiên hạ họ muốn nói gì thì mình cũng đâu cản được. Nếu sống trên đời mà cứ giả câm giả điếc thì thà làm một con gà công nghiệp, ăn rồi ngủ cho đến lúc lên chảo còn có ý nghĩa hơn làm một con người mà chỉ cắn răng tồn tại.
Với lại cái blog này có ai vào đọc đâu 😀
Sao không?! Tui đang đọc nè. Khà khà khà…