Những chuyến đò

Quê tôi là vùng sông nước. Thời đó, đường sá và xe cộ là một thứ gì đó quá xa xỉ và hơi viễn vông đối với cái xứ sở của tôi. Cái xứ sở mà kênh rạch nhiều hơn đường đi, bốn bề xung quanh chỉ toàn sông với nước, thời đó đi bộ sang nhà hàng xóm cũng là cả một vấn đề gian nan rồi. Nhà tôi ở tận trong nông thôn, tít những nơi sâu thẳm nhất và lạc hậu nhất. Có thể nói một cách ngắn gọn là Không có gì cả. Không có điện, không có lộ xe, không có chợ, không có bất kỳ một dấu hiệu của nền văn minh hiện đại nào hiện diện ở đây.

Thời đó không có khái niệm về đi chợ, mọi thứ đều tự cấp tự túc, chúng tôi chỉ đi chợ mỗi khi có đám tiệc, còn lại, lý do duy nhất để họ đi đến những nơi văn minh ấy chỉ duy nhất một lý do, đó là giấy tờ hành chính. Tôi khâm phục những bật cha chú thời đó, họ đi hàng bốn, năm cây số chỉ bằng đôi chân trần. Chỗ tôi là nơi không hề có khái niệm về đường bộ, cho nên dù đi bộ chỉ một cây số thôi, nó đã hơn cả chục cây số của người ta rồi. Đất bùn thì ngập tới mắt cá chân, lao sậy và cỏ dại mọc nhiều đến nỗi khó có thể chen chân mà bước qua được, còn chưa kể đến những cái mà người dân chúng tôi thường rọi là “đường đứt”. Ở quê tôi người dân làm ruộng theo kiểu hộ gia đình, vậy nên mỗi nhà đều có một con rạch nhỏ từ ruộng thông ra kênh để bơm nước ra vào mỗi khi cần. Nhưng cái con rạch đó chẳng bao giờ được lắp lại, nó cứ lớn dần, sâu dần đến nỗi có một số nhà, cả một chiếc ghe còn có thể đi qua đó được. Vậy đó, mỗi một ngôi nhà đều có một cái đường đứt, ấy vậy mà họ vẫn băng qua được tất cả chúng để đến nơi cần đến, giải quyết xong họ lại lụi cụi đi bộ trở về.

Những gia đình nào khá giả hơn thì họ có một chiếc xuồng ba lá, bơi qua bơi lại tiện lợi biết bao. Còn những gia đình giàu có thì họ còn có cả hệ thống xuồng máy, việc đi lại còn nhanh và đỡ tốn sức hơn nữa. Nhưng những gia đình như vậy không nhiều, và dường như xuồng máy như vậy chỉ phục vụ cho công việc làm ăn buôn bán chứ ít khi nào phục vụ cho việc đi lại cá nhân. Còn những ai muốn đi xa, họ phải cần dùng đến những con đò.

Nói một cách nôn na cho dễ hiểu thì đò thời đó cũng giống ý như xe khách bây giờ vậy, cũng có tuyến, có bến đỗ đàng hoàng. Những con đò là những chiếc xuồng gỗ với kích cỡ cực lớn, có sức chứa hàng chục thậm chí hàng trăm người. Bên trên có thệ thống mui che bằng vải để che nắng cho du khách, hay ở chỗ, những cái mui vải này có thể kéo lên kéo xuống rất tiện lợi. Phía trong, họ xếp những băng ghế theo chiều ngang, khách đi đò ngồi trên đó. Thông thường hai người ngồi ở hai phía băng ghế, khi đông thì có thể dồn lại thành ba người. Còn động cơ được dùng để vận hành con đò là những khối động cơ xe ô tô khổng lồ không biết bằng cách nào đó đã tràn trề trên thị trường. Một số người kinh doanh bằng dịch vụ này còn có một loại đò to hơn, cao cấp hơn, hoành tráng hơn nhiều. Cả con đò là một chiếc ghe to và dài, mái che được đóng bằng gỗ chắc chắn, có cửa sổ đóng mở để mọi người có thể nhìn ra bên ngoài, hệ thống máy móc cùng hộp số được đặt bên trong, trông rất oai và sang trọng, tất nhiên giá cả cũng thế mà cao hơn các loại đò bình dân khác. Loại đò này tôi chỉ đi được một vài lần trong đời vì từ trước tới giờ tôi không phải người khá giả gì.

Thời đó chuyến đò mà chúng tôi hay đi nhất là chuyến đò đi ra thị trấn. Ngày nào cũng có đò chạy ngang bến sông nên việc bắt đò đơn giản lắm. Chỉ việc ra bến sông, nghe tiếng máy xe ầm ĩ thì biết ngay thế nào đò cũng tới. Đò di chuyển nhanh lắm, nhưng tốc độ đó vẫn còn thua xa so với xe máy, nên việc đi lại bằng đò cũng khá mất thời gian, nhưng thời đó là gì có đường sá để mà đi bằng xe máy. Cỡ hơn sáu giờ là đò chạy ngang nhà tôi, đến gần tám giờ thì đò tới thị trấn. Hồi nhỏ tôi hiếu động lắm, mỗi khi xuống đò cứ ngắm nhìn phong cảnh xung quanh mãi không thôi, còn bây giờ, mỗi khi lên xe tôi luôn kéo màn lại, đọc một cái gì đó hoặc thiếp ngủ đi vì quá mệt mỏi. Khi đò đã cặp bến thì mọi người hối hả lên bở, ai đi làm việc nấy, đến giờ lại trở về. Hồi đó đò đi thị trấn mỗi ngày cứ hai chuyến sáng chiều đều đều như vậy.

Bến đò là một nơi rộng lớn và nhộn nhịp không khác gì bến xe thời bây giờ. Một khu vực rộng lớn để các tàu đò neo đậu, ở bến đò tỉnh, nó kéo dài hàng trăm mét. Không chỉ có duy nhất những con đò to nhỏ, mà cả ca nô, cao tốc cũng đậu chung ở đây. Nói chung là nó to lớn và nhộn nhịp, một cảm giác nhộn nhịp khó tả.

Quê ngoại tôi ở xa, mỗi lần sang nhà ngoại phải đi đến tận hai chuyến đò kèm theo một chuyến xe ôm ở giữa. Thời đó cái cảm giác được ngồi sau xe ôm nó còn hơn cả cái cảm giác được ngồi lên siêu xe nữa. Hồi đó, đầu tiên chúng tôi phải sang kênh bên kia mới bắt được chuyến đò đi ra tỉnh vì kênh bên kia lớn hơn, nó giống như là lộ cái thời bây giờ vậy. Vì là đường chính nên đò cứ đi liên tục, cứ mười mấy phút lại có một chuyến. Ngồi trên đò gần hai tiếng thì ra được thành phố. Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác choáng ngợp khi từ vùng quê hẻo lánh, chúng tôi tiến dần đến thành phố văn minh hiện đại. Đập vào mắt tôi đầu tiên là con sông rộng thênh thang, xa mút tầm mắt. Xa xa là những chiếc máy xúc đang miệt mài làm việc. Nó như một thứ gì đó sang trọng, hiện đại, choáng ngợp chúng tôi biết bao nhiêu. Rồi dần dần, cảnh những ngôi nhà tường, rồi nhà cao tầng hiện ra. Xe máy trên bờ tấp nập, đôi khi còn những chiếc ô tô nữa.

Đến bến đò, khung cảnh lại càng choáng ngợp hơn khi chúng tôi nhìn thấy những chiếc đò đầy oai phong, đang neo đậu một cách rất oai, rát oách trên các bãi đổ. Nhưng cái làm tôi thích thú trên hết vẫn là những gian hàng, những người bán đồ liền vây lại, rao bán với đủ các mặt hàng ăn uống rất hấp dẫn. Đầu tiên có thể kể đến là những chiếc xuồng cỡ nhỏ, họ thường bán nước uống, kèm theo một vài thức  ăn vặt khác mà tôi chỉ nhớ có mỗi món trứng cúc luộc. Đó là những chiếc xuồng ba lá cỡ vừa và lớn, ai sang hơn thì có những chiếc phà cỡ nhỏ, ở giữa là một thùng đựng nước đá cỡ vừa, chứa đủ nước đá để bán cho cả ngày. Tiếp theo là một kệ nhỏ chứa đầy các loại nước ngọt, còn đồ ăn thì treo lủng lẳng xung quanh. Phía sau là mái chèo, được buộc vào thêm một cái chuông. Ở chỗ chúng tôi, những người bán kem và nước đều có một cái chuông kêu leng keng, mỗi khi nghe tiếng chuông đó mọi người đều biết rằng có kem hay nước đang đến gần. Ghe xuồng luôn đung đưa nhúc nhít nên những tiếng chuông leng keng ấy cứ vang mãi, tạo ra một thứ cảm giác kích thích còn cao hơn cả những món giải trí bây giờ.

Phía trên bờ, những người bán hàng cũng tràn xuống đò, Thời đó những mặt hàng cũng ít lắm, một vài người bán bánh mì, chỉ là những chiếc bánh mì cỡ to thôi, không kẹp thịt hay bất kỳ thứ gì khác, nhưng thời đó bánh mì đã là thứ gì đó sang trọng lắm rồi. Hồi đó hình như mỗi lần cha mẹ tôi đi đâu đó về hay bác tôi đến thăm đều mua cho chúng tôi những ổ bánh mì to lớn như vậy, được ăn chúng là một cảm giác sung sướng mà khó có thể hình dung ra được. Kế tiếp là những bà bán trứng cúc, chỉ duy nhất một món ấy thôi. Trứng cúc được luộc sẵn, nóng hổi và thơm lừng, được đựng trong các bịt ni lông nhỏ, cứ mười trứng cho vào một bịt, kèm theo đó là một gói nhỏ muối tiêu. Cuối cùng là những người bán kẹo cao su, cũng chỉ duy nhất một món ấy, đó là những thanh kẹo rẻ tiền, nhưng đối với những người chân lấm tay bùn từ dưới quê lên như chúng tôi thì nó là một thứ gì đó, tuyệt vời và sang trọng khó tả. Nhưng tôi rất ít, rất ít khi nào được thưởng thức những thứ đó, lý do đơn giản thôi, chúng tô không có nhiều tiền. Mặc dù bây giờ, tôi đã ăn những ổ bánh mì kẹp thịt hàng ngày, nhai những viên kẹo cao su the cay hơn những thanh kẹo rẻ tiền ấy nhiều lần, món trứng như một thứ gì đó quá đỗi bình thường, nhưng vẫn chưa từng có một cảm giác hào hứng, choáng ngợp trước những thứ tầm thường thời đó.

Lên bờ, những cánh xe ôm cứ bủa vây chúng tôi. Thời đó người ta đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hồi nhỏ, mỗi khi đi đâu đó, tôi thường được diện một bộ đò mới toanh, quần cụt với áo thun thôi, không có quần dài, và một chiếc mũ đội lên đầu. Giờ mà được nhìn lại tôi thời đó chắc dễ thương dữ lắm. Mỗi lần ngồi lên xe là tôi đều lấy tay cầm chiếc nón trên đầu, sợ nó bay mất, mà nó cũng bị bay mấy lần rồi, nhưng lần nào chúng tôi cũng dừng xe lại để nhặt cả. Cái cảm giác được ngồi trên xe ôm thời đó y như là đang trên đường đua vậy, tôi thấy nó nhanh và kích thích vô cùng. So với những con đò kia thì những chiếc xe này nó nhanh hơn gấp bội phần.

Tôi còn nhớ rõ, hồi đó, trên đường đi từ bến tàu A sang bến tàu B, chúng tôi phải băng ngang qua một cái nghĩa địa, nhưng tôi lại không hề có cảm giác sợ ma gì cả. Hồi đó tôi còn có một bà dì nhà ở thành thị, hình như chúng tôi thường ghé thăm bà mỗ khi có dịp, nhà bà bán hủ tiếu, cho nên mỗi lần ghé là tôi đều được ăn một tô hủ tiếu miễn phí. Giờ bà đã không còn bán nữa, cũng dời nhà, và cũng từ rất lâu rồi tôi không còn ghé nhà bà nữa.

Bến tàu B là nơi neo đỗ những con tàu đi về miệt dưới, nó còn to lớn và hoành tráng hơn bến tàu A gấp nhiều lần. Cũng vẫn cái cảnh choáng ngợp ấy, cái không khí nhộn nhịp cùng những gian hàng vừa trên cạn đổ bộ xuống, vừa từ các bên dưới sông tấp vào, ý như một cuộc tấn công bằng đường thuỷ vậy. Ở đó đò lớn nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ đi đò nhỏ thôi, tiền đâu nhiều mà đi đò lớn. Nói là nhỏ thôi, chứ nó vẫn to lớn hơn những con đò bên bến tàu A rất nhiều. Một đứa trẻ bé xíu như tôi giờ đây không còn ngẩng đầu lên nhìn phong cảnh xung quanh được nữa rồi, nó to và cao quá thể. Hành trình này dài hơn gấp nhiều lần. Tôi cứ ngồi, cứ nghe âm thanh ì ì của động cơ, đến nỗi muốn rũ xương ra nhưng vẫn chưa tới nơi.

Con tàu này còn ghé một trạm ở thị trấn Đầm Dơi nữa, ở đó cũng nhộn nhịp không kém gì so với hai bến tàu kia. Nhưng hơn hết, nó có một món đặc trưng hơn hai nơi kia nhiều, đó là bánh bao Đầm Dơi. Nó cũng là bánh bao, nhưng to hơn và ngon hơn món bánh bao mà hai bến tàu kia bán. Lần này thì mẹ tôi thường không dè sẻn nữa mà thường mua cho chúng tôi ăn ngay. Tôi cứ hân hoang và ăn chúng theo một kiểu cách y như là ăn thứ gì đó sang trọng trong giới quý tộc vậy, giờ nhớ lại mà không nhịn được cười. Còn bây giờ, tôi ngồn nghiến những chiếc bánh nhanh như vừa vứt đi nó chứ không phải là ăn vậy.

Thời đó, những con đò cũng hệt như xe bây giờ vậy, có tên, có tuyến đường, có bãi đỗ đàng hoàng. Một số con đò còn phát triển thêm nhiều chiếc, tạo thành một chuỗi hệ thống y như những hệ thống xe khách thời bấy giờ, nhưng quy mô không nhiều đến hàng trăm chiếc như ngày nay, nhưng mỗi khi nghe nói đến thôi, người ta đã thấy ngưỡng một rồi. Nói đến những con đò ấy, đó là cả những kỷ niệm đẹp, là một hồi ức dài mà người ta khó có thể kể lại trọn vẹn cho hết được. Nó như một thứ gì đó, như một thứ văn hoá đã từng tồn tại và giờ bị mai một dần đến nỗi nó gần như đã biến mất hoàn toàn. Những đứa trẻ bây giờ, hay những thanh niên mới lớn bây giờ khó mà biết được, hoặc có người không còn nhớ rõ những hình ảnh, những cảm giác đó nữa.

Xã hội giờ phát triển nhanh quá, kéo theo đó, những thứ lạc hậu không còn hợp thời phải lùi dần, thay thế cho những thứ tốt hơn, hiện đại hơn. Những con đò vẫn còn đó, vẫn đi lại đều đặn, những bến đò vẫn còn đó, vẫn neo đậu bình thường. Nhưng giờ, những con đò không còn đầy ắp khách nữa, những con đò giờ đây chỉ được sử dụng để vận chuyển hàng hoá. Những bến đò trông đìu hiu, buồn tẻ biết bao nhiêu. Không còn khách khứa tấp nập, không còn những chiếc xuồng bé bé cập vào cạnh những con đò để buôn bán nữa, còn không còn những bà, những cô, những chị, những anh trẻ xuống đò bán bánh mì, bán trứng cúc, bán kẹo cao su nữa. Họ đã chuyển nghề hết rồi, còn những vị khách xưa giờ đã có những chiếc xe nhanh vun vút để đi rồi. Những con đò chỉ nằm đỏ, uể oải, than thở với cuộc đời này. Cảnh tượng buồn tẻ và đìu hiu như một buổi tiệc vừa mới tàn. Tiệc đã tàn thật rồi.

Có thể một ngày nào đó,  theo những tuyến sông kia, trên bờ là những con đường nhựa rộng thênh thang, xa mút tầm mắt. Người ta không còn dùng những con đò ấy để vận chuyển hàng hoá nữa, họ thay vào đó là những chiếc xe tải chở được nhiều đồ hơn, nhanh ơn và rẻ hơn gấp nhiều lần. Vậy là những con đò ấy được kéo lên bờ, nằm ủ rũ đó chờ cho đến khi mục nát ra, hoặc bị chẻ ra làm củi. Nhưng dù nó đã biến mất hoàn toàn đi chăng nữa, nhưng cái khung cảnh nhộn nhịp ấy, cải cảm giác rộn ràng ấy vẫn không thể nào tan biến đi được. Rồi một ngày nào đó, cũng có thể ngày đó chẳng bao giờ xảy ra, tôi sẽ lại kể về những con đò ấy bằng giọng nói của mình, pha trộn một cảm giác lẫn lộn giữa niềm tự hào và nỗi tiếc nuối, kể lại cho những thế hệ trẻ sau này biết được một nét văn hoá dân giã, độc đáo nhưng cũng không kém phần hấp dẫn này. Rồi họ sẽ trầm trồ, ngạc nhiên trước những điều mới lạ và độc đáo đó. Lúc đó tôi sẽ tự hào lắm, những người dân quê tôi cũng vậy.

3 Responses

  1. Vậy bây giờ quê chú đã có đường cho xe 2, 3, 4 bánh chưa?

    Quê tui ở miền Đông Nam Bộ và cách đây hơn 20 năm nó vẫn là vùng nông thôn. Nhiều người đi bộ, đi xe đạp. Xe gắn máy không nhiều. Thời đó, học sinh đi xe đạp Trung Quốc là sang lắm rồi. Giờ học sinh toàn đi xe đạp điện, người lớn đi xe gắn máy, hiếm có ai đi xe đạp cót két.

    1. Quê em giờ chỉ có mỗi con lộ xi măng bề ngang 2m. Internet thì không có, còn sóng 3G thì ra giữa đồng không mông quạnh mới được 1 – 2 cột sóng. Nói chung vẫn còn lạc hậu lắm, xe máy thì mới có khoảng 5 năm nay thôi. Còn 20 năm trước, hình như thời đó chiếc xuồng ba lá đã là sang chảnh lắm rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang