Phong lan

Tôi thường đứng trước ban công vào mỗi buổi tối. Đó là một thói quen của tôi và tôi cũng không biết mình đã có thói quen đó từ bao giờ, chỉ nhớ rằng đã nhiều năm rồi, tối nào tôi cũng đứng trước ban công và nhìn ngắm cảnh đêm trong thành phố. Con phố dưới chân tôi chia làm hai phần riêng biệt, bên ngoài là sự ồn ào náo nhiệt của đô thị, xe cộ qua lại tấp nập, những gánh hàng đêm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng ngay cạnh đó, chỉ sát ngay cạnh sự ồn ào đó một chút thôi lại là sự tĩnh lặng đến nghẹt thở. Không khí như trùng xuống cùng với những âm thanh như bị đè nén đến độ không thể phát ra được, đó là một ranh giới vô hình nào đó đã chia chúng ra như vậy, không những thế, cái ranh giới đó còn chia cắt ngang bầu trời, khiến bầu trời cũng bị chia cắt ra làm hai phần, một phần đỏ chói bởi những ánh đèn, ồn ào và bụi bặm, phần còn lại êm đềm và dịu nhẹ, trái ngược với nửa kia của mình. Tôi thường nhìn về hướng ồn ào kia một lát, rồi sau đó lại trở về với màn đêm đen huyền của sự yên tĩnh, nó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như được bay bổng trên không trung, hòa vào làm một, lánh xa khỏi sự ồn ào náo nhiệt, những lúc như thế, thời gian cũng như dừng lại và tôi thường trở vào nhà khi đã gần nửa đêm.

Tôi có trồng vài chậu phong lan ở ban công trên tầng thượng, đó chỉ là những chậu hoa tầm thường, không phải hạng đắt đỏ và quý hiếm. Có lẽ nó cũng tầm thường như tôi, không, tôi còn tầm thường hơn nó nhiều. Tôi thường tưới cho những chậu hoa ấy mỗi ngày ba lần, sáng, trưa và tối. Và những buổi tối ấy, sau khi tưới nước cho những chậu hoa, tôi lại lơ đãng nhìn ra khoảng không vô tận bi chia làm hai phần trước nhà mình. Nó làm cho tôi nhớ lại nhiều thứ, nhớ lại đủ thứ chuyện về cuộc sống khốn khổ trước kia, nhớ về những chậu phong lan chưa từng tồn tại cho đến tận bây giờ.

Ngày đó, khi tôi chưa được hai mươi tuổi, tôi đã từng mong muốn mình có thể có một chậu phong lan treo trước cửa phòng mình, hàng ngày tưới nước cho nó và chờ cho nó ra hoa. Tôi nghe nói những bông hoa ấy lâu nở và cũng lâu tàn lắm. Nhưng mãi cho đến bây giờ, khi đã đi qua tuổi thanh xuân của cuộc đời, thì cái mong ước giản dị ấy mới trở thành hiện thực, và nó lại lôi tôi cuốn vào vòng xoáy của quá khứ, của những ký ức tưởng chừng như đã nguội lạnh hàng chục năm trời. Rồi mỗi đêm, nó lại hiện về trước ban công lộng gió, cuốn tôi bay lơ lửng không bến bờ, thả tôi về một miền xa xôi nào đó không có điểm bắt đầu và chẳng bao giờ có điểm kết thúc.

Tôi vào phòng chờ của đối tác, đó là một người trạc tuổi tôi. Không thể gọi là già, nhưng cũng không thể trẻ được vì cái tuổi trẻ bồng bột của anh ta đã qua đi hơn mười năm trước rồi. Và tôi cũng vậy, cái tuổi trẻ của tôi cũng đã trôi qua hơn mười năm trước rồi, nói một cách đúng hơn, nó đã mất đi khỏi tai tôi khi tôi mới bước vào nó. Cô thư ký rót cho tôi một tách trà, cô biết tôi không thích uống cà phê vì tôi đã đến đây nhiều lần, lần nào cũng gặp cô trước khi gặp vị đối tác, dần dà đã như người quen biết, cô thường gọi tên tôi thân mật và gọi tôi bằng anh chứ không phải là chú. Cô thì biết tên tôi, nhưng tôi lại chẳng bao giờ biết đến tên của cô cả, tôi chưa bao giờ hỏi cô điều đó và cũng chẳng bao giờ hỏi ông chủ của cô. Có lẽ cô ít hơn tôi mười tuổi, nhìn tướng mạo, cử chỉ thì thấy rõ cô đã qua cái tuổi đôi mươi trên năm năm rồi, tôi đoán chừng cô khoảng hai lăm hay hai sáu gì đó, nhưng cái sự tươi trẻ của cô vẫn phản phất đâu đó trong cơ thể nhỏ bé ấy. Có lần tôi đã hỏi tại sao cô lại gọi tôi bằng anh mà lại gọi tôi bằng chú. Cô lại gặng hỏi ngược lại tôi:

– Con anh đã mấy tuổi rồi?

– Tôi vẫn chưa có vợ, tôi trả lời.

– Vậy nếu bây giờ anh lấy vợ và sinh con ngay, thì con của anh sẽ nhỏ hơn em hơn một phần tư đời người, vậy thì nó phải gọi em bằng cô, nếu như thế thì em phải gọi anh bằng anh chứ.

Một lần khác, tôi gặp cô ngoài đường cùng với bạn trai của mình. Cô nhanh chóng nhận ra tôi ngay còn tôi thì lại không thể nhận ra cô ngay khi nhìn thấy. Cô đã giới thiệu tôi với bạn trai của mình rất niềm nở, chúng tôi chào hỏi nhau, hỏi thăm vài thứ rồi họ khuất bóng trong bộ đồ bằng vải len vẫn còn tươi mới. Tôi nhìn họ rồi lại nhìn lại mình, có lẽ cô nhận ra tôi bởi tôi không hề khác đi một chút nào dù ở văn phòng nơi cô làm việc hay ở ngoài đường hay ở bất kỳ nơi nào khác. Bao năm trời nay, tôi vẫn mặc bên mình chiếc áo sơ mi đã bạc màu và sờn cứng của nhiều năm về trước, chiếc quần ka ki cũng bạc màu và đôi giày đã bị sờn đi lớp da ở phần mũi. Không biết đã mấy năm rồi, tôi chưa hề mua một bộ đồ mới nào cho chính mình. Tóc tai tôi cũng dài lù xù vì đã lâu chưa cắt, tôi cũng lâu rồi chưa từng soi mình trước gương được hơn hai phút. Một phần cũng vì thói quen khi tôi còn trẻ, mà cái thói quen ấy cũng bắt đầu từ sự thiếu thốn lúc ấy. Khuôn mặt tôi cũng trông già hơn trước tuổi, tóc đã lấm tấm hoa râm và lù xù vì chải chuốt không kỹ lưỡng. Mặt tôi trông cằn cõi, những đường nét trên gương mặt đã ngày càng sắc xảo hơn khiến trông già đi hơn mười tuổi so với tuổi thật của tôi. Những mụn trứng cá không biết từ bao giờ đã biến thành những đốt đồi mồi rồi lặn đi đâu mất biệt, da mặt tôi trông thô ráp khó tả. Cái khuôn mặt ấy đã bao lâu nay không được chăm sóc, không chỉ thế, cả cơ thể tôi cũng đã bao lâu nay chưa từng được tôi chăm sóc kỹ lưỡng.

Suốt bốn năm học đại học, tôi chỉ có ba bộ quần áo để đến trường. Ba bộ quần áo ấy cứ thay phiên nhau suốt cả tuần lễ, rồi từ tháng này qua tháng khác, rồi năm này qua năm khác, rồi tôi đã mặc nó suốt bốn năm đại học mà không hề để ý rằng mình chỉ mặc có duy nhất mỗi chúng. Cái quần ka ki được tôi mặc đi mặc lại, màu đã bạc đi thành một màu xám tro xấu xí, ống quần cũng đã sờn và lòi ra ngoài vài sợi chỉ lưa thưa. Chiếc áo sơ mi cũng bị phai màu thành một màu xám tro tương tự, vải sờn và đổ lông vì chúng là những thứ vải rẻ tiền. Tôi đã nhiều lần định bụng mình sẽ mua một bộ đồ mới để thay thế chúng, nhưng rồi đâu vẫn lại vào đấy. Tôi vẫn không thể nào có đủ số tiền để có thể mua nổi một bộ đồ cho chính mình. Tiền mà gia đình gửi lên mỗi tháng cho tôi chỉ mang con số tượng trưng, chẳng bao giờ đủ để tôi có thể sống trong môi trường đại học ở thành phố. Tôi phải đi làm thêm cả tuần. Mỗi buổi không có tiết học trong lớp, tôi đều lao đầu vào công việc. Cứ thế ngày này qua ngày nọ cứ lần lượt trôi qua, cả ngày mệt nhọc và tối về phòng ký túc với một cơ thể mệt nhoài. Không cuộc vui, không bạn bè, không có các mối quan hệ, chỉ đơn giản vì tôi chẳng có đủ tiền để có thể duy trì những mối quan hệ đó. Chỉ một buổi gặp mặt một người bạn cũ hay một buổi sinh nhật nào đó của một người quen là ví tôi lại vơi đi hơn một phần mười, phải mất vài ngày mới có thể lấp đầy khoảng trống đó. Số tiền mà nó có trong đó cũng ít khi nào lên được đến con số hàng triệu. Số tiền mà tôi kiếm được trong công việc làm thêm cũng chỉ đủ cho chi tiêu ăn uống hàng này, không khi nào đủ cho các món đồ ăn diện sặc sỡ. Cứ thế, suốt bốn năm học đại học, không có một cuộc chơi nào, không có quần áo đẹp, cũng chẳng có những kiểu tóc thời thượng. Tôi cứ sống như chỉ tồn tại, không mục đích và không hy vọng. Cuộc sống trôi qua nhàm chán một cách tẻ nhạt.

Đến khi ra trường tôi cũng không kiếm nỗi một công việc có thể đem lại dư giả để tôi có thể mua một món đồ mới cho mình. Cho đến khi tôi mua được chúng thì lại cảm thấy ái ngại khi bao năm qua chỉ mặc duy nhất có mỗi những bộ đồ cũ bao năm nay. Cả căn phòng trọ tôi ở cũng chỉ có duy nhất mỗi một bộ bàn ghế cùng với vài quyển sách cũ mà tôi đã đành dụm tiền để mua được, ngoài ra thì chẳng còn một thứ gì khác đáng giá. Ngay cả việc mua một quyển sách tôi cũng còn phải cân nhắc túi tiền của mình, tôi phải tìm ở thư viện để đọc để khỏi phải tốn một khoảng tiền cho sở thích đang bị mọi người xa lánh. Cuộc sống khổ cực và thiếu thốn như thế khiến tôi cho đến khi đã có một cuộc sống ổn định rồi nhưng vẫn y như một người nghèo túng, cả người đầy những thứ đồ cũ kỹ sắp sửa rách ra thành nhiều mảnh.

Mãi nhiều năm sau này, khi không còn nghèo túng, không còn gặp cô thư ký cùng với bạn trai mình nữa, tôi không biết họ có trở thành vợ chồng với nhau hay không, cuộc sống thiếu thốn vẫn cứ ám ảnh tôi làm tôi không thể nào quên được. Rồi một ngày nào đó của nhiều năm trước, tôi chợt nhớ đến mong muốn thuở xưa của mình, đó là trồng một chậu hoa lan ngay trước ban công nhà mình. Tôi đã trồng chúng, và bây giờ, mỗi khi nhìn chúng, tôi lại không thể nào quên được những thiếu thốn và sự lỡ nhịp của tuổi trẻ của mình. Đã từng có rất nhiều thứ trôi qua trước mặt, nhưng tôi đã không bao giờ đưa tay với lấy chúng, một phần cũng chính vì những sự thiếu thốn trong thời gian ấy. Tôi không thể nào có được một người bạn gái khi không thể dẫn cô đi chơi mỗi tuần và không thể trả nỗi một bữa ăn. Tôi cũng không thể đèo người yêu trên chiếc xa đạp cà tàn đã đeo đẳng tôi từ suốt năm cấp ba cho đến gần hết thời gian học đại học.

Tôi cứ trốn tránh những cuộc rủ rê của bạn bè, phần lớn vì túi tiền hạn hẹp, một phần khác cũng vì mình chỉ có mỗi chiếc xe đạp và sức khỏe thì cũng chẳng đủ để đi đến những nơi xa ấy. Mãi cho đến khi thực tập tôi mới gom góp đủ tiền để có thể mua một chiếc xa máy cũ cho chính mình. Cuộc sống cứ thiếu thốn và trôi qua tẻ nhạt như thế cứ ám ảnh tôi suốt cả tuổi trẻ của tôi. Nó như một cuốn băng rẻ tiền, cứ chạy cho đến hết mà không hề đem lại một cảm giác nào cho người nghe đối diện. Tôi cứ thế, cứ trôi qua mà không có một kỷ niệm, không có một niềm vui nào để đọng lại trong ký ức mình. Những gì còn lại chỉ là những sự tiếc nuối, những sự bỏ lỡ của cuộc đời, niềm vui, hạnh phúc cứ thế trôi qua như một cơn gió mà tôi không thể nào nắm giữ chúng lại được.

Cơn gió cứ thế thổi qua, lướt qua phần nhộn nhịp của nửa kia con phố, rồi trôi qua phần yên tĩnh trong màn đêm đen huyền và đi vào một nơi xa xôi nào đó, chẳng có điểm bắt đầu và cũng không có nơi kết thúc. Chỉ có những ký ức, những hối hận muộn màng còn đọng lại trong trí nhớ mãi mãi không bao giờ phai màu. Dù là ba mươi, tứ tuần hay đã đến tuổi thập cổ lai hy thì cũng không bao giờ quên được chúng. Và cho đến khi nằm lại trong lòng đất sâu thẳm thì cũng không thể gặp lại chúng một lần nào. Vì ta đã bỏ lỡ chúng cùng với tuổi trẻ của mình từ lâu rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang