Khi ta lớn lên

Đến một  ngày nào đó, ta sẽ giật mình rằng mình đã lớn thật rồi.

Khi ta lớn lên, mọi thứ trước mắt không còn tươi đẹp như lúc nhỏ nữa, mà ta đang đối mặt với cuộc sống, để tồn tại và để là chính mình.

Lớn lên rồi, sẽ không còn thời gian cho những giấc ngủ trưa nữa, nó trở nên xa xỉ làm sao. Bởi vậy, người ta nói trẻ con là tỷ phú thời gian.

Nhớ khi còn nhỏ, tôi rất ít khi ngủ trưa, thậm chí là không ngủ trưa nữa. Buổi trưa, cả nhà đều ngủ, còn tôi thì vẫn thức. Tôi không hề thấy buồn ngủ và mệt mỏi. Tối ngủ sớm, sáng thức trễ. Không hề cảm thấy mệt mỏi là gì. Cuộc sống chỉ xoay quanh việc ăn, chơi, ngủ. Nhớ những lần sang quê ngoại chơi, là khách nên chỉ việc ăn và ngủ. Nhưng bây giờ thì lại khác rồi. Ngủ muộn hơn, và thức sớm hơn. Buổi trưa cũng chẳng có thời gian rảnh rỗi để mà chợp mắt. Đối với tôi, giấc ngủ trưa đã trở nên xa xỉ tự bao giờ. Nghĩ về tương lai, cho dù làm việc gì, một nhân viên hay một công nhân cũng chẳng còn được ngủ trưa nữa. Sáng đi làm, chiều về nhà, cơm nước xong thì trời đã tối, lê cái thân mệt mỏi đi ngủ. Có khi còn lười giặt quần áo nữa. Thời gian trở nên ngắn ngủi hơn. Khi mà những môn học ở bậc đại học đòi hỏi con người ta phải tìm tòi, nghiên cứu, tự học ở nhà là chính, thì với quỹ thời gian ít ỏi chẳng thể nào đủ cả. Sáng đi học, chiều đi làm. Sáng đi làm, chiều đi học. Buổi tối ít ỏi với thân thể mệt nhừ.

Khi ta lớn lên, cho dù bạn là ai, một người siêng năng hay một kẻ ăn chơi, thì một ngày cũng không thể đủ để bạn làm hết những gì mình cần làm. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, nếu thời gian có dài thêm thì cũng chẳng có ích gì cả. Một ngày làm việc hơn 8 tiếng, ta sẽ ngủ nhiều hơn 8 giờ một ngày, và cứ thế. Cho nên tôi không ước thời gian dài thêm, cũng không ước mình được nhỏ lại. Bởi lẽ ước điều mà mình biết chắc rằng nó sẽ không thành hiện thực thì ước làm gì nếu nó không đem lại cho ta niềm vui mà chỉ cho ta thêm gánh nặng trong đầu khi suốt ngày than thở “ước gì tôi có nhiều thời gian hơn” hay “ước gì mình được nhỏ lại”. Và nếu những điều đó sẽ trở thành hiện thực thì mọi thứ vẫn cũng chỉ thế thôi. Thời gian nhiều hơn đồng nghĩa với việc ta sẽ có nhiều việc hơn để làm chứ không chỉ có khối công việc đó. Ta nhỏ lại thì ta cũng sẽ lớn lên lần nữa, và thêm một lần nữa, ta lại khổ sở với chính mình.

Điều tiếp theo nữa đó là cuộc đời không trải đầy màu hồng, cũng không trải đầy màu đen, cũng không phải là bảy sắc cầu vòng, có lúc đau khổ, có lúc hạnh phúc. Cũng không có kết cục như trong phim, có kết cục bi thảm hay một kết thúc có hậu. Cuộc đời như một con đường, và ta sẽ không biết được ta sẽ gặp điều gì. Nhà văn Lỗ Tấn đã từng có một câu mà tôi thấy rất thích: “kỳ thực trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi trở thành đường thôi”.

Cuộc đời vốn dĩ đã không công bằng rồi và ta phải chấp nhận điều đó. Sự cân bằng chính là sự mất cân bằng, một câu nói nghe khó nghe nhưng lại hàm ý sâu sắc. Khi lớn lên, ta sẽ phải chấp nhận nhiều thứ hiện diện ngay trước mắt ta mà ta không thể nào thay đổi nó. Một ý tưởng ngu xuẩn, thiếu chuyên nghiệp lại được chọn trong khi bạn có thể làm tốt hơn họ hàng nghìn lần, nhưng phải lắng tai nghe họ chỉ bảo. Đời là thế đấy. Ta cũng không thể nổi cáu lên hay hậm hực trong lòng khi mà những đứa không làm gì nhưng cũng vẫn được hưởng y chang như những người bỏ công tốn sức ngày đêm để hoàn thành.

Ra đời có nhiều người hơn ta nghĩ. Ngày xưa ở quê chỉ xoay quanh xóm làng. Chơi với mấy đứa bạn cùng trang lứa. Nói về loại người thì cũng chỉ có vài loại. Nhưng khi lớn lên, tiếp xúc với đủ loại người trên đời thì tôi đã biết cách ứng xử với mỗi người mỗi khác. Có những người có thể thấy họ rất kinh tởm, gớm ghiếc, nhìn như bọn đầu đường xó chợ, nhưng kỳ thực họ lại là những người bạn tốt sẵn sàng hy sinh vì bạn bè. Không hề nghĩ tới việc sẽ trộm cắp một thứ gì đó của mình, hay ít kỷ một điều gì đó. Ngược lại, cũng có những người nhìn dễ gần, dễ mến nhưng ta chỉ nên xã giao đôi ba câu, không nên làm bạn với họ. Có những người rất hay nỗi cáu, chuyện gì cũng có thể cáu giận trong giây lát, nhưng cũng mau chóng nguôi giận và họ là những người bạn thật sự tốt, người như thế tôi đã gặp được hai người trong đời cho đến bây giờ. Và đủ thứ loại người khác mà ta cần thời gian và trải nghiệm để học hỏi. Cho đến hiện nay, tôi đã một phần nào tích lũy được những kinh nghiệm đó. Đâu là con người chỉ nên xả giao, đâu là người nên làm bạn, tôi đã biết được phần nào.

Còn nhiều thứ nữa để viết, để nói về những thứ sẽ thay đổi khi ta lớn lên, nhưng đọc nhiều, nghe nhiều chẳng bằng tự mình trải nghiệm. Người ta bảo hãy trân trọng những năm tháng khi còn bé. Hầu như đứa trẻ nào cũng được nghe những lời khuyên chân thành đó, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng có gì để trân trọng đâu, suy nghĩ đó hầu như ai trong chúng ta cũng một lần nghĩ vậy. Và khi ta lớn lên, ta mới thấy thấm thía những lời khuyên đó. Nhưng theo tôi, tôi thấy đó như là một phần tất yếu của cuộc sống. Phải mất đi thứ gì đó thì mới biết tân trọng giá trị của nó. Nếu sống mà ta biết trước hết được những gì trong tương lai, biết rằng ta phải trân trọng thời niên thiếu, và ta trân trọng nó, gìn giữ nó. Khi lớn lên ta thấy: Ôi! tôi mãn nguyện với tuổi thơ của mình, tôi không hối hận gì cả. Vậy thì đi chết đi cho rồi.

Khi ta lớn lên là lúc ta ra khỏi nhà và khám phá thế giới. Những gì tự mình tải nghiệm, tự mình học hỏi thì sẽ rất có giá trị. Tôi tin chắc rằng sau này, một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện với quá khứ của mình cho dù bạn thành công hay thất bại, vì ít ra, bạn đã cố gắng hết mình. Khi ta làm một việc gì đó, không quan trọng là ta làm ra cái gì, mà là ta đã làm ra nó như thế nào. Ngắm nhìn kết quả không thể nào tuyệt vời bằng lúc mình làm ra nó. Và con người ta cũng vậy, tuyệt vời nhất là lúc ta không biết con đường mình đi sẽ gặp những gì.

One Response

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang