Khu phố của cô, đàn cừu của cô – Murakami Haruki
Ngày 23 tháng Mười. Thứ Sáu.
Lúc rời Tokyo, tôi đã mặc có một chiếc áo sơ-mi. Từ phi trường Haneda lên chiếc 747, nghe chưa hết cuốn băng 90 phút trong máy quay băng Walkman, là đã lọt vào vùng chung quanh tuyết phủ.
-“Thì vậy chứ sao”. Bạn tôi bảo. -“Năm nào đến cỡ này thì tuyết cũng bắt đầu rơi. Và thế là mùa đông đến”.
-“Lạnh quá nhỉ”.
-“Đúng mùa đông thì còn lạnh kinh hồn nữa kia”.
-“Trước đây, tình cờ mình gặp nó trên đường. Nó bảo đã ly dị vợ, và đang sống chung với một cô gái trẻ”.
-“Còn Q thì sao?”
-“Nghe nói nó làm cho một hãng đại lý quảng cáo, viết những bảng quảng cáo thật nhảm nhí”.
-“Cũng dễ hiểu thôi”.
Vân vân.
Chúng tôi trả tiền và bước ra khỏi quán. Ngoài trời tuyết vẫn rơi không ngớt.
-“Thế gần đây có về lại Kobe không?”. Tôi hỏi.
-“Không”. Hắn lắc đầu. -“Sao mà thấy xa quá. Cậu thì sao?”
-“Mình cũng không. Vả lại, cũng chẳng nảy ra ý muốn về lại”.
-“Ừm”.
-“Thành phố hẳn là đã thay đổi lắm rồi nhỉ”.
-“Ừm”.
Rảo bước vòng vòng trên phố xá Sapporo khoảng mười phút, chúng tôi cạn mất đề tài nói chuyện với nhau. Tôi quay lại khách sạn, còn hắn trở về căn chung cư ba phòng.
-“Thôi, giữ gìn sức khoẻ nhé”.
-“Ừ, cậu cũng thế”.
Thế là cỗ máy hoán chuyển đã tiến bước đánh xạch một tiếng. Và vài ngày sau thì chúng tôi lại ai đi đường nấy. Ngày mai đây, hai đứa tôi lại ở hai thành phố cách xa nhau đến năm trăm cây số, có lẽ lại tiếp tục cuộc tranh đấu vô vọng chống lại nỗi nhàm chán riêng của mỗi đứa.
Ti vi trong khách sạn đang chiếu chương trình quảng bá thông tin địa phương. Tôi mang nguyên giày, nằm dài trên khăn phủ giường, chuốc bia lạnh cho trôi miếng bánh mì kẹp cá hồi xông khói bồi phòng mang đến, vừa lơ đãng ngắm màn hình.
Đứng sừng sững ngay giữa màn hình là một cô gái trẻ mặc áo đầm màu xanh biển. Ống kính truyền hình bất động quét tia nhìn đăm đăm từ hông cô trở lên, như một loài thú ăn thịt sống. Góc nhìn đã không dời đổi, mà cũng không tiến gần hay lùi xa tí chút nào. Có cảm giác cứ như là một phim Đợt Sóng Mới ngày xưa vậy.
-“Tôi là nhân viên Ban Thông tin của Ủy ban Hành chánh Khu phố R”. Cô gái giới thiệu. Giọng nói của cô có chút hơi hướm thổ âm địa phương, run lên vì thần kinh căng thẳng. -“R là một khu phố nhỏ chỉ có bảy ngàn năm trăm người. Không nổi tiếng gì mấy nên có thể quý vị chưa hề biết đến”.
Đáng tiếc, tôi nói.
-“Ngành sản xuất chính của khu phố là nghề nông và nghề nuôi bò sữa. Nguyên trọng tâm sản xuất đã là lúa gạo, nhưng gần đây, theo chính sách chuyển canh, cũng đang nhanh chóng chuyển sang việc trồng lúa mì và các thứ rau đậu ven thành phố. Thêm vào đấy, ở ngoại vi khu phố lại có đồng cỏ chăn nuôi do khu phố điều hành, nuôi khoảng hai trăm bò, một trăm ngựa và một trăm cừu lấy lông. Hiện nay, khu phố đang thúc tiến việc khuếch trương về chăn nuôi, trong vòng ba năm tới, số gia súc này hẳn sẽ tăng lên rất nhiều”.
Cô không phải là một người đẹp. Khoảng tuổi trên dưới đôi mươi, đeo kính nhiều độ, vành kim loại, khoé miệng đóng băng nét cười mỉm cứng ngắc như tủ lạnh bị hỏng. Thế mà trên màn hình, trông cô vẫn tuyệt vời. Ống kính truyền hình theo kiểu phim Đợt Sóng Mới ấy chiếu lên được hình ảnh tuyệt vời nhất của nét tuyệt vời nhất của cô. Tôi có cảm tưởng là nếu tất cả mọi người, ai cũng được đứng trước ống kính truyền hình mà nói trong mười phút, thì hẳn là thế giới sẽ trở thành tuyệt vời lắm.
-“Khoảng giữa thời Minh Trị, vàng cát đã được tìm thấy trong sông R chảy qua khu phố R này, do đó đã có phong trào tìm vàng cát sôi nổi. Thế nhưng khi đã cạn nguồn vàng cát rồi thì phong trào ấy cũng tiêu tan, chỉ còn dấu vết của vài túp lều nhỏ và con đường hẹp qua núi là chút hình tích còn sót lại của một thời vang bóng ấy”.
Tôi nhấm nháp mẩu bánh mì kẹp cá hồi xông khói cuối cùng, rồi uống một hơi cạn chỗ bia còn lại.
-“Khu phố … (đằng hắng) … khu phố cho đến vài năm trước đây đã có trên mười ngàn người, nhưng gần đây, do xu hướng rời bỏ nghề nông, tình trạng dân số giảm nhanh, lớp người trẻ dời ra đô thị, trở thành vấn đề khó giải quyết. Quá nửa số bạn bè cùng lớp của chính tôi cũng đã rời khỏi khu phố này rồi. Tuy thế, tất nhiên là vẫn còn có nhiều người chọn ở lại cùng phấn đấu với khu phố”.
Cứ như là đang nhìn vào tấm gương soi rọi tương lai, cô nhìn đăm đăm vào ngay giữa ống kính truyền hình mà tiếp tục nói. Xuyên qua màn hình, đôi mắt cô nhìn tôi đăm đăm. Tôi lấy hai lon bia từ trong tủ lạnh ra, mở khoen, uống một hơi.
Khu phố của cô.
Đến khi đàn cừu của cô ấy có được thuốc tẩy độc tuyệt vời kia thì hẳn là ở khu phố của tôi, tôi cũng đang chuẩn bị cho mùa đông cho đàn cừu của mình. Gom góp cỏ khô, trử dầu vào thùng chứa, sửa chữa các khung cửa sổ phòng bão tuyết. Mùa đông đã tiến đến kia rồi.
-“Khu phố của tôi đấy”. Cô ấy nói tiếp. -“Một khu phố nhỏ, chẳng có đặc điểm gì đáng kể, nhưng vẫn là khu phố của tôi. Nếu có dịp, xin quý vị đến xem. Có thể có chút gì đấy chúng tôi làm được cho quý vị”.
Rồi hình ảnh cô biến mất trên màn hình.
Tôi bấm nút sát bên chiếc gối, tắt ti vi, uống cạn chỗ bia còn lại. Và thử nghĩ chuyện đến thăm khu phố của cô ấy. Có lẽ cô sẽ làm được chút gì đấy cho tôi. Nhưng có lẽ kết cuộc, tôi sẽ không đến thăm khu phố của cô ấy. Tôi đã vất bỏ đi quá nhiều thứ mất rồi.
Bên ngoài tuyết vẫn không ngừng rơi. Và đàn cừu một trăm con đang nhắm nghiền mắt trong bóng tối mịt mùng.