Vì cuộc đời là những chuyến đi

Tôi không nhớ rõ ai đã nói với tôi, hay tôi đã đọc ở đâu đó rằng cuộc đời của con người ta là những con đường dài. Đoạn đường ấy có lúc bằng phẳng, nhưng cũng có những đoạn đường lắm chông gai, gian nan, vất vả. Ở mỗi đoạn đường ấy, ta lại gặp thêm nhiều bạn bè mới, có thể là bạn thân, hoặc chỉ là người quen, cũng có thể là người nào đó đi qua trái tim ta cả đời hoặc ở một quãng thời gian nào đó, đôi khi lại là những kẻ thù. Nhưng phải thừa nhận rằng, ở mỗi giai đoạn, ở mỗi đoạn đường của cuộc đời đó, ta học hỏi được thêm rất nhiều điều, ta trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn. Và cuộc đời là một chuyến đi, một chuyến đi dài bất tận cho đến cuối đời. Đến một lúc nào đó, khi ngoảnh đầu nhìn lại, ta mỉm cười với những gì mà ta đã đi qua, dù tươi đẹp hay là những kỷ niệm buồn. Vì cuộc đời là những chuyến đi mà.

Thuở nhỏ, lúc tôi còn bé tí, hồi đó hình như tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Rồi một ngày nào đó, tôi cũng không còn nhớ rõ, tôi đã được anh chị dẫn sang chơi nhà hàng xóm, đó là những bước đi đầu đời rời khỏi tổ ấm gia đình của mình. Lớn lên tí nữa, tôi lại được đi xa hơn mộ tí. Mẹ tôi hồi đó có cha mẹ nuôi cũng là người cùng làng với ba tôi. Hồi xưa cũng nhờ đó mà cha mẹ tôi đến được với nhau. Nhà họ thì gần như là đầu xóm, còn nhà tôi thì giữa xóm, quan hệ của chúng tôi vẫn khắng khít dù mẹ tôi đã có chồng là ba tôi rồi. Bà thường xuyên đến thăm họ, và bà cũng thường dẫn tôi theo. Lúc đó đoạn đường gần một cây số ấy đã là quá xa xôi đối với tôi rồi. Tôi thường chỉ siêng năng lúc đi, còn lúc về thì lại khá lười nhát và cứ mong sẽ có một ai đó đưa mình về tận nhà.

Rồi tôi vào học lớp một, đó là lúc tôi bước đi những bước đi đầu tiên cả về thể xác lẫn kiến thức của mình. Hồi lớp một, tôi chỉ học trường làng mà thôi, cái trường dựng lên bé tạo và nghèo đến nỗi thầy giáo của chúng tôi còn không có cả một cái ghế để mà ngồi. Rồi lên những lớp cao hơn, tôi không còn học ở ngôi trường làng đó nữa, nó đã bị giải tán vì có quá ít học sinh. Tôi học ở một ngôi trường khác nhưng cũng không quá xa nhà cho lắm, chỉ độ nửa cây số. Nhưng đối với tôi lúc đó, nó đã là quá xa rồi.

Đến khi lên trung học, tôi lại đi xa hơn một tí, hiểu biết rộng hơn một tí, và quen thêm được nhiều bạn bè lên một tí. Tôi gặp được những người bạn tâm đồng ý hợp với mình, nhưng cũng từ đó mà khoảng cách giữa tôi và một vài người bạn cũ cũng bắt đầu xa hơn. Mặc dù trước đó, chúng tôi đã từng là những người bạn rất thân thiết. Có lẽ càng đi xa hơn, tôi cũng càng bỏ lại sau lưng mình những con người đã từng sát cánh bên cạnh mình.

Rồi tôi vào học trường phổ thông ở thị trấn, cách nhà hơn mười mấy cây số. Lúc đó tôi phải ở nhà trọ vì nhà quá xa. Tôi đã bắt đầu học được cách tự lập, cách để có thể tự quản lý thời gian, tự chi tiêu với số tiền ít ỏi được gửi mỗi tuần. Những ngày đầu tiên thật bỡ ngỡ, thậm chí học kỳ đầu tiên ấy, học lực của tôi đã tuộc dốc thê thảm. Tôi đã đi xa hơn, hiểu biết rộng hơn, nhưng đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn, chông gai hơn. Khi mà cha mẹ không còn kề bên nhắc nhở, tôi phải tự mình phấn đấu, tự đối mặt với những cám dỗ của bản thân. Nhưng cũng từ đó, tôi đã tự mình trưởng thành hơn.

Càng đi xa, tôi lại càng thấy những đoạn đường mà mình đi qua lại càng nhỏ bé. Những gì mà ngày xưa mình cho là xa xôi, mệt nhọc thì giờ đây tôi lại cảm thấy nó thật nhỏ bé, thật gần gũi. Giờ tôi có thể tự mình đi bộ từ nhà đến trung tâm xã mà không hề thấy nó xa xôi gì, việc mà ngày xưa tôi tưởng như không thể. Hồi đó làng chúng tôi nghèo lắm, chỉ có những gia đình có con cái đi học trung học thì mới sắm cho một chiếc xe đạp, vậy mà có nhiều người sẵn sàng đi bộ cả đi lẫn về hơn mười cây số chỉ để mua một vài món đồ, đối với tôi ngày đó là một điều quá sức. Nhưng giờ đây, đôi chân của tôi đã cứng rắn hơn, tôi đã mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Những kiến thức mà khi xưa tôi đã từng rất tự hào, coi đó là một điều gì đó thật vĩ đại thì giờ đây lại trở nên quá nhỏ bé, vì tôi đã biết nhiều hơn, hiểu rộng hơn rất nhiều. Giờ tôi có thể suy luận những điều mà không ai chỉ bảo, có thể hiểu thấu đáo vấn đề mà không cần phải có người phân tích. Nhưng trên hết, càng đi xa hơn, tôi lại tự hoàn thiện bản thân mình hơn. Tôi đã bỏ dần đi cái tính hiếu thắng, ảo tưởng của bạn thân mình. Càng đi xa, ta lại thấy mình càng nhỏ bé, hiểu biết của mình tuy rộng ra, nhưng lại quá nhỏ bé với thế giới này. Tôi chỉ là một hạt cát trong vũ trụ rộng lớn này.

Nhưng càng đi xa, tôi lại càng xa rời người thân của mình hơn. Cha mẹ thì không đi theo chúng ta, anh chị em lại đi theo một hướng khác. Chúng tôi cứ thế, mỗi người một ngã đi về hướng đi riêng của mình, còn cha mẹ, họ vẫn ở lại phía sau lưng ta, và khoảng cách ấy càng ngày càng xa, ta đã càng ngày càng xa những người thân của mình. Thuở còn là những đứa trẻ, chúng tôi có thể vui đùa cùng nhau, chơi những trò chơi dân gian trẻ con thuở nào. Nhưng càng lớn, cái khoảng cách giữa chúng tôi lại càng lớn dần lên từ đó. Chúng tôi giờ đã trưởng thành, đã rời khỏi vòng tay che chờ của cha mẹ, lao vào vòng xoáy của cơm – áo – gạo – tiền. Chị tôi có chồng, anh tôi cũng sắp có vợ, còn tôi, tôi lại bon chen ở cái chốn thị thành không một người thân này. Tôi lao vào công việc, làm thêm với số lương chỉ đủ cho tiền ăn mỗi tháng. Cả những ngày lễ tôi cũng không thể về nhà, còn anh chị tôi, họ lại quay cuồng với cuộc đời công nhân nay đây mai đó, bị gia đình riêng của họ chi phối. Chúng tôi chỉ còn gặp nhau mỗi năm một lần vào kỳ nghỉ tết. Chúng tôi cũng không còn nhiều chuyện gì để nói, cũng không có nhiều trò vui nào để đùa.

Tôi ngày càng đi xa hơn, trưởng thành hơn nhưng cũng càng chai sần hơn. Một người bạn của tôi đã nói bông đùa rằng tôi đã bị “chai sạc” tinh thần. Tôi không hiểu hết câu nói đó, nhưng có lẽ đã đúng. Tôi đã càng đi xa hơn, tiếp xúc với nhiều thứ hơn, kể cả hay ho và những thứ không được tốt đẹp. Tôi nhận ra cuộc đời không chỉ có bề nổi của chúng, và phần chìm của tảng băng ấy là cả một sự rối rắm, xấu xa chứ không phải là một điều gì đó hay ho, lớn lao gì. Tôi hiểu rằng đồng tiền nào cũng tanh mùi máu, và tôi cũng gặp được những con người có thể không có gì trong túi nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ mình.

Ngày còn nhỏ, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, sang chơi nhà hàng xóm. Lúc đó khái niệm về ngủ trưa hầu như chưa từng tồn tại trong người tôi. Rồi khi tôi bắt đầu đi học, thời gian tôi ở nhà cùng với cha mẹ cũng ít dần. Khoảng thời gian tôi rời khỏi nhà cứ thế mà tăng dần lên, dần lên đến nỗi những ngày tôi ở nhà chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Khi tôi lên phổ thông, tôi chỉ có thể mỗi tuần về thăm nhà một lần, thậm chí có tuần tôi còn không thèm về nhà. Năm cuối cấp, tôi đã nhận ra rằng dù thế nào, tôi cũng không còn được bên gia đình nhiều nữa, nên cả năm tôi học lớp mười hai, hầu như tuần nào tôi cũng về nhà. Tôi về để được gần gia đình hơn, gần chút nào đỡ chút đó, để mẹ được nhìn ngắm đứa con trai của mình, để cùng cha xem thời sự vào mỗi buổi tối. Khi đó tôi đã biết rằng dù có thế nào, tôi cũng sẽ phải xa nhà, sẽ phải lăn lộn ra ngoài đời, và tôi đã mãn nguyện khi chuẩn bị đầy đủ cho những thứ ấy.

Giờ tôi đã đi rất xa, xa quá rồi, xa tới hàng trăm cây số. Kiến thức, hiểu biết của tôi cũng càng rộng ra rất nhiều. Tôi thấy nhiều thứ, thấy những vết nhơ ẩn phía sau lớp kim tuyến hào nhoáng, thấy sự mục nát phía sau những lời nói hùng hồn. Tôi biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, và những nếp nhăn trên mặt tôi cũng ngày càng sâu hơn. Con đường tôi đi đã quá xa rồi, cha mẹ tôi đã bị tôi bỏ lại rất xa, tôi chỉ còn nhìn thấy họ là những dấu chấm nhỏ li ti. Anh chị tôi đã rẽ sang một hướng khác và tôi đã không còn nhìn thấy họ nữa rồi. Bạn bè tôi cũng vậy, tuy thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau, nhưng cũng chỉ như đường cao tốc với cầu vượt, chúng không phải là một cái ngã ba hoà hợp hai con đường lại làm một. Tôi đã đi rất xa, xa quá rồi.

“Em ơi có bao nhiêu
Sáu mươi năm cuộc đời
Hai mươi năm đầu
Sung sướng có bao lâu…”

Tôi đã bước qua một phần ba cuộc đời rồi. Tuổi hai mươi, cái tuổi mà bọn con nít chê là già, nhưng lại chẳng lớn hơn ai cả về thể xác và trí tuệ. Tôi chỉ mới bước đi được một đoạn đường ngắn của cuộc đời tôi mà thôi. Con đường tôi bước đi sẽ còn nhiều chông gai hơn nữa. Người ta thường bảo rằng trước ba mươi tuổi con người ta thường không ổn định về mặt tài chính. Tôi sắp bước vào cái giai đoạn đó rồi. Tôi đang bước vào cái tuổi mà “sầu vương” sẽ “cao vời vợi”, cái tuổi mà cơm – áo – gạo – tiền được đặt lên trên hết. Càng đi xa hơn, tôi lại thấy mình vô cùng nhỏ bé. Ngày xưa tôi cứ mơ ước mình trở thành một nhà nghiên cứu gì đó, làm cái này cái nọ. Nhưng giờ, tôi lại thấy mình quá nhỏ bé, quá ngu ngốc so với cái xã hội này. Tôi sẽ chẳng đủ năng lực để làm ông này bà nọ, cũng không đủ giàu có như bạn bè của mình. Tôi chỉ là một lữ khách, một lữ khách ăn mặc một bộ đồ rách rưới đang độc bước trên chính con đường của mình.

Lỗ Tấn đã từng nói: “Kỳ thực trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi trở thành đường thôi”. Cuộc đời của con người ta cũng vậy,  không có một con đường bằng phẳng nào trải thẳng, cũng không có cả một lối mòn để ta đi. Ta chỉ có thể di theo hướng mà mình đã chọn, và những bước đi ấy, ta đã tự vạch ra con đường cho chính mình rồi.

Cứ tiếp tục bước đi về phía trước thôi, vì cuộc đời là những chuyến đi mà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang