Những kỳ thi

Cả một đời người, không biết mỗi người chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu kỳ thi thì phải. Từ lúc nhỏ đi học tiểu học cũng phải thi học kỳ, lớn lên thi đại học, rồi thi bằng lái, thi viên chức nếu muốn làm trong cơ sở của Nhà nước. Nếu tính tổng lại, không biết mỗi người đã trải qua bao nhiêu kỳ thi mà nói.

Ngay từ lúc nhỏ, việc chơi những trò chơi dân gian của trẻ con cũng là những kỳ thi rồi. Thi xem ai chơi giỏi hơn, hay oẳn tù tì xem ai thắng ai thua. Đến khi đi học thì phải lao vào các bài thi học kỳ, các bài kiểm tra có đột xuất và cũng có thông báo trước. Nếu chỉ tính trong khoảng thời gian 12 năm ngồi trên ghế nhà trường thôi, ta cũng phải trải qua không biết bao nhiêu kỳ thi rồi. Mỗi một lớp đều phải học trên mười môn học. Và mỗi một môn học đó sẽ có hai kỳ thi học kỳ, hai kỳ thi giữa kỳ và có biết bao nhiêu các cuộc kiểm tra khác nữa, nào là kiểm tra 15 phút, kiểm tra 45 phút, kiểm tra lấy điểm miệng. Chỉ nhẩm sơ qua thôi, tôi cũng cảm thấy giật mình rồi. Mỗi một lần thi như vậy, là một lần cặm cụi học bài, cặm cụi ôn bài dù có thuộc hay không. Có một điều khá thú vị và cũng hơi khó hiểu, đó là những đứa không bao giờ chịu học, suốt ngày cứ đi chơi và việc ăn một con điểm không to đùng là một điều hãnh diện đối với nó, không hiểu sao mỗi khi đến kỳ thi học kỳ thì chúng cũng ôn bài ráo riết. Có đứa còn thức nguyên đêm. Có thể thấy, từ trong sâu thẳm con người, người ta vẫn ý thức đến chuyện học hành và có ý chí tiến bộ trong mọi chuyện. Hồi tôi học cấp hai, tôi được chọn thi học sinh giỏi. Tôi không thích điều này bởi nhiều nguyên nhân. Và việc đi ôn học sinh giỏi đối với tôi chỉ là miễn cưỡng. Nhưng biết làm sao khi trường cấp hai mà tôi đang theo học thì rất nhỏ, tôi không thể từ chối với một lý do nào hợp lý được. Tôi luôn không bao giờ muốn học và chỉ mong sao cho mình trượt cho rồi để khỏi phải đi ôn thi lúc trưa nắng cực nhọc nữa. Hồi đó nhà tôi cách xa trường và phải đạp xe đi học gần một giờ đồng hồ thì mới tới nơi. Lúc đó tôi nhớ không nhầm thì 11 giờ 20 mới tan học, đạp xe về nhà cũng đã gần 12 giờ 30, tôi chỉ có nửa tiếng để ăn cơm, cũng chẳng có thời gian đâu để nghỉ ngơi nữa mà phải đạp xe tiếp tục đến trường để đến trường trước lúc 2 giờ. Tôi luôn thức sớm trước 5 giờ để chuẩn bị đi học buổi sáng. Và việc thức dậy trước 5 giờ, đạp xe đi học rồi đạp xe về nhà rồi lại tức tốc đạp đi đạp về nữa làm tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Đó cũng là một trong những lý do mà tôi đã không thích việc đi thi học sinh giỏi khi tôi đã học lên cấp hai. Có lẽ tại tôi là con người thích tự do, thích làm những gì mà mình thích và không muốn bị áp đặt bởi ai hay không muốn mình bị phụ thuộc hoàn toàn vào thứ gì đó. Tôi nghĩ tới chuyện suốt ngày cứ cắm đầu vào học mà không hề biết bên ngoài có những gì là tôi cảm thấy tội nghiệp cho người đó. Tôi cũng là một người không biết gì về bên ngoài nhưng may mắn là tôi đã không coi việc học là tất cả từ sớm, nhưng về hiểu biết bên ngoài thì tôi vẫn còn là một thằng khờ không hơn không kém. Nghĩ tới việc các bậc cha mẹ cứ bắt con mình phải học thật giỏi mà không cho nó đi chơi bời bên ngoài là tôi thấy thật sai lầm. Sau này khi tôi có con, tôi sẽ không bắt nó học thật giỏi, chỉ cần chú ý tới việc học là được rồi, nhưng phải đi chơi đây đó để biết thế giới bên ngoài có gì, không thể cứ ru rú trong nhà được. Trở lại vấn đề, tôi đã chán việc phải bị đưa vào một cái guồng quay của thành tích như thế đó, ấy vậy mà khi vào phòng thi, tôi lại vặn hết óc của mình ra để giải những bài toán mà tôi có biết làm đâu. Những kỳ thi luôn làm cho con người ta có ý thức học tập cho dù người đó có thích học hay không.

Nhắc một chút đến những kỳ thi học sinh giỏi. Tôi đã coi nó như một việc miễn cưỡng bị ép buộc khi tôi học cấp hai và cho đến khi tôi lên cấp ba, tôi không bao giờ động đến nó nữa, cũng may vì trường cấp ba rất đông nên tôi không còn là gì nữa. Tôi chỉ là một thằng học sinh khá quá đỗi bình thường. Tôi thấy mệt mỏi giùm những đứa bạn ở cấp ba đã bị buộc ở lại kỳ nghỉ hè để ôn thi cái cuộc thi học sinh giỏi đó mặc dù tất cả những công sức đó bỏ ra chỉ để cho một buổi thi và kết quả cao lắm cũng chỉ được có mấy trăm nghìn đồng. Không phải tôi thực dụng nhưng việc bỏ ra mấy năm trời để cho một buổi thi với cái kết quả đó tôi cảm thấy không đáng một tí tẹo nào, cho cả học sinh và cho cả giáo viên nữa. Nhưng đó là chuyện của cán bộ, không nhắc thêm nữa làm gì.

Trong mười hai năm làm học sinh đó, mỗi người đều trải qua biết bao nhiêu kỳ thi không kể hết. Cứ mỗi lần thi học kỳ, đó lại là lúc náo nhiệt ồn ào lên vì ôn thi. Dù thuộc bài hay không thuộc bài, chăm học hay lười học cũng đều lao vào ôn thi một cách vội vã. Kể lại thì cũng hơn hai mươi kỳ thi cuối kỳ trong một đời người. Ấy vậy mà ta cũng đã trải qua và nếu nhớ lại thì khó mà nhớ được. Tôi không thể nhớ tôi đã ôn thi như thế nào và đã gặp những đề thi gì. Chắc tại thi nhiều quá nên không thể nhớ được, nó giống như một công việc cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày nọ, dù có thú vị mấy cũng sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán và khó ai có thể lưu giữ nó trong ký ức được, bởi nó chỉ là rác mà thôi.

Đó chỉ là những kỳ thi bình thường lặp đi lặp lại, còn có những kỳ thi khá đặc biệt khác mà ta phải trai qua trong cuộc đời. Những kỳ thi cuối cấp là một trong số đó. Thi tốt nghiệp cũng là một điều làm người ta mệt mỏi, tôi không còn nhớ tôi đã thi tốt nghiệp như thế nào nữa. Lúc đó, khối 12 của tôi phải nhập học trước hơn một tháng và học xong chương trình trước cũng hơn một tháng so với các khối lớp còn lại, và thời gian còn lại chắc chắn là để ôn thi tốt nghiệp. Cái thời chị hai của tôi còn học, lúc đó tốt nghiệp cấp một và cấp hai vẫn phải thi. Khi còn nhỏ thôi mà con người ta phải lao lực vì những kỳ thi đó rồi.

Thi tuyển sinh cũng làm người ta mệt mỏi không kém. Nếu như thi tốt nghiệp chỉ cần đủ điểm là có thể qua, thì thi tuyển sinh lại là một cuộc đấu kẻ thắng người thua. Nếu bạn không nằm trong số những người có điểm số cao nhất, bạn sẽ bị loại. Tôi đã phải trải qua hai kỳ thi tuyển sinh đó là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tuyển sinh vào đại học. Có thể nói cả hai kỳ thi này đều đem đến cho tôi một cảm giác mới lạ. Điều làm tôi thích thú nhất chính là việc quen biết thêm được những con người xa lạ. Mặc dù có kẻ đi người ở lại, nhưng những người bạn đó luôn là kỷ niệm đẹp của tôi. Những người bạn mà tôi quen trong các kỳ thi tuyển sinh đa số họ đều trượt nguyện vọng một. Năm tôi tuyển sinh lớp mười và tuyển sinh đại học đều chỉ có duy nhất một người đậu vào, những cũng học khác lớp với tôi nên cũng có thể coi như họ đã lướt qua đời tôi rồi. Vì số lần mà tôi gặp họ có thể đếm trên một bàn tay mà vẫn còn dư ra vài ngón tay. Nhưng quả thật những kỳ thi tuyển sinh đó làm tôi kiệt sức. Không hiểu sao, trong hai lần thi đó tôi không bị sao nhãn một lúc nào, có lẽ do đó mà tôi đều đỗ. Ấy là đối với một thằng nhà quê xuất thân từ một nơi nghèo nàn lạc hậu như tôi. Chứ ở thành phố, ở những nơi nhộn nhịp thì những đứa trẻ và những đứa thanh niên ấy phải trải qua nhiều hơn tôi vô số kể. Nào là thi vào trường chuyên, trường điểm. Ngay cả cấp một cũng có chuyện xếp loại trường này tốt, trường này tệ để rồi bắt những đứa trẻ mới học xong mầm non đã phải lao vào những cuộc đấu một mất một còn vô nghĩa ấy. Nếu ai nói một câu rằng nếu được quay trở lại quá khứ họ sẽ cố gắng học thật giỏi thì đối với tôi, nếu được quay trở lại cái thời mười hai năm áo trắng đó, tôi sẽ học ít hơn và hưởng thụ cuộc đời nhiều hơn. Những năm tháng đó thật tẻ nhạt và vô vị.

Tuy việc học đại học không còn áp lực bằng lúc học phổ thông nữa nhưng chuyện thi cử cũng không khả quan là mấy. Vẫn phải lao đầu vào ôn thi những thứ quá ư là cao siêu, toàn những thứ trên 9 tầng mây. Nếu đã thoát khỏi mười hai năm vô nghĩa ấy rồi thì cũng đừng vội mừng, bởi còn trên dưới 50 kỳ thi khác đang chờ đón nữa. Những kỳ thi ấy luôn làm ta cạn kiệt sức lực và cũng sẽ nhanh chóng quên đi, bởi lẽ nhiều quá, ai mà có thể nhớ nổi được. Nhưng mỗi kỳ thi ấy lại cạn kiệt sức lực nhiều hơn bởi những thứ mà ta được học đó quá nhiều và quá cao xa với thực thế.

Còn có biết bao nhiêu kỳ thi khác nữa mà trên thực tế ta cũng phải trải qua. Nếu như sinh viên phải thi mấy lần để được những cái bằng tiếng Anh với mấy cái bằng tin học để sau này còn phải sinh việc thì một người dân bình thường cũng phải thi lấy cái bằng lái xe mới điều khiển được xe máy. Có những cuộc thi rất thực tế nhưng cũng có những cuộc thi tạo ra chỉ để cho có, để có cái gọi là thủ tục. Nhưng dù là ai thì cũng phải thi nếu bạn muốn lái một cái xe máy là chuyện ít nhất. Còn việc đi làm trong Nhà nước thì phải thi công chức, đi xin việc thì phải phỏng vấn, đó cũng là một cuộc thi để xem bạn có đỗ hay không. Có biết bao nhiêu thứ phải thi và phải thi. Có khi nào bạn tự hỏi sao có nhiều thứ để người ta phải thi như thế không? Có hỏi thì cũng vậy thôi. Bởi đó là một phần không thể chối bỏ được mà. Nó giống như việc bạn phải mặc quần áo cho dù trời nóng phát điên lên và có thể dễ dàng bốc hơi được. Tôi đã từng nghĩ không biết phải như thế nào nếu ta trần như nhộng khi ở ngoài đường và phải làm cách nào để có thể trở về nhà với hình hài ấy được. Nhưng đời vốn là thế rồi, nó là những thủ tục phải có và ta không thể nào chối bỏ nó được, ta chỉ có thể chấp nhận nó thôi.

Thi thì vẫn phải thi. Nói sơ qua vậy thôi chứ làm sao mà có thể bỏ những kỳ thi ấy được. Ít ra thì nó cũng giúp ta thêm siêng năng thêm phần nào trước sự phát triển của công nghệ bây giờ, người ta đã bị thụ động nhiều trong việc tiếp thu kiến thức. Tôi không có khả năng để có thể giảm bớt đi những kỳ thi đó, nhưng tôi vẫn ước nó có thể giảm đi phần nào. Tôi nghĩ thay vì phải học thuộc bài và thi cử vội vã thì tại sao người ta không tích lũy điểm dần qua các lần làm bài tập nhỉ, bởi lẽ khi đi làm không lẽ người ta không cho bạn đem tài liệu ra để xem lại à? Và người ta chỉ có thể thực sự thuộc lòng và hiểu tường tận khi mà người ta áp dụng nó thường xuyên trong thực tế thôi. Nhưng dù sao thì tôi và bạn cũng vẫn phải thi và thi nhiều lần nữa. Và hiện giờ tôi cũng phải đối mặt với những kỳ thi học kỳ sắp tới đây, dù có thế nào, dù có là siêu nhân đi chăng nữa thì ta cũng vẫn phải thi thôi.

3 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang