Những nghịch lý trong du hành thời gian

Du hành thời gian là một đề tài khoa học viễn tưởng được rất nhiều người yêu thích bên cạnh các đề tài khác như sinh vật ngoài hành tinh, trí tuệ nhân tạo, quái vật, hậu tận thế,… Hàng loạt cách sản phẩm nói về đề tài này như phim ảnh và tiểu thuyết ra đời. Tuy nhiên, việc du hành thời gian vốn dĩ là một hành động không bình thường nên nó cũng tạo ra rất nhiều điều không được bình thường khác, đó là những nghịch lý sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối và không thể nào trả lời được khi có người đặt câu hỏi về chúng. Hãy cùng điểm qua một vài nghịch lý du hành thời gian phổ biến thường xuyên được sử dụng trong phim ảnh và tiểu thuyết nhé.

Nghịch lý tiền định

Nghịch lý này có thể tạm được định nghĩa như sau: “Hành động du hành thời gian đến một thời điểm trong quá khứ hoặc tương lai lại chính là một phần của các sự việc đã diễn ra trong thời điểm đó“. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là khi một người cố gắng du hành đến một khoảng thời gian khác để thay đổi một điều gì đó nhưng hóa ra chính người đó là một nhân tố khiến sự việc đó xảy ra. Còn nói theo kiểu dân dã hơn nữa thì cuộc du hành thời gian đó là ý trời, là một sự sắp đặt sẵn của tạo hóa và không thể thay đổi. Nếu người du hành thời gian lại tiếp tục du hành để thay đổi tiếp thực tại mới mà mình đã tạo ra, thì vẫn mang lại một kết quả y như vậy.

Lấy một ví dụ đơn giản thế này. Một chàng thanh niên có bạn gái bị tai nạn giao thông. Cô bị một người lạ mặt lái xe tông vào khi đang sang đường, hung thủ đột nhiên mất tích một cách bí ẩn mà không ai biết đã đi đâu. Chủ nhân của chiếc xe có chứng cứ ngoại phạm, chiếc xe đã bị một người khác đánh cắp và gây ra vụ tai nạn. Quá đau buồn và muốn thay đổi lại quá khứ để ngăn vụ tai nạn xảy ra, chàng trai đã tìm cách du hành đến thời điểm trước khi vụ tai nạn xảy ra để ngăn nó lại.

Khi chàng trai du hành về quá khứ, trớ trêu thay nơi chàng trai đang đứng không phải là hiện trường xảy ra tai nạn mà là phòng thí nghiệm nơi đặt cỗ máy du hành thời gian. Chàng trai lập tức chạy đến chỗ sẽ xảy ra tai nạn, vì đường đi quá xa nên chàng trai đã vào được một chiếc xe của người khác chưa kịp khóa. Chàng trai tức tốc lái xe đến nơi xảy ra vụ tai nạn với tốc độ cao và vô tình tông vào chính bạn gái của mình đang đi sang đường. Quá sốc trước mọi chuyện xảy ra, chàng trai tiếp tục du hành về thời điểm trước khi xảy ra vụ tai nạn, nhưng tất cả các lần du hành đều đem đến cùng một kết quả giống nhau. Bạn gái của cậu vẫn bị chính cậu tông xe chết bằng cách này hoặc cách khác. Hóa ra người tông xe khiến bạn gái chàng trai chết lại chính là cậu ta ở tương lai đã du hành thời gian về thời điểm, và việc phiên bản tương lai đó lại tiếp tục du hành tiếp về thời điểm trước khi xảy ra vụ tai nạn ấy nên hung thủ đã đột nhiên biến mất. Hành vi quay về quá khứ để thay đổi quá khứ hóa ra lại là một phần của sự kiện bạn gái của chàng trai bị tông xe trong quá khứ, và chính cậu ta đã hoàn thành sự việc đó. Nó như một sự sắp đặt sẵn của tạo hóa và không thể chạy trốn hay thay đổi được.

Đôi khi sự tạo ra nghịch lý không phải là sự bị động của tác nhân gây ra sự kiện ấy mà là sự chủ động của nhân vật để mọi thứ diễn ra đúng như nó đã diễn ra. Hãy xem một ví dụ khác. Có một món đồ cổ đã xuất hiện từ lâu đời, không ai biết nó có nguồn gốc từ đâu. Món đồ ấy được phát hiện và trưng bày, rồi nó đã bị trộm vào một thời điểm cụ thể trong quá khứ và người ta không còn thấy nó xuất hiện thêm bất kỳ lần nào nữa. Trở về thời điểm hiện tại, mọi thông tin về việc khai quật món đồ và việc nó bị mất đều được ghi chép lại. Sau đó người ta đã điều tra ra được kẻ trộm, nhưng không ai biết danh tính của ông ta, người ta chỉ phác họa lại được gương mặt của kẻ trộm thông qua những nhân chứng đã kể lại.

Một người đàn ông nhận ra đó chính là gương mặt của mình, và sau những lần tranh đấu với chính bản thân, ông đã nhận ra chính mình là người đã trộm món đồ cổ đó. Ông quyết định du hành thời gian để khiến mọi thứ diễn ra đúng như nó cần phải diễn ra. Ông du hành đến thời gian, trộm được món đồ rồi du hành đến thời điểm trước đó nữa để đặt món đồ vào nơi mà sau này người ta đã phát hiện ra chúng. Vậy là món đồ ấy đã biến mất theo đúng như cách mà sử sách đã ghi lại. Người đàn ông đó đã chủ động thực hiện sứ mệnh mà trời đã ban cho mình. Chắc hẳn sẽ có người hỏi rằng vậy món đồ đó có nguồn gốc từ đâu? Đó lại là một nghịch lý khác.

Nghịch lý tiền định được sử dụng trong rất nhiều tác phẩm phim ảnh với ngụ ý rằng “bạn không thể thay đổi kết quả đã xảy ra trong quá khứ, bạn chỉ có thể khiến kết quả ấy được tạo ra bằng những cách khác nhau mà thôi“. Thường nghịch lý này được sử dụng cho những kết cục buồn trong một tác phẩm truyện hoặc phim ảnh nhằm ám chỉ rằng con người ta không thể thay đổi quá khứ mà chỉ có thể sống tiếp cho tương lai. Người ta cũng vẫn tìm ra cách để né tránh nghịch lý này, một trong những phương pháp né tránh nghịch lý tiền định được sử dụng nhiều nhất đó là người du hành thời gian chỉ có thể quan sát mọi việc diễn ra như một hồn ma mà không thể tác động được bất kỳ thứ gì trong thời đại đó.

Nghịch lý Bootstrap

Nghịch lý này có thể được tạm định nghĩa như sau: “Một sự vật hay sự việc ở quá khứ được một người du hành từ tương lai đưa đến, sự vật sự việc ấy ở hiện tại lại được học hỏi hoặc kế thừa từ chính sự vật hoặc sự việc ấy trong quá khứ. Rốt cuộc sự vật hoặc sự việc ấy không ai biết từ đâu mà có“. Hiểu một cách đơn giản như thế này. Một đồ vật hoặc một công thức nào đó ở thời điểm hiện tại (tương lai) được kế thừa từ chính những thứ ở quá khứ chứ không phải được tạo ra ở thời điểm hiện tại. Có nghĩa là món đồ đó đã có từ quá khứ chứ không phải được tạo ra ở thời điểm hiện tại, một công thức nào đó được truyền dạy lại từ lâu đời chứ không phải được nghiên cứu ra ở thời điểm hiện tại. Và rồi có người du hành đến thời điểm mà thứ đó xuất hiện, đặt món đồ ấy vào vị trí nó đã xuất hiện trong thời đại ấy, hoặc chỉ dạy lại công thức đó cho tổ tiên của người đã truyền dạy công thức ấy sau này. Vậy thì cái món đồ ấy hoặc cái công thức ấy từ đâu mà ra? Đó là nghịch lý mà không ai giải đáp được.

Lấy một ví dụ về món đồ bị trộm ở ví dụ bên trên, nghịch lý Bootstrap xảy ra khi người này đặt món đồ lại đúng nơi mà người ta đã khai quật nó. Ví dụ như món đồ ấy được khai quật ở một hầm mộ cổ, việc này được ghi chép cụ thể lại. Người đàn ông sau khi trộm món đồ thành công đã nhận ra rằng món đồ này không hề xuất hiện trong tương lai, nghĩa là nó không thuộc về tương lai. Ông ấy mới quay ngược lại thời gian trước đó nữa, tìm đến ngôi mộ nơi người ta đã phát hiện ra món đồ ấy sau này và nhận ra món đồ này không hề có trong ngôi mộ ấy. Ông nhận ra mình phải đặt món đồ đó vào ngôi mộ để sau này người ta tìm ra nó và mọi việc diễn ra đúng như sách vở đã ghi chép. Vậy thì món đồ đó ở đâu ra? Có trời mới biết.

Một ví dụ khác về thứ được đặt ở quá khứ không phải là món đồ mà là một công thức, một thứ gì đó vô hình. Một dịch bệnh nguy hiểm đang lan rộng khắp châu lục và giết chết rất nhiều người. Các nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu thuốc chữa bệnh nhưng vẫn chưa thành công. Có một nhà khoa học đột nhiên được một ông lão chỉ cho công thức chế tạo loại thuốc trị bệnh đó. Ông làm theo và cuối cùng đã đẩy lùi được bệnh dịch. Sau đó nhiều năm về sau, nhà khoa học này đã trở nên già nua. Ông chế tạo được cỗ máy thời gian và quyết định quay về thời điểm mình đã nhận được công thức ấy để xem ai là người đã chỉ cho ông công thức ngày ấy. Nhưng ông tìm mãi vẫn không thấy lão già đó đâu trong khi đã có rất nhiều người chết do dịch bệnh. Cuối cùng không thể tiếp tục làm ngơ trước đại nạn, ông đã tìm đến chính mình trong quá khứ và chỉ lại công thức ấy. Hóa ra lão già đã cho ông công thức chế tạo thuốc ngày xưa lại chính là ông ta ở tương lai đã du hành thời gian đến. Vậy thì cái công thức đó ở đâu mà ra?

Nhiều tác giả còn bá đạo hơn khi sử dụng nghịch lý Bootstrap để sáng tác, theo đó họ đã tạo ra một câu chuyện loạn luân vô cùng hack não và không thể giải thích được. Một chàng thanh niên quay về quá khứ, vào thời điểm trước khi mình được sinh ra. Tuy nhiên chớ trêu thay, anh lại gặp chính mẹ mình phiên bản còn trẻ và hai người đã phải lòng nhau rồi sau đó là ăn nằm với nhau. Vài tác giả còn viết theo kiểu gây cấn hơn khi cho nhân vật chính tìm cách trốn chạy mẹ mình nhưng do bị mẹ mình crush quá mạnh nên chạy trời không khỏi nắng. Một vài tác giả khác thì viết rằng sau khi ăn nằm với nhau rồi thì cậu ta mới nhận ra đó là mẹ của mình. Điều nghịch lý ở đây chính là cậu ta lại chính là bố của mình. Cậu ta đã du hành đến thời gian, làm cho mẹ mình có bầu và đẻ ra chính cậu ta. Với hai ví dụ trên người ta còn đặt ra được câu hỏi rằng món đồ hay công thức ấy ở đâu mà ra, còn với ví dụ này thì quả thật tôi không biết phải đặt câu hỏi gì luôn.

Nghịch lý ông nội

Nghịch lý này hay được mọi người nhắc đến nhất như một bài toán không bao giờ có lời giải. Nghịch lý này có thể được định nghĩa như sau: “một hành động du hành về quá khứ lại tiêu diệt chính sự tồn tại của nó“. Nghe có vẻ khó hiểu phải không? Hãy cùng hiểu rõ nghịch lý này bằng chính ví dụ mà nó đã được chọn làm tên cho nghịch lý này.

Có một thanh niên không biết vì chán nản cuộc sống mình hay vì chơi ngu mà du hành ngược trở về quá khứ. Rồi bằng một cách vô tình hoặc cố ý, cậu ta đã giết chính người ông của mình. Nghịch lý ở đây chính là: nếu cậu ta giết chết ông của mình, thì ông cậu ta sẽ không sinh ra được bố cậu ta, không có bố cậu ta thì cũng không có cậu ta, mà không có cậu ta thì lấy ai ra để quay về quá khứ mà giết chết ông mình, nhưng nếu cậu không giết ông mình thì ông cậu lại sinh ra bố cậu, bố cậu lại sinh ra cậu, cậu lại du hành về quá khứ và vô tình hoặc cố ý giết chết ông mình. Hại não quá phải không nào? Có một vài phim sử dụng nghịch lý này theo kiểu, sau khi giết chết tổ tiên mình, người này cũng bắt đầu tan biến. Nhưng vô lý ở chỗ nếu tổ tiên người đó bị giết trong quá khứ thì làm gì có người đó để mà quay về quá khứ rồi giết họ để sau đó lại tan biến vào hư vô.

Nghịch lý ông nội không đơn thuần chỉ là một nghịch lý thời gian mà nó còn là một nghịch lý trong toán học và cả trong cuộc sống. Trong lĩnh vực này, nghịch lý này có thể được phát biểu như sau: “kết quả của một hành động lại mâu thuẫn với chính lý do mà nó được thực hiện”. Hãy cùng hiểu rõ nghịch lý trên qua ví dụ về con cá sấu và câu truyện treo cổ trong tiểu thuyết Don Quijote (Đôn Ki-hô-tê).

Có một con cá sấu trong đầm lầy vô cùng xảo quyệt. Nó tìm cách để có thể ăn thịt những con vật qua con sông mà nó quản lý nhưng những con vật này vẫn phải tâm phục khẩu phục nó. Thế là nó nghĩ ra một kế, nó sẽ hỏi con vật đi qua sông đoán xem nó sẽ làm gì tiếp theo, nếu đoán đúng thì con vật đó sẽ được qua sông, nếu đoán sai thì nó sẽ bị ăn thịt. Rất nhiều con vật và cả người đã bị sấu ăn thịt vì không thể đoán được con cá sấu này sẽ làm gì trong tương lai.

Rồi một ngày nọ, có một anh chàng thợ sửa ống nước đi qua sông, con cá sấu lại giở trò cũ. Anh thợ sửa ống nước không hề sợ hãi trước câu hỏi của con cá sấu mà trả lời rằng: “nhà ngươi sẽ ăn thịt ta”. Nếu con cá sấu ăn thịt anh thợ sửa ống nước, nghĩa là anh ấy đã đoán sai, mà anh ấy lại đoán rằng nó sẽ anh thịt anh, vậy nghĩa là anh ta lại đoán đúng. Còn nếu con cá sấu không ăn thịt anh, nghĩa là anh thợ sửa ống nước đã đoán đúng, mà anh đoán rằng nó sẽ phải ăn thịt ăn, vậy thì nó phải ăn thịt anh, nhưng nếu nó ăn thịt anh thì anh đã đoán đúng, mà anh đã đoán đúng thì nó lại không được phép ăn thịt anh. Quá hại não phải không nào?

Trong tiểu thuyết Don Quijote, trong cuộc hành trình hành hiệp trượng nghĩa của mình, thầy trò Don Quijote đã gặp được một cặp vợ chồng bá tước. Vì quá nổi tiếng trên mạng xã hội nên ai cũng biết đến hai thầy trò ông. Vợ chồng bá tước cũng thuộc hạng bựa bựa vui tính nên đã chơi hai thầy trò một vố vô cùng lớn. Họ sắp sếp mọi thứ y như những gì mà chàng đã tưởng tượng, cho người đóng giả làm nàng Dulcinea làng Toboso rồi tạo ra những viễn cảnh theo đúng những gì mà thầy trò Don Quijote đã tưởng tượng ra. Trong đó có việc bác phụ tá Sancho Panza được giao cho cai quản một hòn đảo.

Ông bà bá tước giao cho Sancho Panza cai quản một nơi mà họ gọi đó là hòn đảo và Sancho Panza được làm chúa đảo, mọi người được lệnh nghe theo lời bác Sancho y như bác là một chúa đảo thật sự. Sau rất nhiều tình huống khiến Sancho phải khó xử, họ mới đưa ra một tình huống để xem bác xử trí ra sao.

Trên đảo có một cây cầu được chính quyền xây dựng, chính quyền lại đặt ra một luật lệ rằng người muốn đi qua cầu phải nói mục đích mà mình sang bên kia sông. Nếu nói thật thì không sao, còn nói dối thì sẽ bị treo cổ. Có một cái thòng lọng đã được dựng sẵn ở cầu để treo cổ những kẻ đã nói dối việc đi qua cầu. Rồi có một thanh niên đã trả lời khi được hỏi mục đích đi qua bên kia cầu rằng “tôi sang bên kia sông để các ông treo cổ tôi vào cái thòng lọng ấy”. Các quan chức không biết xử lý sao với tình huống này nên mời Sancho Panza đến xét xử. Nếu chàng trai này nói thật, anh ta sẽ được sang cầu, nhưng anh ta phải treo cổ để lời nói của mình là sự thật, nhưng người ta chỉ treo cổ những ai nói dối còn chàng trai này thì lại đang nói thật, nhưng nếu chàng trai này nói thật thì chàng trai này phải bị họ treo cổ. Còn nếu chàng trai này nói dối, dĩ nhiên chàng trai sẽ bị treo cổ, nhưng nếu treo cổ chàng trai thì lời chàng trai nói là sự thật, họ lại không được phép treo cổ cậu ta. Nhưng nếu không treo cổ cậu ta thì cậu ta lại nói dối, lại phải treo cổ cậu ta.

Một tiết lộ nho nhỏ rằng bác Sancho Panza đã xét xử vụ này bằng cách… nói ngang. Bác đuổi chàng sai bên kia sông và dọa đánh nếu chàng trai muốn làm khó bác tiếp. Mà trong cái vụ làm chúa đảo đó, bác đã giải quyết mọi việc tốt đến nỗi mọi người cũng phải ngạc nhiên trước những gì mà bác làm được.

Người du hành gặp chính mình

Người nhện gặp chính mình
Khi bạn du hành đến tương lai để xem chồng của crush là ai

Nghịch lý này rất đơn giản và dễ hiểu, đó là “người du hành đến quá khứ hoặc tương lai và gặp chính mình ở thời điểm ấy“. Điều này nghe có vẻ khá bình thường nhưng thật ra lại vô cùng vô lý. Nếu như một người du hành đến quá khứ của mình và gặp lại chính bản thân mình, vậy tại sao trong ký ức của người đó, người đó lại chưa hề gặp chính bản thân của mình lần nào? Còn nếu người này du hành đến tương lai, vậy tại sao trong tương lai người này lại không gặp lại chính mình đã từ quá khứ du hành đến?

Còn nếu giả dụ như trong ký ức của người này có thông tin rằng mình đã từng gặp chính mình trong quá khứ, vậy hóa ra những thứ đã diễn ra hiện tại lại bị tác động bởi chính quá khứ của người đó. Mà những gì diễn ra trong quá khứ đó lại bị chính những thứ diễn ra ở hiện tại tác độc đến. Nghĩa là theo dòng thời gian của người du hành, những gì xảy ra ở tương lai lại xảy ra trước những gì xảy ra ở quá khứ, mà những gì xảy ra ở quá khứ thì vẫn xảy ra trước tương lai. Vậy quá khứ chính là tương lai cua tương lai mà tương lai cũng chính là quá khứ của quá khứ.

Việc người du hành gặp chính mình khi du hành thời gian tưởng chừng như vô hại nhưng hóa ra lại ta ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Lấy ví dụ như trong phim Avenger: End Game, nếu như không có giả thuyết về đa vũ trụ, Captain America trong quá khứ sẽ biết được rằng Bucky vẫn còn sống do Captain America ở tương lai cho biết. Vậy thì suy nghĩ và quan điểm ở Captain ở quá khứ sẽ bị thay đổi, những gì xảy ra trong những loạt phim xoay quanh Đội trưởng Mỹ và Chiến binh mù đông sẽ không xảy ra nữa vì Captain biết Bucky chính là Chiến binh mùa đông. Nhưng thực tại về những cuộc chiến đó có tồn tại nhưng rồi nó lại không tồn tại. Hại não chưa?

Các nhà làm phim và viết tiểu thuyết cũng cố gắng tìm cách tránh khỏi nghịch lý người du hành gặp lại chính mình, trong đó có hai cách phổ biến nhất đó là người du hành chạy trốn chính mình và du hành bằng ý thức. Với phương pháp người du hành chạy trốn chính mình, theo đó người du hành thời gian sẽ bằng mọi cách không cho chính mình ở thời điểm quá khứ không gặp chính mình từ tương lai tìm đến để dòng thời gian không bị thay đổi. Nhưng cách này không hợp lý khi du hành đến tương lai vì trong tương lai, người này đã biết rằng chính mình trong quá khứ đã tìm đến thời đại mình đang sống và đang trốn tránh chính mình. Nhưng người ở tương lai biết mình trong quá khứ đã du hành đến tương lai và đang trốn tránh chính mình thì phải tìm mọi cách để chạy trốn làm gì nữa vì người ở tương lai cũng đâu có muốn gặp người trong quá khứ.

Còn đối với du hành bằng ý thức, theo đó, người du hành không hoàn toàn di chuyển cả cơ thể mình đến thời điểm trong quá khứ mà chỉ di chuyển toàn bộ ý thức của mình về chính bản thân mình trong thời điểm đó. Đó vẫn là người trong quá khứ và không hề gặp chính bản thân mình, nhưng người ở quá khứ này lại có ý thức của người ở tương lai. Đến đây lại có một nghịch lý xảy ra, đó là người ở quá khứ đã biết trước tương lai, thế sao người ở tương lai lại không có một ký ức nào về việc mình đã biết trước về tương lai của mình? Còn trong trường hợp du hành đến tương lai, nghĩa là người ở tương lai có ý thức ở về việc du hành thời gian ở quá khứ. Nhưng người ở tương lai lại chính là người ở quá khứ đã sống đến thời điểm đó, vậy là người này đã biết về cuộc du hành ấy trước thời điểm mà ý thức trong quá khứ được đưa đến. Nhưng nếu vậy thì việc du hành ấy không có ý nghĩa vì người ở tương lai đã biết hết mọi thứ rồi hoàn toàn có thể hoàn thành việc mà người ở quá khứ muốn làm, nhưng nếu không du hành thì người ở tương lai lại không có ký ức về cuộc du hành ấy.

Hiệu ứng cánh bướm

Thuật ngữ “hiệu ứng cánh bướm” được dùng để ám chỉ rằng một việc xảy ra trong quá khứ có thể dẫn đến một kết quả vô cùng to lớn ở tương lai. Thuật ngữ này được phát biểu như sau: “một cái đập cánh của một con bướm ở phương bắc có thể tạo ra một cơn bão ở phương nam“. Trong du hành thời gian, thuật ngữ này dùng để ám chỉ rằng một hành vi du hành thời gian có thể sẽ xảy ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ví dụ như một người du hành thời gian đến quá khứ và giết chết người đã thống nhất hiên hạ khi vừa mới trào đời. Vậy thì thiên hạ sẽ không còn người đó dẹp loạn nữa, thiên hạ sẽ tiếp tục chìm trong chiến tranh liên miên, bá tánh lầm thang.

Hiệu ứng cánh bướm còn có nghĩa rằng hành động du hành thời gian và làm thay đổi một điều rất nhỏ trong thời đại được du hành ấy sẽ tạo ra rất nhiều thực tại song song. Như ví dụ bên trên, rõ ràng là người thống nhất thiên hạ đã thống nhất được thiên hạ, nhưng trong quá khứ ông ta đã bị một người từ tương lai giết chết, vậy là thiên hạ không có người thống nhất. Vậy là đã có ít nhất hai thực tại cùng tồn tại song song đó là một thực tại người này đã xuất hiện và thống nhất đất nước và một thực tại rằng người này đã bị giết khi mới trào đời. Vì nếu như không có thực tại người thống nhất thiên hạ vẫn sống thì sẽ không có chuyện có một người từ thực tại này du hành về quá khứ và giết chết ông ta, nên cũng sẽ không có luôn thực tại ông ta bị chết. Vậy khi người du hành thời gian này trở về thời đại của mình thì người này sẽ sống ở thực tại nào? Phần đông mọi người cho rằng người này sẽ sống ở thực tại mới được tạo ra, nhưng điều đó không có nghĩa là thực tại kia sẽ tự dưng kết thúc, nó sẽ tiếp tục tiếp diễn với việc người du hành này đã du hành về quá khứ và không bao giờ trở về.

Nghịch lý người du hành mất tích

Cũng trong ví dụ bên trên, nghĩa là hai thực tại này không thể đều có người du hành thời gian trở về, sẽ có một thực tại mà người này đã mất tích. Nghịch lý người du hành mât tích có thể được định nghĩa như sau: “người du hành sẽ biến mất trong một khoảng thời gian hữu hạn hoặc vô hạn nếu như không trở về thời đại của mình“, định nghĩa này không xét trong trường hợp đa thực tại. Chúng ta cũng không nhắc đến đa thực tại trong trường hợp này.

Nếu như người du hành đã du hành đến quá khứ và không bao giờ trở về, quá khứ đó lại chính là tương lai của anh ta. Ở tương lai, anh ta đã sống đến thời điểm đó, du hành thời gian và đột nhiên mất tích. Nhưng nếu người này sống ở quá khứ mấy chục năm rồi quay trở về đúng vào thời điểm mà người này vừa đi, lúc này thờ điểm du hành của anh ta ở hiện tại chỉ là tích tắc, nhưng trong quá khứ thì nó gần như là vô tận, anh ta có thể rong chơi thỏa thích. Nhưng việc anh ta có trở lại thời đại của mình hay không thì lại không thể xác định được. Cho nên khoảnh khắc mà anh ta đã mất tích ấy hóa ra lại trải dài vô tận.

Còn nếu người này du hành ở tương lai và không trở về thời đại của mình nữa, lúc này có điều thú vị sẽ xảy ra đây. Người này đã mất tích kể từ thời điểm anh ta du hành thời gian, rồi vài chục năm thậm chí là hàng trăm, hàng nghìn năm sau anh ta đột nhiên xuất hiện. Vậy trong khoảng thời gian qua anh ta đã ở đâu? Đã rất nhiều năm trôi qua đối với mọi người nhưng đối với người du hành thời gian thì nó chỉ là khoảnh khắc. Còn nếu người du hành thời gian trở lại đúng thời điểm mà mình vừa du hành, thì lúc này đối với mọi người nó chỉ là khoảnh khắc nhưng đối với người du hành thời gian thì nó có thể là bao nhiêu tùy thích, có thể là vô tận. Vậy đã tồn tại một nơi nào đó mà đối với người du hành thời gian chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đối với mọi thứ nói lại có thể kéo dài đến vô tận và ngược lại.

Thuyết đa vũ trụ

Để giải quyết cho các nghịch lý du hành thời gian kể trên, người ta đã nghĩ ra một lý thuyết mới, đó là thuyết đa vũ trụ. Theo đó, thuyết này có thể được phát biểu như sau: “có vô số vũ trụ đang tồn tại song song nhau“. Những vũ trụ này có thể giống hoàn toàn nhau hoặc khác nhau đôi chút. Với lý thuyết này, các nhà làm phim và sáng tác truyện tha hồ sáng tạo mà không phải vướng vào các nghịch lý thời gian nữa.

Theo đó thì người du hành thời gian không hề du hành thời gian mà thực chất chỉ du hành đến một vũ trụ khác có dòng thời gian trễ hơn hoặc sớm hơn vũ trụ mà mình đang sống. Với lý thuyết này thì người du hành thời gian tha hồ gặp chính bản thân mình, tha hồ giết ông nội mình, làm tình với mẹ mình mà không hề ảnh hưởng gì đến ký ức của bản thân và những sự việc diễn ra ở vũ trụ của mình. Những món đồ hay công thức cũng không tự dưng xuất hiện hay biến mất mà nó chỉ chuyển từ vũ trụ này sang vũ trụ khác, và các vũ trụ thì vô hạn nên người ta không cần phải giải thích nguồn gốc của nó từ đâu mà có nữa. Người du hành thời gian có thể sống trong vũ trụ mới hoặc mượn tạm món đồ nào đó dùng xong rồi trả lại, chỉ cần đi đúng và về đúng vũ trụ mà mình đang sống là được. Nếu như không trở về, người này cũng không hề mất tích mà thực chất đang sống ở một vũ trụ khác.

Với lý thuyết đa vũ trụ, các nhà sáng tạo đã sáng tạo ra rất nhiều phiên bản khác nhau của vũ trụ chính để tạo ra những tác phẩm muôn màu muôn vẻ. Có vũ trụ trái ngược hoàn toàn với vũ trụ chính, kẻ xấu vũ trụ này là người tốt ở vũ trụ kia và ngược lại, có vũ trụ nam nữ hoán đổi giới tính của nhau. Có khi hai người là kẻ thù không đội trời chung ở vũ trụ này nhưng ở một vũ trụ khác thì họ lại yêu nhau say đắm. Nói chung là cũng hack não.

Du hành thời gian là một đề tài hư cấu và vô cùng khó hiểu. Nó giống như một khái niệm triết học, rất trừu tượng và rất khó để hiểu được nó. Nhưng những nghịch lý và lý thuyết ấy lại khiến người ta đặt ra một câu hỏi mới, đó là du hành thời gian liệu có thể thành hiện thực được hay không? Sẽ rất khó để trả lời cho câu hỏi này. Còn riêng cá nhân mình, mình không mong nó thành hiện thực chút nào, vì như thế sẽ loạn mất.

One Response

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang