Tăng tuổi hưu và giờ làm
Đến hẹn lại lên, lâu lâu chúng ta lại được một phen sôi máu hoặc phì cười với những đề xuất mà chỉ có những đại biểu tài ba của chúng ta mới nghĩ ra được. Có đề xuất bị dư luận phản đối nhưng cũng có những đề xuất vẫn cứ được thực hiện dù cho ai nấy cũng thấy nó thật ngớ ngẩn. Năm 2019 này sau một vài sự kiện hài hước như cái lu nước thì giờ đây lại có thêm hai dự thảo đang được nhiều người tranh cãi là tăng tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm tối đa của người lao động.
Cộng đồng một lần nữa lại có dịp bàn tán sôi nổi về đề tài này. Nhưng những người thật sự bị ảnh hưởng bởi việc này nhất chính là những bác những cụ đã ngót nghét tới tuổi nghỉ hưu tới nơi và những công nhân viên đang làm việc theo giờ hành chính. Có người năm nghỉ hưu rơi đúng vào cái năm mà dự thảo này có hiệu lực thì lại mất thêm mấy năm trời nằm lay lắt chờ hưu. Còn những công nhân viên chức ngày làm tám tiếng và không có tăng ca thì lại lo sợ bị mất luôn ngày thứ bảy hay chủ nhật quý báo của mình.
Tăng tuổi nghỉ hưu, kẻ tham quyền ham vị được lợi
Mặc dù tăng tuổi nghỉ hưu là có điều mà không ai mong muốn, thế nhưng vẫn có một số lượng nhỏ những người đang làm việc lại rất thích điều này. Đó chính là những người nắm giữ chức vụ cao và kiếm được bộn tiền từ chức vụ đó. Những người này dựa vào chức vụ và quyền hành của mình mà tham nhũng hoặc đục khoét ngân sách, bỏ túi riêng. Những bác trai bác gái này luôn luôn muốn giữ cái ghế của mình càng lâu càng tốt. Càng ngồi được lâu thì càng kiếm được nhiều hoa lợi từ cái ghế mà mình ngồi, chẳng ai lại muốn nhường lại cái ghế này cho người khác cả. Nên khi nghe đến dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu, ai nấy cũng lấy làm vui mừng.
Ngoài việc trục lợi cá nhân, tham nhũng còn có một biểu hiện nữa đó là họ đưa những người thân trong gia đình, họ hàng vào làm việc. Câu “một người làm quan cả họ được nhờ” đến giờ vẫn còn hiệu lực ở một bộ phận nhỏ đâu đó trong xã hội. Họ thường lợi dụng quyền lực của mình để thao túng bộ máy làm việc, đưa người thân, họ hàng vào rồi sau đó dùng quyền lực của mình để nâng đỡ con cháu. Vậy nên mới có chuyện nhiều người dù bất tài nhưng vẫn cứ thăng tiến đều đều theo đúng quy trình. Nhờ có người chống lưng nên sự nghiệp như diều gặp gió, nhưng nếu lưng bị gãy thì rất có thể sẽ bị một lãnh đạo mới hạ bệ để họ đưa con cháu của họ vào. Cho nên tuổi nghỉ hưu càng cao thì càng có nhiều thời gian hơn để nâng đỡ con cháu của mình, gốc rễ cắm sâu rồi thì khó mà bị triệt hạ hơn.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu chẳng khác nào cơ hội cho những người lãnh đạo tham nhũng có thêm cơ hội để vơ vét và nâng đỡ người nhà cũng như phe cánh của mình.
Người già mệt mỏi, giới trẻ không có cơ hội
Còn đối với những người làm việc bình thường, không nắm giữ chức vụ và quyền lực cao trong công việc, đó như một cực hình dành cho họ. Họ dành cả đời của mình để cống hiến cho công việc, lý do khiến họ vẫn còn trụ lại dù tóc đã bạc màu cũng chỉ vì muốn được những đồng lương hưu an hưởng tuổi già. Thế mà đùng một cái, họ phải ở lại làm việc thêm tận hai năm nữa hoặc hơn thì mới được nghỉ hưu. Mắt đã mờ, tay đã mỏi, đầu óc đã không còn minh mẫn từ lâu. Chẳng ai còn sức lực để tiếp tục làm việc cho đến khi nghỉ hưu nữa. Giữ họ ở lại làm việc chẳng khác nào giữ những cái xác khô chậm chạm, chỉ gây cản trở công việc và khiến chính họ cảm thấy khó xử.
Còn đối với những người trẻ, những cơ hội thăng tiến của họ đều bị cản trở bởi những người già nua chậm chạp. Họ không có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp do những người cấp trên dù đã già nua, không còn làm việc với năng suất cao được nữa nhưng vẫn ngồi tại vị tại chiếc ghế của mình. Lớp trẻ không có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, có khi mãi đến khi họ đến tuổi ngũ tuần mà vẫn còn giậm chân với công việc hiện tại. Đặc biệt hơn, với sự khác biệt tư tưởng của những thế hệ, có thể những ý tưởng tốt sẽ chẳng bao giờ được thực hiện. Sẽ có những người lãnh đạo già nua chỉ vì muốn an phận vị trí của mình mà không muốn chấp nhận bất kỳ ý tưởng nào.
Kinh tế nước nhà bi tụt hậu
Một nền kinh tế với một nửa người lao động là những người già nua, lỗi thời, những ý tưởng mới thì không được chấp nhận, một nền kinh tế như vậy chắc chắn sẽ bị tụt hậu ít nhất 20 năm so với các nước khác. Cải tiến và đổi mới luôn là xu thế phát triển chung của nhân loại. Chỉ có không ngừng cải tiến và đổi mới thì mới đem lại sự phát triển. Một nền kinh tế chỉ toàn những người lao động già nua và chẳng có cơ hội dành cho những lao động trẻ thì chắc chắn sẽ không thể phát triển nhanh như một nước có lao động trẻ được. Chưa nhắc đến sự đổi mới, chỉ tính riêng việc một phần lớn người lao động là những người già chậm chạp đã làm giảm năng suất công việc rất nhiều rồi.
Tôi không thích một chút nào việc nhà nước đã dùng báo chí để hướng dư luận theo hướng ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu và cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp tăng năng suất lao động và có lợi cho đất nước. Làm sao mà năng suất lao động lại được tăng khi tuổi lao động ngày càng già đi? Nếu những người trẻ không bị “chiếm chỗ” thì sẽ cần phải tốn thêm bao nhiêu cái ghế để chứa những lao động mới khi lượng lao động đã được tăng lên thành 2 năm tuyển dụng và phải bỏ thêm tiền để trả lương cho những người đang ngồi ngáp gió chờ hưu?
Tăng giờ làm việc, gia tăng sự bóc lột?
Chẳng ai yêu thích việc tăng giờ làm việc bằng những người chủ. Còn gì hay hơn khi giờ làm việc của nhân viên được tăng lên theo đúng quy định của pháp luật mà tiền lương lại không phải tăng theo.
Mặc dù thời gian làm việc của một người bình thường là 8 giờ một ngày và 5 hoặc 6 ngày một tuần tùy theo ngành nghề nhưng thời gian người ta bỏ ra thực tế cho công việc lại nhiều hơn thế. Ngoài 8 giờ làm việc ra, người đi làm còn phải bỏ rất nhiều thời gian cho việc di chuyển, ăn uống và các hoạt động phát sinh từ công việc. Trung bình một người làm việc 8 giờ một ngày sẽ tốn đến 11 giờ ở bên ngoài, bao gồm làm việc, di chuyển và các hoạt động khác. Thời gian dành cho gia đình và con cái rất ít, nay lại tăng thêm giờ làm việc chẳng khác nào những ngày nghỉ gần như là không có.
Cái lý tưởng xóa bỏ nạn bóc lột có vẻ như đã bị quên lãng đi từ nhiều năm nay. Người ta lên án chế độ tư bản là một chế độ bóc lột người lao động mà giờ đây chúng ta lại đang tăng tuổi làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu, và không tăng lương trong khi tiền vẫn đang lạm phát với tốc độ phi mã. Sự chênh lệch giàu nghèo đã cao khi không có sự cân bằng giữa tiền công lao động và giá cả thị trường thì giờ đây lại càng tăng thêm nữa khi người ta phải làm việc nhiều hơn nhưng không hưởng thêm được đồng nào, còn những người làm chủ thì lại hưởng được hưởng nhuận nhiều hơn khi thời gian làm việc của nhân viên được tăng.
Ảnh hưởng xấu đến xã hội
Khi mà sự phát triển của trẻ nhỏ ngoài sự dạy dỗ ở trường học còn cần rất nhiều đến sự phát triển từ các hoạt động của gia đình, thì việc tăng giờ làm việc sẽ tương đương với việc sự phát triển của trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều theo chiều hướng xấu. Thay vì dành thời gian cho con thì giờ đây phụ huynh lại phải còng lưng ra làm việc. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ khi mà yếu tố gia đình bị giảm xuống.
Thời gian gia đình bên nhau trong các hoạt động vui chơi, dã ngoại sẽ bị giảm đi. Ai sẽ biết được những đứa trẻ lớn lên khi không được vun đắp tình cảm đầy đủ từ gia đình sẽ trở thành người như thế nào. Chúng sẽ thành những đứa trẻ tự kỷ, hay nghiện ngập, tội phạm đối với xã hội?
Tăng giờ làm việc cũng đồng nghĩa với việc sự bất công trong xã hội ngày một gia tăng. Người làm công phải làm nhiều hơn còn những người làm chủ lại được hưởng lợi nhiều hơn. Mâu thuẫn xã hội sẽ gay gắt hơn khi sự chênh lệch giàu nghèo ấy ngày càng một gia tăng mà không có biện pháp nào khắc phục. Cái khẩu hiệu giai cấp công nông làm chủ có lẽ cũng sẽ chỉ là một câu nói suông khi những kẻ có nhiều tiền nhiều quyền sẽ càng bóc lột hơn khi chúng được pháp luật hậu thuẫn. Những dự thảo trên xem ra chẳng có một chút quyền lợi nào dành cho người lao động, giai cấp mà chế độ xã hội chủ nghĩa luôn lấy làm nền tảng để đấu tranh.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm việc đôi khi cũng có lợi đối với một số người. Có những người dù đã có tuổi nhưng họ vẫn cần phải làm việc để trang trải thêm cho cuộc sống trước khi nghỉ hưu. Đối với họ, họ rất cần được làm việc. Còn đối với lực lượng công nhân, nếu thời gian làm việc được tăng ấy là giờ gian áp dụng cho tăng ca chứ không phải khung thời gian hành chính thì họ cũng sẽ rất vui mừng. Vì tăng ca là một tùy chọn, và lương được trả khi tăng ca sẽ cao gấp đôi lương bình thường. Rất nhiều công nhân muốn được tăng ca vì lương làm chính thức của họ quá ít để có thể dư giả.
Nhưng xét cho cùng, phần hại vẫn nhiều hơn phần lợi. Lực lượng lao động vẫn còn đang rất thiệt thòi về nhiều thứ. Thay vì tăng giờ làm việc và tăng tuổi nghỉ hưu một cách cưỡng bách, điều cần làm là ban hành ra những quy định tăng lương cơ bản cho người lao động và quy định giá cả cho các mặt hàng thiết yếu, ngăn không cho hàng hóa lên giá để đảm bảo cuộc sống ổn định của người lao động. Việc làm nhiều hơn và nghỉ hưu trễ hơn nên là một sự lựa chọn dành cho người lao động, để những ai muốn làm việc nhiều hơn sẽ kiếm thêm được nhiều tiền hơn, những ai không đủ sức để làm việc được về hưu đúng với tuổi của mình để an hưởng tuổi già cùng với con cái.