Đội gạo lên chùa

Đây là tác phẩm đầu tiên mình viết về nó mà chưa được đọc, chỉ được nghe vài lần trên radio một chút ở phần giữa và một chút ở phần kết. Từ trước đến giờ, văn học Việt Nam luôn bị kìm kẹp bởi một thứ vô hình mà ai cũng biết, điều đó khiến các tác giả khó mà viết hết sự sáng tạo của mình được, cũng vì vậy mà tôi cũng không đọc chúng nhiều. Nhưng không phải không có ngoại lệ, và Đội gạo lên chùa là một trong những ngoại lệ đó.

Có một người từng hỏi tôi thích tác giả nào của Việt Nam nhất, thật tình thì tôi chả thích ai ở bất kỳ lĩnh vực nào, vì thích rồi cũng sẽ có lúc không thích, tôi chỉ bị ấn tượng bởi một vài người mà thôi, ấn tượng thì không bao giờ mất. Tôi bị ấn tượng bởi Nguyễn Minh Châu, không phải vì đú theo trào lưu, mà vì cái cách mà ông khai thác đề tài, lấy bối cảnh của cuộc nội chiến nhưng lại không viết về chúng, như Bức Tranh, Bến Quê. Tôi cũng bị ấn tượng với Đội gạo lên chùa cũng chính vì thế, với một tác giả hoàn toàn xa lạ, Nguyễn Xuân Khánh.

Thứ mà ông kết hợp trong tác phẩm này vô cùng táo bạo và có thể gây tranh cãi, đó là chiến tranh và Phật giáo, nhưng tấc nhiên, cái cách mà ông khai thác lại vô cùng táo bạo hơn nữa, đó là những yếu tố mang tính chất “phản Phật giáo”. Là hoàn tục, là giết người, là ăn thịt.

Sư thúc của nhân vật chính (tôi không nhớ rõ là sư thúc hay sư bá) đã phải lòng một cô gái. Ông chia tay đức Phật, cùng với người mình thương xuống vùng đồng bằng. Cô gái bị mọi người gán cho tội mê hoặc nhà sư, bị phỉ báng như một kẻ tội đồ. Nhưng tình yêu thì làm gì có tội? Tội lỗi phải chăng là ở nhân duyên?

Chú tiểu của ngôi chùa, sau trở thành một cậu thanh niên cường tráng cũng chia tay với Phật. Cậu tham gia cách mạng, giết người, săn thú và cuối cùng kết hôn với cô gái mà nhân duyên đã áp đặt. Một nhà sư (tôi không nhớ rõ ông ấy là ai) trong một lần bị bệnh (cũng không nhớ bệnh gì, hình như là kiết lị), chữa trị thế nào cũng không hết, cuối cùng người ta phải cho ông uống nước bên trong có thịt thì mới khỏi.

Đó là những yếu tố có thể gây tranh cãi, nhưng nó lại mang đến cho ta những suy nghĩ cần phải thay đổi. Khi không còn theo Phật nữa, thì đó gọi là phản Phật hay chia tay với Phật? Vậy khi nào mới là phản Phật, khi nào mới là chia tay? Nếu không còn bên Phật nữa, nhưng người ta hạnh phúc với sự lựa chọn đó, thì Phật cũng sẽ rất vui lòng mà thôi. Có những quan niệm, những định kiến mà ta đã gán ghép một cách khuôn khổ cho tất cả các trường hợp, nhưng giờ ta phải nghĩ lại, phải suy xét xem nó có đúng trong trường hợp mà ta đang thấy hay không.

Tác phẩm làm tôi nhớ đến bộ phim Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring của đạo diễn Kim Ki Duk. Về những giai đoạn của cuộc đời con người, phàm là người thì làm sao tránh khỏi hỉ, nộ, ái, ố. Về những thứ mà con người ta khó mà tránh được, vì đó chính là một phần trong mỗi con người. Vì cuộc đời mà, ai mà biết được. Có khi đi tu sớm quá cũng không nên.

4 Responses

  1. em đoán nó là một cuốn sách hay, nhưng nghe anh tóm tắt thì lại chả muốn đọc nữa 😀

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang