Tây du ký: Nỗi khắc khoải trong tình yêu

Tây Du Ký đã trở thành cảm hứng cho không biết bao nhiêu tác phẩm điện ảnh ra đời. Đi theo cốt truyện cũng có, lệch lạc cũng có. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì những tác phẩm ấy cũng đều cho ta một góc nhìn nội tâm khác của nhân vật. “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh”. Người xuất gia cũng là con người, mà con người thì làm sao tránh khỏi hỷ – nộ – ái – ố, làm sao có thể “không phụ Như Lai chẳng phụ nàng”. Dù ở câu truyện nào, dù có nhiều chi tiết hài lố lăng, song những phiên bản của Tây Du Ký đều đem lại cho người xem một góc nhìn khác – nỗi dằn xé trong tình yêu. Cứu độ chúng sinh hay nghe theo lời con tim? Thật khó để đưa ra quyết định.

Tôn Ngộ Không, nhân vật dường như ít rung động nhất trong tình yêu. Nhưng với bàn tay tài hoa của đạo diễn, Mỹ Hầu Vương đã có một cuộc tình ngây thơ, trong sáng những cũng đầy đau thương với Tiểu Hồ Ly trong The Mongkey King 1. Hay ở một ngoại truyện khác, một kiếp sống khác của Tôn Ngộ Không, chàng đã có 2 cuộc tình không kém phần xúc động với Bạch Cốt Tinh và Tử Hà Tiên Tử trong Đại Thoại Tây Du của Châu Tinh Trì. Mặc dù có nhiều chi tiết hài nhảm nhí, nhưng cảnh bốn thầy trò Đường Tăng tiếp tục lên đường khiến người xem khó mà không rơi nước mắt.

Còn trong The Monkey King 2, lại là một câu chuyện khác. Một tình yêu và sự đâu khổ của nhân vật phản diện. Bạch Cốt Tinh là một người vợ, nhưng lại bị người đời ruồng bỏ rồi chết trong nỗi oan ức. Hồn ma cô không thể siêu thoát. Phim lại cho ta một góc nhìn khác về tình yêu và lòng thù hận. Dù là nhân vật phản diện, nhưng nỗi thống khổ của Bạch Cốt Tinh khiến người xem không thể không rơi lệ. Ngay cả chính thầy trò Đường Tăng cũng cảm thấy thương xót và hứa sẽ siêu độ cho cô.

Còn Đường Tăng, người thầy tu mẫu mực cũng không thoát khỏi lưới ái tình. Và nỗi dằn vặt của ông còn cao hơn cả, còn đau đớn hơn cả những nỗi dằn vặt của những nhân vật khác. Khi phải chọn giữa con đường phổ độ chúng sinh hay nghe theo con tim mà từ bỏ phật pháp. Ngay cả chính ông cũng không thể chiến thắng nổi nội tâm của mình. Trong Mối Tình Ngoại Truyện, ông đã cự tuyệt với tình yêu, nhưng trong sâu thẳm thâm tâm ông, ông lại không thể chiến thắng con tim của mình. Rồi cho đến khi người ông thương rời khỏi cõi đời, ông mới cho nàng biết rằng ông rất yêu nàng, nhưng đó còn có nghĩa lý gì. Còn trong The Monkey King 3, đó lại là một sự dằn xé nội tâm của cả ba người. Đường Tăng và Nữ Vương đều bị dằn vặt giữa lựa chọn sứ mệnh của mình hay chạy theo tình yêu. Đường Tăng đã không thể dứt khoát đi theo phật pháp. Chiếc áo cà sa của ông đã không thể mặc được vào. Còn Nữ Vương lại không thể tiếp tục xứ mệnh của vương quốc.

Riêng quốc sư lại cho ta một cái nhìn khác. Bà lại là người có nhiều sự đau khổ nhất trong con tim khi lựa chọn giữa trọng trách quốc gia và tình cảm của mình. Bà đã cương quyết từ bỏ tình cảm của mình để phò tá sứ mệnh cao cả. Thoạt đầu ta thấy ba là một con người vô cảm, có phần tàn ác. Nhưng càng xem, ta lại càng hiểu bà và càng thấy thương cho bà, lại thương cho mối tình của bà với Hà Thần còn hơn cả mối tình của Đường Tăng và Nữ Vương. Còn Hà Thần, một con người quá nhiều tình cảm, cuối cùng đã chết vì tình yêu của mình. Ngay cả Phật cũng không định đoạt được số mệnh của con người. Người không bắt Đường Tăng phải vượt qua kiếp nạn này, Người chỉ cho ông ấy đưa ra sự lựa chọn. Nhưng cuối cùng, không phải lý trí cũng chẳng phải con tim. Mọi thứ chỉ là cái Duyên.

Đã là Duyên thì khó mà nói được. Khi Duyên đến ta không thể tránh, khi Duyên đi ta cũng không thể níu giữ. Duyên làm cho người ta hạnh phúc nhưng cũng đôi khi Duyên lại khiến cho ta phải khổ sở.

Hãy để mọi thứ tuỳ duyên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang