Hồi ký đại học – phần 1: Câu chuyện ôn thi

Hồi mình học, bộ giáo dục chưa gộp kỳ thi tốt nghiệp với kỳ thi đại học thành kỳ thi THPT quốc gia như bây giờ. Cho nên hồi đó vẫn phải thi tốt nghiệp xong rồi mới thi đại học. Năm đó cũng là năm cuối cùng còn áp dụng hình thức trên. Không biết các em nhỏ ngày nay có thích việc gộp hai kỳ thi lại như vậy hay không, riêng mình thì mình cảm thấy may mắn khi không phải thi một cuộc thi tổ hợp như thế. Mình thì muốn vẫn tổ chức thi đại học như hồi xưa, còn thi tốt nghiệp thì bỏ mà thay vào đó là xét tốt nghiệp, tất nhiên phải cho người ta biết trước ít nhất 3 năm để các em sắp vào lớp 10 còn biết đường mà xoay sở.

Hồi đó là cuối năm 2013 đầu năm 2014. Trường mình học là một trường cũng có tiếng trong huyện, trường THPT Trần Văn Thời, nằm ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hồi đó cũng có một trường trong huyện cũng bắt đầu nổi lên về khoản chất lượng đó là trường Võ Thị Hồng. Cả cái huyện chỉ có 5 trường phổ thông, là trường THPT Trần Văn Thời, trường THPT Huỳnh Phi Hùng (tên cũ là trường THPT Bán Công Trần Văn Thời, nơi chứa những học sinh bị loại khi thi tuyển không đỗ vào trường THPT TVT), trường THPT Sông Đốc (một thị trấn lớn trong huyện và nằm xa Trần Văn Thời, huyện có hai thị trấn là thị trấn Trần Văn Thời và thị trấn Sông Đốc, mình chưa đi bao giờ nhưng có vẻ nó lớn hơn thị trấn Trần Văn Thời), trường THPT Khánh Hưng ở xã Khánh Hưng (nằm gần hòn Đá Bạc) và trường THPT Võ Thị Hồng mới nổi (cũng gần trường Khánh Hưng).

Hồi năm mình lên lớp 11 thì trường bắt đầu cái dự án “lớp chọn” bằng cách gom những đứa thi học sinh giỏi môn nào đó lại thành một lớp, lớp 11c1 thì là bọn học sinh giỏi toán, lớp 11c3 là bọn học sinh giỏi lý, là lớp mình. Lớp C3 là lớp chọn những đứa thi học sinh giỏi môn lý lại, còn lại là sự trộn lẫn của một nửa C2 và một nửa C3, nửa C3 bị chuyển qua C2, một nửa còn lại y như cũ, còn nửa C2 bị quăng đi kia thì đi tứ tán chả biết về đâu. Mình thì không thi học sinh giỏi gì hết, cũng chả học giỏi gì mấy nên gần như là mờ nhạt trong mắt giáo viên, cũng chả bị thuyên chuyển đi đâu. Mỗi ngày chỉ học buổi sáng rồi ngủ.

Bọn học sinh giỏi thì hè phải ở lại ôn thi, bọn không giỏi cũng đú đỡn theo, học thêm các kiểu, sau này mình hỏi thì hóa ra học hè của mấy đứa không phải học sinh giỏi chỉ là học trước bài mà thôi. Mình thì không mê mấy cái đó, mà cũng chả rảnh tiền để học thêm, đúng hơn là không có tiền, nên hè mình ở nhà. Đến khi lên lớp 12, chuyện học thêm và ôn thi đại học được đẩy cao hơn bao giờ hết, còn mình thì lại miễn nhiễm trước những “cám dỗ” đó.

Ngay từ đầu năm, những đứa nó đã bắt đầu luyện thi đại học các kiểu rồi, chúng còn bán tán sau khi thi tốt nghiệp xong sẽ lên Cần Thơ tiếp tục luyện thi. Mình thì dửng dưng, bởi tư tưởng của mình khác, mẹ mình cũng chả tin tưởng vào chuyện trường nhà có thể luyện đúng đề để mà đậu. Mình cũng nghĩ giống mẹ chuyện ấy, còn thêm một cái quan điểm nữa là luyện sớm như vậy thì cũng quên hết chứ nhớ gì đâu. Thế là trong khi nhà nhà luyện thi đại học các kiểu thì mình lại ngủ. Hồi nhỏ mình không ngủ bao nhiêu thì tới lên cấp 3 mình lại ngủ bù bấy nhiêu. Sáng 6h thức sớm ăn uống rồi đi học, mình bị đau dạ dày nên không thể nhịn ăn sáng, cứ nhịn 2 – 3 hôm là đau ngay. Trưa 11h15 khi loa phát thanh phát lên bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân” (nhạc intro của cái đài phát thanh, nó bắt đầu lúc 11h15) cũng là lúc tan trường. Mình đi bộ về phòng trọ (rất gần), nấu cơm, chế biến đồ ăn, ăn xong rồi ngủ một hơi tới chiều. Hôm nào rảnh hay có mấy đứa trong trọ rủ thì ra quán nét cạnh nhà trọ làm vài ván game với bọn chúng rồi cũng lắm cũng 2h chiều về phòng ngủ, rất ít khi mình chơi cho tới chiều. Chiều tầm 4h mình thức, chém gió với mấy đứa trong trọ chơi hoặc sang hàng nét chơi vài ván game. Chiều làm cơm ăn, tối học bài rồi đi ngủ. Hồi đó mình đi ngủ sớm lắm, tầm 9h tối là ngủ rồi. Bởi chả có điện thoại để lướt facebook vi vu rồi coi du tu bi như bây giờ.

Cuộc sống mình cứ như thế, sáng đi học chiều ngủ, cuối tuần về nhà. Chỉ trừ một ngày duy nhất trong tuần là ngày học thể dục, còn lại mình đều ngủ (trường mình học thể dục vào một buổi ngoại khóa). Mặc kệ cho thế gian kia cứ nhao nhao ôn thi đại học các kiểu. Rồi cho đến một ngày, mình nhận ra mình cũng phải tự ôn thi thôi, không thể lười biếng như vậy được, mặc dù thành tích học tập của mình không hề tệ. Thế là mình bỏ ra vài chục nghìn, ra hàng quán photocopy của ông thầy trong trường, mua tài liệu ôn thi toán lý hóa, đem về và…bỏ đó. Một thời gian sau, cái “ý thức” về sự học hành lại trổi dậy, mình lôi ba cuốn tài liệu ra và bắt đầu tự ôn luyện thi đại học. Mình mở giáo trình ôn môn toán ra đầu tiên, kết quả là chả giải được câu nào. Mất khoảng một tiếng hay gì đó, cuối cùng mình vẫn không giải được. Thế là bỏ, bỏ thật sự. Chuyện tự ôn thi đại học kết thúc từ đó.

Cuối học kỳ đang đến gần, câu chuyện luyện thi đại học lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, còn mình thì lại như một người tối cổ, trơ như đá trước sự đời. Thuở đó luyện thi đại học là một miếng bánh to lớn cho những nhà đầu tư. Những trung tâm luyện thi mọc ra như nấm, có cái cũng có tiếng tâm, có cái chỉ như một trò lừa. Hồi đó chỗ mình có trung tâm Diệu Hiền ở Cần Thơ được đồn thổi rất nhiều, mình ở Cần Thơ 5 năm trời nhưng tới giờ vẫn chưa biết nó ở đâu. Nhưng mình vẫn trơ như đá, có lẽ hồi đó cũng có nhiều kẻ phán xét về mình lắm, kiểu như “thằng Thân nó chả quan tâm gì thì tuổi loz đậu đại học”. Thế mà mình vẫn đậu mới hay.

Mình có hứng thú với đồ điện tử và máy móc liên quan đến chúng từ nhỏ. Hồi đó mình cũng hay vọc điện thoại (mấy con bàn phím) nên biết nhiều về chúng lắm, hàng xóm cứ gặp vấn đề nào như không đổ chuông, cài báo thức các kiểu cứ đến nhờ mình “sửa” dùm. Hồi đó mình cũng là người đầu tiên trong vùng biết cài đặt và lên mạng bằng GPRS, thời đó chưa có 3G đâu. Từ đó mà mình lên mạng đọc cái này cái kia, tải game cho con máy Nokia 3120 các kiểu. Rồi một ngày nào đó của tháng 9, mình đã mày mò việc làm một trang web và cuối cùng đã làm được một trang wap cho di động. Trang đầu tiên mình làm là trang này, sau này mình cũng có làm vài trang khác đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn. Mình cũng có chút yêu thích với máy tính nhưng hồi đó xui rủi thay không được học tin học. Có lẽ vì vậy mà mình bắt đầu chọn ngành công nghệ thông tin. Mẹ mình định hướng cho mình học ở đại học Cần Thơ, mà mình cũng chả biết chọn trường nào nên cứ chọn nó. Mình vào trang web, tham khảo các ngành học cùng điểm chuẩn của những năm trước. Ngành Công nghệ thông tin thì mấy năm trước toàn 16 – 17 điểm, có vẻ như khá cao với khả năng của mình. Ngành Kỹ thuật phần mềm thì nhẹ hơn, tầm 15 – 16 điểm. Mình lại thấy Công nghệ thông tin nó chung chung quá (quả là vậy thật) nên cuối cùng đã chọn ngành Kỹ thuật phần mềm. Mình cũng đú thêm thi lần 2 nên chọn thêm ngành Tài chính ngân hàng, ngành đó hồi đó 17 điểm thì phải. Thế là mình chọn khối A1 cho Kỹ thuật phần mềm để trùng môn tiếng Anh, bớt thêm một môn, và chọn khối D1 cho Tài chính ngân hàng.

Trong khi chúng nó mua hàng chục tấm hồ sơ đăng ký thi đại học thì mình chỉ mua có mỗi 5 bộ. Mình ghi đủ cho hai ngành và chỉ sai 1 hay 2 cái gì đấy, nói chung là khá ngầu (ghi sai hết thì xác định ăn ***). Không ôn thi đại học, nhưng mình vẫn đăng ký ôn thi tốt nghiệp cho “đúng quy trình”. Thi học kỳ xong là cả khối 12 bắt đầu ôn thi tốt nghiệp cấp tốc trong khi các lớp khác vẫn đang còn nhở nhơ chưa đến kỳ thi học kỳ (trường cho khối 12 học trước 2 tuần). Mình ôn toán lý hóa trong khi lại thi đại học toán lý anh văn. Không biết sao hồi đó đến lúc thi bà cô dạy hóa bả biết tên mình và cứ kêu mình làm bài mãi :D. Hồi đó tuy chưa gộp hai kỳ thi lại, nhưng cũng có chút thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp. Văn toán là bắt buộc, còn lại tự chọn 2 môn trong những môn mà trước kia thi tốt nghiệp, bao gồm lý hóa sử địa sinh anh văn. Mình chọn lý với hóa vì không tự tin về tiếng anh cho lắm (thế mà lại chọn khối A1).

Năm đó đề thi tốt nghiệp lý khó kinh khủng, khó hơn nhiều so với đề thi đại học. Hai đứa hai bên và đứa ngồi phía sau thì còn dốt hơn mình, đứa ngồi trước thì không cho nhìn. Hình như mình chỉ được 6 điểm tốt nghiệp lý thì phải. Các thầy cô tuy không nói ra mặt nhưng cũng ngầm hiểu với nhau rằng mình gác thi trường người khác dễ thì cũng sẽ có trường gác thi dễ lại cho trường mình. Cho nên kỳ thi tốt nghiệp quá ư là nhơ nhuốt cho một nền giáo dục. Mình đỗ tốt nghiệp hình như là 28 điểm thì phải. Nhưng đó là khi mình đã ôn thi cấp tốc trên Cần Thơ rồi.

Trong xóm mình hồi trước cũng có một người từng học đại học, hồi đó anh ta trượt nên chọn nguyện vọng 2 vào ngành lâm sinh, một ngành gần như chả để làm gì. Nhưng cái dư âm của người đó đã ảnh hưởng đến tư tưởng của mẹ mình rất nhiều. Mình có một người cậu họ, chính xác thì cũng không có họ hàng gì. Mẹ của ông ấy là con nuôi của ông cố mình, ông ngoại mình gọi là chị hai (ở miền nam gọi người lớn nhất là thứ hai, tương đương anh chị cả ở miền bắc), ông ngoại mình mặc dù là con lớn nhưng vì có bà chị nuôi nên lui lại làm thứ 3. Sau này bà lấy chồng rồi sống trên Cần Thơ, mẹ mình cũng có giai đoạn sống ở đó với bà cô hai (mẹ của cậu hai mà mình nói). Một thời gian dài mất liên lạc, rồi sau đó lại liên lạc được với nhau. Năm ông anh đó lên ôn thi, mẹ mình đã dẫn dắt anh ấy, nhờ sự giúp đỡ của cậu mợ hai để không bỡ ngỡ nơi đất khách quê người. Không biết cơ may làm sao mà anh ta lại được đưa vào trung tâm luyện thi ở trường cao đẳng Cần Thơ. Cũng vì anh ta đỗ vào nguyện vọng 2 mà mình đã bị định hướng ôn thi ở trong đó. Mà thật sự thì mình cũng chả muốn vào trung tâm Diệu Hiền, mình luôn nghi ngờ chất lượng trước những lời đồn thổi về nó, lại thêm phần mình là người luôn muốn mình khác biệt. Cho nên mình không ôn đại học như người ta, đến khi ôn cũng không ôn nơi mà ai ai cũng lao vào.

Thì tốt nghiệp xong mình chạy về nhà ngay. Dự định là hôm sau sẽ khăn gói quả mướp lên Cần Thơ nhưng cái lười nó lại trỗi dậy nên mình bảo rằng nghỉ ngơi một ngày rồi hãy lên. Cách đúng một ngày, hai mẹ con khăn gói lên Cần Thơ tìm đến nhà cậu hai, và mang theo nửa bao gạo. Thử tưởng tượng hai người dưới quê đen thủi đen thui ôm theo bao gạo đi, bạn sẽ biết nó quê như thế nào. Nhưng đó là tư tưởng của những người già, mình cũng chả thay đổi được nên cứ chìu theo vậy. Cậu mợ mình mặc dù ở đất Cần Thơ đã lâu nhưng vẫn chưa có một ngôi nhà tử tế (nhà cũ hình như là bán rồi), vẫn ở trong căn nhà trọ bé xíu. Ông bà muốn tìm một mảnh đất mặt tiền để tiện buôn bán nhưng tìm mãi vẫn chưa thấy, nên mặc dù có tiền nhưng vẫn sống tạm bợ như thế mấy chục năm nay. Mình được ở ké hơn một tháng trời, được bao ăn ở, tối có tivi xem đài HBO, ngủ máy lạnh cùng gia đình. Cậu mợ rất thương con cháu nên không nhận tiền ăn mà mẹ mình muốn phụ giúp, còn nửa bao gạo thì đem lên rồi không lẽ đem về. Và mình đã ôn thi như vậy chỉ với một bao gạo và hơn 1 triệu đồng trong suốt những ngày tháng như thế. Tiền thì mình tiêu vặt thôi, còn ăn uống được bao hết từ A đến Z.

Ngày hôm sau mợ chở mình đi đăng ký ôn thi vì hôm trước khi mình đến đã là buổi chiều. Trung tâm ở trường cao đẳng có tên là Thiều Văn Đường, tên một người thầy. Khi mình ôn thì chất lượng cũng không đến nổi, toàn những giảng viên dạy thôi, nhưng vì không lớn mạnh nên không mấy ai biết. Mỗi môn đóng 600K, mình ôn 3 môn mất 1 triệu 8, riêng môn ngữ văn thì không thèm ôn luôn vì mình cho rằng “cảm xúc viết thành văn” :D. Lịch trình ôn luyện thi cấp tốc có 5 tuần, lắp đầy các buổi sáng chiều từ thứ 2 đến thứ 7 (hay chủ nhật gì đó, lâu quá không nhớ), có xen kẽ các buổi vào buổi tối. Nói chung là dày đặt theo đúng tinh thần cấp tốc. Có hôm cả ngày mợ không thấy mình cứ sợ mình sẽ bị bắt cóc đi (đến tối mình mới về).

Ngày đầu tiên mình ôn là buổi chiều, môn vật lý. Cả lớp chỉ có… 4 đứa. Thầy cũng tận tâm nên cũng dạy dù chỉ có 4 đứa. Đến buổi sau thì lớp đã đầy đủ thành một lớp, thầy hỏi lại 4 đứa cũ có đồng ý để thầy dạy lại cho các bạn mới hay không, hay dạy tiếp, thầy dân chủ ghê. Chúng mình đồng ý dạy lại. Lớp toán là đông nhất, cả lớp dày đặt, cũng vì vậy mà vui nhất. Lớp anh văn hiu quạnh hơn, chỉ tầm không tới 20 người.

Vì là ôn thi cấp tốc nên các thầy không giảng giãi sâu xa mà đi thẳng vào cấu trúc của đề thi, ôn các bài tập trùng với cấu trúc của đề. Riêng môn anh văn thì thầy ôn bằng cách giải đề khiến mình rất chán, và rốt cuộc là mình chả làm được câu nào trong đề anh văn. Mình bảo mình tên Thân, nhưng vốn dĩ cái tên mình khó phát âm nên ông thầy lại cứ ngỡ mình tên là Hân. Nhiều lần thầy kêu Hân trả lời, mình cứ tưởng bảo đứa nào nên mình im lặng. Một thời gian sau có một đứa tên Hân vào, thầy phân biệt bằng cách gọi Hân nam và Hân nữ. Cũng trong môn tiếng anh này có một thanh niên rất mập, mặt mày trông hiền từ nhưng cũng dữ tợn. Thanh niên chạy chiếc Max 50 nhìn thấy muốn tội chiếc xe. Thoạt nhìn cứ tưởng anh chàng học dở như những tên mập mà ta thường thấy. Nhưng hóa ra lại khác hoàn toàn. Thanh niên học cực kỳ giỏi, ăn nói nhỏ nhẹ và đúng chuẩn một con người tài đức vẹn toàn.

Môn vật lý có lẽ là thú vị nhất. Thầy dạy dễ hiểu, lại có nhiều dạng bài khác nhau mà rất sát đề. Bởi vậy nên mình được điểm cao nhất môn vật lý. Cũng trong môn này mình có làm quen với một thanh niên và một thanh niên bạn của thanh niên ấy. Thanh niên này cưa một nhỏ tên Nhiên cũng ôn chung môn vật lý luôn. Kết quả là sau 1 hay 2 ngày gì đó thì dính. Nói đến tên Nhiên làm mình lại nhớ đến nhỏ tên Hồng Nhiên cùng khu trọ, chúng mình thường gọi là Hồn Nhiên mặc dù chẳng vậy. Nhỏ tên Nhiên chung khu trọ này thì có nhiều điểm buồn cười lắm, nói chung hơi hậu đậu. Thường xuyên đem áo ngực ra phơi giữa nơi công cộng, có hôm gió nó thổi bay tứ táng, y như có một kẻ rải truyền đơn trong mấy phim cách mạng, nhưng thay vào đó là áo ngực. Cũng vì cái tên đó mà gặp nhiên ở trung tâm luyện thi mình cứ cười mãi.

Môn toán có lẽ là môn khó nhằn nhất. Vì thời gian hạn chế nên mỗi buổi chỉ học được 4 bài tập, cả chương trình chỉ vừa đủ biết hết các dạng trong đề thi. Ông thầy theo kiểu cũng khá là bá đạo, vào lớp viết ra 2 bài tập, cho học sinh tự giải khoảng 20 phút. Rốt cuộc là đứa nào cũng trơ cái mặt ngu ra, chả đứa nào giải được. Thầy vừa giải vừa giải thích. Mỗi lần 2 bài, 2 lần là hết mẹ nó buổi học. Trong môn toán này thì mình lại quen hai người lớn hơn tuổi. Họ đang học năm cuối cao đẳng và ôn thi để liên thông lên đại học. Ít nhất chắc cũng lớn hơn mình 3 tuổi, nhưng lại cứ xưng hô ông tui làm mình cũng hơi ngại. Mình thấy chả ai quan tâm chuyện điểm danh nên mình gợi ý cho họ học chui môn anh văn. Và quả thật là chả ai biết họ học chui cả, nhưng vì thầy dạy chán quá nên họ bỏ.

Suốt thời gian đó, mình lao đầu vào ôn luyện. Hồi học cấp 3 mình học không đến nỗi nào, giải được tất cả các bài toán lý hóa. Nhưng khi đến khi ôn đại học thì giống như một con ếch mới vừa ngoi lên khỏi đáy giếng, hoàn toàn là một chân trời mới. Những kiến thức, những bài tập mà mình chưa từng gặp bao giờ, và cũng không đủ trình độ để làm chúng. Mình hoàn toàn mù tịt, hoàn toàn không làm được bất kỳ một bài nào dù chỉ là phân tích bài toán. Ngẫm nghĩ lại thấy hận cay hận đắng cái thiệt thòi khi là một người nông thôn. Nghĩ lại mới thấy cái điểm cộng vùng sâu vùng xa không thiên vị một chút nào. Mình hoàn toàn choáng ngợp trước mọi thứ. Cả khoảng thời gian ôn luyện thi ấy, tuy gọi là “ôn” nhưng thật sự thì mình hoàn toàn học những kiến thức mới.

Ngày thi cũng đến, trong khi mọi người vẫn quần tây áo trắng đến điểm thi thì mình rất hợp thời khi mặc áo sơ mi màu ca rô đỏ và những chiếc áo thun. Kèm theo đó là một cái cặp xách nhỏ, vừa đủ đựng quyển giáo trình và một chai nước. Mình đi thi với đầy đủ những thứ cần thiết và một chai nước. Môn đầu tiên họ không cho mang nước vào phòng thi nhưng mình vẫn mang mà không bị làm sao, đến buổi chiều thì mình không được đem nước vào nữa. Không nhớ là khi mình thi môn nào, hôm đó khi đã vào phòng thi rồi thì bỗng dưng mình mắc tiểu kinh khủng. Cảm thấy không thể nhịn cho đến khi thi xong, mình đã liều mình đi giải quyết nỗi buồn. Đến khi trở lại, các thầy cô bên ngoài cứ ngỡ mình đi trễ. Cũng may vào kịp phòng thi. Cả hai khối thi, 6 môn mình đều thi chung một nơi, nhà học B1 trường đại học Cần Thơ. Có một thanh niên thi chung môn toán đẹp trai kinh khủng, là đẹp trai đúng chuẩn luôn nên chắc có lẽ nhiều cô gái sẽ ngắm nhìn lắm, đến mình còn muốn nhìn nữa mà :D. Thi đại học cũng có vui một thứ đó là cả phòng hầu như đều chung một cái tên. Một đứa phòng khác kêu “Thảo ơi”, thế là cả hai ba căn phòng đều cùng nhìn về đứa đang gọi. Còn một điều thú vị nữa là hầu như những người tên Thảo đều thích theo ngành sư phạm.

Môn toán hoàn toàn khớp với những gì mà mình được ôn. Mình sợ nhất là phần lượng giác, nhưng câu hỏi lượng giác năm đó lại vô cùng dễ nên mình dễ dàng làm được. Mình bỏ câu hình học phẳng và bất phương trình và vài câu nữa không nhớ. Dù đã kỹ lưỡng rồi nhưng cuối cùng lại gặp những lỗi sai không cần thiết khiến môn toán mình chỉ được có 4.5 điểm. Chính xác là bốn điểm rưỡi thôi đấy. Môn lý thì đúng bài và còn dễ hơn thi tốt nghiệp nên mình làm ngon lành, được…7 điểm hay sao ý. Còn anh văn thì thôi rồi. hình như năm đó là 80 câu trong vòng 90 hay 60 phút gì ấy. Mình nhìn vào chẳng biết được câu nào. Hoàn toàn là đọc hiểu và trả lời. Rốt cuộc mình chỉ còn biết tô đại vào phiếu trả lời trước khi hết giờ. Năm đó hình như là được 3.5 điểm thì phải.

Lần thi thứ nhất là khối A và khối A1, lần thứ hai là các khối còn lại. Lần thứ hai mình hầu như không còn ôn luyện nhiều nữa. Toàn thì làm kỹ hơn, được điểm cao hơn nhưng vì không đỗ nên cũng không nhớ rõ điểm. Anh văn thì lặp lại y cũ, điểm cũng tầm 3 hay 4 điểm gì thôi. Văn thì thi cuối cùng, tối đó mình ngủ một giấc thật đã, chẳng hề đả động gì vào. Năm đó gặp vào bài Đàn ghi-ta của Lorca, cũng chả nhớ gì lắm nên chém gió tung trời. Sau mỗi lần thi thì hôm sau có ngay đáp án trên báo tuổi trẻ. Mợ kêu mình ra sạp báo mua về xem, mình tra ra đúng chính xác đã làm đúng câu nào, sai câu nào nên biết rõ điểm số của mình ra sao. Hình như năm đó có 1 câu vật lý bị sai nên tất cả thí sinh được cộng điểm câu đó, cũng lạy mấy ông ra đề.

Cái thú vui lớn nhất khi thi đại học kiểu cũ đó là quan cảnh ở các cụm thi. Nhộn nhịp và đông đúc vô cùng. Bên ngoài phụ huynh chờ đặt kín cả đường. Lòng đường trở thành nơi đỗ xe, chân còn chen không được nói chi đến xe cộ. Các thi sinh đổ ra bên ngoài sau khi thi xong như ong vỡ tỗ, nhao nhao chỉ thấy toàn đầu người trải dài bất tận. Kẹt xe trải dài đến vài cái ngã tư. Những anh chị tình nguyện dùng dây chi làn đường, không cho xe cộ tự ý đi ngược chiều gây cản trở giao thông. Trong đó có một cô gái mà mình cứ nhìn suốt, không chắc có phải cô hàng xóm mà mình đã gặp khi ở ký túc xá sau này hay không. Bên ngoài là những đoàn tình nguyện cho bánh bao, cơm hộp và cả đội xe đưa rước do các hãng xe tài trợ. Mình có đến xin một hộp cơm nhưng bị hỏi là có trong danh sách đăng ký hay không, rốt cuộc là chả được hộp cơm nào. Còn bánh bao thì mình được một cái, nhưng là bánh bao chay nên cũng chả ngon lắm. Mình đi xe của đội đưa rước được hai ba lần gì đấy. Buổi sáng mợ mình đưa đến nơi thi, còn lúc về thì tự về vì đường sá chả chiếc xe nào chen nổi. Những lần mình không đi được xe của đội đưa rước miến phí do quá đông thì mình đi xe ôm về. Cũng phải đi bộ khá xa mới thoát khỏi chỗ kẹt xe mà bắt xe ôm. Hồi trước khi thi mợ cũng có chở mình đến nơi thì để biết trước đường vì trong trường đại học rộng lớn vô cùng (diện tích 80 ha). Hôm đó mình mới biết được phần nào sự hoành tráng của trường đại học với dãy nhà học cao tầng mới xây và trung tâm học liệu cao hơn cả nó. Sau này người ta xây thêm một dãy nhà đâu chừng chục tầng gì đó nữa. Hồi ôn thi ở trường cao đẳng mình cứ tưởng như vậy đã là rộng lớn lắm rồi, ai ngờ ở đây lại còn lớn hơn.

Thi xong mình về quê và phải trải qua gần 2 tháng trời trong sự hồi hộp. Mình đứng trước rất nhiều kỳ vọng của gia đình, nếu thi trượt không biết cuộc đời sẽ về đâu. Danh dự của gia đình coi như tiêu tan hết (mặc dù mình chả quan tâm nó nhưng cha mẹ mình thì khác). Mình cũng chả có thể lực tốt như người khác để có thể làm việc chân tay nặng nhọc. Cũng vì điểm thấp chót vót nên luôn bất an, không an tâm như một cậu bạn cùng xóm nhưng học cấp 3 ở U Minh. Cậu ta thì đứng top 30 trong ngành nên đỗ là chắc chắn. Còn mình thì lại đứng hạng thứ hơn 120 trong khi chỉ tuyển 100 thí sinh, đó mới là vấn đề. Cái việc ngồi coi “bảng xếp hạng” cũng hồi hộp chả khác nào chơi chứng khoáng đâu. Năm đó một chính của ngành được nhân đôi điểm. Ngành kỹ thuật phần mềm được nhân đôi môn toán, mà 4.5 nhân lên chỉ ra 9 điểm thôi. Tổng tất cả chỉ được có 20.5 điểm. Rồi trời xui đất khiến sau đó lại được cộng những 2 điểm vùng sâu vùng xa, nâng tổng điểm lên được 22.5 điểm nhưng vẫn còn đứng dưới hạng 100. Còn ngành tài chính ngân hàng, điểm tổng lại thì cao hơn ngành kia (hình như là 17.5 so với 16.5) nhưng khi nhân đôi môn chính thì lại thấp hơn vì môn chính điểm lại thấp, mình cũng chả nhớ nỗi môn chính là môn gì và mình được bao nhiêu điểm. Năm đó trời xui đất khiến sao mà có đến hơn 1200 đứa thi vào ngành tài chính ngân hàng, nên mình trượt một cách ngoạn ngục.

Mình phải chạy vào quán nét ở xã để xem kết quả, nhưng nhiều lần đều không đem lại kết quả gì vì nhà trường chưa chốt kết quả. Cuối cùng thì ngày đến cũng đã đến, mình đỗ, đứng hạng hơn 120 nhưng vì trường lấy hơn con số đó nên mình may mắn lọt vào. Nằm trong danh sách cuối lớp, xếp vào lớp A2, một lớp của những kẻ có điểm thi thấp hơn. Tuy lấy gần 130 mạng nhưng khi nộp hồ sơ hoàn chỉnh thì lại không được 100 sinh viên. Sau khi biết điểm rồi thì lại một thời gian không ngắn sau đó là khoảng thời gian mình làm phiền ông thầy hiệu phó của trường. Vì hồ sơ trả về trường cấp 3 chứ không trả về trực tiếp nhà học sinh (vì mình ở nông thôn mà). Không biết mình đã gọi cho và làm phiền thầy bao nhiêu lần nữa, lần nào cũng chưa có em ơi. Ngẫm nghĩ lại chắc suốt khoảng thời gian đó thầy bị làm phiền bởi những đứa học sinh hỏi hồ sơ trả về chưa. Cuối cùng thì giấy tờ cũng đến, mình nhận được giấy trúng tuyển có mực đỏ ở tiêu đề và mực xanh ở chữ ký của hiệu trưởng (chứ ký in thôi). Cùng tấm giấy ghi cho các nguyện vọng tiếp theo của ngành bị trượt nữa chứ, nhưng nó chẳng còn quan trọng nữa. Hồi trước mình cũng ảo tưởng rằng mình sẽ đậu hai ngành vì ngành tài chính ngân hàng năm trước rất ít thí sinh tham dự và điểm chuẩn cũng không cao lắm, nhưng đời thì không như là mơ. Cuối cùng thì làm hồ sơ và chuẩn bị nhập học thôi.

Đấy, câu chuyện về ôn thi của mình đã diễn ra như vậy đấy. Hẹn gặp lại trong phần tiếp theo của series này :D.

2 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang