Đôi điều thú vị về tiền có thể bạn biết rồi

Tiền thì ai mà chả biết. Nhưng có khi nào bạn tò mò và “soi” xem những tờ tiền mình đang sử dụng hàng ngày có gì không? Nếu có thì hãy đọc tiếp để xem chúng ta có soi giống nhau không nhé, còn nếu chưa thì hãy đọc xong rồi soi để xem nó thú vị như thế nào. Mấy ngày nay bận quá nên không viết gì được, đành viết vài dòng linh tinh vì lâu rồi chưa ra bài mới nào.

Những hình ảnh trên tờ tiền hoàn toàn không được tô màu

Hầu như tờ tiền của bất kỳ quốc gia nào cũng đề có hình ảnh một địa điểm nào đó. Mỗi tờ tiền còn có một màu sắc riêng để người ta dễ dàng phân biệt. Nhưng có bao giờ bạn nhìn thật kỹ vào những màu sắc đó không? Bạn sẽ rất ngạc nhiên đấy. Toàn bộ tờ hình ảnh của tờ tiền đều được tạo nên từ rất nhiều nét vẽ nhỏ li ti. Nó nhỏ và nhiều đến nỗi chúng ta nhìn vào cứ tưởng nó được tô màu như những bức ảnh thông thường, nhưng thật ra toàn bộ tờ tiền đều được tạo ra từ những nét vẽ to nhỏ khác nhau. Không tin cứ thử xem xem.

Xem cái này mới thấy phục mấy bác đã thiết kế ra tờ tiền. Toàn là vẽ những đường nét như vậy để tạo ra hình ảnh, lỡ hư một nét thôi cũng không được. Mọi đường nét trên tờ tiền đều phải hoàn hảo. Thời giờ có kỹ thuật số còn đỡ, thời hồi xưa khi chưa có kỹ thuật số không biết các cụ vẽ như làm sao.

Tiền giấy không được làm từ giấy

Nghe vô lý nhỉ. Nếu bạn dùng giấy rồi vẽ hoặc in ra môt tờ tiền rồi chơi trò buôn bán như hồi nhỏ chúng ta thường chơi, tôi dám cá với bạn là tờ tiền sẽ không thể tồn tại nỗi sau một ngày sử dụng. Vậy thì tại sao tiền thật lại có độ bền cao như vậy? Bởi vì nó không được làm bằng giấy. Tuy trông giống giấy như vậy nhưng thực chất phần lớn vật liệu làm nên tiền giấy là sợ coton. Nó còn được pha trộn nhiều phụ gia khác để tăng độ bền và bám mực trên tờ tiền. Cùng với “giấy”, loại mực để in tiền cũng là loại mực rất đặc biệt khiến nó không bị phai màu dù tờ tiền có tan nát đến nỗi không còn sử dụng được nữa. Công nghệ in tiền cũng là công nghệ tối tân nhất, nếu bạn dùng loại máy in tốt nhất và bản thiết kế chi tiết nhất cũng chưa chắc in được những đường nét cực kỳ nhỏ và nhiều như trên tờ tiền đâu.

Tờ tiền không chỉ có một màu duy nhất

Thoạt nhìn thì ta sẽ thấy mỗi tờ tiền có một màu, trừ tờ 200k có đến 2 màu. Nhưng thật ra nếu bạn để ý bạn sẽ thấy tờ tiền còn nhiều màu sắc khác nữa. Nhưng vì các cụ thiết kế quá hay nên sự hài hòa của nó khiến ta trông như nó chỉ có một màu duy nhất vậy. Nếu không tin hãy thử soi tờ tiền xem, nó còn có nhiều màu sắc khác nhau lắm.

Không ai biết hình ảnh trên tờ tiền 50k

Chúng ta đều biết tờ 500k có hình nhà của Bác Hồ, tờ 200k là hình vịnh Hạ Long, 100k là văn miếu Quốc Tử Giám, 20k là cầu chùa Hội An, 10k là mỏ dầu Bạch Hổ. Vậy hình ảnh trên tờ 50k màu hồng là gì? Đó là Nghênh Lương Đình – Phu Văn Lâu. Thật tình thì mình cũng không biết đó là nơi nào. Sau khi tra Google các kiểu thì mình mới biết đây là một di tích nằm trong quần thể Cố Đô Huế. Cách bạn có thể tìm hiểu thêm về các hình ảnh trên những tờ tiền trong bài viết này.

Một thời tiền xu

Khoảng thời gian những năm 2004 – 2005 là thời gian nhộn nhịp nhất của những tiền Việt Nam. Đó là khoảng thời gian nhà nước bắt đầu thay thế nhiều tờ tiền giấy truyền thống thành tiền polime. Tầm đến năm 2006 gì đó thì công đoạn đổi tiền polime hoàn tất với tờ giấy bạc 200k là tờ cuối cùng. 200k cũng là tờ tiền duy nhất có đến hai màu chủ đạo là màu xanh và màu đỏ.

Nhưng không dừng lại ở đó, thời đó còn xuất hiện một thứ làm ám ảnh biết bao người. Đó là tiền xu, có người còn gọi vui là tiền “cắt”. Ban đầu các cụ định phát hành nó để chuẩn bị cho những máy bán hàng tự động như những quốc gia Âu – Mỹ mà ta vẫn thường thấy trong phim. Các cụ đã dùng nhiều kích thước khác nhau thì chắc chắn đã tính đến chuyện này rất kỹ. Nhưng rồi không ai thấy máy bán hàng tự động đâu. Những bốt điện thoại thẻ ngày xưa cũng chả ai dùng. Tiền xu bắt đầu đi vào dĩ vãng, nhà nước dần thu hồi và phát hành tiền giấy trở lại.

Sở dĩ tiền xu lại bị chê nhiều như vậy là vì nó quá dễ bị rơi mất. Hồi đó mình từng nhặt được vài đồng xu trên sân trường, vui phết. Nó còn bị hoen rỉ theo thời gian nữa, có lẽ các cụ nên dùng chất liệu tốt hơn để đút tiền. Tầm năm 2005 gì đó, tiền giấy hoàn toàn biến mất. Những đồng tiền lẻ từ 200 đồng đến 5 nghìn đồng toàn tiền xu là tiền xu. Đúng là thảm họa. Mình nhớ không nhầm hình như xu 2k có hình nhà gông Tây Nguyên, xu 5k có hình Chùa Một Cột, những xu nhỏ hơn thì không có hình. Xu 200đ là quý nhất vì nó có giá trị sưu tầm rất cao. Hiện giờ các nước phương Tây họ vẫn còn sử dụng tiền xu trong thanh toán hàng ngày, có lẽ lúc đó chúng ta nghiên cứu kỹ hơn thì tốt hơn. Bây giờ máy bán hàng tự động cũng có ở một vài nơi, nhưng cũng chỉ chấp nhận thanh toán bằng vài loại mệnh giá thôi.

Hình ảnh trên tờ 200 đồng

Nếu bạn là một người thuộc thế hệ 9x trở về trước mà không biết đến tờ 200 đồng thì đúng là tuổi thơ bất hạnh. Tờ tiền mệnh giá 200 đồng có màu sắc chủ đạo là màu cam với hình ảnh phía sau là cánh đồng lúa với nhân vật chính là chiếc máy kéo. Trước khi chuyển sang tiền polyme, những hình ảnh trên tờ tiền thường gắn liền với hoạt động sản xuất hơn là địa danh. Hoạt động nông nghiệp trên tờ 200 đồng, kéo gỗ trên tờ 1000 đồng, ba cô công nhân dệt trên tờ 2000 đồng, nhà máy thủy điện trên tờ 5000 đồng (nó cũng là địa danh nhưng cũng là hoạt động sản xuất điện),… Mỗi một hình ảnh trên đó đều là những ngành sản xuất quan trọng và đáng tự hào đối với đất nước. Khi chuyển sang tiền polyme thì hình ảnh được thay thế bằng những địa danh, vì đất nước ta đã trải qua thời kỳ khó khăn rồi, không cần phải khích lệ tinh thần sản xuất nữa. Đã đến lúc cho bạn bè thế giới biết Việt Nam chúng ta có gì.

Riêng mình thì mình thích hình ảnh chiếc máy kéo nhất, có lẽ vì mình sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Là một người nông dân chân chính.

Hình ảnh Bác Hồ rất đặc biệt

Hình ảnh Bác Hồ trên những tờ tiền polime không chỉ đơn thuần là hình ảnh không đâu. Nếu bạn dùng ngón tay và cố tình “làm bị thương” Bác ở phần trán, Bác sẽ có “sẹo” đấy. Vết cào của bạn sẽ bị ửng màu lên hệt như da người vậy. Và nghe đồn là sao một thời gian nó sẽ hết. Mình cũng chưa bao giờ thử kiên nhẫn kiểm tra thử xem nó có mất thật không, chắc sau khi viết xong bài này sẽ kiểm tra thử.

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa tờ 20k và tờ 500k

Đã có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười vì sự nhầm lẫn này. Hai tờ tiền này có màu gần giống nhau nên rất dễ bị nhầm lẫn, nhất là trong điều kiện ánh sáng thấp. Chúng ta vẫn thường có thói quen nhìn vào màu sắc của tờ tiền hơn là nhìn kỹ các chi tiết. Chính vì vậy mà các cụ mới thiết kế mỗi tờ tiền đều có một màu chủ đạo để chúng ta dễ nhận biết. Nhưng các cụ lại tạo ra một lỗi tai hại khi hai tờ tiền này lại có màu quá giống nhau. Hồi đó các cụ nên dùng màu khác cho tờ 20k thì có lẽ đã không nhầm lẫn như vậy.

Người mù và người mù chữ vẫn biết sử dụng tiền

Thật khó tin, nhưng người mù chữ vẫn biết dùng tiền chẳng khác gì người biết chữ đâu nhá. Họ tính toán được giá cả và tiền thừa có khi còn hay hơn những người được ăn học đầy đủ. Còn người mù thì họ lại phân biệt được các tờ tiền khác nhau, thật là bái phục. Khoảng này phải khen cái tài của các cụ thiết kế tiền và cái tài của những người mù nữa. Những người thiết kế đã làm sao cho những từ tiền khác nhau sẽ có cảm giác cầm khác nhau, còn những người mù thì biết cách nhận biết chúng thông qua xúc giá. Thật là hay. Nếu không tin bạn có thể tìm vài người và test thử.

Tiền là thứ bẩn nhất, nhiều vi khuẩn hơn bồn cầu

Hãy thử đoán xem vòng đời của một tờ tiền từ lúc mới phát hành cho đến khi không còn sử dụng được nữa là bao nhiêu? Hầu hết những tờ tiền đều khô ráo trong suốt vòng đời của mình. Ai mà lại đem tiền đi rửa cơ chứ. Đó mới là vấn đề. Tiền truyền từ tay này qua tay khác, từ môi trường này qua môi trường khác, cũng vì thế mà vi khuẩn tích tụ trong tiền là nhiều nhất, nhiều hơn cả vi khuẩn trong bồn cầu. Đó không phải nói suông đâu, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra điều đó rồi.

Viết có nhiêu đó thôi cũng dài dòng rồi. Thôi thì khép lại bài tại đây thôi. Chào thân ái.

2 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang